Kịch Hận Thiên Trường

Nhận được một bài viết trong ngày tưởng niệm Tang Yên Bái lần thứ 78 của lão đồng chí Phạm Đình Linh năm nay trên 80 tuổi. Chúng tôi xin đăng bài để thấy từng thế hệ đấu tranh của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đây là thế hệ thứ hai , một giai đoạn VNQDĐ vừa chiến đấu chống Cộng Sản vửa chống Pháp xâm lược.

Kịch “Hận Thiên Trường” Kịch Thơ vang bóng một thời với “Nghĩa cả tình tự dân tộc”

Nguyễn Đức Linh

Tuổi trẻ Việt Nam, thời thập niên 40, thấm nhuần tinh thần can đảm, anh hùng và hy sinh của Trần bình Trọng, kịch thơ dã sử “Hận Thiên Trường” diễn tả hoạt cảnh hùng tráng của một danh tướng Việt Nam đời nhà Trần là Trần bình Trọng bị quân Mông Cổ bắt. tướng giặc Thoát Hoan dùng danh lợi và mỹ nhân kế để dụ hàng, nhưng Trần bình Trọng cương quyết thà chết chứ không chịu hàng giặc, đã khảng khái tuyên bố thẳng thừng :

“ Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”

Ta đâu phải là vua Ngô quốc

Để Tây Thi lả lướt gợi tình say,

Đừng mong đắp Cô Tô lầu thuở trước.

Chớ mong bàn tới chuyện Phù Sai

Thôi hãy dẹp ra thiếu nữ ơi !

Muốn duyên nồng đượm thiếu chi người;

Lòng ta chiến sĩ khô khan lắm

Tim rãn nguồn thương cạn hết rồi !

Vở kịch sáng tác 1946 trong bối cảnh sinh hoạt văn nghệ tại chiến khu Yên Bái, kịch bản của Lương thế Siêu tên thật là Đức, thường được bạn bè gọi là “ĐỨC BOVET” vì nhà anh ở phố Bovet Hà nội, là một thi sĩ điển trai đạo mạo có phong độ, đồng thời cũng là một khóa sinh xuất sắc của trường Võ bị “LỤC QUÂN YÊN BÁI” chính danh gọi là “TRƯỜNG LỤC QUÂN TRẦN QUỐC TUẤN”, Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập trường vào những ngày đầu của Đệ Tam Chiến Khu. Sau ngày đệ nhị thế chiến chấm dứt (1945), thế giới hưởng cảnh thái bình. Việt Nam tuy thoát ách nô lệ của thực dân Pháp, nhưng lại bắt đầu và liên tục sôi sục đấu tranh “Quốc Cộng” khốc liệt giữa 2 khối: người Việt Quốc Gia và phe nắm chính quyền Việt Minh (Cộng sản).VM muốn chiếm độc quyền chính trị, nên họ đã phát động chiến dịch tập trung quân đội các nơi tiến hành cuộc chiến hầu tiêu diệt tất cả các đảng Quốc Gia đối lập không chấp nhận chủ nghĩa vô sản của VM (Việt Minh Cộng Sản).

Trường “Lục quân Yên-Bái” của phía Quốc-Gia chính thức khai giảng 1-1-1946 tại Chapa (Lao-Kay) đến tháng 4-1946 trường chuyển về Yên Bái. Là trường võ bị đầu tiên của Việt Nam sau ngày thoát ách nô lệ của Thực dân Pháp. Cuối năm 1946, Việt Minh tranh thủ với phe Quốc Gia để thu hút thanh niên Hà Nội, họ thành lập tại Tông (tỉnh Sơn Tây) cách Hà Nội khoảng 30 cây số, một trường võ bị cũng lấy tên là “Lục Quân Trần quốc Tuấn” khai giảng dưới sự chủ tọa của Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp ngày 22 tháng 12 năm 1946.

Trường “Lục quân Yên Bái” của phe Quốc Gia, gồm có Ban Giám đốc và ban Giảng huấn đều là các sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, bỏ ngũ trước và sau ngày quân đội Nhật đầu hàng Đồng minh, họ theo giúp Mặt Trận Quốc Dân Đảng (gồm Liên Minh Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng) đào tạo các sĩ quan tương lai cho quân đội Quốc Dân Việt Nam. Đứng đầu là một Đại Tá Nhật lấy tên Việt Nam là -Trần anh Hùng, thường được gọi là “Cao Hùng”, phụ tá là một Trung tá Nhật lấy tên là Trần thanh Dân hay ”Cao DÂN’. Các vị giáo quan Nhật đều lấy tên VN. Và chọn họ TRẦN người Nhật nghiên cứu lịch sử VN, nhận thấy binh nghiệp đời nhà Trần, lẫy lừng nhất qua 3 lần đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi đất nước, ví thế tất cả các vị Giáo quan Nhật đều hãnh diện, lựa chọn mang danh họ Trần.

Trường tổ chức được 3 khóa khóa học liên tiếp A, B, C các khóa học được gọi là “Bộ đội A” , “Bộ đội B” và “Bộ đội C”. Mỗi bộ đội có 1 Bộ đội trưởng là Sĩ Quan Nhật trông coi, được chia làm 4 lớp, mỗi lớp 25 khóa sinh do một giáo quan phụ trách như sau:

– Bộ Đội trưởng Bộ Đội A :-Thiếu tá quân đội Nhật tên Trần Trung Dũng (Cao Dũng)

– Bộ Đội trưởng Bộ Đội B : – Thiếu tá (Sĩ Quan Nhật) tên Trần anh Quốc hay (Cao Quốc)

– Bộ Đội trưởng Bộ Đội C : – Thiếu tá (Sĩ Quan Nhật) tên Trần trung Thần hay (Cao Thần).

Các giáo quan đều là Sĩ Quan Nhật cấp uý như cựu Trung úy Trần trọng Năng hay (Cao Năng) cùng với vài Hạ sĩ quan Nhật đều mang họ Trần, khóa sinh thường gọi các vị đó họ Cao… là do lòng kính mến, trước kia người Tây phương thường chế riểu người Nhật thấp bé, gọi họ là chú “Nhật Lùn” (petit Japonais) giờ đây người Nhật đa số cao lớn không kém gì người Tây phương, nên khóa sinh trân trọng gọi các vị đó với họ “CAO” đầy thân thương.

Hầu hết khóa sinh đều là sinh viên học sinh Hà nội và các tỉnh, thanh niên, đảng viên của các Đảng phái Quốc-Gia nhập học. Sĩ số nhà trường tăng tới 500 khi có sự sát nhập của 200 anh em QUỐC GIA THANH NIÊN ĐOÀN lãnh đạo đoàn là cơ trưởng Lê văn Nhân (Lê linh Việt) thường gọi là “Việt mếu”, dẫn đạo Đoàn rời khỏi trường Quân Chính “ XỨ NHU” Việt trì vào tháng 6-1946, rút lên Yên Bái sát nhập vào trường “Lục quân Yên Bái Trần quốc Tuấn”, theo học khóa C (một vài đoàn viên QGTNĐ hiện sinh sống tại Hoa-Kỳ có Hoàng tích Thông(Santa Ana), Lê văn Nhân (Houston) Nguyễn đức Linh (OKC), Vũ văn Phiên (Orlando,Fl., Đỗ đức Dục (Washington DC)., Ngô tạo Hạng (Cal.),Ngô văn Lan (Arizona) Phan Hoàng và các chị Nhung, Lễ (Cal) .Đoàn viên đã chết tại Mỹ có Nguyễn triết Lý và Bùi xuân Hiến(Cal.), Phạm Quân và Trương khánh Tạo (OKC), , ngoài ra còn khoảng hơn hai chục đoàn viên sống giải rác khắp nơi trên thế giới hoặc còn ở lại VN.) Dưới sự huấn luyện nghiêm khắc của các giáo quan Nhật, các khóa sinh đã trở thành những cán bộ có khả năng, đều có trình độ văn hóa cao và có lý tưởng Quốc Gia vững chắc. Một số sau này đã nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong chế độ Quốc Gia miền Nam Việt Nam (VN Cộng Hoà), Bộ trưởng, Đại sứ, Thượng nghị sĩ, Dân biểu như các anh Nguyễn tất Ứng, Ngô tôn Đạt, Đinh trịnh Chính, Bùi Diễm. . .Về quân sự có Trung Tướng Phạm xuân Chiểu và rất nhiều cấp Đại tá, Trung và Thiếu tá phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (trước tháng 4-1975). Khi nhập học, khóa sinh được cấp phát đầy đủ quân trang, quân dụng .Mỗi người 2 khẩu súng trường, một súng thật với lưỡi lê, 200 viên đạn, một súng gỗ dài để tập đâm xáp lá cà. và một thanh kiếm gỗ để tập “Kiếm đạo”. Chương trình huấn luyện gồm 3 giai đoạn:

– Giai đoạn I : 3 tháng đầu học tập thành một người lính chiến.

– Giai đoạn II : kế tiếp 3 tháng, trở thành một Hạ sĩ quan.

-Giai đoạn III : 6 tháng chót huấn luyện thành một “ Kiến Tập Sĩ Quan “(C/úy)

Qua mỗi giai đoạn đều phải qua kỳ thi sát hạch lý thuyết và thực hành. Bài học được giảng dậy bằng tiếng Nhật có “Thông dịch viên” phiên dịch ra tiếng Việt cho khoá sinh học. Tiếng “hô“ trong quân đội Nhật Bản rất quan trọng , Sĩ quan đứng trước hàng quân phải hô thật cao giọng tạo sự uy nghiêm, chú ý của quân sĩ.

– Mỗi tối tập họp, xếp hàng ngoài sân, khóa sinh đều Phải tập Hô. Phải Đọc và Trả lời “điều TU TỈNH”:

  • Khoá sinh Trực nhật hô to:

    • “Hôm hay tôi có quên lễ nghĩa không ?” Trong hàng trả lời “KHÔNG”.
    • “ Hôm nay tôi có làm mất lòng dũng khí của tôi không ?” Trả lời : “KHÔNG”.


Sau đó khoá sinh mới được phép trở về buồng ngủ.

Mỗi phòng ngủ , khóa sinh cắt phiên thay nhau thức 1 tiếng để kiểm tra săn sóc cho nhau, ai tung chăn ra, phải tới đắp lại cho họ. Nhất là đắp bụng cho thật ấm. Thỉnh thoảng có đêm, các vị giáo quan hoặc Bộ đội trưởng, nhiều khi có cả Sĩ quan chu phiên (Sĩ Quan Nhật trực) đi tuần thăm các phòng ngủ nếu thấy có khóa sinh nào thao thức không ngủ được, thì các vị ấy ngồi xuống bên cạnh, hỏi han, khuyên nhủ nên cố gắng ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau. Thời khắc biểu hàng ngày rất chặt chẽ đòi hỏi hoạt động liên tục : – Sáng sớm tập thể dục, ăn sáng, rồi đi tập ngoài bãi hoặc học trong lớp, ăn cơm trưa tại chỗ.. – Chiều về tắm rửa rồi ăn cơm chiều, học hay làm bài. Trước khi đi ngủ tập “Hô”, tập Hát và tập Đọc 4 điều tu tỉnh.

Các môn học gồm có :

1/ – Lễ nghĩa và lòng yêu nước, tôn trọng kỷ luật, giữ vững tinh thần Võ sĩ đạo. Các giáo quan thường lấy Đức Trần hưng Đạo Đại vương Trần quốc Tuấn ra làm gương. Về kỷ luật : Khóa sinh các Bộ đội B và C khi gặp khóa sinh Bộ đội A, nếu đi một mình phải giơ tay chào, nếu đi đông phải đồng bước hô chào. Khóa sinh Bộ đội C khi gặp khóa sinh Bộ đội B cũng phải làm như vậy.

2/ – Giữ gìn Súng và Gươm: Cẩn trọng và ghi nhớ :“Thân thể có thể dơ, quân phục có thể bẩn, nhưng súng và gươm lúc nào cũng phải lau chùi sạch sẽ.”

3/ – Tập bắn mỗi tuần một lần : súng trường, tiểu liên, đại liên có ống giảm nhiệt bằng nước. Học lý thuyết sử dụng súng cối 50, 60 và 81 ly bắn cầu vồng (mortier), thực tập cách ném lựu đạn và được quan sát một khẩu Sơn pháo (đại bác) 75 do các Hạ sĩ quan Nhật trình diễn cách sử dụng bắn.

4/ – Tập cưỡi ngựa, mới tập cưỡi tinh thần hơi giao động, sau quen lại rất thích thú.

5/ – Tập đánh sáp lá cà bằng lưỡi lê khi giao chiến. Lưỡi lê được gắn vào đầu súng tìm cách đâm nhau, người Nhật rất chú trọng về kỹ thuật sử dụng cách đánh lưỡi lê. Các khóa sinh lần lượt đeo mặt na, mang áo giáp và găng tay, tập đánh với nhau, miệng hô lớn “Sát” , nhưng khi đánh họ nới tay sợ làm bạn mình đau. Giáo quan đứng giám sát thấy vậy, quát lớn lên bằng tiếng Việt “ Thế này thì không được”. Tức thì giáo quan đeo giáp, mặt nạ và găng tay đích thân chỉ dậy, đánh đâm thực sự, mỗi lần bị giáo quan đâm trúng cũng đau ê ẩm, có khi té bật ngửa dưới đất.

Mỗi buổi tập có súng dù chỉ là súng gỗ, thời gian nghỉ, phải đứng trong hàng theo thế nghỉ súng dựng trong tay. Giáo quan cầm kiếm đi dạo quanh giảng về bài tập, đôi khi có vị giáo quan tới sau lưng bất thần đánh vào khẩu súng.. nếu cầm không chặt, súng rơi xuống đất. Giáo quan đến đứng ngay trước mặt khóa sinh bị rơi súng, anh ta phải nhặt súng lên và bồng súng chào. Giáo quan nghiêm nghị hỏi : “Súng là gì của quân nhân ?” Khoá sinh này phải trả lời : “Trình ông, súng là tinh thần số một của quân nhân” – Giáo quan hỏi tiếp : “Tinh thần mà để rơi à? Xin lỗi ông súng đi.” Khóa sinh phạm lỗi phải hô lớn liên tục “Xin lỗi ông súng, . xin lỗi ông súng,. .xin lỗi ông súng . .” cho đến khi giáo quan cho phép ngưng mới được nghỉ hô.

6/ – Học Kiếm Đạo : Giáo quan chỉ dẩn tỷ mỉ cách sử dụng kiếm và kỹ thuật tác chiên, tập bằng kiếm gỗ, thời gian được nghỉ, khoá sinh cầm kiếm theo tư thế đứng nghỉ.Giáo quan cầm kiếm thật của chính ông ta, đi đi lại lại giảng giải bài tập, bất thần đánh vào thanh kiếm gỗ của một khóa sinh đang nghỉ, nếu thanh kiếm gỗ bị tuột rơi xuống đất, khoá sinh đó phải vội nhặt kiếm lên, bắt kiếm chào. – Giáo quan đến đứng trước mặt , cao giọng hỏi: ”Kiếm là cái gì ?” – Khoá sinh phải trả lới :”Trình ông, kiếm là tinh thần số 2 của quân nhân”. – “Tinh thần mà để rơi à? Xin lỗi ông kiếm đi”. Khoá sinh vẫn đứng trong tư thế Kiếm chào, liên tục hô to :”Xin lỗi ông kiếm, . .xin lỗi ông kiếm. .” cho đến khi giáo quan cho phép ngưng hô mới thôi.

7/ – Tập chịu đựng gian khổ : Tập chịu đựng làm quen với thời tiết nắng mưa sương gió. Trong tuần, ban ngày có một hai lần khi ăn cơm trưa xong, trời nắng gay gắt, khoá sinh đang nghỉ trưa trong phòng, giáo quan cầm kiếm xuất hiện, hô to : “Dậy đi, dậy đi!”. Khoá sinh phải vùng dậy đứng xếp hàng tại đầu giường, nhận lệnh ra sân tập họp, sau đó bước đều đi lên ngọn đồi trọc sau trường, giang tay đứng hàng ngang rồi nằm xuống cỏ. Giáo quan hô lớn:”Ngủ đi,. .ngủ đi”. Dưới ánh nắng chói chang ,nóng bức tuy khó chịu nhưng vì luyện tập mệt mỏi nên cũng ngủ thiếp đi được một giấc. Ban đêm , trời không mưa, đang ngủ say trong phòng , cũng được áp dụng như ban ngày chạy đều bước lên đồi trọc nằm ngủ, giáo quan cũng sinh hoạt y như khóa sinh ngủ ngon lành, sau đó khoảng 1-2 tiếng đồng hồ được lệnh xếp hàng trở về trại ngủ tiếp, vừa đi -vừa hát âm vang núi rừng. Buổi sáng tập thể dục 1 tiếng, thường tập môn đô vật “Sumo”, sau đó đứng thành vòng tròn quay mặt cùng một hướng, người đứng sau đấm lưng cho người đằng trước rồi đổi phiên làm ngược lại. Đi học ngoài bãi, mỗi người đem theo 1 bảng gỗ có giây buộc, choàng qua cổ lủng lẳng bên phải mạng sườn và 1 túi da đựng sách vở giấy bút. Ngồi nghe giảng bài thành hàng ngang, xếp chân vòng tròn, tấm bảng để trên làm bàn viết, khóa sinh trong ban thông dịch có phận sự dịch những bài giảng ra tiếng Việt, ngồi học phải giữ thế lưng thẳng, ai hơi còng lưng xuống là bị giáo quan lấy đốc kiếm thúc vào lưng. Học về chiến thuật được áp dụng ngay trong các khu rừng lân cận quanh trường, khóa sinh được đem theo súng đạn phòng khi có biến, giáo quan mang kiếm như thường lệ.

8/ – Bảo vệ sức khoẻ : Khám bịnh và săn sóc sức khỏe cho khóa sinh, do Bác sĩ quân y Nhật, phụ giúp do khoá sinh thuộc Bộ đội A, có Phạm xuân Chiểu (năm thứ hai Y-khoa Hà Nội, Lê đức Hợi, Nguyễn Tú, Nguyễn quốc Xủng , Phạm văn Cao , Lê thành Cường, Vũ văn Phấn . Phiên dịch có Vũ đức Hải thuộc Bộ đội B vừa học tập vừa làm thông dịch viên, nói tiếng Nhật rất thông thạo, là con đỡ đầu của Thống chế Terauchi Juichi, tư lệnh Lộ quân miền Nam Á-châu của quân đội Nhật.

9/ – Giải trí : Đọc sách báo, tập ca hát và tập đóng các vở kịch, nuôi dưỡng lòng mến thương dân tộc, tình yêu đất nước, hứng khởi tình tự Dân tộc cùng nghĩa cả hùng tráng tuổi trẻ. Kịch bản “Hận Thiên Trường” được khóa sinh Lương thế Siêu sáng tác trong môi trường Cách mạng, nơi gửi gấm niềm tin, kiêu hùng đầy mãnh liệt của khóa sinh Lục quân Trần Quốc Tuấn và đã được trình diễn lần đầu tiên tại trường võ bị Quốc Gia Lục Quân Yên Bái do chính anh Lương thế Siêu đạo diễn Vở kịch “Hận Thiên Trường” kết thúc bằng hoạt cảnh Thoát Hoan tướng Mông Cổ cho lệnh mang Trần bình Trọng đi hành hình. Ngay sau đêm diễn vở kịch ấy, anh Siêu bị tử thương trong trận tiếp cứu Phố Lu chống Việt Minh (2 bên đang tác chiến ác liệt).

Gương tử tiết của anh hùng dân tộc Trần bình Trọng và sự ra đi của khóa sinh Lương Thế Siêu, giúp cho Thanh niên tuổi trẻ Việt Nam thế hệ “Nguyễn Thái Học” hun đúc lòng kiên quyết vì Tổ quốc hy sinh không nề sống chết, hy vọng có ngày đem lại cho Dân tộc Việt Nam Dân chủ thực sự,được Tự Do , Ấm No và có Hạnh Phúc .

– Mãi mãi âm vang lời thơ của thi sĩ Vũ hoàng Chương:

Ôi ! Việt sử là tranh đấu sử.

Trước đến sau cầm cự nào ngơi.

Tinh thần Độc lập sáng ngời.

Bao người ngã, lại bao người đứng dậy.

Thành kính thắp nén hương lòng: Tưởng niệm ngày Tang Yên Bái: 17-6-1930

Đời đời, dân Việt nhớ ơn Anh hùng Dân tộc NGUYỄN THÁI HỌC cùng 12 vị Liệt sĩ đã hy sinh đền nợ nước tại YÊN-BÁI 17-6-1930


Tham khảo: – Hồi ký “CUỘC ĐỜI TÔI” của Hoàng tích Thông

– Hồi ký “TRẢ TA SÔNG NÚI” của Phạm văn Liễu.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt