Lại cơ hội nữa cho Việt Nam thoát khỏi nanh vuốt Trung Cộng
Tình hình Việt Nam trước khúc quanh lịch sử …bài của bình luận gia Lý Đại Nguyên
LẠI MỘT CƠ HỘI NỮA CHO VIỆT NAM
THOÁT KHỎI NANH VUỐT CHÍNH TRỊ TRUNG CỘNG
Trước các nhà lãnh đạo 16 nước châu Á dự hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á thứ 17, tại Hànội ngày 30/10/2010, nữ ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton đã nhấn mạnh trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ “trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông và tự do hàng hải trong vùng, vì tình hình căng thẳng phát sinh từ các tranh chấp chủ quyền trên biển đe dọa đến quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và quyền tự do hàng hải quốc tế”. Đồng thời nói rõ: “khi ở đây xuất hiện các tranh chấp về lãnh hải, chúng tôi cam kết tham gia giải quyết các tranh chấp đó một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp và tập quán quốc tế”. Theo ký giả RFI, Lucie Moulin :”Dù chỉ là khách mời, trong khi chờ đợi quy chế chính thức trở thành hội viên Thượng Đỉnh Đông Á vào năm 2011, Hoa Kỳ đã mặc nhiên đã đóng vai trò người bảo vệ khu vực, công khai chống lại Trung quốc, điều mà bản thân các nước trong vùng không dám làm dù bị Bắckinh chèn ép”. “Vào sáng thứ bảy 30 tháng 10 tại Hà nội, ngoại trưởng Hillary Clinton đã thúc dục Trung quốc phải chấp nhận ý tưởng về ‘ Một Bộ Quy Tắc Ứng Xử’ cho các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực”. Kết cục thì 2 bên Asean và Trung quốc cũng đã đạt được thỏa thuận mở ra một hội nghị bàn về về Một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông Nam Á vào tháng 12 này.
Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á, Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng Việt Cộng cho hay: “Việt Nam đã quyết định tự mình xây dựng cảng Cam ranh bằng nguồn lực của mình, xây dựng ở Cam ranh một trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp để bảo đảm phục vụ cho lực lượng hải quân của quân đội nhân dân Việt Nam”. “Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ như nhiều nước khác trên thế giới cũng đã làm. Tại trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp Cam ranh sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các nước trên thế giới nếu có yêu cầu, kể cả tàu ngầm đến để xin cung cấp dịch vụ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm, và đương nhiên cung cấp theo cơ chế thị trường”. Thế là Việt Nam đã “quốc tế hóa” cảng quân sự nước sâu tốt nhất Á châu, mà Mỹ đã xây dựng trong thời chiến tranh Việt Nam, để cho hải quân thế giới ra vào nghỉ ngơi, tu sửa. Lẽ đương nhiên hải quân Hoa Kỳ ở phía Tây Thái Bình Dương rất cần địa điểm này.
Bên lề hội nghị, nhân sự có mặt của tổng thống Nga, Dmitry Medvedev tại Hà nội, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam, trị giá khoảng 5.6 tỷ Mỹkim. Việt Nam dự trù xây 8 nhà máy điện nguyên tử, mở đầu dành cho Nga, tiếp đến là Nhật, Pháp và Mỹ, không có Trung cộng. Riêng Mỹ và Cannada đã ký kết hợp tác với Việt Nam về phát triển nhiên liệu nguyên tử, đây là điểm căn bản của kỹ nghệ hạt nhân vì hòa bình. Đồng thời Việt Nam đã chọn Nhật bản làm đối tác trong việc hợp tác khai thác kim loại đất hiếm dùng trong các sản phẩm công nghệ cao, như máy tính xách tay, điện thoại di động, xe hơi hybrid…nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Trung cộng, vốn cung cấp 97% lượng đất hiếm này cho thế giới. Mà hiện nay Trung cộng đã ngưng cung cấp cho Nhật bản, sau khi có tranh chấp ở đảo Senkaku- Điếu Ngư tại vùng Hoa Đông. Thủ tướng Nhật, Naoto Kan hứa: “sẽ giúp Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử và đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2”. Tuy trước đó, vào ngày 29/10/2010 phát biểu tại Honolulu-Hawaii, bà Clinton trong một bài diễn văn quan trọng về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Á Châu-Thái Bình Dương đã khẳng định: “Quan điểm của Mỹ không phải là kẻ thắng người thua trong quan hệ với Trungquốc”. “Ở thế kỷ 21, chẳng có lợi cho ai, nếu Mỹ và Trungquốc xem nhau như thù địch”. Đúng là Mỹ không hề coi Trung Cộng là đối thủ cần phải tiêu diệt, mà chỉ xác định vị thế lãnh đạo Á châu, để sắm vai trò điều giải tranh chấp trong vùng giữa Asean, Nhật, Ấn với Trung Cộng. Chính vì vậy, các nước trong vùng hết sợ Trung Cộng đe dọa. Về phiá Việt cộng thì ngoài miệng vẫn phải tỏ ra khúm núm trước Trung Cộng, nhưng qua hành động ký kết với các cường quốc trên thế giới nêu trên, thì thực tế là đang qua mặt Trung Cộng mà không bóp còi rồi. Có lẽ thấy rõ vai trò thủ tướng quá nổi bật của Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á và trên dư luận thế giới, nên Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc Hội, cầm đầu nhóm thân Tầu, đang ra sức giành chiếc ghế Tổng Bí Thư đảng, đã bật đèn xanh cho các đại biểu Quốc Hội đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng, và các thành viên chính phủ trong vụ Vinashin, mà đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng. Đây là một hiện tượng hấp dẫn, độc đáo trong sinh hoạt của Quốc Hội bù nhìn của hệ thống Đảng Trị. Nhưng thực ra thì Phạm Thanh Bình chủ tịch hội đồng quản trị Vinashin, còn là Bí Thư Đảng Ủy của tập đoàn này nữa. Nên việc bất tín nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng thì chưa đủ, mà phải hỏi tội luôn Tổng Bí Thư, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thứ, Trưởng ban Tổ Chức Đảng, Trưởng ban Kinh Tế Đảng. Vì quyết định về việc làm ăn của Vinashin, cũng như bất cứ một tổng công ty quốc doanh nào đều do đảng chủ đạo, còn chính phủ chỉ là cấp thừa hành. Việc Quốc Hội nên làm hiện nay là buộc đảng và chính phủ phải ngưng ngay việc để cho Trung Cộng độc quyền khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, vì là tai họa bùn đỏ đang đe dọa Việt Nam.
Đây là cơ hội thứ 2 và cũng là cơ hội cuối cùng để Việt Nam thoát ra khỏi nanh vuốt chính trị của Trung Cộng. Lần trước trong cuộc chiến tranh Việt Cộng –Khmer Đỏ, Hoa Kỳ và thế giới đã đề nghị Việt Cộng rút quân ra khỏi Campuchia để được nhận vào khối Asean, nhưng Việt Cộng sợ Mỹ dùng Campuchia làm bàn đạp đưa quân Việt Nam Cộng Hòa trở lại chiếm Việt Nam, nên đã không dám. Chỉ sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 09/11/1989, Liên Sô bó tay, Việt Cộng mới cuống cuồng rút quân. Nhưng lại không được Hoa Kỳ và Asean đón nhận, nên năm 1991 Liên Sô tan vỡ, Việt Cộng lâm vào tình thế ‘chó mất chủ’ nên lãnh đạo Việt Cộng là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng mới vội sang Thành Đô Trung Hoa gặp Đặng Tiểu Bình, Giang Trạnh Dân, Lý Bằng, xin thần phục trở lại với Trung Cộng. Kể từ đó đến nay Việt Nam bị đặt trong nanh vuốt chính trị của Bắc kinh. Qua việc Trung Cộng cướp Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam, chiếm toàn cõi Biển Đông đã đe dọa an ninh toàn khu vực, khiến Mỹ danh chính, ngôn thuận trở lại Á châu. Nay Việt Nam đã nằm trong khối Asean, được Mỹ công khai nhận trách nhiệm lãnh đạo Á châu-Thái Bình Dương, sắm vai trò người bảo vệ. Rồi được cả các cường quốc Á châu như Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan kể cả Nga và Âu châu cùng hỗ trợ và hợp tác toàn diện với Việt Nam. Giờ đây là lúc Việt Nam cần phải gỡ bỏ những vướng cản về hội nhập với các nước Dân Chủ, nhất là với Hoa Kỳ . Theo bà Clinton thì: “Hoa Kỳ vẫn còn quan ngại về việc (Việt Nam) bắt giữ và kết án những người bất đồng chính kiến ôn hòa, đè nặng lên các nhóm tôn giáo, kiềm chế tự do internet, bao gồm cả các blogger. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, và chúng tôi tin rằng cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người là một phần thiết yếu trong việc nhận ra tiềm năng đó”. Các đảng viên Cộng sản Việt Nam còn lương tri, còn tình tự dân tộc, biết tự trọng và tự ái hãy thẳng tay loại bỏ bọn thân Trung Cộng ra khỏi cương vị lãnh đạo, nắm lấy cơ hội ‘ngàn năm một thuở này, liệng bỏ thứ Xã Hội Chủ Nghĩa chết tiệt đi, để Dân Chủ Hóa chế độ, phát triển đất nước, chủ động gia nhập tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và dân chủ hóa toàn cầu, trong đó có cả Trunghoa.
Little Saigon ngày 02/11/2010.