Không thành công cũng thành nhân

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Tình hình mỗi lúc mỗi bất lợi cho sự hoạt động của VNQD Đảng, chính vì thế Nguyễn Thái Học từ Kinh Bắc cấp tốc lên lại Phú Thọ, anh đã triệu tập buổi họp khẩn cấp vào ngày 26/1/1930 cũng tại làng Võng La mặc dầu tại địa điểm này những lãnh tụ của Đảng đã từng bị tên phản Đảng Đội Dương bắt hụt trong tháng qua. Nhưng lần này, các cơ sở trong làng đã được bố trí lại, những người canh gác đều là những người trong Đảng nhờ vậy hội nghị vẫn tiến hành tốt đẹp.
Đứng trước những đồng chí của mình, gương mặt rắn rỏi của Nguyễn Thái Học đã có vẻ mệt mỏi, đôi mắt sâu hoắm vì những đêm mất ngủ và trằn trọc lo nghĩ đến việc khôi phục lại hoạt động của Đảng. Không khí của hội nghị trở nên nghiêm trang. Nguyễn Thái Học đã cất tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết:

– Chúng ta làm cách mạng bằng sắt máu, bao giờ cũng lấy lực lượng quân đội làm chủ lực. Nay Đội Dương đã làm phản, phần chủ lực đã bị sứt mẻ rồi. Mặt khác, những vũ khí chế tạo được thì cũng bị địch khám phá rất nhiều. Nếu lúc này chúng ta không hành động ngay thì các đồng chí của chúng ta và số vũ khí còn lại cũng sẽ bị địch làm tan vỡ hết. Vấn đề đặt ra trong hội nghị này là các đồng chí bàn bạc thử xem chúng ta có thể chiến đấu với một quân đội được huấn luyện chu đáo, cùng khí giới tinh nhuệ không?

Tất cả mọi người có mặt trong hội ng hị đều im lặng. Anh dừng lại, húng hắng họ và nói tiếp:

-Vậy đó, chúng nó là đội quân có tổ chức, khí giới sẵn sàng còn chúng ta có gì? Chúng ta có một ít bom xoàng, gươm cùn, dao nhụt mà thôi. Nhưng các đồng chí ơi! Chúng ta có một lò lửa đang giấu trong lồng ngực này. Chúng ta có một trái tim sẵn sàng chết vì Tổ quốc, vì hăm lăm triệu đồng bào đang làm kiếp trâu ngựa. Chúng ta phải hành động thôi. Không thành công thì cũng thành nhân. Người ta thường bảo: “Cần phải đứng trước chỗ không thua”, nhưng chúng mình thì đang đứng trước thua mất rồi. Thế nhưng liệu không đánh, liệu tổ chức lại rồi sẽ đánh có được không?

Mọi người đang chăm chú lắng nghe như uống lấy từng lời tâm huyết của lãnh tụ Đảng. Xa xa có tiếng chó sủa vu vơ vọng đến. Tiếng tre xào xạc và đâu đó có tiếng bà mẹ trẻ ru con ầu ơ nghe buồn buồn… Nguyễn Thái Học ngừng lại, anh đánh diêm rít một hơi thuốc lào và nhả khói bay. Lúc này, Lê Hữu Cảnh đột ngột đứng dậy:

– Thưa Đảng trưởng, tôi trộm nghĩ rằng trong binh pháp có nêu lên ba yếu tố để thành công là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hiện nay, thiên thời chưa thuận lợi cho phép chúng ta hành động. Không khéo thịt nát xương tan trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân. Do đó tôi đề nghị hoãn lại cuộc khởi nghĩa.

Nguyễn Thái Học gằn giọng:

– Vâng, gặp thời thế không thuận lợi, không chiều mình, Đảng có thể tiêu mòn lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã chen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng vào Đảng thì phong trào có thể nguội lạnh như tro tàn. Chúng ta còn bó tay ngồi chờ đến bao giờ?

Cuộc họp bắt đầu sôi nổi lên. Nhiều ý kiến tranh luận gay gắt bắt đầu. Nguyễn Khắc Nhu đứng dậy nói bằng giọng đanh thép:

– Hiện tình đang khẩn trương lắm. Tôi thấy bọn thực dân và bọn Việt gian đang đẩy chúng ta đến thế chân tường rồi. Chúng ta chỉ còn chọn lấy hai tư thế hoặc ngồi trong bóng tối chờ chúng đến còng tay tống vào Hỏa Lò, đày ra Côn Lôn hoặc vùng lên đánh chúng để cướp lấy thời cơ. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Nguyễn Thái Học là phải đánh. Phải đánh!

Nguyễn Đôn Lâm tranh luận với ý kiến đó:

– Tôi sợ rằng, lòng quyết tâm sắt đá của chúng ta không thể chống lại súng đạn của chúng đâu! Thử nghĩ câu “châu chấu đá xe” có đúng với hành động của chúng ta lúc này không?

Chị Nguyễn Thị Giang rụt rè đứng dậy, bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng không kém phần u uất:

– Chúng ta có thể chỉ là “châu chấu đá xe”, nhưng xin các đồng chí nên nhớ rằng ngoài lực lượng Đảng chưa bị địch bắt thì chúng ta còn có hàng ngàn chi bộ dân sự, hằng trăm chi bộ nhà binh, cùng sự ủng hộ của đồng bào. Lẽ nào chúng ta đành chịu tan rã trong lúc này?

Nhiều ý kiến còn phát biểu nữa, đa số đều ủng hộ tinh thần quyết chiến của Nguyễn Thái Học. Chờ đến phút cuối cùng khi các ý kiến đã tạm nhất trí với nhau thì Nguyễn Thái Học nói:

– Trước bàn thờ Tổ quốc chúng ta thề chết để lại gương phấn đấu cho thế hệ sau tiếp nước! Dù chết nhưng để lại danh thơm há không phải là vinh dự cho VNQD Đảng hay sao?

Nói xong, anh rút trong túi áo bản hiệu triệu của Lệnh Khởi nghĩa.

– Bản hiệu triệu này, tôi và anh Nguyễn Khắc Nhu cùng soạn thảo. Bây giờ thông qua cho hội nghị.

Mọi người chuyền tay nhau đọc bản hiệu triệu đó, nó được viết bằng mực tím, nét rắn rỏi như thể hiện được quyết tâm của người soạn thảo:

HỊCH HIỆU TRIỆU

Đại cáo: Trục xuất thực dân ra khỏi Đông Dương.

Hỡi quốc dân đồng bào,

Suốt hơn nửa thế kỷ, Dân tộc ta đã nằm trong ách thống trị của bọn thực dân Pháp.

Biết bao thống khổ cơ hàn đã do bọn chúng gây nên trên giang sơn gấm vóc này.

Trong khi ấy bọn vua quan và tay sai đã cam tâm làm tôi mọi cho thực dân Pháp, không thèm đếm xỉa đến những đau thương tủi nhục của hai chục triệu con dân Lạc Hồng đang ngày đêm âm thầm chịu đựng. Hỡi quốc dân đồng bào! Ai mà không bất bình? Ai mà không căm phẫn?

Nay VNQD Đảng chúng tôi cùng với Quốc Dân toàn quốc vâng lệnh Tổ quốc cùng hợp lực đứng lên đánh đuổi bọn thực dân ra khỏi Đông Dương này.

Giang sơn Việt Nam do người Việt Nam làm chủ!
Nền Độc lập nước nhà phải do bàn tay người Việt Nam xây đắp.
Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái phải có trên giang sơn gấm vóc này.
Có như vậy thì chúng ta mới tiến kịp cùng văn minh thế giới.
Xin toàn thể quốc dân đồng bào cùng VNQD Đảng đồng tâm cứu nước.
Lời hiệu triệu được viết bằng máu của những người ái quốc.

Việt Nam Quốc Dân Đảng

Nguyễn Thái Học

Có người đã rớm nước mắt khi đọc xong bản Hiệu Triệu này. Họ đã nghe bên tai mình tiếng gươm khua, đầu rơi, máu đổ như đã mơ hồ thấy cờ Tổ quốc rạng ngời trong ngày mai… được sự phân công của Đảng trưởng, Nguyễn Khắc Nhu thông qua kế hoạch Tổng khởi nghĩa.

– Hội nghị lần này vẫn không có gì khác với hội nghị bí mật hồi tháng 5/1929 tại làng Hiệp Đức, Phủ Thuận Thành (Bắc Ninh). Cơ quan tối cao của Đảng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này được gọi là “Tổng Bộ Chiến Tranh”, các chi bộ Đảng sẽ biến thành “Nhóm Chiến Đấu”. Thưa các đồng chí, kế hoạch Tổng khởi nghĩa như sau: Đảng chỉ huy một cuộc Tổng khởi nghĩa cùng một lúc đánh vào những đô thị lớn và những yếu điểm quân sự của thực dân Pháp. Vũ khí giết giặc là những vũ khí cướp được của địch và những bom, lựu đạn, đao kiếm do Đảng tự chế tạo ra. Lực lượng chính của cuộc Tổng khởi nghĩa là những đảng viên quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, là những binh sĩ của Đảng trong hàng ngũ địch, còn lực lượng phụ là quốc dân đồng bào yêu nước. Quân kỳ dùng trong cuộc Tổng khởi nghĩa có hai màu: Màu vàng tượng trưng cho dân tộc Việt, màu đỏ tượng trưng cho dòng máu quyết tử giành độc lập dân tộc. Các đồng chí có ý kiến gì không?

Không có ý kiến nào khác. Nguyễn Thái Học đưa mắt nhìn qua các đồng chí của mình, anh hướng về từng người rồi hạ lệnh phản công: Khu vực Yên Bái do đồng chí Thanh Giang và Nguyễn Nhất Thân hiệp lực cùng các đảng viên tại địa phương, các Binh đoàn khố đỏ của Quản Cầm. Ngoài ra, còn có đồng chí Nguyễn Thế Nghiệp đem quân từ Vân Nam về tiếp viện – Khu vực Sơn Tây do Phó Đức Chính đảm trách có phối hợp với Binh đoàn Đồn Thông – Khu vực Hải Dương, Phả Lại do Nguyễn Thái Học và Trần Quang Riệu phụ trách – khu vực Hưng Hóa Lâm Thao giao cho Nguyễn Khắc Nhu điều khiển. Khu vực Hải Phòng, Kiến An giao cho Vũ Văn Giản, Nguyễn Văn Chấn và Phạm Văn Tình lãnh nhiệm vụ. Còn về khu vực Hà Nội thì sao? Cơ quan tối cao của Đảng xét thấy nơi này lực lượng còn đang yếu nên giao cho Ký Con chỉ huy Đoàn ám sát của Đảng đi ném bom vào một số cơ quan chính quyền địch để thực hiện công tác nghi binh cầm chân địch. Theo kế hoạch đã định thì ngày 10/2/1930 sẽ là ngày Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Nguyễn Thái Học vừa dứt lời thì mọi người đều nắm chặt tay lại. Mắt họ ngước về bàn thờ Tổ quốc. Họ đang thấy dòng máu nóng sôi sục. Mỗi người đều nghĩ đến kế hoạch mà Đảng trưởng vừa giao phó. Nguyễn Thái Học ra lệnh giải tán hội nghị và yêu cầu không ai được chép trên giấy bất cứ dòng chữ nào cả.

Lúc này, trong nhà chỉ còn lại Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu. Họ ngậm ngùi nhớ lại những ngày hai người còn bôn ba khắp chốn, vừa trốn tránh lệnh truy nã, vừa gầy dựng lại cơ sở Đảng. Nguyễn Khắc Nhu nhai trầu bỏm bẻm, anh nhổ toẹt bãi trầu đỏ lòm xuống đất rồi hỏi đồng chí mình:

– Anh Học à? Anh còn nhớ cái đêm mà tôi đóng vai lý trưởng, anh đóng vai theo hầu tôi không?

Nguyễn Thái Học cười ngặt nghẽo:

– Sao lại không nhớ? Ngay bài thơ của anh tôi cũng còn nhớ nữa là… Khi Cách mạng thành công chúng ta phải trở lại chốn cũ nhé!

Đó là đêm hai người đánh lạc hướng theo dõi của bọn mật thám bằng cách chui vào nhà cô đầu ở phố Khâm Thiên, vì phố này ngõ ngách nhiều dễ trốn thoát khi bị độn. Nhà cô đầu này chỉ có một cái phản để quan viên ngồi đánh trống nhe hát và vài cô đầu trông hiền lành, niềm nở. Mặc dù đóng vai lý trưởng đào hoa, tiêu xài tiền vạn bạc ức nhưng chưa bao giờ hai anh lui tới chốn này cả nên Nguyễn Khắc Nhu mới thật thà hỏi giá một chầu hát bao nhiêu tiền? Lại trả tiền trước để… độc quyền cái phản ấy rồi lăn ra ngủ. Đã thế còn dặn cô đầu đến lúc canh năm gà gáy sáng thì dậy thổi cơm cho thầy trò ăn! Còn lúc đó, Nguyễn Thái Học thì lấy chiếc chiếu xuống bếp nằm ngủ, đánh chẳng  một giấc và ngáy khò khò…  Các cô đào ngạc nhiên đến sửng sốt, họ lần đầu tiên mới tiếp khách lạ lùng như thế. Họ đâu biết rằng mình đang tiếp hai ông cách mạng đầy nhiệt huyết, hai ông đại tội với chính phủ Bảo hộ. Lúc gà gáy hai dạo thì Nguyễn Khắc Nhu thức dậy và lên tiếng gọi cô đầu lấy nước, thắp đèn lên cho anh rửa mặt. Trong khi rửa mặt, anh suy nghĩ hàm râu của mình dễ bị bọn chó săn phát hiện bèn lấy dao cạo trong tay nải ra nhờ cô đào cạo hộ. Một người từng hạ lệnh ám sát bao nhiêu tên phản Đảng, thế mà cầm dao cạo râu mình thì lại nhát tay, tự mình không cạo được! Khi Nguyễn Thái Học thức dậy thì ngạc nhiên thấy đồng chí mình đã mất sạch chòm râu và nói đùa:

-Anh ám sát hết râu à? Tôi đang cần mọc râu thì anh lại cạo hết râu uổng quá!

Nguyễn Khắc Nhu cười:

-Vậy à? Tôi mới có bài thơ Tiễn râu vui đọc cho anh nghe nhé:

Mấy chục năm trường bạc sắt son
Đến nay tống biệt dạ bồn chồn
Trăm đường cũng tại thằng Tây cả
Râu hết, đường đi dễ lọt hơn

Đọc xong, hai người cùng phá lên cười thích thú. Cô đầu đứng nghe cũng phì cười, cô ta lờ mờ hiểu rằng đây không phải là khách phàm phu tục tử mà mình thường gặp. Thái độ ôn hòa của họ đêm qua và nhất là bài thơ có câu “Trăm đường cũng tại tằhng Tây cả” đã làm cho cô cảm động. Cô vào nhà lấy lại tiền chầu hát, tiền ngủ trọ đêm qua để trả lại cho khách, nhưng hai ông khách kỳ quặc này không nhận. Họ bước ra khỏi nhà vào lúc trời còn mờ mờ sương đêm. Cô ta chú ý thì thấy mỗi người đi một ngả…

Nhớ lại chuyện cũ ấy vào hồi tháng chạp năm 1929, Nguyễn Thái Học bất giác cười lớn. Anh cầm lấy khay trầu, lựa một miếng trầu ngon và ăn ngon lành. Nguyễn Khắc Nhu đưa tay xoa cằm, bây giờ râu của anh đã mọc lại, anh nói:

– Buổi họp hôm nay rất quan trọng. Có thể chúng ta sẽ đền nợ nước. Điều đó không quan hệ gì cả. Còn gì sung sướng hơn là được chết cho Nước cho Dân. Anh Học này! Tôi bàn với anh thế này nhé!

Biết đồng chí tâm huyết của mình sắp sửa nói điều nghiêm túc, Nguyễn Thái Học ngồi ngay ngắn, lắng tai:

– Vâng, anh cứ nói!

– Với tư cách là Đảng trưởng, tôi đề nghị anh phải có biện pháp giữ gìn bí mật tuyệt đối ngày giờ khởi nghĩa của Đảng ta. Do đó…

– Anh cứ nói.

Nguyễn Khắc Nhu nói nhỏ:

– Tôi bàn với anh là phải ra lệnh cho Ký Con thủ tiêu những người không đồng ý với lệnh Tổng khởi nghĩa. Nếu không, kế hoạch của chúng ta lọt ra ngoài thì hỏng hết đại sự.

Nguyễn Thái Học bừng tỉnh, anh vỗ đùi:

– Khá khen anh. Đó là điều mà tôi lại quên lửng đi. Phải thủ tiêu những người bất đồng vì mưu đồ của đại cuộc.

Chính vì lẽ đó, mặc dầu những người này không đồng ý với quan điểm của Đảng, nhưng họ vẫn là người một lòng phụng sự Đảng. Nguyễn Thái Học biết thế, nhưng không còn cách nào khác. Trách nhiệm vinh quang của cả Dân Tộc đang đặt trên vai anh, anh nghiến răng hạ lệnh theo ý kiến cùng thảo luận với Nguyễn Khắc Nhu.

Ngay su khi giải tán hội nghị, vào chiều ngày hôm sau, mệnh lệnh đã được giao cho Ký Con. Trưởng ban ám sát của Đảng đã từng hạ thủ những tên Việt gian, nhưng lần này anh không bắn Lê Hữu Cảnh. Còn Nguyễn Đôn Lâm bị Cai Hồng bắn gãy bả vai. Lâm im lặng tìm thầy thuốc chữa khỏi.

Kế hoạch Tổng khởi nghĩa của VNQD Đảng vẫn được giữ bí mật.

Điều mà các lãnh tụ VNQD Đảng không ngờ đến là khi kết thúc hội nghị này, toàn bộ kế hoạch chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đã được đảng viên cộng sản mật báo ra Hải ngoại cho Nguyễn Ái Quốc. Lúc này, người cộng sản thiên tài ấy đang báo cáo với Quốc tế cộng sản về việc Đông Dương Cộng Sản Đảng và An Nam Cộng Sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, một Ban chấp hành lâm thời được bầu ra đã thông báo tình hình về hoạt động của VNQD Đảng. Nghe tin này, Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Cuộc bạo động nổ ra lúc này là quá sớm và khó thành công”. Trong thâm tâm của Nguyễn Ái Quốc muốn gặp các lãnh tụ VNQD Đảng để “bàn lại kế hoạch”, nhưng không thực hiện được. Trong lúc Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới Thái Lan đến Trung Quốc thì kế hoạch khởi nghĩa này đã diễn ra.

Lê Minh Quốc

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt