Kiểm duyệt Trung Quốc thẳng tay xóa bỏ sự kiện Thiên An Môn
Từ hơn hai thập niên qua, cứ mỗi tháng Sáu là các viên chức kiểm duyệt và an ninh tại Trung Quốc đã phải làm việc cật lực để ngăn chặn mọi thông tin về phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn, đã bị quân đội thẳng tay đàn áp.
Với đà phát triển của internet, công việc này càng lúc càng trở nên khó khăn hơn và đôi khi dẫn đến những hành động cực kỳ vô lý. Kỷ niệm lần thứ 24 vụ thảm sát Thiên An Môn năm nay cũng không ra ngoài thông lệ đó.
Trong những ngày qua, các địa danh như Thiên An Môn, bằng cả tiếng Hoa lẫn tiếng Anh hay chữ tắt TAM đều bị kiểm duyệt, cũng như các từ “quảng trường”, “kim thủy kiều”, “trường an nhai”… những địa danh gợi lên vụ thảm sát hay phong trào đòi dân chủ vào năm 1989. Tên của một số người liên quan đến phong trào này cũng bị ngăn chặn, từ các ông Triệu Tử Dương, Hồ Diệu Bang, cho đến những người như Lý Bằng, Đinh Tử Lâm …
Lẽ dĩ nhiên, các từ ngữ, chữ số gợi đến thời điểm mồng 4 tháng Sáu năm 1989 này cũng bị ngăn chặn nghiêm ngặt, từ dạng chữ số Ả Rập thông thường, chữ số La Mã, cho đến những ký tự chữ Hán “lục”, “tứ”, hoặc các từ tiếng Anh “june”, “six” “four”, hay tiếng Hán bính âm “liusi” tức là “lục tứ”, hoặc “bajiu”, tức là “bát cửu”…
Ngay cả những ám ngữ, ám số mà các cư dân mạng Trung Quốc hay dùng để luồn lách qua màng lưới kiểm duyệt cũng bị chính quyền đưa vào danh sách đen như 6424 hay 64+24, hàm nghĩa “sinh nhật thứ 24 của ngày mồng 4 tháng 6”, hay là 63+1, 65-1 đều bằng 64. Thậm chí các từ khóa như “bát bát” cũng bị ngăn chặn vì có nghĩa là “8 lần 8 bằng 64”.
Năm nay, giới kiểm duyệt còn mạnh tay hơn nữa khi ngăn chặn cả những từ ngữ hết sức thông thường như “kim thiên” (hôm nay), minh thiên (ngày mai), na niên (năm ấy), na thiên (ngày ấy), “đặc thù đích nhật tử” (ngày đặc biệt) …
Trên phương diện hình ảnh, lẽ dĩ nhiên là các bức hình gợi lại vụ Thiên An Môn vào năm 1989 đều bị xóa bỏ, nhất là bức ảnh nổi tiếng của chàng thanh niên đứng chận đường xe tăng, thường được gọi theo tiếng Anh là Tank man.
Vỏ quýt dày móng tay nhọn. Trong những ngày qua, trên internet, rồi trên mạng vi bác của Trung Quốc, đã xuất hiện một bức hình ghép bốn con vịt bằng nhựa màu vàng nối đuôi nhau trước chàng thanh niên đứng chận xe tăng ngày xưa. Ý tưởng kỷ niệm về sự kiện Thiên An Môn quả là đã được bộc lộ rõ ràng.
Thế là giới kiểm duyệt vừa phải đi tìm các thông điệp có tấm hình đó để xóa bỏ, vừa đưa từ khóa “vịt lớn màu vàng” vào danh sách từ bị cấm.
Công việc kiểm duyệt đó lại càng phức tạp thêm sau khi xuất hiện nhiều tấm ảnh khác mô phỏng bức hình nói trên, nhưng với xe tăng và người đứng chận là bằng trò chơi ghép hình Lego, hoặc là 4 chiếc xe ủi đất nối đuôi nhau đối diện với một con bò …
Dẫu sao thì các hành động kiểm duyệt nói trên đã có hệ quả là ngăn chặn thông tin một cách mù quáng. Trường hợp “con vịt vàng” cho thấy rõ điều đó vì lẽ bức ảnh đã lấy ý từ một công trình nghệ thuật đang rất được ưa chuộng ở Trung Quốc : một con vịt nhựa màu vàng to lớn – cao 16,5m – của nghệ sĩ Hà Lan Florentijn Hofman được trưng bày tại Hồng Kông.
Cơn sốt về công trình này đã lớn đến nỗi mà ở nhiều thành phố trên đại lục, người ta đã sẵn sàng quay cóp công trình đó, khiến cho chính tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải lên tiêng tố cáo. Với chế độ kiểm duyệt về sự kiện Thiên An Môn đang áp dụng, chắc hẳn bài báo của tờ Nhân Dân cũng bị ngăn chặn !
Trọng Nghĩa