“Khoảng trống Biden”: Nhật đứng đầu ngọn sóng bảo vệ Đài Loan

(Trái) Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và (phải) Nữ Tổng Thống Đài Loan: Thái Anh Văn

Hậu quả từ cuộc rút lui thảm hại của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan tiếp tục ảnh hưởng đến nhận thức của các đồng minh và đối thủ trên toàn thế giới về Hoa Kỳ. Nhật Bản và Trung Cộng là những ví dụ điển hình về việc các quốc gia phản ứng lại trước sự yếu kém của chính phủ Tổng thống Biden, để thúc đẩy những lợi ích của quốc gia mình.

Sự mơ hồ về chiến lược đồng nghĩa với yếu nhược

Việc chính phủ Tổng thống (TT) Biden mô tả chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, là một trong những “sự mơ hồ chiến lược,” sau khi cam kết bảo vệ quốc đảo này trước sự xâm lược của Trung Cộng, là một ví dụ rõ ràng về sự yếu kém và do dự. Việc rút lại cam kết quốc phòng của TT Joe Biden chỉ làm tăng thêm nghi ngờ của các đồng minh về việc Hoa Kỳ tuân thủ các cam kết an ninh của mình.

Sau khi nhậm chức, ông Biden đã nói với thế giới rằng “Nước Mỹ đã trở lại.” – Nhưng chúng ta trở lại nơi đâu? Nước Mỹ có được sự ủng hộ của ai?

Mỹ chắc chắn không “trở lại” ở Afghanistan, hay ở Trung Đông. Cũng không có vẻ như ông Vladimir Putin chuyên quyền của Nga và ông Tập Cận Bình của Trung Cộng có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với quyền lực của Mỹ dưới thời chính phủ TT Biden, khi rõ ràng là chính phủ này thiếu ý chí sử dụng quyền lực để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ.

‘Khoảng trống của Tổng Thống Biden’

Có một số lý do cho điều này, nhưng về căn bản, cốt yếu là so sánh những gì mà chính phủ ông Biden nói và những gì mà ông đã thực hiện. Quan trọng hơn, nó liên quan đến điều mà ông Biden cho là quyết định chính sách ngoại giao đúng đắn đối với Hoa Kỳ. 

Thủ Tướng Nhật: Fumio Kishida

Ngày nay, trong một thế giới chắc hẳn là nhiều hiểm họa hơn trước, các đồng minh của Hoa Kỳ phải đối diện với thứ có thể được gọi chính xác là “khoảng trống Biden”, mang đặc trưng của “sự mơ hồ về chiến lược” của Hoa Kỳ, theo sau việc không thực hiện các cam kết, mà cuối cùng dẫn đến “sự thoái lui chiến lược.”

Đó là điều mà các đồng minh của Mỹ ở Á Châu Thái Bình Dương rất lo sợ và có thái độ lưỡng lự:

Tất nhiên, Bắc Kinh đang tận dụng tối đa tình trạng xoa dịu của chính phủ ông Biden. Bắc Kinh đang cố gắng thổi bùng lên những do dự đó bằng cách gia tăng các hành động khiêu khích quân sự đối với Đài Loan, cũng như chế nhạo Hoa Kỳ ngay cả khi ông Biden khẳng định rằng các vận động viên Mỹ sẽ có thể tham dự Thế vận hội Olympic, được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2022, bất chấp nhiều tội ác phản nhân loại của Trung Cộng, đã được minh chứng bằng tài liệu.  

Chiến lược mới của Nhật về Đài Loan

Thực tế đó đặt tuyên bố gần đây của Nhật Bản về việc bảo vệ Đài Loan, vào một tình huống phòng thủ đa diện. Trong một bạch thư [có sự] thay đổi [về chính sách đối với Đài Loan] được công bố năm nay, Tokyo đã cam kết “bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ,” tương đương với và bao gồm tham gia vào các hành động quân sự để chống lại sự xâm lược của Trung Cộng nếu xẩy ra

Đội cận vệ danh dự của Nhật Bản diễn hành vào khu vực lối vào của Bộ Quốc phòng ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 05/11/2021. (Ảnh: Hiro Komae/AP Photo)

Tại sao Tokyo quyết định thực hiện thay đổi căn bản này đối với Đài Loan? Và tại sao Nhật Bản cảm thấy rằng họ cần phải tuyên bố công khai việc này?

Sự thể hiện ra bên ngoài của Tokyo đối với những lo ngại về an ninh, là nhằm vào cả Trung Cộng và Hoa Kỳ. Thứ nhất, giống như Hoa Kỳ, Đài Loan và các quốc gia Á Châu khác, Nhật Bản lo ngại về sự gây hấn ngày càng tăng của nhà cầm quyền Trung Cộng và các cuộc tập trận lập kế hoạch chiến tranh đối với Đài Loan.

Sự lo ngại của Tokyo là đúng. Không ai tin rằng các cuộc tập trận [mô phỏng chiến tranh] của Bắc Kinh, quân sự hóa Biển Đông, lực lượng hải quân hùng hậu, và vụ thử hỏa tiễn siêu thanh gần đây là những diễn biến vô hại, sẽ không được áp dụng, không sớm thì muộn, trong một tình hình quân sự.

Thứ hai, Tokyo đang báo hiệu cho Bắc Kinh rằng một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Nhật Bản, chứ không chỉ với Đài Loan và Hoa Kỳ. Khi làm như vậy, Tokyo muốn tạo ra sự hoài nghi trong tâm trí các chiến lược gia Bắc Kinh về hậu quả của một cuộc tấn công vào Đài Loan. Một cuộc chiến do Trung Cộng khởi xướng chống lại Đài Loan cùng với sự can dự của các lực lượng Nhật Bản, sẽ phức tạp hơn, rủi ro hơn, và khó dự đoán hơn một cuộc chiến chỉ liên quan đến các lực lượng của Hoa Kỳ và Đài Loan. Rõ ràng nó sẽ làm tăng sự bất ổn và chi phí tiềm tàng của một cuộc chiến tranh, và thậm chí có thể ngăn cản một chiến thắng cho Trung Cộng.

Thứ ba, Nhật Bản đang nói với cả Trung Cộng và Hoa Kỳ rằng họ sẽ không còn là một đối tác thụ động trong liên minh an ninh do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Bản thân điều đó là một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm niềm tin của Tokyo đối với chính phủ ông Biden.

Vi mạch bán dẫn của Đài Loan là chủ chốt đối với thị trường kỹ thuật công nghệ toàn cầu

Nhưng bạch thư của Nhật Bản cũng thừa nhận về mối đe dọa mà một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Cộng sẽ đặt ra cho khu vực và cho nền kinh tế Nhật Bản. Giống như phần còn lại của thế giới các nước phát triển, nền kinh tế công nghiệp tân tiến của Nhật Bản chủ yếu dựa vào chíp bán dẫn của Công Ty Sản Xuất Chất Bán Dẫn Đài Loan (TSMC).

Logo của công ty TSMC tại trụ sở chính ở thành phố Tân Trúc, Đài Loan, hôm 31/08/2018. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters)

Trung Cộng chắc chắn muốn kiểm soát việc thế giới tiếp cận các linh kiện quan trọng này, không chỉ vì lợi ích của riêng họ mà còn để có cơ hội từ chối cung cấp chúng cho các đối thủ kinh tế như Hoa Kỳ, Liên Minh Âu Châu, và Nhật Bản, cũng như các nước khác. Việc giành được quyền kiểm soát đối với việc sản xuất và cung cấp công nghệ quan trọng này, sẽ mang lại cho Bắc Kinh quyền lực cực kỳ to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là đối với Nhật Bản

Tăng cường liên minh quân sự với Hoa Kỳ

Liên quan đến vấn đề đó, Tokyo hiểu rõ chế độ Trung Cộng là một thế lực thâm độc nhất quyết muốn thống trị khu vực và toàn cầu. Do đó, tuyên bố của Tokyo về an ninh Đài Loan không chỉ đơn thuần là trấn an Washington về sự hợp tác của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh khu vực. Nhật Bản cũng đang tìm cách gây áp lực để Hoa Kỳ tái khẳng định các cam kết an ninh của mình với Đài Loan, cũng như với Nhật Bản và các đồng minh Á Châu Thái Bình Dương khác.

Các mục tiêu của Tokyo là điều dễ hiểu. Người Nhật nhận ra rằng việc Trung Cộng chinh phục Đài Loan sẽ phá vỡ các thỏa thuận an ninh khu vực do Hoa Kỳ cầm đầu. Họ cũng biết rằng Bắc Kinh có thể sẽ không dừng lại ở Đài Loan. Thay vào đó, theo cách này hay cách khác, Bắc Kinh sẽ tìm cách khẳng định quyền lực của mình đối với tất cả các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Úc và Nhật Bản, đồng thời gạt Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Nhật Bản lấp đầy ‘Khoảng trống Biden’

Về bản chất, Tokyo cảm thấy sự dè dặt trong việc đứng lên chống lại Trung Cộng của chính phủ TT Biden. Bằng cách tuyên bố ý định tham gia vào hành động quân sự để bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản đang lấp đầy “khoảng trống Biden” trong ngoại giao và an ninh Á Châu Thái Bình Dương, nơi Mỹ từng có vai trò không cần bàn cãi tại khu vực này.

Thật không may, “khoảng trống Biden” hiện diện ở mọi khu vực chiến lược trên thế giới, chứ không chỉ khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Nhưng Nhật Bản chỉ có thể lo cho an ninh của chính mình, và họ đã kết luận đúng đắn rằng an ninh của họ gắn liền với Đài Loan, và cả hai đều gắn liền với Hoa Kỳ.

Tuyên bố mới của Tokyo vừa táo bạo vừa mang tính rủi ro. Nhưng rủi ro có thể ít hơn so với kịch bản thay thế, mà theo đó Trung Cộng chinh phục Đài Loan khi tận dụng tối đa “khoảng trống Biden”, chỉ với những tuyên bố quốc phòng lấy lệ của Hoa Kỳ, trước khi nhắm vào các quốc gia khác, để xâm chiếm khắp khu vực.

Tác giả: James R. Gorrie  ông là là tác giả của cuốn sách “The China Crisis” (Cuộc Khủng Hoảng Trung Cộng, Nhà xuất bản Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com.  Ông hiện đang sinh sống tại Nam California.

Bài dịch: Yến Nhi

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt