Human Right Watch đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam
Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) vừa đưa một bản báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam năm 2014. Theo đó, báo cáo cho biết Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ những người ủng hộ dân chủ, phê bình chính quyền và cùng nhiều vấn đề vi phạm nhân quyền khác. Nhân dịp này, đại diện của Human Rights Watch là ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức này, dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn đặc biệt.
Ngăn cấm quyền tự do ngôn luận
Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Thưa ông, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa đưa ra một báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2014. Vấn đề nào ông coi là nghiêm trọng nhất ở Việt Nam?
Brad Adams: Vấn đề chính ở Việt Nam là Việt Nam vẫn là một nhà nước độc đảng, ngăn cấm quyền căn bản về tự do ngôn luận và tụ tập. Việt Nam sống trong một thế giới hiện đại với một hệ thống chính trị cũ kỹ. Ý tưởng về nhà nước một đảng đáng lẽ phải vứt vào thùng rác từ lâu lắm rồi. Chúng tôi đề nghị chính quyền Việt Nam thực hiện tiến trình cải cách bằng việc tách chính phủ ra khỏi nhà nước, cho phép người dân những quyền tự do cơ bản, không bỏ tù người ta vì thể hiện quan điểm như là kêu gọi dân chủ, không lấy những luật hình sự như đạo luật hay 79 hay 88 để tống tù người ta vì có quan điểm chính trị khác biệt.
Cũng có một vấn đề nghiêm trọng về quyền lao động ở Việt Nam, công nhân nhà máy không được tụ tập tự do, họ không được đòi tăng lương hay đòi điều kiện làm việc tăng lên. Đây là một vấn đề lớn vì Việt Nam là một phần của nền kinh tế toàn cầu, họ phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra cũng có vấn đề lớn về đất đai ở Việt Nam với hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối chiếm đất. Một phần là vì đất không đủ cho dân số, hơn nữa đảng và quân đội xông vào chiếm hoặc giao đất sinh sống cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án.
Điều chúng tôi muốn thấy là chính phủ Việt Nam phải thừa nhận rằng đúng, chúng tôi có một số vấn đề bởi vì nước nào cũng có những vấn đề của họ và chúng tôi sẽ nghiêm túc giải quyết nó.
Hải Ninh: Theo tôi thấy thì dường như có một sự đối lập ở đây. Chính phủ Việt Nam khi ra thế giới thì luôn hứa rằng chúng tôi sẽ cải thiện tình hình dân chủ, thế nhưng mặt khác thì họ lại bắt nhiều nhà bất đồng chính kiến, hay không cho phép người ta thực hiện tự do tôn giáo và nhiều vấn đề khác nữa. Tại sao lại như vậy?
Brad Adams: Tôi nghĩ rằng đảng sợ rằng nếu họ nới lỏng tay và cho phép những quyền tự do cơ bản như quyền được phát biểu ý kiến, thì họ sẽ mất quyền kiểm soát tình hình chính trị. Đây là điều hầu hết các đảng cộng sản nghĩ. Họ có thể đúng, tuy nhiên, điều đó cũng có thể tốt, bởi vì việc mất quyền kiểm soát chính trị có nghĩa là người dân được quyền thể hiện quan điểm và quan điểm của họ có ảnh hưởng tới chính sách. Một điều mà đảng cộng sản Việt Nam nên làm, đó là cho phép bầu cử toàn quốc một cách tự do, công bằng và toàn diện, giống như tất cả các quốc gia trong khu vực trừ Lào và Việt Nam.
Chúng ta cũng bắt đầu thấy chính phủ Việt Nam thay đổi vì áp lực từ dưới lên. Ngày càng nhiều những người bất đồng chính kiến dũng cảm, phần lớn là những người trẻ, những blogger, những người trong giới truyền thông, các nhà hoạt động. Họ dấn thân vào những nguy hiểm nghiêm trọng, vì anh không biết điều mà anh nói hôm nay có thể dẫn tới việc anh bị tống vào tù ngày mai. Họ chấp nhận nguy hiểm đó và họ ngày càng tăng cường đòi quyền lợi. Họ muốn tham gia vào việc lèo lái quốc gia trong tương lai, họ muốn tham gia vào chính quyền, họ muốn có tiếng nói, và điều đó là hoàn toàn bình thường.
Vì thế, tôi nghĩ rằng chính phủ và đảng cộng sản cần phải điều chỉnh, họ tìm cách có những điều chỉnh nhỏ thôi nhưng họ sẽ phải có những thay đổi lớn hơn.
Trấn áp các tổ chức xã hội dân sự
Hải Ninh: Hiện nay có nhiều tổ chức xã hội dân sự đứng ra cổ vũ các vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về các hoạt động của họ và liệu Human Rights Watch có thể làm gì để giúp đỡ họ?
Brad Adams: Các nhóm cổ vũ nhân quyền không được phép hoạt động lâu ở Việt Nam. Thường thì các nhà lãnh đạo của họ bị tống vào tù khá nhanh chóng. Các nhóm hoạt động cỗ vũ các vấn đề khác chẳng hạn như quyền phụ nữ, môi trường hoặc những vấn đề không bị chính phủ coi là nhạy cảm, họ thường được phép hoạt động trong một thời gian lâu hơn. Nếu chính phủ thấy rằng họ hoạt động có chút chính trị hoá, họ sẽ bị trấn áp và những người tham gia sẽ bị bắt. Điều đó không chấp nhận được.
Vì thế, chúng tôi tìm cách giúp họ một cách cẩn trọng. Chúng tôi không muốn có ai đó bị tống vào tù bởi vì họ liên lạc với Human Rights Watch hoặc bất cứ một tổ chức quốc tế nào. Chúng tôi hỗ trợ về tinh thần, kỹ thuật và thông tin, chúng tôi đưa các vụ việc ra quốc tế. Tuần này, tôi đã tới Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, sau đây tôi sẽ tới Lầu Năm Góc để bàn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, và giúp truyền tải những quan ngại của người Việt Nam tới họ.
Chúng tôi có một trang web bằng tiếng Việt, và dịch tất cả các tài liệu của chúng tôi sang tiếng Việt. Những tài liệu này được đăng lại khắp nơi. Một điều rất thú vị ở đây là Facebook và mạng xã hội đang giúp lan truyền thông tin. Chính phủ Việt Nam không thể nào chặn những thông tin mà họ không thích nữa.
Hải Ninh: Human Rights Watch nhiều năm nay liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền con người. Thế nhưng dường như chính quyền Việt Nam cố tình lờ đi. Họ cứ tiến một bước rồi lại lùi hai bước. Liệu Human Rights Watch có thể làm gì để thay đổi điều này?
Brad Adams: Điều tôi thấy ở đây là nếu cộng đồng đấu tranh về nhân quyền không tiến hành vận động cho những tù nhân bất đồng chính kiến, số người bị bắt còn nhiều hơn thế nữa. Chúng ta không biết còn những ai sẽ bị bắt nếu chúng tôi không làm việc của mình. Tôi đồng ý rằng khi chúng tôi vận động việc thả một tù nhân nhất định, dường như chính phủ Việt Nam lại bắt người khác thay thế. Điều rất đáng thất vọng bây giờ là họ đưa những tù nhân này ra nước ngoài sống lưu vong. Đó không phải là giải pháp hợp lý.
Họ còn dùng những tay côn đồ để đánh các nhà hoạt động, thay vì bắt bớ. Chính quyền Việt Nam nói với quốc tế rằng số lượng người bị bắt đã giảm xuống, mọi chuyện đã khá hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người bị bắt không thấp hơn, chúng tôi có con số chứng minh. Thêm vào đó, đánh người không tốt hơn là tống người ta vào tù và chúng ta bắt đầu thấy nó diễn ra và điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Về câu hỏi tầm ảnh hưởng của chúng tôi, chúng tôi đưa ra báo cáo về việc cảnh sát hành hung các nhà hoạt động vào năm ngoái, và thấy những sự phản ứng về chính sách ở cấp cao. Quốc hội Việt Nam đã tiến hành một cuộc điều trần ở uỷ ban tư pháp về việc cảnh sát đánh người, điều chưa từng xảy ra trước đó. Bộ trưởng Công an, phó bộ trưởng Công an, và các bộ trưởng khác phải đến và giải trình công khai trước quốc hội.
Tôi nghĩ sở dĩ điều này diễn ra là vì chúng tôi chọn việc tập trung vào các báo cáo cảnh sát đánh người vì chúng tôi nghe được điều đó từ chính người dân Việt Nam, chúng tôi đọc được trên báo, người ta giận dữ về cách cảnh sát đối xử với người dân. Vì thế, chúng tôi tập trung vào các vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng chính phủ cũng nhận ra đó là một vấn nạn. Và dù họ không nói với chúng tôi rằng xin cảm ơn báo cáo của các vị, chúng tôi trân trọng việc các vị quan tâm tới các người Việt Nam được đối xử, và chúng tôi sẽ làm việc dựa trên các đề xuất của các vị, nhưng rõ ràng là họ có thay đổi. Tôi thấy có dấu hiệu rằng chính phủ Việt Nam nhận thấy họ không thể chỉ khư khư hoạt động trong vòng Việt Nam nữa và giả vờ rằng cả thế giới không tồn tại và rằng người dân Việt Nam chẳng biết gì cả.
Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.