Kim Jong Un – Donald Trump “nắn gân” nhau ở Thái Bình Dương
Thái Bình Dương đang trở thành “đấu trường” của hai nhà lãnh đạo khó lường. Một bên là lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, một nhà quân phiệt có khuynh hướng hoang tưởng, tự cho mình gần như thượng đế, theo đuổi tham vọng vũ khí nguyên tử tác chiến; còn bên kia là Donald Trump, một tổng thống Mỹ “bắn” Tweet mau lẹ, một người khó đoán và sắp đến 100 ngày nhậm chức chủ nhân Nhà Trắng, tự cam đoan “giải quyết vấn đề Bắc Hàn”.
Theo xã luận “Trò chơi nguy hiểm ở Thái Bình Dương” trên nhật báo Le Monde (26/04/2017), Lãnh đạo Cộng Sản Bấc Hàn và TT Mỹ sinh ra không phải để hiểu nhau. Điều này thật nguy hiểm ! Trong thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Nga đã học cách đối thoại. Mỗi bên hiểu khá chính xác về cách nhận thức của đối thủ. Kết quả là có được một loạt các thoả thuận lớn về việc kiểm soát và giải trừ một phần vũ khí nguyên tử của hai “ông lớn” vào thời kỳ đó.
Thế nhưng, điều này dường như không xảy ra trong trò chơi tay ba tại Thái Bình Dương. Ở Bắc Hàn, Kim Jong Un tăng cường các vụ bắn hỏa tiễn và thử hạt nhân. Cháu nội của nhà lãnh đạo khai sinh chế độ độc tài toàn trị đang cầm quyền ở Bình Nhưỡng đủ sức đe dọa Nam Hàn và Nhật Bản. Mối đe dọa này dù chưa vươn tới bờ Tây của Hoa Kỳ, nhưng Kim Jong Un vẫn đang cố gắng…
Còn tại Mỹ, tổng thống Donald Trump rầm rộ đưa ra hết cảnh báo này đến cảnh báo khác nhắm vào lãnh đạo trẻ họ Kim. Với Nhà Trắng, không có chuyện để nguyên tình trạng hiện nay : “Chúng ta phải giải quyết” và “nếu Trung Cộng không giúp thì chúng ta sẽ tự làm”, tổng thống Trump vẫn thường nhắc như vậy. Còn tại Bắc Kinh, chính quyền Tập Cận Bình dù bề ngoài tuyên bố vô cùng thất vọng về Kim Jong Un, nhưng bên trong vẫn tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho đồng minh khó chơi này.
Vậy mục tiêu của mỗi bên là gì ? Có được vũ khí nguyên tử là lá bùa bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bắc Hàn. Chiến lược của Kim Jong Un là làm cho cả thế giới tin rằng ông ta sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử trước tiên, nếu ai đó muốn lật đổ ông. Tổng thống Donald Trump lại cho rằng vấn đề Bắc Hàn làm một thành tố trong quan hệ Trung-Mỹ: Để có được mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế và chiến lược với Hoa Kỳ, Bắc Kinh phải thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo ưu tiên để tình trạng Bắc Hàn nguyên trạng. Chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ dẫn đến việc bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự chỉ đạo của Nam Hàn, đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Hiện lực lượng Mỹ đồn trú ở Nam Hàn. Nếu thống nhất Nam-Bắc Hàn, lính Mỹ sẽ có mặt ngay gần cửa ngõ Trung Cộng. Với Bắc Kinh, đây là điều không chấp nhận được. Nếu Washington vẫn muốn gắn các hồ sơ với nhau, thì Bắc Kinh còn có một yêu sách khác. Đó là Hoa Kỳ ngừng phản đối sự thống trị của Trung Cộng ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ từng tỏ ra không ngại dùng đến sức mạnh, như ở Syria hay Afghanistan đã làm. Với hồ sơ Bắc Hàn, biện pháp có khả năng xảy ra nhất là tiếp tục chính sách trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng. Thế nhưng, các biện pháp này chưa bao giờ khiến Kim Jong Un chùn bước. Biện pháp được hy vọng nhất có lẽ là một cuộc đàm phán chiến lược thực sự giữa Mỹ và Trung Cộng. Điều này cũng nhằm lấp đầy khoảng trống an ninh, trong đó có cả khu vực Thái Bình Dương, một trong những vùng năng động nhất thế giới.
Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng bằng tầu ngầm và tầu sân bay
Ý định giải quyết vấn đề Bắc Hàn của Mỹ và sự ngờ vực của Kim Jong Un khiến tình hình tại Đông Bắc Á trở nên dầu sôi lửa bỏng chưa từng có. Trong bài “Trump cảnh báo Bình Nhưỡng”, nhật báo Le Figaro cho rằng sự xuất hiện của tầu ngầm USS Michigan trong vịnh Busan, Nam Hàn, là dấu hiệu gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tầu ngầm của Mỹ được trang bị hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn Tomahawk có khả năng tấn công lãnh thổ Bắc Hàn chỉ trong vòng vài phút. Hành động này nhằm cảnh cáo ý định tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu của Kim Jong Un. Trước “lãnh tụ tối cao” của Bắc Hàn, tổng thống Mỹ lên gân quân sự, đúng ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên trong khi chờ tầu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực.
Từ nhiều ngày nay, chế độ Bình Nhưỡng không ngừng đe dọa một “cuộc chiến toàn diện” chống Washington trên khắp các phương tiện truyền thông Nhà nước Bắc Hàn. Những lời tuyên bố hùng hồn đó không làm đảo lộn cuộc sống người dân Bắc Hàn, họ vốn đã quen với những lời kêu gọi tổng động viên và tình trạng giới nghiêm từ vài chục năm nay.
Tuy nhiên, giống nhận định trong bài xã luận của Le Monde, Le Figaro cho rằng lựa chọn ngoại giao dường như vẫn được Washington ưu tiên, với lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc trừng phạt mạnh hơn Bắc Hàn của tổng thống Mỹ. Cả Washington và Tokyo yêu cầu cấm vận dầu lửa đối với Bình Nhưỡng, vẫn được trung chuyển qua Trung Cộng. Dưới sức ép, Bắc Kinh đôn đáo trên mặt trận ngoại giao để tránh một cuộc khủng hoảng ngay sát biên giới, có thể sẽ dẫn đến sự hỗn loạn tại vùng biên giới đông bắc.
Le Figaro dẫn lại lời của China Daily, “các nhà chiến lược của Bình Nhưỡng diễn giải sai lệch các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Theo họ, trừng phạt nhắm vào các cuộc thử hạt nhân và hỏa tiễn, chứ không phải nhằm vào chế độ hay các nhà lãnh đạo”. Trong một bài xã luận, mang mầu sắc cảnh cáo cuối cùng, China Daily viết : “Họ (chế độ Bình Nhưỡng) đánh giá quá cao một cách nguy hiểm lực lượng của mình và đánh giá thấp mối hiểm họa ngày càng lớn dần”.
Người dân Trung Cộng vùng biên sống trong lo sợ các vụ thử hạt nhân
Cuộc sống tại thị trấn Malugou, nằm sát biên giới Trung-Triều, thuộc tỉnh Cát Lâm (Jilin) của Trung Cộng, dường như vẫn giữ nhịp độ thanh bình, theo phóng viên của Le Figaro. Người dân vẫn chơi bài và dường như không ý thức được rằng lãnh đạo Bắc Hàn có thể cho tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu tại khu Punggye-ri, cách đó chỉ khoảng 100 km.
Trả lời phóng viên của Le Figaro, một số dân làng cho biết không bận tâm đến các hành động huyênh hoang của nhà lãnh đạo nước láng giềng vì “dù sao, họ không thể chuyển nhà đi nơi khác”, một số khác thì không giấu vẻ bối rối vì họ cảm thấy “đất rung chuyển trong lần thử hạt nhân gần đây nhất” vào tháng 09/2016 và “một quả hỏa tiễn bị phóng thất bại đã rơi xuống vùng”. Họ cũng “lo lắng vì sóng bức xạ và tác động đến dân chúng”. Thế nhưng, một cụ già 72 tuổi lại tỏ ra lạc quan vì “Kim Jong Un không tìm cách gây chiến, vì chiến tranh sẽ khiến ông ta mất quyền lực”.
Bên cạnh mối nguy hiểm có vẻ xa xôi đó, người dân còn lo lắng cho tương lai của vùng : “Thanh niên đi học ở các thành phố lớn và không trở về, vì ở đây không có việc làm. Trước đây, chúng tôi còn được khai thác gỗ, nhưng giờ đã bị cấm”. Trong những năm vừa qua, nhiều khu vực thể thao mùa đông được đầu tư mạnh ở vùng đông bắc đã tạo việc làm cho người dân địa phương.
Thế nhưng, những khách sạn ở đây khó lòng mà thu hút được khách nếu Kim Jong Un còn giữ thói quen “làm các bức tường rung chuyển”, phóng viên của Le Figaro hài hước kết luận.
Thu Hằng điểm báo (RFI)