Human Right Watch yêu cầu nhà nước Việt Nam cải tổ ngành công an
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW lên tiếng báo động về sự lạm quyền của công an tại Việt Nam. Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York này nói càng ngày càng có nhiều báo cáo về việc công an tra tấn và gây tử vong những người bị họ bắt giam, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Từ Trung tâm Tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Ron Corben cho biết giới hữu trách Việt Nam trong những tuần lễ gần đây đã loan báo tiến hành những bước để giải quyết tình trạng này.
Cách đây gần hai năm, anh Nguyễn Tuấn Thanh và bạn là Phạm Quốc Nhật bị công an tỉnh Đồng Tháp bắt giam vì bị nghi ngờ trộm cắp.
Anh Phạm Quốc Nhật nói khi cả hai bị đưa đến một trạm cảnh sát địa phương thì bị đánh đập tàn nhẫn vào cổ tay, chân và đùi.
Anh nói, ngày kế tiếp vào khoảng giữa trưa anh không còn nghe thấy tiếng la của anh Thanh tại phòng giam. Anh Thanh chết tại nơi giam giữ trước khi được cảnh sát đưa vào bệnh viện.
Trường hợp của anh Thanh là một trong mấy mươi trường hợp được Tổ chức theo dõi Nhân quyền liệt kê trong phúc trình mới nhất về những vụ bạo hành của cảnh sát đối với những người dân bình thường bị họ bắt giam.
Human Rights Watch ghi nhận 28 trường hợp những người thiệt mạng khi bị công an bắt giam có giải thích hay không được giải thích, từ những vụ được cho là tự tử cho đến những vụ tử vong vì bệnh và 22 trường hợp bị đánh đập tàn nhẫn, trong đó có một bé trai 11 tuổi.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Human Rights Watch về Châu Á, nói những cáo buộc về những người bị giam bị công an bạo hành là phổ biến. Phúc trình theo dõi các trường hợp tại 44 tỉnh trong số 58 tỉnh của Việt Nam.
“Phúc trình đề cập đến những nông dân, và các doanh nhân, các người buôn bán địa phương, sinh viên học sinh và những người khác bị cảnh sát bắt giam vì những hành vi mà bạn và tôi không xem là bất thường và nếu có vi phạm luật pháp thì đó chỉ là những vi phạm nhỏ nhặt – nhưng những người này rốt cuộc lại bị thiệt mạng hay bị thương vì bị cảnh sát đánh đập trong khi bị giam giữ.”
Phúc trình nhắc lại những trường hợp được các tờ báo tiếng Việt do chính phủ kiểm soát loan tải, từ những người viết blog độc lập, các nhà báo công dân và truyền thông nước ngoài.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói những trường hợp tử vong thường xảy ra khi công an dùng nhục hình để buộc nghi can nhận tội. Phúc trình cho biết thêm là tuy công an dính líu đến những vụ này, nhưng thông thường họ không bị kỷ luật hoặc chỉ bị trừng phạt qua loa mặc dù phạm tội nghiêm trọng.
Ông Robertson nói dường như có sự khủng hoảng rộng lớn hơn trong lực lượng công an Việt Nam, đặc biệt ở cấp tỉnh – là nơi những người được tuyển mộ ít được huấn luyện và hỗ trợ
“Điều chúng tôi phát hiện là một cuộc khủng hoảng nhân quyền trong những công tác hàng ngày của công an Việt Nam. Chúng tôi tin là điều chúng tôi thấy ngày hôm nay chỉ là phần nổi của một tảng băng lớn hơn nhiều.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói cần phải có cải tổ sâu rộng, minh bạch hơn và bảo đảm cung cách làm việc có trách nhiệm đối với những người bị công an giam giữ, cũng như tiến hành những cuộc điều tra vô tư đối với tất cả những cáo buộc về sự tàn bạo của công an.
Ông Robertson nói gia đình các nạn nhân cũng gặp những khó khăn khi đòi có câu trả lời chính thức về các hành vi tội phạm đối với thân nhân họ.
“Thách thức đối với những gia đình Việt Nam bình thường—gia đình những nạn nhân-là họ có thể khuấy động đủ hay không, có làm ầm ĩ hay không về trường hợp tử vong hay thương tích của thân nhân họ để buộc các giới chức hay truyền thông can thiệp và đảm bảo là có được những cuộc điều tra nghiêm chỉnh.”
Nhà cầm quyền Việt Nam đã áp dụng một vài biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Vào ngày 11 tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công An Việt Nam Trần Đại Quang công nhận trước một ủy ban Quốc hội Việt Nam là có khoảng 19 nhân viên cảnh sát bị đình chỉ công tác và có thể bị truy tố hình sự về tội sử dụng nhục hình.
Bộ Công An cũng nói trong 3 năm qua họ đã điều tra 183 trường hợp khác liên hệ đến công an. Những người này đối mặt với những biện pháp trừng phạt hành chánh, như là sa thải, giáng chức hay thuyên chuyển.