Làm gì có… mà đợi với chờ!

Khi tôi viết những dòng này thì Đại hội XII của đảng Cộng Sản Việt Nam đang tiến hành. Tôi lướt qua những trang báo quốc doanh và cả quốc lậu. Đâu đâu cũng thấy người đang trông đợi một đấng minh quân, một cuộc cải cách.
Tôi thở dài xót thương cho những người nhẹ dạ cả tin. Làm gì có minh quân trong cái Đảng này mà đợi. Làm gì có đổi mới hay cải cách mà chờ. Nhìn vào chiến dịch huy động 5500 quân nhân đặc biệt tinh nhuệ, trang bi hiện đại, tập luyện trong mọi tình huống, để bảo vệ Đại hội XII, bạn có suy nghĩ gì không?

Bao nhiêu người thắc mắc. Có ai phá phách gì đâu mà Đảng phải làm ghê rợn thế. Còn tôi nhìn thấy ở Đảng vẫn giữ nguyên não trạng của một kẻ gian. Bởi vì, mình luôn gian lận, nên cho rằng người khác cũng như mình, phải ra đòn phủ đầu. Một người bạn làm ngành Y bảo: Đảng mang đầy đủ mọi dấu hiệu của chứng tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại, luôn luôn cho rằng có người ta đang rình mò phá hoại mình.

Tuần báo Time của Mỹ, phát hành khoảng 3.3 triệu bản mỗi tuần, số ra đầu tuần này nhận định về Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam rằng chính trị của Đảng này là không có đất sống cho những người có cá tính, chớ đừng nói gì đến chuyện đột phá hay cải cách.

Người nước ngoài không hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam bằng dân Việt, nhưng nhận xét của họ khá tinh vi. Có hằng hà những bằng chứng để chứng minh, nhưng sợ mất thì giờ của bạn, cho tôi nêu lên chỉ vài thí dụ.

Lê Duẩn chết tháng Bảy năm 1986. Cả nước reo vui. Có người sung sướng phải thốt lên “đất nước này giờ sống được rồi đây”. Cả Hà thành đổ ra đường, không phải vì thương xót anh Ba, mà vừa muốn thấy mặt bà Tư, bà Năm của anh Ba trẻ đẹp cỡ nào, vừa để mừng một con khủng long đã chết, một chướng ngại vật của lịch sử đã được tạo hóa gỡ bỏ.

Công cuộc “Đổi Mới” bắt đầu từ đó. Đại hội VI bầu ra Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Linh ném ra vài khẩu hiệu: “Cởi trói”, “Nói và làm”, “Những việc cần làm ngay”, “Chống im lặng đáng sợ”. Giới trí thức Bắc Hà tung hô ông chẳng tiếc lời, ví ông như “Đấng Cứu Thế”

Lê Duẩn phá tan xiềng xích Trung Hoa, chết chửa xong tang. Nguyễn Văn Linh lén lút qua Tầu làm đĩ đực. (Ấy chết, xin bạn đừng bảo tôi là tục tĩu. Cụm từ “những thằng đĩ đực” là của ông Linh gọi Lê Giản và Trần Văn Trà – Đèn Cù, Chương 21). Ông Linh đập đầu khấn vái với Giang Trạch Dân rằng Lê Duẩn chống Trung Quốc là sai. Ông hứa sửa sai. Rồi ông tâm sự: Ngay từ nhỏ ông đã thần tượng và học tập Mao, nay thề trung thành với Mao.

Tàu nắm được huyệt hiểm, mang quân chiếm đảo Gạc Ma vào tháng Ba 1988. Tàu bắn chết 64 lính hải quân Việt Nam trong khi phía Việt Nam không được phép nổ súng. Tàu chiếm không đảo Gạc Ma, không sứt cái móng tay.

Đấy cũng là một dạng của đổi mới. Nhưng đổi mới theo kiểu của ông Linh. Đánh đổi chủ quyền một hòn đảo và 64 nhân mạng để có đồng minh chống lại phe Lê Duẩn – Lê Đức Thọ đang đe dọa đến sự an toàn cho chiếc ghế của ông. Đó là chưa kể tới cuộc mật đàm ở Thành Đồ vào tháng 9/1990.

Ông Linh là Tổng bí thư của đổi mới nhưng tại sao lại loại bỏ tất cả những nhân vật có tư tưởng đổi mới: Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt ra khỏi ban lãnh đạo. Rồi ông chọn Đỗ Mười, một người vừa bảo thủ vừa có tiền sử tâm thần, văn hóa thấp, để làm Thủ tướng và Tổng Bí thư kế nhiệm.

Hôm nay, nhiều người lại đặt hy vọng vào 200 Ủy viên Trung ương, hay 1510 Đại biểu dự Đại hội có thể xoay chuyển được tình hình. Thưa bạn! Đó chỉ là bầy cừu không hơn không kém. Họ gặm cỏ tuyên huấn, uống nước tuyên giáo, và được chăn dắt bởi tuyên truyền, được nhốt trong cái chuồng Mác – Lê – Mao. Cộng thêm là cái ghế quyền lực và xấp đô-la đã làm cho họ hôn mê sâu, không còn tri giác, mất khả năng tư duy.

Xin bạn đừng bảo tôi là ngoa ngôn. Nếu họ biết tư duy sao họ lại bầu ra những nhân vật Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư trong suốt năm kỳ đại hội, trải dài trong ba thập kỷ. Bạn hãy chỉ ra những con người trên ai là người đổi mới. Hẳn bạn có câu trả lời.

Bữa qua, tờ New York Time có trích đăng ý kiến của Luật sư Nhân quyền nổi tiếng Lê Công Định, đang bị quản thúc tại gia, về Đại hội XII. Anh Định bảo: “hoàn toàn thờ ơ” (totally indifferent) với sự kiện này. Anh coi đó chỉ là trò thay nhau giữ ghế và giữ vững nồi cơm.

Một blogger đưa ra một nhận xét thú vị. Đại hội nào Đảng cũng bảo là một “bước ngoặt quan trọng”, “bước ngoặt lịch sử” … Cứ ngoặt mãi, ngoặt mãi thì Đảng đưa dân tộc đi đâu?

Trần Đĩnh, tác giả của cuốn Đèn Cù viết “Hy vọng không trọng lượng nhưng đã đè sập bao đời người”.

Bạn còn trông mong gì ở cái Đảng này mà đợi mà chờ, mà hy vọng. Hơn năm thế hệ người Việt Nam đã bị Đảng đè sập. Thế hệ của con bạn cũng bị đè sập nốt sao?

Thôi về đi. Không có đổi mới đâu mà đợi. Chẳng có minh chủ nào mà chờ. Đã 72 tuổi, tài năng lơ mơ, ăn nói lờ mờ, muốn ở lại thêm khóa nữa, nhưng miệng lại rao giảng không “tham vọng quyền lực”… Bạn có dám gởi gắm niềm tin vào con người đó không?

January 22, 2016
Trần Hồng Tâm

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt