Kỹ Thuật Gỡ Ngòi Nổ Biểu Tình

Trần Viết Đại Hưng

KỸ THUẬT GỠ NGÒI NỔ BIỂU TÌNH

Từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đến nay, Cộng sản luôn tồn tại nhờ những thủ thuật dối trá lưu manh. Những chuyện đổi tên Đảng để che dấu lý lịch Cộng sản cũng như tổ chức lập Quốc Hội bao gồm nhiều phe phái được coi như những thủ đoạn chính trị giai đoạn mà Cộng sản thi hành để tồn tại và bảo toàn lực lượng khi chúng chưa hoàn toàn nắm được quyền lực. Đến khi cướp được chính quyền bằng chiêu bài chống ngoại xâm vốn rất ăn khách trong một đất nước mà tinh thần ái quốc lúc nào cũng cao và cháy bỏng trong lòng mỗi người dân như dân Việt Nam, chúng hiện nguyên hình là bọn khát máu, sẵn sàng tiêu diệt những đảng phái đối lập một cách không thương tiếc. Lúc Cộng sản tóm được chính quyền trong tay, đứng trước những cuộc xuống đường biểu tình nổi dậy, Cộng sản thướng sử dụng chiêu thức gỡ ngòi nổ để làm cho tình hình lắng dịu và sự tồn tại của chế độ Cộng sản được củng cố dài lâu. Trong những ngày gần đây, đứng trước cao trào xuống đường chống Trung Cộng xâm lăng Trường Sa và Hoàng Sa cùng phong trào đòi lại đất của dân oan cũng như của các giáo hội tôn giáo, Cộng sản lại dùng bài bản cũ gỡ ngòi nổ biểu tình. Phải nhận định cho rõ kỹ thuật gỡ ngòi nổ biểu tình của Cộng sản để có thể đưa ra những chiến thuật, chiến lược đối phó hữu hiệu nhằm đưa phong trào tranh đấu cho dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ đi đến chỗ thành công mỹ mãn.

Cách đây không lâu giáo dân ở Nha Trang đã xuống đường biểu tình trước tòa nhà số 16 đường Phước Long, Nha Trang để phản đối việc Cộng sản cho xây dựng công trình trên đất của Dòng Thánh Giuse. Giáo hội Thiên chúa giáo Nha Trang tính dùng mảnh đất này để xây dựng một bệnh viện nhằm chữa bệnh cho người nghèo. Mảnh đất này đã bị Cộng sản “mượn” của giáo hội sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và cố tình không trả. Đứng trước khí thế xuống đường của giáo dân Nha Trang có thể đưa đến chuyện bạo động, đổ máu và từ đó có thể gây bất ổn cho chính quyền Cộng sản địa phương, Cộng sản cho cán bộ đến vuốt ve, xoa dịu sự phẫn uất của giáo dân. Đoàn biểu tình giải tán trước sự hứa hẹn Cộng sản sẽ trả lại đất đai cho giáo hội. Điều đáng buồn là cho đến nay, Cộng sản vn nuốt lời hứa không trả lại đất cho giáo hội Nha Trang và những lời hứa hẹn để cho đoàn biểu tình giải tán chỉ là một thứ kỹ thuật gỡ ngòi nổ biểu tình được Cộng sản gian manh áp dụng khéo léo mà thôi.

Linh mục Lưu minh Hoàng, người phụ trách dẫn dắt giáo dân Nha Trang tranh đấu đòi lại đất đai của giáo xứ trong nhiều năm qua đã cho Đài Á châu tự do (Rfa) vào tháng 1 năm 2008 biết mọi chuyện như sau:

Bây giờ thì chúng tôi chắc chắn là trông ơn trên, bây giờ mình chỉ có cái xuống đường, dám xuống đường, chớ họ không bao giờ trả hết. Chắc có lẽ sau này chắc là chúng tôi sẽ tiến tới, vòng vòng anh em rồi các thầy, các sơ, tất cả những người trong nhà, tất nhiên là sẽ mặc nhung phục rồi đến tại chỗ đó mà yêu cầu họ trả, bởi vì đó là khuôn viên của nhà dòng chứ đâu có phải nhà trường.

Lúc thì họ nói họ trả, lúc thì họ không trả, bây giờ có thể họ chiếm để họ xây trường rồi đó. Trong những ngày tới chắc chúng tôi phải có biện pháp, nhưng ngày hôm nay chúng tôi sẽ lên nói với tỉnh rằng chúng tôi sẽ có biện pháp nếu như các vị không có dứt khoát, không có đường hướng rõ rệt nào hết, thì chắc chắn chúng tôi cũng phải giống như ở Hà Nội, giống như Sài Gòn đó.

Chắc cái vụ Hà Nội, các anh biết quá rồi. Giáo dân thì họ rất là hăng say và họ cầu nguyện. Nói tiếng cầu nguyện chứ họ sẽ làm tất cả những gì mà họ đã làm trước đây. Ông Dũng ông cũng tới và gặp Đức cha Kiệt rồi, cho nên tức là họ cũng có một giải pháp.

Nhưng mà cái đó thì chưa dứt khoát bởi khi tôi ra Hà Nội thì nhiều khi ban đêm tôi ngủ không được bởi họ chơi, cả khu đó họ biến thành picnic để tắm, rồi thức ăn, cho nên không còn cái thể thống gì của tòa Tổng giám mục Hà Nội và cả tòa Khâm sứ nữa, cho nên chắc chắn là phải có cách đối xử với tôn giáo, chứ nếu như thế này thì chắc chắn là không chịu nổi được rồi. Hết sức chịu nổi rồi.

Trước đây những cái mà chúng tôi cho mượn thì họ nói mượn sẽ trả, cái đó dĩ nhiên là vậy thôi, không lấy ví dụ gì cao xa nhưng bây giờ họ lại nói ngược lại. Bây giờ chủ trương của họ tất nhiên đất là đất toàn dân, cho nên bây giờ chắc chắn là họ lấy cớ không có đất của ai hết, chỉ có đất của toàn dân.

Cái điều họ nói lơ lửng mà rồi mình hổng bao giờ hy vọng, đó là khi cần thì họ cấp cho. Ví dụ bữa trước họ cũng nói là nhà thờ có dự án thì họ sẽ cấp đất, nhưng mà rồi cuối cùng thì họ hổng cấp mà họ lại lấy thêm. Cho nên tôi thấy không có đi đến đâu hết mà chắc là ngạt thở lắm rồi.

Người ta muốn làm gì thì làm, nói trước khác, nói sau khác. Không có cái gì là nhất quán hết trong chủ trương của nhà nước và nhất là của chính quyền địa phương các tỉnh đó. Nhiều khi ở trên bảo xuống dưới làm rồi sẽ báo cáo lên trên, cho nên mình cứ như chuột chạy ống tre, cho nên mình không thể nào biết được đường lối nào hết.”

Lời phát biểu của Linh Mục Lưu minh Hoàng cho thấy thủ đoạn hứa cuội của chính quyền địa phương Nha Trang. . Chính quyền này chỉ đem cán bộ đến vuốt ve, hứa hẹn khi có chuyện biểu tình của giáo dân Nha Trang nổ ra. Đó là một kỹ thuật gỡ ngòi nổ biểu tình của Cộng sản. Thường thường chúng hay có cách giải thích là địa phương chờ lệnh trung ương, đến khi người khiếu kiện lên tới trung ương thì trung ương lại yêu cầu về địa phương giải quyết cụ thể. Đó là phương cách chúng đối phó với những cuộc biểu tình của dân oan ở Hà Nội và Sài gòn trong những tháng gần đây. Đó là thủ đoạn cù cưa, bán cái cho nhau nhưng thực chất không thực sự muốn giải quyết vấn đề, nhằm mục đích làm cho người khiếu kiện nản lòng bỏ cuộc.

Đầu tháng 12, khi có cuộc biểu tình của anh em sinh viên xuống đường chống Trung Cộng ở Sài gòn, trước khí thế của sinh viên, Phó bí thứ thành ủy Nguyễn thành Tài mời các anh em sinh viên vào nhà văn hóa thanh niên vuốt ve, xoa dịu sự căm phẫn của anh em và hứa thành đoàn sẽ tổ chức một cuộc biểu tình để anh em tham gia bày tỏ ý kiến của mình. Khi sinh viên tỏ vẻ nghi ngờ vào lời hứa thành đoàn sẽ tổ chức một cuộc biểu tình cho anh em sinh viên bày tỏ ý kiến của mình thì Nguyễn thành Tài liền đánh đòn tâm lý để thuyết phục,” Tôi tin các em, sao các em lại không tin tôi?”

Ngày tháng trôi qua cho thấy lời hứa của Nguyễn thành Tài chỉ là lời thề “cá trê chui ống”. Lời hứa hẹn của Tài là tổ chức một cuộc biểu tình cho anh em sinh viên chống Trung Cộng đã không xảy ra. . Tài chỉ đến vuốt ve xoa dịu anh em sinh viên vì lo sợ cuộc biểu tình tự phát của anh em sinh viên xảy ra vào hai ngày 9 và 16 tháng 12 ở Sài gòn có thể đưa đến những bạo động không hay cho chính quyền Cộng sản. Có thể nói Tài là một chuyên viên gỡ ngòi nổ biểu tình chuyên nghiệp không hơn không kém.

Rồi đến chuyện hàng ngàn giáo dân Hà Nội biểu tình đòi Cộng sản trả lại tòa Khâm sứ. Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đích thân sang gặp Tổng giám mục Ngô quang Kiệt là cũng nhằm xoa dịu và phá ngòi nổ cuộc biểu tình. Cộng sản cố tỏ ra vẻ mềm mỏng biết điều để giải quyết vấn đề. Trong thời điểm nhạy cảm trước việc Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa, anh em sinh viên xuống đường biểu tình làm Cộng sản Việt Nam hết sức lo ngại vì chúng cũng thừa biết nếu những cuộc xuống đường biểu tình ở quy mô lớn vài chục hay hàng hàng trăm ngàn người tham dự có thể đưa đến sự sụp đổ của chế độ. . Đây là một thực tế đã xảy ra ở những nước Cộng sản như Tiệp, Ba Lan và ở những nước tư bản như Phi luật Tân hay Thái Lan. Cho nên hiện tượng giáo dân xuống đường hàng ngàn người là chuyện Cộng sản lo sợ và tìm cách khôn khéo thương lượng với người chủ chăn để giải tán các cuộc cầu nguyện biểu tình của giáo dân là chuyện dễ hiểu. Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng hạ mình sang thăm cũng vì lý đo như thế.

Nhưng rồi Trưởng ban tôn giáo Nguyễn thế Doanh tuyên bố với BBC ngày 3 tháng 1 năm 2008 là “không có vấn đề trả lại gì hết”. Rõ ràng trong khi Nguyễn tấn Dũng xoa dịu vuốt ve thì Nguyễn thế Doanh lại giữ vững lập trường ăn cướp tài sản giáo hội của Cộng sản. Bởi vì chuyện trả lại tòa Khâm sứ có thể tạo ra một tiền lệ khiến những giáo phận địa phương hay những tôn giáo khác có thể vin vào đó để đòi tại tài sản giaó hội bị Cộng sản tịch thu từ trước đến nay. Cho nên Cộng sản đứng vào thế tiến thoái lưỡng nan, dùng dằng chưa giải quyết dứt điểm chuyện trả lại tòa Khâm sứ cho giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam.

Mong rằng Tổng giám mục Hà nội Ngô quang Kiệt sẽ rút được bài học vuốt ve xoa dịu để rồi không trả đất của Linh mục Lưu minh Hoàng của giáo phận Nha Trang để kiên quyết ra thời hạn dứt khoát cho Cộng sản phải trả lại tòa Khâm sứ cho giaó hội Thiên chúa giáo. Nếu không, sẽ kêu gọi giáo dân biểu tình với số lượng lớn người và đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề với bọn thất hứa Cộng sản. Tuyệt đối không mềm lòng và ngây thơ trước thủ thuật quen thuộc gỡ ngòi nổ biểu tình của chúng. Mọi chuyện trả lại đất đai cho giáo hội cần được giải quyết một cách công khai minh bạch và mau chóng. Ngón đòn hứa cuội vuốt ve để giải tán biểu tình của Cộng sản từ nay sẽ không còn công hiệu vì người ta đã nhìn thấy rõ đường đi, nước bước của chúng. Chúng không thể diễn trò bịp bợm này nữa mà phải giải quyết mọi chuyện một cách công khai minh bạch trên giấy trắng mực đen của pháp luật.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Có nhìn thấy những người như nhà văn Nguyễn xuân Nghĩa (Hải Phòng) mạnh dạn xuống đường biểu tình chống lại sự xâm lăng của Trung Cộng mới thấy tiền đồ của đất nước Việt Nam không đến nỗi đen tối lắm. Nguyễn xuân Nghĩa, cũng như Phạm hồng Sơn, là những nhà tranh đấu đúng nghĩa là mạnh dạn xuống đường  đối diện với dùi cui, roi điện của công an trong khi những nhà tranh đấu cho dân chủ khác né tránh không dám xuống đường, chỉ ngồi ở nhà “đánh võ mồm”.

Xin ghi lại bài thơ “ Ký sự biểu tình ngày 23 – 12 – 2007” mà nhà văn Nguyễn xuân Nghĩa ghi lại những bức xúc đau đớn khi xuống đường.

Bị cưỡng chế xa đường phố lớn

Có dây chăng, có xe bịt bùng

Trong những con hẻm nhỏ

Công an khóa đầu,

Dân vệ khóa đuôi

Chúng tôi

là sinh viên nợ cơm từng ngày

là tiểu thương mất chợ

là nông phu không còn ruộng cấy

vai sát vai

Băng rôn người ta đã cướp

Rút túi giương cao trước ngực

“Hoàng Sa, Trường Sa” bé tựa vở học sinh

Trên đường tới đây,

Phải dấu nhẹm như dấu điều tủi nhục

Tổ Quốc!

“Nam Quốc Sơn Hà” còn trong Hồn Nước

“Sát Thát” còn vang trong hội nghị Diên Hồng

Cáo Bình Ngô còn ngân từ ống đồng

tống tiễn Vương Thông về nước

Giờ đây,

Tổ quốc ơi,

Ai làm Người chịu nhục?

Tổ Quốc!

Người có còn là của chúng tôi không?

Khi dầu mỏ và than đen

Khi vàng rừng và bạc bể

chảy vào túi ai!

để lại chúng tôi những khoản nợ nước ngoài

để lại chúng tôi cầu sập

để lại chúng tôi núi lở, đá đè

để lại chúng tôi lũ lụt

để lại chúng tôi ngư dân bị giết

Tổ Quốc!

Người còn là của chúng tôi không?

Nghĩa trang Biên Hòa hoang phế

“Chung cộng đồng” mà xương cốt nửa kia hương lạnh khói tàn

Tổ Quốc của ai, ba triệu người lìa xứ

sấp ngửa thiên thu chưa tìm được lối về

Vậy mà Tổ Quốc ơi!

Chúng tôi vẫn yêu người!

Vết chân hoang sơ tiền nhân còn lưu giữ

Tiếng hú khởi nguồn cho ngôn ngữ

còn nằm trong âm sắc lứa đôi yêu

Da thịt chúng tôi được dưỡng nuôi phôi trứng tự ngàn đời

Tổ quốc!

Chúng tôi không thể mất Người dù ai đánh đuổi

Dù chính quyền phản bội

Dù báo chí mù lòa

Giọt nước mắt chúng tôi nhọn căng viên lửa

Tiếng gào thét tung lên như trái phá

Tổ Quốc!

Chúng tôi chết cho Người

không chờ ai cấp phép!

Mãi mãi người là của chúng tôi!

Hải Phòng 25 – 12 – 2007

Nguyễn xuân Nghĩa

Một người bạn trẻ tên Quỳnh Vy cũng bày tỏ những tình cảm thiết tha với Tổ Quốc trong lần xuống đường ngày 19 tháng 1 năm 2008. Có đọc những dòng thơ đầy xúc cảm này mới thấy tuổi trẻ Việt Nam bao giờ cũng là niềm hy vọng của quê hương dất nước Việt Nam:

Lửa tim tôi đang dâng tràn cuồn cuộn

Vài giờ nữa thôi, tôi sẽ xuống đường

Hòa lòng mình với tiếng gọi quê hương

Vì Tổ Quốc yêu thương và nòi giống

Trái tim tôi, đang rực sôi lửa nóng

Giận căm gan lũ phương Bắc từ lâu

Lấy quyền chi mà phách lối cơ cầu

Ngang nhiên chiếm biển Đông và lãnh hải

Thương ngư dân sống quanh vùng duyên hải

Vẫn ra khơi tìm nguồn sống như mọi khi

Ngày tám tháng giêng bỗng tối sầm đi

Khi tang trắng phủ quanh vùng Thanh Hóa

Và hôm nay chúng giở trò xảo trá

Với dã tâm chiếm đoạt Hoàng- Trường Sa

Vu ngư dân chứa vũ khí (nên) chẳng tha

Quyết đuổi giết người dân lành vô tội

Khi giang sơn, Tổ Quốc tôi trôi nổi

Giận run người, uất nghẹn cả tim gan

Quyết xuống đường dù “ai kia” cản ngăn

Hay khuyên giải “hãy giữ tình hòa khí”

Im lặng ư? Là cúi đầu nhụt chí

Hòa khí ư? Sao lại cướp đất ta?

Cản ngăn ư? “Anh” bảo vệ chúng à?

Là những kẻ với dã tâm chiếm đoạt

Cởi đi anh, chiếc áo mình đang mặc

Tự khoác vào áo dân tộc quê hương

Thì như tôi, anh cũng sẽ xuống đường

Vì hai chữ thiêng liêng là Tổ Quốc

Lửa trong tim đang cháy lên đỏ rực

Chẳng riêng tôi mà còn có triệu người

Và hồn thiêng sông núi sẽ mỉm cười

Vì còn đó, những người yêu Tổ Quốc

Quỳnh Vy

Thật đáng cảm phục cô sinh viên Quỳnh Vy, bất chấp sự răn đe trấn áp của Công an, vẫn quyết tâm xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước thiết tha mà không bạo lực nào có thể dập tắt được. Quê hương đất nước nếu còn có ngày sáng lạn là cũng nhờ có đứa con yêu quý, dũng cảm như Quỳnh Vy.

Hiện nay những cuộc biểu tình của sinh viên có số lượng hàng chục hàng trăm người thì công an đàn áp thẳng tay bằng bạo lực. Nhưng phải nhớ rằng khi số biểu tình lên đến hàng ngàn người thì lúc đó chính quyền Cộng sản sẽ dở trò vuốt ve, mua chuộc để xoa dịu và dập tắt cuộc biểu tình như chúng đã từng khôn khéo làm trước đây. Sinh viên sẽ sáng suốt và sẽ không mắc vào bẫy hứa hẹn đường mật của chúng. Trong ngày biểu tình 19 tháng 1 vừa rồi, Sinh viên Hà nội đã dùng chiến thuật “dương đông kích tây” để lừa công an khi công bố trên mạng là sẽ biểu tình ở một địa điểm này nhưng thật sự lại hẹn nhau ra quân ở một địa điểm khác. Chỉ một chuyện này cũng nói lên được tài trí tổ chức của anh em sinh viên và chắc chắn anh em sẽ còn nhiều mưu kế độc đáo ngoạn mục khác để vạch mặt bọn bán nước Bắc bộ phủ trước mặt toàn dân

Ngày nào mà sinh viên cũng như mọi công dân Việt mạnh dạn xuống đường, hiên ngang đi vào tù thì ngày đó chế độ tàn bạo đương thời cũng sẽ đi đến chỗ cáo chung. Sự tổ chức vụng về, thiếu nhất trí ban đầu sẽ dần dần đi đến sự chặt chẽ và quyền biến cho những cuộc xuống đường về sau. Phải sử dụng truyền đơn và những phương tiện thông tin khác để liên lạc và loan tin cho quần chúng. Chắc chắn sinh viên sẽ tổ chức được những cuộc biểu tình quy mô có đông người tham dự và gây tiếng vang lớn.

Học giả Nguyễn hiến Lê sau vài năm sống dưới chế độ Cộng sản, chứng kiến những chính sách quái đản, độc ác, nghịch lý của chế độ Cộng

sản nên đã ghi lại lời phê phán chế độ này trong hồi ký của ông, “Cổ kim chưa thấy có xã hội nào phi lý như vậy” (1). Ông Lê qua đời vào cuối năm 1984, nếu ông còn sống đến giờ phút này, chắc chắn ông còn sững sờ kinh ngạc trước chuyện Công an cộng sản ngăn chận sinh viên biểu tình chống Trung Cộng trong khi Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thế giới chưa bao giờ xảy ra tình trạng nghịch lý quái gỡ là nhà cầm quyền dùng công an ngăn chận dân chúng biểu tình chống ngoại xâm như ở Việt Nam. Rồi chính bọn công an này lại bảo vệ cho vài chục người Trung Quốc biểu tình ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Cộng ngay tại tòa Đại sứ Trung Cộng ở Hà nội! Đôi khi người dân suy nghĩ không hiểu chính quyền hiện tại là chính quyền người Việt hay là người Tàu cai trị nước Việt Nam!

Tại sao chế độ phi lý này tiếp tục tồn tại dù nó phạm nhiều tội ác và sai lầm đối với người dân và đất nước. Câu trả lời là mỗi lần người dân đứng dậy xuống đường biểu tình là bạo quyền có thủ thuật gỡ ngòi nổ để làm êm dịu tình thế. Còn nhớ vào năm 1956, sau cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng giết oan cả trăm ngàn người, nhân dân Quỳnh Lưu, Nghệ tĩnh đã nổi dậy chống đối. Hồ chí Minh chỉ huy chuyện gỡ ngòi nổ bằng màn kịch khóc lóc xin lỗi và cho hạ tầng công tác những cán bộ có trách nhiệm trong cuộc cải cách ruộng đất như Hồ viết Thắng, Trường Chinh. Mục đích là nhằm xoa dịu sự phẫn uất của quần chúng đang vùng lên. Để rồi đâu cũng vào đấy, nghĩa là chế độ Cộng sản tiếp tục gây tội ác trong trận Mậu Thân 1968 và chính sách tù cải tạo sau 1975. Chế độ khốn nạn này vẫn tiếp tục tồn tại vì biết sử dụng thủ thuật gỡ ngòi nổ khi dân chúng xuống đường biểu tình nổi dậy.

Nhưng tình hình ngày nay khác rồi, những lãnh tụ tôn giáo và tranh đấu sẽ không còn ngây thơ tin vào biện pháp xoa dịu của Cộng sản mỗi khi có biến động nữa. Bùa phép dỗ dành xoa dịu để giải tán biểu tình của Cộng sản không còn hữu hiệu nữa. Cộng sản phải buộc phải nhượng bộ hay sẽ phải đối đầu với tình thế gay go nghiêm trọng hơn. Dĩ nhiên cuối cùng sẽ đưa đến chuyện sụp đổ chế độ cho dù chúng sử dụng biện pháp hòa hoãn hay đàn áp. Lòng dân đã chán chúng đến cùng cực và tất cả chỉ chờ một giọt nước là tràn ly uất hận.

Hòa thượng Quảng Độ có đưa ra nhận xét với Đài Á châu tự do là “Đại hội 10 vừa rồi là đại hội cuối cùng của chế độ Cộng sản Việt Nam”. . Nhìn những khó khăn chất chồng không lối thoát hiện nay của chế độ Cộng sản

hiện nay và số lượng người xuống đường phản đối ngày càng nhiều thì mới thấy lời của thầy Quảng Độ là lời tiên tri chính xác. .

Los Angeles, một chiều tạnh ráo, khô lạnh cuối tháng 1 năm 2008

TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

Email: dalatogo@yahoo. com

(Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần viết Đại Hưng, xin vào www. nsvietnam. com rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng nằm bên trái)

Nguyên văn lời nhận xét của Học giả Nguyễn hiến Lê như sau:

“. . . Bệnh nhân lỡ mà chết thì bị hàng xăng tống tiền: quốc doanh định 45 đồng kể cả một bịch thuốc lá và 4 thước vải thô, nhưng tang gia phải trả 400 đồng thì xăng mới được ghép lại kỹ, khỏi trống hổng trống hoảng với 8 cây đinh đóng hờ. Rồi tới nhà đòn cũng đầu cơ: hạ huyệt xong, phủ qua một lớp đất cho bằng mặt, muốn có cái mồ cho ra mồ thì phải đưa thêm vài trăm đồng nữa. Nếu đem thiêu mà cứ nộp đúng lệ thì xương ống, xương hông bị ném riêng vào một chỗ, chứ không thiêu hết. Ai nỡ để cha mẹ mình què!

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lý như vậy. Vì hiểu mình phi lý nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

. . . Ông Hồ chí Minh có lần nói, “ Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng?

(Trích “Hồi ký Nguyễn hiến Lê” tập 3, trang 107- 108, Nhà xuất bản Văn Nghệ Hoa Kỳ)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt