Khó tin Việt Nam giảm nợ xấu
Việt Nam dưới chế độ “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” trong những năm vừa qua hoàn toàn sụp đổ. Nợ xấu ngân hàng Việt Nam làm nhiều ngân hàng đóng cửa, các công ty phà sản, nợ nầng quốc tế nâng cao hơn tổng sản lượng (GDP) hằng năm… Nhà cầm quyền csVN vẫn một mặt tuyên truyền giải quyết được vấn kế kinh tế đang tuột dốc… lấy lại được nợ xấu. Bài dưới đây cho rằng chẳng bao giờ đòi được nợ xấu cả. Kinh tế tiếp tục đi xuống hố.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vào cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã giảm xuống còn 6 % so với 8,82 % hồi cuối tháng 9/2012.
5 tháng là thời gian cần thiết để ngành ngân hàng Việt Nam xử lý được 53 685 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng. Công ty quản lý tài sản xà xử lý nợ xấu của Việt Nam (VAMC) chưa được thành lập, thế nhưng, phía các ngân hàng Việt Nam đưa ra hai lý do để giải thích cho thành tích nói trên: Các ngân hàng Việt Nam đã “xử lý nợ xấu thông qua quỹ trích lập dự phòng rủi ro và tái cơ cấu nợ“.
Các cơ quan quốc tế đánh giá là rất khó thẩm định chính xác nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu, do khác biệt rất lớn về chuẩn mực kế toán của Việt Nam so với các chuẩn mực quốc tế. Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Fitch đã từng lưu ý rằng, căn cứ theo các chuẩn mực tài chính, kế toán của Việt Nam thì nợ xấu nước này sẽ thấp. Trong lúc có những công trình nghiên cứu nêu ra con số 10 tỷ đô la nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Nét đặc thù thứ hai của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam là tính thiếu minh bạch trong các hoạt động ngân hàng, cũng như việc các tập đoàn, công ty nắm giữ các cổ phiếu của lẫn nhau. Ngoài ra, luật tài chính của Việt Nam lại cho phép các tập đoàn nắm giữ vốn của các ngân hàng, hay các ngân hàng lớn lại làm chủ một phần các ngân hàng nhỏ. Sự chồng chéo đó càng khiến việc thẩm định về mức nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam thêm phức tạp. Công tác “xử lý nợ xấu” qua đó cũng “trở thành nhiệm vụ bất khả thi”.
Nợ xấu là gì và nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam xuất phát từ đâu ? Việt Nam liệu có thể giải quyết được nợ xấu như chỉ thị từ văn phòng thủ tướng đưa ra hay không? Đâu là những tác động trực tiếp đối với kinh tế nếu như Việt Nam không giải quyết được nợ xấu, khi biết rằng, ngay cả hai nền kinh tế lớn của thế giới là Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng mất nhiều thời giản để khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính do tài sản mất giá.
Sau đây là phân tích của tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê kinh tế từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc.
Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của Việt Nam?
Vũ Quang Việt : “Theo thống kê chính thức, năm 2000, tín dụng ngân hàng cấp ra tương đương với 35 % GDP của Việt Nam. Tỷ lệ đó đến năm 2012 tăng lên thành 120 %. Trong hơn 10 năm, tín dụng ngân hàng Việt Nam đã tăng rất nhanh. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian đó đã hoàn toàn – hoặc với một tỷ lệ rất lớn- chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng.
Tại sao lại có hiện tượng đó ? Trong một số trường hợp, có lệnh của thủ tướng yêu cầu ngân hàng này phải cho một tập đoàn nào đó của Nhà nước vay bao nhiêu. Thí dụ như là cho tập đoàn Vinashin vay bao nhiêu đó. Bên cạnh đó số ngân hàng Việt Nam hiện tại là có 35 ngân hàng. Đó là một khối lượng lớn được mở ra trong một thời gian ngắn. Mục tiêu chính của các ngân hàng đó là nhằm phục vụ các “công ty sân sau”.
Cụ thể là một tổng công ty này lập ra những công ty con khác. Những công ty con này ở các địa phương chủ yếu là lấy đất của dân với giá rẻ mạt. Rồi từ đó phát triển. Khi phát triển, họ không có vốn cho nên chủ yếu là đi vay ngân hàng và họ có ảnh hưởng rất lớn –từ trong chính phủ chỉ thị ra- Những “công ty sân sau” không trực thuộc Nhà nước.
Bên cạnh đó nữa thì các tập đoàn Nhà nước cùng lập ra ngân hàng, rồi một ngân hàng lớn cũng có thể lập ra nhiều ngân hàng con. Cả hệ thống tài chính đó chỉ nhằm thu tiền ký gửi của dân. Dùng đồng tiền đó cho các công ty khác vay. Khi gặp trường hợp kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không bán được hàng (…) do vậy ngân hàng tích lũy nợ xấu”.
Luật tín dụng của Việt Nam còn dễ dãi hơn cả của Mỹ
Vũ Quang Việt : “Khi nhìn lại luật tín dụng ở Việt Nam và so sánh với trường hợp của Mỹ ta thấy trong cuộc khủng hoảng 2008, hệ thống tài chính của Mỹ bị suy sụp đến nối chính phủ phải can thiệp. Luật tín dụng của Việt Nam là một bảo “copie” của luật tín dụng Hoa Kỳ mà lại còn có những điều khoản dễ dãi hơn luật của Mỹ nữa. Trong 5 năm vừa qua, Mỹ đã liên tục điều chỉnh luật tín dụng, khi người ta nhận thấy những sai sót để thay đổi. Việt Nam thì không thay đổi mà lại còn đang tiếp tục (trên con đường đã vạch ra)”.
Hậu quả nếu không giải quyết nợ xấu ?
Vũ Quang Việt : “Vấn đề cơ bản nằm ở chỗ : giá trị tài sản của các doanh nghiệp và dân chúng giảm. Các khoản đầu tư vào ruộng đất đều giảm. Trong khi đó nợ vẫn như cũ. Vốn tự có do vậy giảm theo, thậm chí là rơi xuống số âm. Trong trường hợp đó, ưu tiên là phải thanh toán bớt nợ. Giảm nợ tức là sẽ không đầu tư – dù ngân hàng cho vay với lãi suất thấp-
Đây là hoàn cảnh của nền kinh tế Nhật: 20 năm qua vẫn chưa giải quyết xong khủng hoảng tài chính do giảm giá tài sản. Do vậy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nhật không còn là 9 – 10 % /năm như trước đây mà chỉ còn là khoảng 0,6 hay 0,7 % mà thôi.
Bên Mỹ cũng vậy từ 2008 tới nay, thất nghiệp vẫn cao, tiền có trong ngân hàng hoặc là người ta không muốn cho vay, mà có cho vay cũng không mấy người muốn đi vay. Người ta kiếm cách giảm nợ trước đã. Sau khi giải quyết được nợ thì người ta mới đầu tư trở lại. Từ 2008 tới nay, kinh tế Mỹ vẫn còn yếu đuối và tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm hai hay ba năm nữa. Giải quyết khủng hoảng do tài sản mất giá đòi hỏi nhiều thời gian.
Việt Nam đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính do tài sản giảm. Đó là điều bắt buộc khi giá ở Việt Nam là giá trên trời ! Không thể nghĩ đến chuyện bơm tiền để cứu vãn tình hình. Bơm thêm tiền để cứu nguy không giải quyết được vấn đề mà sẽ chỉ kéo theo lạm phát vào lúc Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới”.
Thanh Hà phỏng vấn TS Vũ Quang Việt