Tổng Khởi Nghĩa VNQDĐ (10-02-1930): Gương chống ngoại xâm sáng ngời đến nghìn sau
Toàn thể Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng trong và ngoài nước kỷ niệm lần thứ 91 Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ ngày (10/02/1930 – 10/02/2021)
Ngày Việt Nam Quốc Dân Đảng vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa thất bại hàng ngàn chiến sĩ yêu nước bị đày đi côn đảo, hằng trăm đảng viên VNQDĐ bị lưu đày biệt xứ tại rừng Amazone, Nam Mỹ rồi bỏ mình nơi chốn lao tù hoặc biệt xứ ở xứ người không bao giờ được trở về quê hương. Tháng 01, năm 2010 một phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng do đồng chí Lê Thành Nhân dẫn đầu đã đến Guyane dựng bia tưởng niệm những anh hùng dân tộc bỏ mình nơi rừng sâu Nam Mỹ.
TỪ YÊN-BÁY ĐẾN GUY-AN
HOÀNG VĂN ĐÀO
(Trích từ sách Từ YÊN-BÁY đến các Ngục-Thất HỎA-LÒ; CÔN-LÔN; GUY-AN)
Mặc dù viết từ lâu nhưng không được xuất bản, tài liệu mới được khám phá, hình ảnh được sưu tầm và bổ túc bởi VNQDĐ
Tiếng súng Lư-Cầu-Kiều nổ, báo hiệu một cuộc xâm lăng của Nhật Bản và trung Hoa. Thực dân Pháp bắt đầu lo đến số phận tồn vong của các thuộc địa mình liền ra lệnh cho các chính phủ cai trị phải chuẩn bị đề phòng các dân tộc bị trị nổi lên chống đế quốc.
Một buổi sáng sớm đầu tháng 5-1931, quân Pháp đã bắt chúng tôi 335 người phải rời bỏ Côn-Nôn, áp giải xuống tàu Martinière, vượt sóng tiến ra đại dương. Khi con tàu Martinière cập bến Vũng Tàu, lính Pháp đã áp giải xuống thêm 200 phạm nhân từ Bắc đến Trung, cộng với số phạm nhân từ Côn-Nôn về là 535 người, trong đó có 200 chiến sĩ Yên Bái, số còn lại là 335 thường phạm. Tất cả đều được áp giải xuống tàu đưa đi đày tại Guy-An thuộc Nam Mỹ Châu.
ĐƯỜNG ĐẾN GUY-AN
Ngày 15-5-1931, lúc tàu bắt đầu rời Cáp-Sanh-Dắc (Cap St Jacques) chúng tôi bị nhốt chặt trong một khám đường bọc sắt bồng bềnh trên đại dương. Cảnh tượng không khác một bày heo đem đi xuất cảnh. Con tàu đã chuyển sang Đại Tây Dương, để chuẩn bị sẵn sàng đối phó khi đặt chân đến đất Guy-An, chúng tôi liền cử một ủy ban đại diện gồm: Nguyễn Đắc Bằng (nguyên chỉ huy phó mặt trận Hưng-Hóa – Lâm Thao), Giáo Duyên, Giáo Phú (nguyên cảm tử đội Thái Bình); Nguyễn Văn Liêm, Trần tử Yến, Mai Duy Xứng (nguyên đội quyết tử ném bom Hà Nội); Vũ Mô (nguyên hộ vệ đoàn Lâm Thao); Lê Sửu (nguyên chiến đấu viên Yên Bái) và Nguyễn Tường, Trần Ngọc Uẩn (nguyên quân đoàn Vĩnh Hảo). Tất cả họ có nhiệm vụ liên quan đến tinh thần, vật chất của anh em. Bấm đốt ngón tay đã hơn 40 ngày bị nhốt trong khám sắt bồng bềnh, tàu Martinière sắp sửa cập bến Guy-An.
4 giờ chiều 30-6-1931, tàu cập bến Cay-En (Cayenne Guy-An) nhưng phải đợi đến 8 giờ sáng hôm sau tất cả chúng tôi mới được “dẫn độ” lên bộ. Bước lên bờ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những đạo binh thuộc địa rất đông đảo với súng ống chỉnh tề. Tất cả chúng tôi bị dồn lên 3 chiếc xe camiông ọp ẹp tiến về Pénitentiaires Coloniaux de Cayenne. Chúng tôi gọi đó là khám đường thuộc địa Cay-En 1. Ngoài khám đường thuộc địa số 1 này, Guy-An còn có một khám đường lớn khác mang tên Pénitentiaires Coloniaux de Saint Laurent. Khám đường thuộc điạ Cay-En 1 nằm mé biển cách thủ đô Cay-En chừng 2km có kiến trúc tương tự như ngục thất Hỏa Lò của Hà Nội. Tất cả những phạm nhân ở các thuộc địa Pháp xử vào trọng tội đều phải lưu đày đến Guy-An, bị giam cầm ở hai ngục thất trên; riêng ở Pháp quốc thời những phạm nhân bị kết án 7 năm trở lên đều phải phát vãng lưu đày đến đây cả.
Tại khám đường thuộc địa, chúng tôi được bác sĩ khám sức khỏe và chích ngừa thuốc cho các bệnh sởi, dịch. Tại đây mỗi ngày mỗi người được cấp: 700 gram gạo, 200 gram thịt hay cá tươi hoặc cá mặn, 500 gram rau tươi hoặc rau khô, 15 gram muối, 20 gram mỡ, 5 gram nước mắn và 5 gram trà. Tuy nhiên không bao giờ chúng tôi được ăn uống no đủ. Bởi lẽ lũ giám thị và tay sai đã ăn chặn rất nhiều.
HẠT GIỐNG VIỆT TRÊN XỨ GUY-AN
Đầu tháng 8-1931, 533 tù nhân (hai thường phạm bị chết trên đường đi) người Việt được lính Pháp áp giải đến ngục thất đặt biệt I-ni-ni. I-ni-ni là một vùng rừng rậm bao la, rất nhiều thú dữ đặt biệt là rắn độc, bởi vậy dân bản địa ít khi bén mảng đến đây. Ngược lại I-ni-ni lại có nhiều vàng và gỗ qúy. Giữa một khu rừng rậm bao la, lính Pháp đã vứt chúng tôi xuống đó, trao cho đủ dụng cụ phá rừng, cuốc đất, đổ nền để kiến thiết nên một dãy 15 lán trại. Xung quanh chúng rào một lớp kẽm gai cao 3,5 thước. Chẳng bao lâu nơi đây đã lập nên một ngục thất mới, quy mô rất vĩ đại để giam cầm chúng tôi 533 tên nô lệ da vàng đến từ thuộc địa Đông Dương. Mỗi trại giam chúng nhốt 50 phạm nhân, bên ngoài trại giam là nhà riêng của chúa ngục, nhà giám thị, nhà lính gác, bếp ăn và nhà thuốc.
Tại đây chúng tôi bắt đầu những ngày lao động khổ sai đúng nghĩa. Chúa ngục chia chúng tôi làm hai nhóm: nhóm 100 phạm nhân gồm những người ốm yếu được giao nhiệm vụ phát rẫy để trồng tỉa dọc theo con sông Ma-rê-ni, còn lại bao nhiêu chúng lùa vào rừng đốn cây, làm củi. Thấm thoát đã 6 tháng, ruộng rẫy trồng rau cũng thu được nhiều kết quả với những củ khoai mỡ to đến 6 ký lô, dưa leo to như trái bí đao bên ta… Tất cả số hoa lợi này đều do lính gác kiểm soát hằng ngày, số thu lượm được chúng đều cân rồi ghi vào sổ đem phân phát cho phạm nhân mỗi ngày 300 gram/ngày. Số còn lại chúa ngục và sĩ quan sử dụng. Dùng không hết chúng đem bán cho lái buôn trở về bán ở Sach-lô-răng (Saint Laurent) hay đổi lấy rượu ở Cay-En (Cayenne).
Tuy lao động khổ sai nhưng những ngày ở ngục thất I-ni-ni này, tất cả anh em chúng tôi đều vinh hạnh khi lần đầu tiên thấy hạt giống Việt nẩy mầm trên đất Guy-An. Đó là một câu truyện kỳ diệu, hết sức thú vị về 2 hạt Mướp Hương may mắn còn sót lại trong chiếc xơ mướp dùng để kỳ cọ tắm giặt của đồng chí tên Trương Văn, mang từ Côn-Nôn sang trong một chiếc ruột tượng. Một bữa nọ anh Trương Văn mang xơ mướp ra suối tắm, và anh đã tình cờ tìm thấy hai hạt mướp còn xót lại trong chiếc xơ mướp cũ rách nát. Hai hạt mướp hương ấy được chúng tôi đem ươm ngay sau lưng khu trại giam. Tuy không ai bảo ai, nhưng tất cả anh em chúng tôi đều tìm cách chăm sóc, năng niu. Thấm thoát 45 ngày trôi qua. Đúng vào ngày 1-5-1932, bảy trái mướp hương gốc Việt đầu tiên được hái xuống, và chuyền tay nhau khắp trại giam coi như đó là một vật quý mà quê hương ban tặng. Kể từ đó, giống mướp hương Việt nam bắt đầu có mặt trên xứ Guy-An.
NGỤC THẤT ĐẶC BIỆT ĂNG-GHI
Số phạm nhân từ các thuộc địa, từ chính quốc phát vãng đến Guy-An mỗi ngày một nhiều. Toàn quyền Guy-An liền ra lệnh di chuyển hết thảy các phạm nhân gồm cả chính trị phạm đến ngục thất Ăng-Ghi, ngục thất dành riêng cho các phạm nhân thuộc địa Đông Dương.
Ăng-Ghi, vị trí thuộc phía bắc phần đất I-ni-ni, cách thủ đô Cay-En gần một trăm cây số, nơi đây là khu rừng thiêng nước độc, chưa hề có dấu chân người. Sao lại có cái tên Ăng-Ghi (Crique Anguille)? Là vì vùng này có loại cá lạch, thân dài và mỏ cũng dài, mình tròn như con lươn. đặt biết giống lươn này có chất điện trong mình nếu ai đụng phải nó, tức khắc bị điện giật. Giống lươn này sống trong một cái đầm rộng mênh mông, được thông qua với con sông Sin-Na-Ma-Ri. Ngục thất giam chúng tôi được thiết lập trên bờ rạch có giống lươn này nên nó được đặt tên là ngục thất Ăng-Ghi. Thủ đô Cay-En cũng gọi ngục thất Ăng-Ghi là ngục thất đặc biệt, vì vị trí của nó quá cách biệt, chỉ tiếp xúc với thị trấn Ru-A và Cay-En bằng xuồng máy mà thôi. Phân khu Ăng-ghi đặt dưới quyền cai trị của một viên đại úy Pháp chỉ huy một đại đội lính Lê Dương nắm trọn quyền sinh sát trong tay. Muốn giết một ai đó, chỉ cần thảo một công văn báo cáo với viên toàn quyền Cay-En rằng “chết bệnh” thế là xong. Xác phạm nhân chết, chúng làm mồi câu cá sấu. Cá sấu đem về lột xác lấy da bán cho lái buôn Trung Hoa. Mỗi tấm da, giá bán bình quân 70 quan, nếu câu được hai con cá sấu, chúng sẽ kiếm được 140 quan tiền. Số tiền đó tương đương với 1 gram vàng.
Ngoài ra công việc ở đây cũng nặng nề không kém ở ngục thất I-ni-ni. Cũng tổ chức những tốp người vào rừng kiếm gỗ qúy, trồng rau. tốp đi đãi vàng. Hàng tuần có xuồng máy tải về Cay-En rồi chở lương thực và thuốc men trở lại. Nhưng trên thực tế, phạm nhân không hưởng được bao nhiêu từ những lương thực và thuốc men của nhà đương cục.
VÀO RỪNG TÌM GỖ QUÝ VÀ VÀNG
Mỗi ngày chúng tôi gồm 50 người bị đám lính rạch mặt lùa vào rừng sâu đốn củi với số lượng mỗi ngày là 50 thước củi. Củi được bó và đội lên đầu đưa về chứ không được gánh. Nếu số củi bị thiếu thì ít nhất năm đến bảy anh em trong số đó phải tự hành hạ, đánh đập tàn nhẫn hoặc phải chịu cảnh treo ngược lên sàn nhà và uống nước muối. Một trong những loại gỗ quý mà chúa ngục thèm khát đó là loại gỗ hường (loại gỗ có mùi thơm như hoa hồng, có chất dầu linalool dùng để chế tạo dầu thơm và nước hoa). Ngặt nỗi loài gỗ này mọc trong những cánh rừng sâu thẳm nên mỗi chuyến đi phải mất hàng tuần mới đến nơi khai thác. Vì vậy đoàn người chúng tôi mỗi lần lên đường phải mang theo nhiều muối, ớt để ăn trong cả tuần.
Một lần trong chuyến đi tìm gỗ hường, đoàn chúng tôi bị lạc vào rừng sâu. Hết lương thực, lính Pháp mới bày ra cách bắt anh T – người ốm yếu nhất, ra ngồi dưới gốc cây giả giọng nai con lạc mẹ để dụ nai mẹ tới, để bắt làm thịt chống đói. Sau hơn 8 giờ kiên nhẫn dưới gốc cây, cuối cùng thì một con nai mẹ cũng đã tìm đến, nhưng đi sau đó là một con hổ dữ to như con bò mộng. Thấy hổ dữ, anh T tím tái. Chân tay bủn rủn, người như chết không hề động đậy. May thay toán lính phát hiện kịp. Hai phát súng đã hạ gục bầy thú.
Ngoài tìm gỗ hường, phạm nhân phải tìm và mang về cho được gỗ voaba (dùng để lợp nhà thay ngói), gỗ tim (làm đồ đặt), gỗ cocola (dùng làm cột nhà), gỗ balata dùng làm cây cột…. Tất cả đều là gỗ quý hiếm. Ở Guy-An không có ngói, nên ván xẻ từ thân cây là loại vật liệu được ưa chuộng nhất. Nhà nào lợp bằng ván cây voaba là nhà ấy coi bộ giàu có. Ngoài ra rừng ở I-ni-ni còn có một thứ cây lạ, thổ dân nơi đây gọi là cây “bẫy chim”. Thớ gỗ “bẫy chim” có vân hoa như da rắn, ngoài vỏ cây luôn tiết ra một thứ nhựa tựa keo đặt. Vô phúc cho con chim nào dính phải thứ nhựa này thì coi như chết khô trên thân cây suốt đời.
Để tìm được nhiều gỗ hường theo chỉ đạo của chúa ngục, đoàn phạm nhân chúng tôi đành phải bỏ xác không dưới 70 người. Trung bình cứ hai đến ba ngày lại có một người phải ngã xuống vì bị rắn cắn hay hổ vồ. Hoặc hộc máu mồm sau một sốt rét kéo dài chừng 15 phút. Mãi cho đến sau này người ta vẫn không tìm ra căn nguyên của chứng bệnh sốt rét kỳ lạ đó.
Ngoài tìm gỗ quý, chúng tôi còn phải đi đãi vàng. Từng đoàn người ngược sông Ma-ru-ni, Ma-na, Approvagne, Oyapek để đãi cát tìm vàng. Mỗi ngày, mỗi người phải nộp đủ một gram vàng. Nếu không sẽ bị đánh 10 hèo mây vào đầu, cổ, thậm chí có người còn bị chúa ngục đánh đến chết rồi đem đi làm mồi nhử hổ hoặc cá sấu (bắt lấy da bán). Trước cảnh tàn bạo dã man ấy, chúng tôi nhiều lần bàn bạc tìm cách vượt ngục và đã có những cuộc vượt ngục thành công. Trong thời gian giam cầm ở đây, có hết thảy 20 anh em trốn thoát trong đó có bảy chiến sĩ như các anh Giáo Bằng, Cai Rủ, Quế, Thống, Giám (Việt Bắc), Chứ (Nghệ An), Hoạt (Quảng Nam). Nhưng sau đó, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc, không nghe tin tức gì về họ. Và dù ở trong hoàn cảnh đau thương tột bậc, chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần cách mạng. Mỗi buổi tối, anh em đều tổ chức nói chuyện, tranh luận về các vấn đề chính trị, học tập thêm về văn hóa, tu dưỡng đạo đức, giữ vững tinh thần. Mọi sinh hoạt trong nhà lao đều được phân công trách nhiệm rõ ràng và dần dần lấy được tình cảm của bọn cai ngục.
CON ĐƯỜNG XƯƠNG MÁU
Tại Guy-An, Pháp dự định làm một con đường dài chừng 300km xuyên I-ni-ni nối liền khu La-Phô với Ăng-Ghi xuyên qua Xanh-Ti thẳng về Cay-En. Đây là con đường chiến lược và là con đường đá lớn thứ nhì ở Guy-An.
Có con đường này sẽ giúp việc khai thác tài nguyên các cánh rừng ở I-ni-ni tiện lợi hơn, các lâm đặt sản được vận chuyển ra tàu biển nhanh chóng hơn. đặt biệt, nhờ con đường này mà các lực lượng vũ trang của Pháp khỏi lo bị bắt sống trọn ổ mỗi khi có chiến tranh. Chính vì lẽ đó, chính quyền Pháp tại Guy-An đã huy động tất cả các sắc phạm nhân từ đen, trắng, đỏ, vàng tại bốn ngục thất bắt tay vào mở đường. Riêng số phạm nhân tại ngục thất Ăng-Ghi (dành riêng cho phạm nhân thuộc địa Đông Dương) được chia làm 12 kíp, mỗi kíp 50 người. Nhóm một gồm sáu kíp đầu bắt đầu từ hướng La-Phô, nhóm hai gồm sáu kíp còn lại bắt đầu từ bờ sông Sin-Na-Ma-Ri. Cả hai nhóm sẽ gặp nhau trên bờ sông Ma-Ra để cùng kiến thiết cây cầu cuối cùng của tuyến đường.
Mỗi phạm nhân được phát cho một dụng cụ lao động để mở đường. Cứ thế kẻ phát cỏ, cưa gỗ, người cuốc đất phá đá, những mét đường đầu tiên bắt đầu hé lộ. Nhưng vì gai góc quá nhiều, khí hậu lại ẩm thấp, lương thực chỉ là cơm nắm ăn với lá chua, trái đắng rừng… nên chẳng bao lâu đã có vài người bắt đầu gục ngã. Người sình bụng lên như cái trống. Chỉ cần thế, đám lính Pháp lập tức ném xuống sông làm mồi cho cá sấu.
Để khủng bố tinh thần, bọn lính da đen còn dùng lưỡi lê đâm xuyên qua bụng những người bị ốm không làm được việc một cách tận lực rồi dìm xuống suối cho cá sấu, lươn điện (một loại lươn phóng ra điện) ăn, rỉa. Trong quá trình lao động khổ sai, không ít người đã bỏ mạng giữa rừng sâu vì bị rắn độc cắn, cọp, beo vồ ăn thịt mất xác.
Công việc đang tiến hành thì phát sinh một bệnh dịch kỳ quái. Trước hết người bệnh bị nóng hầm, mắt đỏ ngầu, sau đó đi tiểu ra nước đỏ như máu. Bệnh dịch không trừ một ai từ phạm nhân da màu đến lính Pháp da trắng. Cứ thế ngày nào cũng có ca-nô chở xác phạm nhân và lính về Cay-En. Một bác sĩ đã được phái đến tìm hiểu bệnh tình nhưng rồi cũng đành bó tay.
Thời gian trôi qua, vì dịch bệnh mà chẳng mấy chốc người vơi đi trông thấy. Đầu năm 1938, khi viên toàn quyền mới của Guy-An tên Masson de Saint Félix nhận thấy số phạm nhân bị sút mất quá nhiều, nhất là số lính trông coi phạm nhân, nên ông ra lệnh đình chỉ việc phá rừng mở con đường nói trên. Tính ra con đường ấy mới làm xong chưa đầy 8km nhưng số phạm nhân bỏ mạng lên đến gần 500 người.
“Khẩu hiệu của ngục thất Guy-An là phải làm cho phạm nhân biết làm việc bằng chân tay, làm việc cho mệt nhừ, cho ê ẩm thân xác. Có như thế, chúng mới im cái mồm nói chính trị, xúi giục dân chúng làm loạn” , một tên lính da đen rạch mặt đã nói với chúng tôi như vậy.
TUYỆT THỰC ĐỂ ĐẤU TRANH
Chủ trương của quân Pháp ở xứ Guy-An là phải giữ lại tất cả những phạm nhân bị lưu đày trong xứ, để có công nhân khai thác thuộc địa Guy-An, dù đó là phạm nhân đã được ân xá hay mãn hạn tù đày. Bởi vậy một số phạm nhân người Việt dù đã được ân xá ra khỏi khám đường nhưng vẫn bị bắt buộc ở trên phần đất Guy-An để lập gia đình sinh sống đồng hóa với dân bản xứ. Trên thực tế con số ấy không ít. Quá phẫn uất, cuối năm 1934 đầu năm 1935, toàn thể phạm nhân Việt nam đã tổ chức một cuộc tuyệt thực kéo dài hơn tháng để phản đối nhà cầm quyền Pháp, yêu cầu phải trả lại những người Việt đã mãn án tù đày để họ được trở về bản xứ. Sở dĩ cuộc tuyệt thực kéo dài được là nhờ chúng tôi dự trữ được một phần lương thực.
Tiếp theo vụ tuyệt thực, phản đối chính quyền Pháp ở Guy-An, ngay sau đó, Chính Phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp lên nắm quyền cũng đã ân xá và giảm án cho một số phạm nhân, đồng thời cho phép họ được trở về Đông Dương. Đầu năm 1935, hơn 30 anh em vừa tù chính trị vừa thường phạm được đáp tàu trở về xứ sở. Tiếp đến trong các năm từ 1936 đến 1938, triều đình Huế liên tục gửi thư đòi Chính phủ Pháp phải trả lại cho Việt nam những phạm nhân đã mãn hạn tù hoặc đã được ân xá. Nhưng rồi một sự kiện không may đã xảy ra, chiến tranh thế chiến thứ 2 bùng nổ đã khiến cho đường về quê mẹ của nhiều người con đất Việt trở nên xa mù hơn. Dù nhiều lần tranh đấu đòi được đáp tàu trở về nước thế nhưng trên thực tế, số người Việt được đáp tàu trở về xứ sở chiếm không bao nhiêu. Phần lớn họ phải tiếp tục lao động khổ sai trong những cánh rừng già sâu thẳm để khai thác gỗ qúy hay đi đào vàng, kim cương. Không chịu nổi sự khổ ải tù đày, nhiều người trong số đó đã nung nấu ý chí vượt ngục.
NHỮNG CUỘC VƯỢT NGỤC BẤT THÀNH
Một đêm tối trời cuối mùa thu năm 1940, hai chiến sĩ cách mạng Việt Nam tên là H. và C. đã tìm cách rời khỏi nhà của một viên Quan Hai Pháp, bắt đầu hành trình vượt ngục theo hướng đi sâu vào rừng thẳm. Ngày đi, đêm nghỉ, hai người cứ thế cắt rừng già mà đi. Mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng sang ngày thứ 11 thì cả hai đi lạc giữa khu rừng già mà không hề tìm được hướng đi. Đúng lúc ấy thì C. lên cơn sốt cực độ. Hành trình vượt ngục đành tạm gác lại để chữa bệnh. Sau một thời gian nằm giữa rừng già, đến lúc bệnh tình của C. cũng đã thuyên giảm. Cả hai tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng khi vừa đặt chân lên đất Hà Lan (Suriname thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ) thì bất ngờ cảnh sát xuất hiện. Không giấy tờ tùy thân, không người bảo lãnh, lại thêm lệnh tróc nã phạm nhân trốn tù được phát đi từ xứ Guy-An đến khắp các thuộc địa. Lập tức chính phủ Hà Lan tống cổ C. và H, trở về lại “ngục thất thuộc địa số 1” Cay-En. Tại đây chúa ngục đã “ban” cho hai người những chiếc gông gỗ đeo cổ và những cặp xích xiềng nặng cả 10kg đeo vào chân. Bảy ngày sau, tòa án Cay-En tuyên án khổ sai chung thân đối với hai người.
Không hề nản chí, cả hai tiếp tục bàn kế tìm cách vượt ngục lần 2. Một sớm mai, nhân cơ hội được đi làm ở ngoài, cả hai người đã tìm đường trốn thoát và được một vị thương khách Trung Hoa quen biết giới thiệu xuống gặp một đầu bếp hiện làm việc cho một thương thuyền Hà Lan đang cập bến tại Cay-En. Nghe qua tình cảnh hai người, vị đầu bếp liền đồng ý nhận lời sẽ giấu họ xuống hầm tàu: ” Sáng mai tàu sẽ nhổ neo đi Tinh-Châu (Singapore)”. Nghe vậy cả hai mừng rỡ khôn xiết. Nhưng rồi đến phút cuối, một trục trặc đã xảy ra, vị đầu bếp chỉ đồng ý tiếp nhận một trong hai người. Thương bạn sức lực quá yếu, C. đã nhường cho H. đi trước, còn mình đợi chuyến sau. Buổi chia tay nghẹn ngào đầy nước mắt. Xuống tàu vị đầu bếp người Trung Hoa đã giấu H. trong một bao bố đặt cạnh bếp. Trên đường về Tinh-Châu, tàu ghé đảo Mác-ti-ních (Martinique) để chở mật mía. Tại đây sau khi nghe báo “nhà đương cục trên đảo sắp xuống kiểm tàu”, H. liền được vị đầu bếp “tốt bụng” cho chui vào hòm rương của mình ẩn trốn. Nhưng đen đủi thay, sau mười giờ nằm trong rương, khi mở mắt ra, trước mắt H. là hàng trăm lính da đen”. Con khỉ ốm này, mà thằng TÀU kia đã bán đến 150 quan. Nếu vài tháng sau nó chết thì lỗ vốn bỏ mẹ”. Thì ra H. đã bị gã đầu bếp lừa bán cho một sở trồng mía ở đảo Mác-ti-ních.
Làm nô lệ đằng đẵng 18 tháng trời, một ngày kia H. được ông chủ gọi lên: “Ông không muốn dùng mày nữa. Giờ mày muốn đi đâu? Như mở cờ trong bụng, H. ấp úng: “Cho xin được trở về quê hương xứ sở”. Nghe vậy viên chủ sở mía mỉm cười một cách chế nhạo. Đúng một tuần sau. H. được “mãn nguyện” trở về nhưng không phải là quê hương An Nam bản quán mà chính là ngục thất Guy-An ngày nào.
Được biết trong những ngày bị giam giữ tại ngục thất Ăng-Ghi, đã có tất cả 20 người vượt ngục, trong đó có bảy chiến sĩ cách mạng như các anh Giáo Bằng, Cai Rủ, Quế, Thống, Giám (Việt Bắc), Chứ (Nghệ An), Hoạt (Quảng Nam). Nhưng rồi sau đó, họ hoàn toàn mất liên lạc….. Cuối năm 1954, chính quyền Guy-An cho phép tất cả các phạm nhân xứ Đông Dương được trở về quê hương. Nhưng không hiểu vì sao khi tàu cập bến Cay-En, chính phủ Pháp chỉ đồng ý cho xuống tàu 51 người cùng ba phụ nữ, 11 trẻ em thuộc ba gia đình của các anh em, trong số đó có bảy chiến sĩ Yên Bái.
Hoàng Văn Đào