Khi đế chế Trung Hoa trở nên hung hăng…

Hình minh họa

Tại Trung Quốc đang diễn ra các biến đổi lớn. Hệ quả là, về đối nội, chính quyền nước này sẽ đi đến việc kiểm soát xã hội nhiều hơn. Về đối ngoại, Bắc Kinh sẽ thực hiện một chính sách dân tộc chủ nghĩa hung hăng hơn. Việc mua lại công ty hóa chất Syngenta của (Thụy Sĩ) với giá 40 tỷ Euro như thông báo mới đây là một chứng minh điển hình. Trên đây là nhận định của ông Michel-Henry Bouchet, chuyên gia kinh tế trường Skema Business School and Global Equity Management, đăng trên tờ La Tribune, ngày 05/02/2016.

Đầu tiên, ông Michel-Henry Bouchet cho rằng nhiều nhà phân tích đã vội vã đưa ra nhận định cho là “mô hình” Trung Quốc không thể tránh khỏi tình trạng suy thoái. Nguyên nhân là do ba quả bong bóng: bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Còn những ai ít thiển cận hơn, thì nghĩ là mô hình này đang bị xói mòn bởi chính sự mâu thuẫn nội tại trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng tập trung hóa và dưới sự chỉ đạo của một hệ thống chính trị theo kỷ luật cộng sản.

Bằng chứng cụ thể là sự suy giảm của nhịp độ tăng trưởng GDP “chính thức” trong năm 2015 là 6.9%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Tiếp đến là sự hao hụt nguồn dự trữ ngoại tệ, cũng khá là quan trọng. Tính từ giữa năm 2015 đến nay, Bắc Kinh đã bị mất đi khoảng 500 tỷ đô la, bất chấp các nỗ lực cứu vãn vừa vô ích vừa đắt giá cho thị trường chứng khoán và tỷ giá đồng nhân dân tệ. Theo ông Bouchet, thực tế không những vừa phức tạp hơn mà còn đáng lo ngại hơn. Trung Quốc đang trải qua ba kỳ biến đổi chiến lược xảy ra đồng thời với mô hình phát triển của mình.

Nhiều bằng sáng chế đổi lấy dân số già

Biến đổi thứ nhất ai cũng biết rõ: đó là tái cân bằng động lực phát triển kinh tế được định ra từ 30 năm qua. Mô hình phát triển dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng giờ không thể nào chống đỡ được nữa. Hướng đầu tư này được tài trợ nhờ hệ thống ngân hàng, chính thống hay ngoài luồng. Ưu tiên hiện nay là kích thích tiêu thụ và cung cấp dịch vụ để hiện đại hóa Trung Quốc, tạo điều kiện cho lớp trung lưu tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng công nghệ tin học.

Cuộc biến đổi này ít nhiều cũng có tiến triển. Nền “kinh tế mới” có được mức tăng như hiện nay là nhờ vào tiêu thụ và các dịch vụ. Hai lĩnh vực này, giờ đang gánh chịu hậu quả của bong bóng tài chính, chiếm đến hơn phân nửa GDP. Tiêu thụ nội địa Trung Quốc đạt gần 58% GDP, trong khi đầu tư bị giảm xuống còn có 44%. Nghiên cứu và Phát triển trở thành ưu tiên của quốc gia, chiếm 2% của GDP, gần bằng với mức trung bình của cả khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE.

Vào lúc mà ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ tại OCDE trì trệ, ngân sách của Trung Quốc dành cho mục này đã tăng lên gấp đôi trong giai đoạn 2008 – 2012. Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc nộp bằng sáng chế.

Già trước khi giàu

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản trong cuộc chuyển đổi này, do tính kế thừa quá nặng nề từ nền “kinh tế già nua”: gánh nặng nợ đạt mức gần gấp 3 lần Tổng thu nhập nội địa. Ngân hàng ngập đầy nợ xấu và thường bị định giá thấp.

Sản xuất thép và xi-măng quá dư thừa làm phát sinh giảm phát (và phá hỏng tăng trưởng các quốc gia cung cấp nguyên nhiên liệu tại Châu Phi và Châu Mỹ Latinh). Kinh tế trì trệ kìm hãm sự hội nhập của tầng lớp “vô sản” ở phía tây, dù rằng họ là những người được hưởng lợi từ việc chuyển dịch nền sản xuất, do việc chi phí nhân công tại đây thấp hơn so với vùng duyên hải.

Đây rõ là một cuộc chạy đua với thời gian, hay nói đúng hơn là chống lại hiện tượng dân số lão hóa, vì có rất nhiều người Hoa sẽ già trước khi trở nên giàu có: việc tái khởi động chính sách dân số đưa ra hồi cuối năm 2015 đã được đưa ra quá trễ. Tỷ lệ sinh nở đã giảm xuống còn có 1,5 trẻ/ bà mẹ. Vào năm 2050, tỷ lệ người lao động trên số người hưu trí sẽ là 2/1 thay vì là 6/1 như vào năm 2000. Điều đó sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho quỹ hưu bổng và cho năng suất.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng liên quan gián tiếp đến Châu Âu do thay đổi về phát triển kinh tế sẽ làm phát sinh lực ly tâm: lạm phát tăng lên do việc đồng Yuan (Nhân dân tệ) bị giảm giá; cách biệt về thu nhập, vốn dĩ rất đáng kể, cũng sẽ tăng theo; tiếp cận công nghệ viễn thông, cho dù là dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương, tạo nên những làn sóng phản đối. Chính quyền Trung Quốc ngày càng sử dụng công cụ trấn áp để duy trì nỗ lực đạt được khi cho tái cơ cấu mô hình kinh tế, đồng thời phớt lờ lời kêu gọi tôn trọng nhân quyền.

Đầu tư để mua công nghệ và kiểm soát nguồn cung nguyên liệu

Sự biến đổi thứ hai còn phức tạp hơn. Thách thức cho sự thay đổi này là làm thế nào giới hạn được sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên nhiên liệu và cũng như giảm tình trạng dư thừa sản xuất. Sự biến đổi này có tác động trực tiếp đến Châu Âu. Trung Quốc đầu tư ồ ạt vừa trong thị trường chứng khoán vừa đầu tư trực tiếp trong ngành công nghiệp Châu Âu. Không như Hoa Kỳ, các ngành công nghiệp tại châu lục già này không được bảo hộ.

Từ năm 2015, đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu vượt qua cả đầu vào đầu tư nước ngoài và đạt khoảng 120 tỷ đô –la. Các dòng vốn Trung Quốc hiện đang nắm quyền kiểm soát không chỉ tại hãng xe Volvo (Thụy Điển), mà còn tại Saab – một hãng sản xuất máy bay Thụy Điển, Putzmeister – chuyên sản xuất xe trộn bê-tông của Đức, một biểu tượng của vùng Mittlestand, Đức, hoặc như việc tập đoàn Cosco Trung Quốc kiểm soát cảng biển Pirée của Hy Lạp…

Nếu như đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu là để mua lại các công nghệ, thì tại vùng Đông Nam và Châu Phi là một mục đích khác. Theo ông Bouchet, đầu tư của Trung Quốc vào hai khu vực này một mặt là nhằm để chuyển dịch cơ cấu sản xuất ít lợi nhuận do giá nhân công trong nước tăng.

Mặt khác là để kiểm soát nguồn cung nguyên liệu tại chỗ rồi nhập khẩu vào Trung Quốc, hoặc như để luồn lách các hàng rào thuế quan cao do các nước trong khối OCDE áp đặt. Tác giả bài viết lưu ý, việc kiểm soát nguồn cung chiến lược đi kèm chung với việc gia tăng phạm vi gây ảnh hưởng tại châu Phi và Trung Âu.

Chuyển dịch trọng tâm kinh tế

Biến đổi thứ ba là hệ quả của sự biến đổi thứ hai. Trọng tâm kinh tế của Trung Quốc được dịch chuyển về phía tây, tỉnh Vân Nam và Tân Cương và các thành phố miền trung nước này như Thành Đô hay Trùng Khánh. Đây là những đầu cầu cho chiến lược gây ảnh hưởng vào vùng Á-Âu.

Nhưng sự biển đổi này cũng có liên quan đến Châu Âu, do Trung Quốc tăng cường chiến lược gây ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị từ Trung Á cho đến trước thềm cửa nhà Châu Âu. Con đường mới này, không còn là Con Đường Tơ Lụa như của thiên niên kỷ đầu tiên, mà nói đúng hơn là “Vành đai và Con đường” hay “Con đường Kinh tế Á-Âu”.

Con đường đó sẽ trải dài từ Miến Điện cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua các nước vùng Vịnh Ba Tư. Con đường này tập hợp đến 16 quốc gia tập trung xung quanh Trung Quốc. Dự án xuyên lục địa này sẽ cho phép nhập khẩu khí đốt, dầu hỏa và xuất khẩu các sản phẩm như thép chẳng hạn vì Trung Quốc đang trong tình trạng thừa sản xuất. Mạng lưới viễn thông sẽ do các định chế đa phương tài trợ… kể cả Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (AIIB).

Nói tóm lại, Châu Âu không thể liều lĩnh mà không có một suy nghĩ về chiến lược khẩn cấp và hiệp thương. Tại Trung Quốc, duy trì một sự gắn kết xã hội đòi hỏi một chính sách đôi. Trong đối nội, vừa kiểm soát xã hội vừa trấn áp. Với đối ngoại, thì dựa vào một chính sách mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hung hăng.

Đế chế Trung Hoa muốn lấy lại vị thế mà họ đã bị mất đi vào thế kỷ XIX, khi mà sức mạnh kinh tế nước này lúc bấy giờ chiếm 1/3 tỷ trọng thế giới. Ông Henry Kissinger trong bài viết «World Order” (tạm dịch là Trật tự Thế giới) vừa nhắc lại là Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn đồng tình với hệ thống quốc tế về các Nhà nước độc lập, công bằng và có chủ quyền được gọi là “Westphalia”. Một hệ thống mà Trung Quốc không tham gia xác định các quy tắc. Ngày nay, Bắc Kinh muốn khôi phục lại tính ưu việt của mình về thương mại, kinh tế, sắp tới là tài chính, và đã có được về mặt địa chính trị.

Theo La Tribune (RFI ngày 7/02/2016)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt