Kém hiểu biết hay thiếu trách nhiệm

Lúc quốc biến đang bên bờ nguy cơ mất nước, toàn dân phải có trách nhiệm cứu nước…chứ không phải làm chính trị.

Kém hiểu biết hay thiếu trách nhiệm?


Nguyễn Đại


Nói thật ra thì tôi cũng chẳng thích thú gì khi phải quan tâm đến chính trị: Bực mình, cảm thấy bất lực, lo âu cho đất nước và tất nhiên, không thể tránh được những phiền toái! Thành ra đối với những người không quan tâm đến chính trị, tôi thấy cũng được, miễn sao sống đạo đức, lương thiện là tốt. Nhưng khi có những ý kiến như là:

– Mày quan tâm đến chuyện đó làm gì, mỗi người mỗi việc. Lo làm ăn chân chính (?!).

– Chính trị chẳng liên quan gì đến tụi mình cả.

– Ôi, có nhúm người lên tiếng thì không giải quyết được gì đâu?

– Thằng cha Lê Công Định này khùng thật, vợ hoa hậu, nhà giàu vậy mà…thì lại là chuyện khác.

Tưởng cũng phải có đôi lời.


Sáng sớm, chúng ta dắt xe ra đi làm, chẳng may hết xăng. Đổ xăng, thấy giá xăng cao quá. Chiều về đọc báo thấy giá dầu thế giới giảm nhưng giá xăng chưa giảm. Thưa, chính trị đấy ạ. Với cơ chế chính trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xăng dầu là ngành kinh doanh độc quyền, chúng ta chỉ có thể mua hay không mua chứ không được quyền chọn lựa. Nói chính xác hơn là chúng ta phải mua chứ không được quyền đắn đo.

Buổi trưa, chúng ta đi ăn cơm. Giới bình dân thì ăn cơm hộp từ 10.000-12.000 đồng/hộp. Khá hơn thì ăn cơm văn phòng trên 20.000 đồng/phần. Tự nhiên hôm nay cơm văn phòng đồng loạt tăng vọt lên 25.000 đồng/phần. Chủ quán giải thích là gạo tăng giá. Đọc báo thì thấy thông tin Việt Nam thiếu gạo (!). Vài hôm sau lại được tin Nhà nước đã “nhanh chóng bác bỏ thông tin Việt Nam thiếu gạo”. Chính trị đấy ạ! Ai tích trữ gạo? Ai tung tin thiếu gạo? Ai chịu trách nhiệm về việc này?

Chiều đi làm về, chúng ta bị kẹt xe. Trời Sài Gòn oi bức mà chúng ta đứng hít khói, mồ hôi nhễ nhại. Quái! Càng tìm biện pháp lại càng kẹt xe. Từ ý thức người đi đường đến lô cốt nằm chình ình giữa đường. Nhà thầu nào thi công lô cốt bầy hầy thế nhỉ? Vai trò của chủ đầu tư ở đâu? Đã vậy còn đám choai choai phóng nhanh vượt ẩu, còi hơi bấm loạn xạ chết cả trẻ em. Càng ban hành nghị định thì tai nạn giao thông càng tăng. Thị trưởng Bangkok – thủ đô Thái Lan – đã từng cam kết nếu không giải quyết nạn kẹt xe trong vòng 6 tháng thì từ chức. Sao không có thị trưởng nào ở Việt Nam dám làm như ông ta?

Ai bảo giữa chính trị và kẹt xe không có liên quan?!

Vượt qua đám kẹt xe, về được đến nhà, chỉ mong có những giây phút nhẹ nhàng thì gặp khuôn mặt nhăn nhó của mẹ sắp nhỏ cùng với lời ca cẩm “tháng này tiền điện tăng, tiền nước tăng, ga tăng, ông làm ơn đưa thêm lương”. Sẵn bực mình vì kẹt xe, chúng ta gắt gỏng om cả nhà. Tối đến, khi đã cố gắng quên hết những rắc rối, nằm coi đá banh thì cúp điện. Mùa nóng, chồng cởi trần, vợ áo ngắn ngồi thở phì phò. Chắc chắn không ai trong chúng ta là không bị ảnh hưởng bởi cúp điện. Ôi bao nhiêu là lý do, quá tải, mực nước thấp không đủ chạy thủy điện v.v. Nhưng giống xăng dầu, ta không mua điện Nhà nước thì mua ở đâu? Ai dám bảo cúp điện không liên quan đến chính trị?!

Có thể nói, chính trị liên quan đến chúng ta hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Một “quyết tâm chính trị” nào đấy đều ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Thế thì cái phát biểu “chính trị chẳng liên quan gì đến tụi mình cả” là một phát biểu rất thiếu hiểu biết. Nhưng với những người bạn của tôi, những người mà xét về nhiều mặt, chỉ hơn hoặc bằng chứ không thua tôi thì nói “thiếu hiểu biết” e rằng vô lý. Vậy phải hiểu như thế nào?

Thực tế, có những người không quan tâm đến giá xăng tăng 500 hay 1000 đồng/lít. Họ chẳng bận tâm chút nào khi phải trả thêm vài ngàn đồng cho một bữa cơm. Họ cũng không quan tâm đến mỗi tháng phải trả thêm vài trăm ngàn cho tiền điện tiền nước. Họ không quan tâm đến con cái phải đóng thêm học phí. Lý do là với thu nhập của họ, chuyện đó không thành vấn đề. Với những người này, chính trị “không liên quan” gì đến họ là có cơ sở. Hay nói chính xác, chính trị liên quan không liên quan đáng kể đến “cơm áo gạo tiền” của họ.

Nếu chúng ta cũng như họ, thì chúng ta không phải là kém hiểu biết mà chúng ta thiếu trách nhiệm. Thiếu trách nhiệm với đại đa số dân chúng còn rất nghèo, còn thiếu ăn trên đất nước này.

Với một người gánh hàng rong thu nhập 30.000 đồng/ngày thì bữa ăn tăng thêm 2.000 đồng là rất đáng quan tâm. Với cặp vợ chồng thu nhập 4.000.000 đồng/tháng thì tiền điện, tiền nước tăng thêm 500.000 đồng là rất đáng kể. Và nếu hai vợ chồng bán vé số để nuôi con ăn học, thì các khoản tiền trường, phụ thu, sổ vàng, sổ bạc là vô cùng lớn. Chính trị [có thể] “không liên quan gì” đến những người có thu nhập cao, nhưng rất liên quan đến tầng lớp bình dân. Ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý lớn của xã hội. Người có trình độ, có thu nhập cao thì không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính trị, ngược lại, người ít học, thu nhập thấp thì bị ảnh hưởng lớn bởi chính trị. Thế nhưng chỉ người có trình độ mới có điều kiện và khả năng quan tâm đến chính trị chứ không phải người ít học. Kết quả là người có trình độ và có trách nhiệm với xã hội thì phải quan tâm đến chính trị nhằm cải tiến chất lượng của xã hội để người ít học được hưởng lợi. Lúc này anh ta mới được gọi là người trí thức. Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, Anhbasg, Lê Công Định là những người như vậy. Họ có khùng đâu!

Một ý kiến khác là cho rằng quan tâm đến chính trị cũng chẳng giải quyết được gì vì chỉ có một nhúm người lên tiếng. Dạ thưa, không có cái nhúm người đó thì vĩnh viễn chẳng có một biển người đâu ạ! Có một người, sẽ có hai người. Từ hai người sẽ thành ba, bốn, mười người. Không có bạn Thanh, bạn Minh viết khẩu hiệu HS-TS-VN thì không có phong trào HS-TS-VN hiện nay, từ nhóm sinh viên Bình Dương đến gia đình “Nguyễn Hoàng Mão và các con” ở Thanh Xuân – Hà Nội… Cái nhúm người đó có giải quyết được gì không? Tôi cho là có. Dự án bauxite đã triển khai, nhưng ai dám khẳng định những ngày “làm việc” của vị Giáo sư đáng kính Nguyễn Huệ Chi không góp phần làm cho nó thu hẹp về quy mô? Ai dám khẳng định lá thư kiến nghị khẩn cấp của Mẹ Nấm không góp phần dẫn tới việc cách chức Tô Chủ tịch? Ai dám khẳng định những bài viết phản biện gay gắt không góp phần lấy lại công bằng cho nông dân trong vụ Vedan? Ai dám khẳng định bài thơ “dặn con học trả nợ” của Người Buôn Gió không góp phần vào việc Quốc hội bác dự án Đường cao tốc? Thay vì than thở rằng “chỉ có một nhúm người thì không giải quyết được gì” thì hãy tự nhủ rằng “đã có một nhúm người thì mình phải góp thêm một phần vào đó”.

Tất nhiên, vẫn còn đó bao nhiêu chuyện chưa cải thiện được, cho dù dân chúng đã nói hàng trăm, hàng ngàn lần. Điện lại rục rịch tăng giá cho “bằng giá khu vực”. Tình trạng giáo dục mỗi năm một tồi tệ: chạy trường, sổ đỏ, thi cử… Thế thì lại càng phải nói, càng phải phản biện nhiều hơn. Thái độ “thôi nói cũng chẳng giải quyết được gì” chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm mà thôi.

Thế nhưng, như đã nói ở trên, chẳng thà thiếu trách nhiệm, chẳng thà cứ im lặng, cứ ngồi mà hưởng lợi từ đấu tranh của người khác, chứ đừng tuyên bố những câu vô cảm và lạnh lùng.

Nếu không có được tinh thần thép của Lê Thị Công Nhân, không làm được như chị thì hãy dành cho chị sự ngưỡng mộ. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “Luật sư gì không lo làm ăn…”.

Nếu không có được lòng trắc ẩn của Mẹ Nấm, không viết được như chị thì cứ cảm kích trước những gì chị viết. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “mày làm vậy để được gì?”.

Nếu không bức xúc như Người Buôn Gió, không làm được bài thơ “học đi con, học để trả nợ” như anh thì hãy đồng cảm với tâm tư của anh. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “viết vậy có giải quyết được gì đâu?”.

Nếu không có lòng dũng cảm của Lê Công Định, không tư duy được như anh thì hãy xót xa cho một nhân tài của đất nước. Không nữa thì im lặng, chứ đừng bày đặt “thằng cha này khùng thiệt…?”.

v.v… và v.v…

Không quan tâm đến chính trị ư? Chỉ có thể là kém hiểu biết, không thì là thiếu trách nhiệm. Nhưng xin đừng vô cảm!

15 tháng 8 năm 2010

(Tặng Mẹ Nấm khi đọc tâm sự của chị)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt