“Khủng bố” tại Thiên An Môn: Một vố đau đối với an ninh Trung Quốc
Vụ chiếc xe jeep lao vào đám đông trên quảng trường Thiên An Môn và phát nổ hôm thứ Hai 28/10/2013 là một cú đòn đau điếng đối với bộ máy công an khổng lồ của Trung Quốc – bị thách thức ngay tại trung tâm biểu tượng quyền lực Bắc Kinh. Nhà nước cộng sản Trung Hoa cho đó là “một vụ khủng bố” chứ không phải tai nạn ! (Phải chăng đây là thách thức của người Duy Ngô Nhĩ phản đối sự đàn áp của Trung Cộng ?)
David Tobin, giáo sư về chính trị Trung Quốc ở đại học Glasgow nhận xét, trong khi Bắc Kinh là một “vùng được giám sát nghiêm ngặt“, sự kiện trên “khiến Đảng hết sức khủng hoảng“.
Trên quảng trường nổi tiếng của thủ đô, một chiếc xe jeep đã lao lên lề đường chạy khoảng 400 m, tông vào nhiều khách du lịch và công an ngay trước cổng vào Tử Cấm Thành, rồi bốc cháy. Năm người đã thiệt mạng và khoảng bốn mươi người bị thương.
Đài truyền hình Nhà nước CCTV hôm thứ Tư 30/10 vào buổi tối thông báo trên tài khoản tiểu blog là năm nghi can đã bị bắt, và sự kiện này được đánh giá là một vụ “tấn công khủng bố“.
Kam Wong, cựu viên chức cảnh sát Hồng Kông, nay là giảng viên của đại học Xavier, Hoa Kỳ nhấn mạnh : “Nếu Bộ Công an không có khả năng giữ an ninh cho Thiên An Môn, điều này cho thấy toàn đất nước Trung Quốc không được an toàn, mở ra cánh cửa cho những hành động thách thức mới tương tự“.
Quảng trường Thiên An Môn ngày cũng như đêm được bộ máy an ninh hùng hậu mặc sắc phục lẫn thường phục giám sát, sẵn sàng dập tắt những hành động rục rịch biểu tình và trấn áp những vụ lộn xộn mới bắt đầu.
Thiên An Môn mang nặng tính biểu tượng là trung tâm quyền lực, nơi chế độ Cộng sản dìm trong biển máu phong trào đòi dân chủ mùa xuân năm 1989.
Tổng ngân sách được chính quyền Bắc Kinh dành cho các cấp để duy trì trật tự là một số tiền khổng lồ và không ngừng tăng lên : Năm nay gần 770 tỉ nhân dân tệ (91 tỉ euro), tăng hơn 200 tỉ nhân dân tệ so với năm 2010. Như vậy, Trung Quốc chi nhiều cho việc “duy trì ổn định” – bốn chữ này để chỉ việc bắt giữ những người biểu tình, giám sát các nhà ly khai và ngăn ngừa những vụ lộn xộn trong số 55 dân tộc thiểu số trên toàn quốc – hơn là cho lực lượng vũ trang có quân số đông nhất thế giới.
Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam) của Chinese University ở Hồng Kông nói với AFP: “Chính quyền đã bị mất mặt” vào lúc chỉ còn khoảng hơn một chục ngày nữa là đến Hội nghị trung ương lần thứ ba ở Bắc Kinh. Theo ông, chế độ cầm quyền bị lúng túng không chỉ do của bộ máy an ninh bị thấy rõ có những thiếu sót, mà còn do trong số các nạn nhân có cả những công dân ngoại quốc.
Tuy vậy, các chuyên gia nêu ra tính thủ công thấy rõ của vụ tấn công trên. David Tobin nhấn mạnh : “Khá là đơn giản khi lao chiếc xe jeep vào đám đông rồi dùng chất gây cháy để đốt xe – điều này không mang dấu ấn của bất kỳ mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia nào. Đây có thể là hành động của những cá nhân bất mãn“.
Truyền hình Trung Quốc hôm thứ Tư dẫn nguồn tin từ công an nói rằng ba người đi trên xe đã thiệt mạng là các thành viên của cùng một gia đình. Ông David Tobin nhận xét : “Chắc chắn không thể là một vụ tấn công như kiểu người ta thường thấy ở Trung Đông, với việc sử dụng các kỹ thuật hoàn hảo và phối hợp hậu cần quan trọng“.
Công an Trung Quốc đã nhanh chóng hướng cuộc điều tra về phía các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ – dân tộc thiểu số theo Hồi giáo tỏ ra cứng đầu không chấp nhận sự đô hộ của Bắc Kinh tại Tân Cương, vùng đất rộng mênh mông giàu tài nguyên ở biên giới Trung Á.
Ông Lâm Hòa Lập nhận thấy : “Việc một sự kiện như thế có thể xảy ra tại Bắc Kinh cho thấy những hạn chế của ngành công an khi phải đối phó với quyết tâm kháng cự cao độ, chống lại chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ“.
Chuyên gia này cho rằng : “Điều này có nghĩa là nếu sự bất mãn của đại đa số người dân Duy Ngô Nhĩ tăng cao, rất có thể diễn ra những vụ việc mới theo kiểu này trong tương lai, và không có chế độ công an nào có thể hiệu quả trước một sự kháng cự tập thể” của toàn thể một dân tộc.
Thụy my (RFI đưa tin)