Kiến trúc sư của ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’ bước ra sân khấu…

Vương Hộ Ninh – Uỷ viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Cộng – Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Sách Trung Ương

Tại Đại hội 19 đảng Cộng Sản (CS) Tàu Cộng vừa diễn ra, công chúng dường như đang chứng kiến một “thời đại mới” của nước Trung Hoa đang mở ra, với sự lên ngôi của”tư tưởng” Tập Cận Bình, người từ giờ thâu tóm mọi quyền lực trong tay, chấm dứt thời kỳ quyền lực được chia năm sẻ bảy. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, viễn cảnh”thời đại mới” mà ông Tập Cận Bình chủ trương trên thực tế chỉ là một giai đoạn tiếp nối của chế độ”chuyên quyền/độc tài” của Trung Cộng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Kiến trúc sư của ý thức hệ chính trị này, người được mệnh danh là “Kissinger Trung Cộng”, vừa trở thành một trong 7 thành viên thường vụ Bộ Chính Trị đảng CS tàu Cộng, cơ quan quyền lực tối cao tại Trung Cộng, cũng là một”quốc sư” của hai đời lãnh đạo tiền nhiệm.
Trang quốc tế, báo Le Monde hôm nay, 26/10/2017, có bài “Vương Hộ Ninh, quân sư của chế độ, bước ra sân khấu“. Nội dung chính của bài viết được chắt lọc từ một bài nghiên cứu mới đây của nhà Trung Hoa học Jude Blanchette, mang tựa đề “Giấc mơ chuyên quyền mới của Vương Hộ Ninh” (có tài liệu dịch Vương Hỗ Ninh)

Đến với Giang Trạch Dân từ năm 1995

Giáo sư Vương Hộ Ninh (Wang Huning) đã được lãnh đạo Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) đưa lên Bắc Kinh từ năm 1995, khi ông còn là trưởng khoa luật Đại học Phục Đán (Fudan), ở Thượng Hải. Vào thời điểm đó, ông Vương đã là một học giả trẻ, thành đạt, tác giả của cả chục cuốn sách. Học giả tứ tuần này cũng là người quyết liệt chống lại  “nạn tham nhũng trên thượng tầng chế độ “, được coi là mối đe dọa đối với sự tồn vong của đảng CS Tàu Cộng (sau hai biến cố chấn động Thiên An Môn 1989 và Liên Xô sụp đổ 1991).

Vương Hộ Ninh được bổ nhiệm phụ trách ban nghiên cứu chính trị của Trung tâm nghiên cứu chính sách trung ương, cơ quan tư vấn của ban lãnh đạo đảng CS Trung Cộng. Năm 2002, giáo sư Vương Hộ Ninh trở thành ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CS. Tên tuổi của giáo sư Vương gắn liền với các quan điểm mới trong cương lĩnh của đảng CS Trung Cộng, như thuyết  “Ba Đại Diện” (2002) thời Giang Trạch Dân, quan điểm  “Phát Triển Khoa Học” (2007) thời Hồ Cẩm Đào, và giờ đây là  “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Ông Vương Hộ Ninh từng theo học tiếng Pháp, ngôn ngữ mà ông thành thạo, trước khi được đào tạo về chính trị quốc tế và luật. Sau khi trở thành giáo sư, ông đã có nhiều chuyến công du Hoa Kỳ, với tư cách nhà nghiên cứu, trong những năm 1980. Chính trong các chuyến đi này, Vương Hộ Ninh rút ra một nhận xét: Washington là đối thủ lớn nhất của Trung Cộng. Năm 1991, ông Vương xuất bản cuốn sách  “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ”, nhằm lý giải sức mạnh cùng các nhược điểm của siêu cường số một thế giới.

Kinh nghiệm Mỹ và  “con đường phục hưng”

Vào thời điểm đó, giáo sư Vương khẳng định nghĩa vụ của một trí thức Trung Cộng là hiểu được vì sao một nền văn minh Trung Hoa hơn 2000 năm có thể suy tàn, trong lúc một quốc gia trẻ như Hoa Kỳ, với lịch sử 200 năm, lại có thể vươn mình thành cường quốc đứng đầu thế giới. Vương Hộ Ninh nhấn mạnh là mọi trí thức Trung Cộng  “phải làm điều này”,  vì  “đây là một phương tiện để hiểu rõ hơn thế giới và chính mình, để tìm kiếm con đường làm Trung Cộng trở nên hùng mạnh và thịnh vượng”. Đây chính là những cơ sở đầu tiên cho chủ trương  “phục hưng Trung Cộng” của  “tổng bí thư Tập”.

Những năm 1980 cũng là thời gian mà Vương Hộ Ninh quan tâm đến hệ thống pháp luật. Trong một bài viết năm 1986, giáo sư chính trị Đại học Thượng Hải giải thích sở dĩ Cách Mạng Văn Hóa gây ra nhiều hậu quả, là do  “không có sự phân chia quyền lực, giữa công an, công tố và tòa án”. Một quan điểm như vậy rất được chia sẻ trong giai đoạn mở cửa chính trị ngắn ngủi này.

Tuy nhiên, ngay sau đó, giáo sư Vương Hộ Ninh đã trở thành một trong những trí thức tiêu biểu ủng hộ cho một  “quyền lực tập trung mạnh”,  “phân phối hiệu quả các nguồn lực”, đồng thời  “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng”. Các tư tưởng nói trên được thể hiện trong một bài viết trên tạp chí của Đại học Phục Đán, tháng 3/1988, mang tựa đề  “Phân tích về các hình thức cầm quyền trong quá trình hiện đại hóa”. Vương Hộ Ninh trở thành một đại diện cho trường phái tư tưởng chính trị  “chuyên quyền mới” (néo-autoritarisme).

Nàng  “tự do” và chàng  “chuyên chế”

Nhà Trung Hoa học Jude Blanchette, trong bài viết  “Giấc mơ chuyên quyền mới của Vương Hộ Ninh”, nhấn mạnh là cần phải nắm được lý thuyết chính trị nói trên để hiểu được  “giai đoạn siêu bảo thủ hiện nay tại Trung Cộng”.

Theo Jude Blanchette, học thuyết chuyên quyền mới có điểm chung là chủ trương  “ổn định chính trị” là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế, và những vấn đề khác, như dân chủ và tự do cá nhân sẽ đến sau, khi các điều kiện được hội đủ. Một trong những cộng sự nỗ lực củng cố tư tưởng  “chuyên quyền mới”, cùng với Vương Hộ Ninh, là kinh tế gia Ngô Gia Tường (Wu Jiaxiang).

Nhà nghiên cứu của Trung Ương đảng CS Trung Cộng biện minh cho giai đoạn chuyên quyền mới trong thời kỳ kinh tế mở cửa, với hình ảnh ví von như sau. Trước khi chàng  “dân chủ” và nàng  “tự do”   “kết hôn” được với nhau, có một thời kỳ gần gũi giữa nàng  “tự do” và chàng  “chuyên chế”. Nếu như  “dân chủ”  và  “tự do” sẽ có suốt cả một đời chung sống, thì có thể coi anh chàng  “chuyên chế” là tình nhân của nàng  “tự do” trước cuộc hôn thú chính thức.

Quan điểm của một bộ phận nhóm chuyên quyền mới nhìn chung tóm lại là: nếu không có “trật tự xã hội”, thì không thể có được “tự do và dân chủ”. Trường phái  “chuyên quyền mới” Trung Cộng coi các con hổ châu Á thành công trong cuộc hiện đại hóa mới đây, như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, là các kinh nghiệm sống, cho thấy hiện đại hóa kinh tế  “đòi hỏi (hoặc ít nhất cùng tồn tại với) một hệ thống chính trị quyết đoán”. Theo họ, một giai đoạn chuyên quyền như vậy  “không phải là quay lui về quá khứ”, mà đây chỉ là  “một giai đoạn chuyển tiếp”, trong đó giới tinh hoa có nghĩa vụ dẫn dắt dân chúng tiến lên.

Một lý thuyết từng bị gạt sang lề

Nhà Trung Cộng học Jude Blanchette điểm lại là quan điểm  “chuyên quyền mới” đã từng được hưởng ứng sôi nổi tại Trung Cộng vào cuối những năm 1980, đặc biệt vào thời điểm trước cuộc thảm sát Thiên An Môn, tháng 6/1989, trong tình hình cải cách kinh tế diễn ra quá nhanh chóng khiến đảng CS mất khả năng kiểm soát. Xử lý thế nào mâu thuẫn giữa xu hướng phân quyền không thể tránh khỏi và đòi hỏi duy trì ổn định trên quy mô toàn quốc là một thách thức không có lời giải vào thời điểm đó.

Vào tháng 3 năm đó, Triệu Tử Dương, tổng bí thư đảng CS Tàu Cộng vào thời điểm đó hỏi ý Đặng Tiểu Bình:  “Hiện nay tại các nước ngoài, có một lý thuyết về chuyên quyền mới, một số nhóm lý luận trong nước cũng đang thảo luận về vấn đề này “.  Lãnh đạo họ Đặng, người nắm quyền thực sự lúc đó, đáp:  “Đây cũng là ý tôi”.

Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, Triệu Tử Dương bị thanh trừng, học thuyết  “chuyên quyền mới”  bị dẹp, mọi nhắc gợi đến một hệ thống chính trị dân chủ hơn sau thời  “chuyển tiếp được cai trị với bàn tay sắt” đều bị gạt bỏ, Trung Cộng bước vào thời kỳ  “tân bảo thủ” trong những năm 1990, đổ xô về với những gì được coi là cội rễ dân tộc.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Jude Blanchette, cả hai quan điểm chính trị  “chuyên quyền mới” và  “tân bảo thủ” đều tiếp tục phát triển song hành trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông Tập Cận Bình (2012-2017).

Giáo sư Vương làm gì khi  “ổn định” đã có ?

Bài phân tích khép lại với nhận xét: Từ hơn 20 năm nay, kể từ khi về trung ương, giáo sư Vương Hộ Ninh không còn viết thêm gì về  “thuyết chuyên quyền mới”, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có cần viết gì nữa không, khi giờ đây  “trật tự và ổn định đã khải hoàn” và tuy  “bầu trời vẫn ở trên cao, nhưng Hoàng đế đã gần hơn bao giờ hết (*)” ?

Điều đó có thể được hiểu là giờ đây khi các điều kiện ổn định đã hội đủ, liệu ông Vương có tiếp tục giấc mơ chuyển tiếp từ chuyên chế sang dân chủ, chưa hoàn thiện năm nào ? Hay  “thuyết chuyên quyền mới” mà ông từng chủ trương rút cục cũng chỉ là một phương thức hiện đại và hấp dẫn, để biện minh cho truyền thống cai trị độc đoán ngàn năm của đế chế Trung Hoa ?

—-

(*) Theo nhà Trung Hoa học Jude Blanchette, một cảm nhận phổ biến của người Trung Hoa, tương truyền có từ thời nhà Nguyên (thế kỷ 13-14), “Hoàng đế xa như Trời cao” (Thiên cao, Hoàng đế viễn). Sau giai đoạn  “hỗn loạn” Cách Mạng Văn Hóa, do Mao khởi xướng (kéo dài từ năm 1966 đến giữa những năm 1970), nhiều người Trung Hoa, trong đó có giáo sư Vương Hộ Ninh, càng thấm thía điều này, càng  “kiên quyết tìm cách kéo Hoàng đế (tức lãnh đạo tối cao) về thật gần”. Một ám ảnh khác xuyên suốt thời kỳ dạy học và nghiên cứu của giáo sư Vương là tình trạng chính quyền trung ương phó thác hoàn toàn quyền lực cho nhiều thủ lĩnh địa phương, trong giai đoạn mở cửa kinh tế  “hậu Mao”, được coi là một nguồn hỗn loạn khác.

Điểm báo RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt