Huỳnh Ngọc Chênh – Tôi Trung

Nhìn từ hệ thống nầy, ông là danh tướng, là đại khai quốc công thần và ông là bậc tôi trung, tôi trung hiếm có.

Nếu ông là đại tướng của chế độ dân chủ thực sự, sau chiến tranh, ông có thể như Eisenhower của Mỹ, ra ứng cử và chắc chắc sẽ dành tuyệt đại đa số lá phiếu từ người dân, bỏ xa vạn dặm các đối thủ Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… nếu như những người nầy dám ra tranh cử với ông.

Nhưng ông là người của chế độ độc đảng toàn trị và ông là bậc tôi trung, mỗi lời mở ra không bao giờ nằm ngoài ý Bác, ý Đảng nên ông thụ động ngồi chờ sự chọn lựa. Bác và Đảng đã không chọn lựa ông, mà chọn lựa Lê Duẩn. Ông an phận chấp hành.
Thế nhưng danh tiếng của ông lẫy lừng vượt ra khỏi biên giới của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đến khắp 5 Châu, nên có kẻ trong triều đình không muốn để ông an phận. Họ tìm cách vùi dập ông. Những người cùng thời vùi dập ông đã đành, đến bọn tiểu nhân đắc chí về sau, là hàng nhãi nhép so với ông cũng nhân danh triều đình vùi dập ông không thương xót. Nghe nói có những lúc ông chỉ cần quắc mắt đập bàn là tình hình sẽ bùng nổ. Bao nhiêu đàn em mến phục ông đang chờ đợi nơi ông. Nhưng ông là bậc tôi trung, ông luôn chấp hành nghị quyết và ý chí của đảng, dù nhiều lúc ý chí đó bị bọn tiểu nhân lợi dụng… Nghị quyết đặt ông ở đâu và ông luôn chấp hành ngồi ở đó. Sự chấp hành tuyệt đối nguyên tắc đảng của ông làm người ta thấy ông là mẫu người của “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Ông là hình ảnh của Nhạc Phi, của Nguyễn Trải… thời phong kiến xa xưa, chiến thắng lẫy lừng mọi kẻ thù ngoài biên cương nhưng không thắng nổi bọn hồ cáo chốn triều đình vì lòng trung quân mê muội của mình.

Ông một thời là thần tượng của tôi.

Tôi biết về Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ rất sớm, cỡ chừng 5,6 tuổi và tôi biết như thế này: Có một đồn Tây rất to, bao phủ kín mít bằng dây điện, ai xông vào là điện giựt chết nhăn răng, nhưng quân ta vẫn xông vào hốt đồn được nhờ mặc nguyên áo giáp chống được điện giựt.

Có lẽ những ông trẻ trong làng lớn hơn tôi bàn tán về chiến thắng Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy nên nó ngấm vào ký ức của tôi một thời gian khá lâu như vậy.

Sau nầy lớn lên thêm chút đỉnh thì tôi lờ mờ hiểu được Võ Nguyên Giáp là ai, Điện Biên Phủ là như thế nào. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, thông tin về Tướng Giáp bị biệt tăm. Miền Nam đã xây dựng thể chế cộng hòa chống cộng quyết liệt nên dân làng tôi không còn dám bàn tán về Việt Minh, về tướng Giáp và về Điện Biên Phủ nữa. Lớn lên hơn chút, thỉnh thoảng tôi vẫn lén lút mở đài Hà Nội hoặc đài Giải Phóng nhưng vẫn chưa bao giờ nghe các đài ấy nhắc đến Võ Nguyên Giáp. Tôi quên ông đi.

Cho đến năm 1970, bổng dưng báo Công Luận ở Sài Gòn đăng loạt tài liệu nhiều kỳ về Điện Biên Phủ của nhà báo Jules Roy người Pháp. Hình ảnh người anh hùng Võ Nguyên Giáp với chiến công Điện Biên Phủ hiển hách của ông đến với tôi một cách đầy đủ, khách quan và sinh động. Tôi hằng ngày chờ báo từ Sài Gòn ra để mua đọc không sót một kỳ. Hào hứng chờ đợi còn hơn chờ đợi Tiếu Ngạo Giang Hồ đăng từng kỳ của Kim Dung. Càng đọc càng như được bay lên mây, lòng tự hào dân tộc dâng lên ngút ngàn. Quá sức yêu quý, tôi đã cắt các bài báo ấy ra lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

 

Học lịch sử chỉ thấy Tây nó đánh cho ta te tua, từ Nguyễn Tri Phương đến Hoàng Diệu, từ phong trào Cần Vương đến Văn Thân. Rồi anh hùng chống Tây nào của Việt Nam cũng hầu như bị Tây bắt, Tây đày, Tây giết. Từ vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đến Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định… từ Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…

Bây giờ tự dưng xuất hiện một chiến công lừng lẫy, một đại tướng Việt Nam còn rất trẻ tuổi đã 55 ngày đêm làm cho cả vạn quân Pháp phải trốn chui trốn nhủi như những con chuột trong lòng chảo Điện Biên để rồi tất cả bị tràn ngập, bị bắt sống, bị đầu hàng, trong đó có cả tướng chỉ huy của quân Pháp là De Catries. Một chiến công lừng lẫy hiển hách như vậy mà từ lâu nay tôi không hề biết, bây giờ mới được biết qua chính nhà báo của phe địch viết nữa mới vô cùng thú vị chứ. Mình tự viết về mình trong chiến công lừng lẫy ấy đã sướng rồi, mà địch viết về mình đọc càng sướng làm sao.

Từ đó Võ Nguyên Giáp trở thành thần tượng số một trong tôi, soán đi ngôi vị của Che Guevara và Fidel Castro vốn là thần tượng thời thượng của tôi cũng như của nhiều thanh niên lúc bấy giờ.

Vì ông là thần tượng nên tôi theo sát bước đi của ông. Sau 75, tôi đọc không sót một cuốn sách nào viết về ông và Điện Biên Phủ cũng như cố gắng đọc một số những gì ông nói hoặc viết ra sau nầy. Đọc về Điện Biên Phủ và về ông thì rất thích thú nhưng tôi lại không có chút thú vị nào khi đọc những gì ông viết hoặc nghe ông phát biểu tại các lễ lạc quan trọng mà ông được phát biểu. Tôi thấy những điều ông nói chẳng khác gì Lê Duẩn hoặc báo Nhân Dân. Rồi càng về sau, tôi dần dần càng lo lắng về ông. Qua các kỳ đại hội, qua các chức vụ ông được phân công, tôi lờ mờ hiểu ra rằng ông bị đẩy dần khỏi bộ máy quyền lực cấp cao. Tôi đau xót lắm và liên tưởng đến hình ảnh Nhạc Phi trong truyện Tàu, dường như đang tái hiện dần ra nơi ông.

Khoảng sau năm 1990 thì tôi gặp được thần tượng của tôi bằng xương bằng thịt.

Tôi nhớ dịp đó có một hội thảo rất lớn về Phan Chu Trinh tổ chức tại Đà Nẵng. Thành phần tham dự gồm những người rất tên tuổi như Gs Trần Quốc Vượng, nhà văn Nguyên Ngọc, Phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình, học giả Nguyễn Văn Xuân… và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (*). Tôi lúc ấy chưa làm báo nhưng nhờ quen thân với cụ Nguyễn Văn Xuân nên cày cục cụ xin giấy mời. Vì hội thảo về Phan Chu Trinh và vì sự có mặt của Võ Nguyên Giáp, tôi đã xin nghỉ dạy hai ngày để tham dự.

Hồi ấy đang cao trào đổi mới nên có nhiều tham luận rất hay đề cao vai trò lịch sử và sự nghiệp của Phan Chu Trinh. Qua không khí hội nghị, tôi suy đoán rằng đây là hội thảo nhằm chính thức đánh giá lại cụ Phan. Và dường như mọi người trông chờ vào phát biểu sau cùng của đại tướng để khẳng định việc ấy. Tôi cũng rất trông mong. Thế nhưng đại tướng đã làm mọi người thất vọng. Không hề bị lung lạc bởi những học giả đổi mới, ông vẫn khuôn sáo và rất kiên định lập trường, phát biểu của ông không có một chút mới mẽ. Ông không đi ra khỏi tinh thần của nghị quyết đảng. Những điều ông nói về Phan Chu Trinh là những gì tôi đã nghe cả trăm lần qua những đợt học chính trị dành cho giáo viên. Ông vẫn nói y những gì mà Tố Hữu đã thay mặt đảng định hướng từ lâu: Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu, đường lối cải lương…

Trong phát biểu của ông, ông thường xuyên nhắc đến Bác và Đảng, và nhắc đến với một thái độ hết sức tôn kính gây ra cho tôi một cảm giác là ông không thể nào có ý kiến gì khác những ý kiến của Bác và Đảng đã đề ra và đã thấm sâu vào trong ông tự bao giờ.

Lúc đó trong tôi bất chợt dâng lên suy nghĩ, ông bảo thủ và kiên định lập trường giai cấp còn hơn cả Lê Duẩn. Nếu ông mà được Hồ Chí Minh chọn làm tổng bí thư thay vì Lê Duẩn thì đất nước khó mong đổi mới. Bởi lẽ, Lê Duẩn đã không sống quá lâu như ông nên Trường Chinh mới có cơ hội lên thay và nền tảng cho việc cải cách đổi mới mới được đặt ra. Ngay hồi đó tôi bất chợt nghĩ vậy, nhưng bây giờ thì tôi không còn nghĩ như thế nữa vì lịch sử thì biện chứng và cũng rất bất ngờ, ai biết được ra sao…

Đó là lần tôi được gặp ông duy nhất. Kể từ đó tôi không còn gặp ông nữa dù sau nầy tôi trở thành phóng viên chính trị, theo dõi viết bài về quốc hội, chính phủ, không mấy khó khăn để được tiếp cận với ông.

Hôm nay thì ông vĩnh viễn ra đi, để lại đàng sau một hệ thống. Cái hệ thống mà ông là bậc khai quốc công thần, ông là vị tôi trung hiếm có. Một hàng người dài bất tận xếp hàng chờ vào viếng ông với sự thành kính tận đáy lòng. Những người ấy mến mộ công trạng của ông và cũng có thể kèm thêm lòng thương cảm vì những gì ông phải chịu đến cuối đời. Ông như một Nhạc Phi.

Nhà nước cũng quyết định làm quốc tang trọng thể cho ông.

Tôi chợt thấy khó hiểu, tại sao cả Nhạc Phi lẫn Tần Cối đều được hệ thống vinh danh như nhau?

Huỳnh Ngọc Chênh

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt