Không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ…
Cộng sản Sô Viết và Đông Âu sụp đổ vì nền kinh tế phá sản buộc họ phải “đổi mới” và “tái cấu trúc” theo mô hình chính trị Tây Phương. Bài bình luận dưới đây của giới báo chí và dự đón của các nhà kinh tế tây phương rằng: không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ kéo theo kinh tế suy sụp toàn diện…
Nợ Trung Quốc tăng nhanh trong một thời gian ngắn kỷ lục: tăng 400% trong vỏn vẹn 4 năm. Sự ngông cuồng của các chính quyền địa phương là nguyên nhân đẩy nợ công của Trung Quốc lên cao. Vấn nạn Trung Quốc vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả sẽ tai hại hơn so với khủng hoảng ở Mỹ năm 2008-2009.
Phần trang kinh tế của tờ Libération mở ra với bức ảnh tháp Eiffel đồ sộ ngự tọa ngay giữa tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh là một Paris thu nhỏ: Nhà ở được kiến trúc theo mô hình của khu phố Haussmann sang trọng tại Paris, tháp Eiffel, đồi Montmartre, Khải Hoàn Môn. Thông tín viên của tờ báo mở đầu bài viết bằng một câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc đang theo chân Hy Lạp, trở thành một quốc gia nợ nần chồng chất? Tháng trước Viện kiểm toán quốc gia công bố một bản báo cáo, theo đó tổng nợ công của Trung Quốc đã tăng 400% trong bốn năm qua: Tỷ lệ nợ công so với GDP của nền kinh tế số 2 trên thế giới đang từ 17% nhảy vọt lên thành 58%.
Tính chung cả nợ của Nhà nước lẫn tư nhân, thì tỷ lệ này tăng từ 131% năm 2008 lên thành 215% vào năm 2013. Đành rằng nợ công của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản (250% GDP) hay của Hy Lạp (160% GDP), nhưng các con số nói trên cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc mắc nợ quá nhanh trong thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây. Các con số nói trên càng đáng quan ngại hơn, khi biết rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng giảm sụt.
Tại sao nợ công của Trung Quốc lại tăng vọt trong thời gian gần đây? Tác giả bài báo trả lời: Đó là do thái độ ngông cuồng, tiêu xài quá trớn của các chính quyền địa phương. Trong hai năm rưỡi vừa qua, tổng nợ công ở cấp địa phương tăng thêm 67%, đạt ngưỡng 2.200 tỷ euro.
Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một giờ lái xe, khoảng 3000 ngôi biệt thự sang trọng vẫn chưa tìm được chủ. Tại một thành phố khác ở miền đông bắc Trung Quốc thì có tới hàng chục ngàn căn nhà do chính quyền bỏ tiền ra xây để rồi “ngồi trên một núi nợ cao không thua gì dãy Hy Mã Lạp Sơn” ! Thế rồi vùng Nội Mông, thành phố Hàng Châu, hay tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đang “dở khóc dở cười”. Nơi thì ủy ban nhân dân thành phố không có sáng kiến nào hay hơn là dựng lên một chiếc tháp Eiffel cao 100 mét để phô trương sự phồn thịnh, chỗ thì đầu tư đến 10 triệu đô la để xây một bức tượng hình con cá khổng lồ ngay cổng vào của thành phố.
Tờ Libération nhận xét: Sự điên rồ đó không chỉ dừng lại ở các tỉnh lẻ, mà đã ngấm vào cả các thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, từ Trùng Khánh tới Quảng Đông … Hiện nay, cứ trên 100 tòa cao ốc đang được xây dựng trên thế giới thì có tới 60 công trình đang mọc lên tại Trung Quốc. Như lời một chuyên gia kinh tế người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh, Michael Pettis, “một phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc được dùng để xây các tòa cao ốc không người ở, để kiến thiết những phi trường không bóng người qua lại hay những nhà máy vô dụng, để rồi nợ nần cứ tăng lên mãi”. Còn theo lời một người trong cuộc thì tình trạng nợ nần ở cấp địa phương Trung Quốc đã “hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát”. Không còn ai nghi ngờ về viễn cảnh Trung Quốc bị vỡ nợ. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Chuyên gia này nói thêm khi đó thì tác động sẽ còn nguy hại hơn so với những gì đã xảy ra tại Mỹ hồi năm 2008/2009.
Thanh Hà (RFI)