Hồng Kông : Đề nghị đối thoại của chính quyền là thủ đoạn ‘câu giờ’

Từ hơn 10 ngày nay, người dân Hồng Kông đã liên tục biểu tình để đòi hỏi chính quyền đặc khu và nhà cầm quyền Bắc Kinh tôn trọng lời hứa cho dân chúng Hồng Kông quyền tự do chọn lựa người lãnh đạo mình. Sau nhiều ngày chần chờ, chính quyền Hồng Kông đã đề nghị mở đối thoại với phong trào phản đối. Theo chuyên gia Pháp Marie Holzman, đây là một mưu toan “câu giờ”. 

Thoạt đầu, sinh viên Hồng Kông, vốn đi tiên phong trong phong trào phản kháng, đã chấp thuận đề nghị đối thoại, dù rất mơ hồ. Tuy nhiên vào tối hôm qua, 03/10/2014, họ đã tuyên bố cắt đứt đối thoại sau các các vụ tấn công vào người biểu tình bị nghi ngờ là do chính quyền giật dây.

Theo nhận định của bà Marie Holzman, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Đoàn kết Trung Quốc (Solidarité Chine), đề nghị đối thoại do chính quyền Hồng Kông đưa ra là một diễn biến mới, nhưng vẫn chưa phải là đáp án cho hàng loạt vấn đề mà phong trào đấu tranh dân chủ đã nêu bật.

Trả lời phỏng vấn của ban Pháp ngữ RFI, bà Marie Holzman đã nhấn mạnh đến dụng tâm tranh thủ thời gian, nói nôm na là câu giờ, của chính quyền khi đưa ra đề nghị đối thoại với những người biểu tình. Theo bà, quyết định của Chính quyền Hồng Kông chưa thể xoa dịu tình hình.

Marie Holzman : Vấn đề không phải ở chỗ này. Các người biểu tình chỉ được xoa dịu hay hài lòng khi người ta bảo đảm với họ là họ có quyền bỏ phiếu bầu lãnh đạo Hồng Kông một cách bình thường. Hiện giờ thì không phải như thế.

Tôi nghĩ họ có cảm giác là người ta – tức là chính quyền – đang tìm cách câu giờ, người ta đang đánh lạc hướng khi cho họ khả năng nói chuyện với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), nhân vật số hai ở Hồng Kông, nhưng không nhất thiết là phải bãi chức ông Lương Chấn Anh, nhân vật số 1 của Hồng Kông, bị xem là con rối do Bắc Kinh giật dây, và rất tán thành việc để cho Trung Quốc thâu tóm vấn đề bầu cử ở Hồng Kông.

Theo tôi, chúng ta đang ở trong một tình huống đọ sức, phong trào đấu tranh có nguy cơ hụt hơi một chút vì dĩ nhiên sau dịp nghỉ lễ, người ta phải đi làm trở lại, trong lúc sinh viên phải trở lại đại học của mình.

Trước mắt thì cũng không biết rõ tình hình sẽ kết thúc như thế nào.

RFI : Chọn nhân vật số hai để đối thoại, đó có phải là điều quan trọng hay không ?

Marie Holzman : Tôi nghĩ đó là một sự chọn lựa tương đối thông minh. Vì bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là một nhân vật tương đối quan trọng. Sinh viên sẽ không cảm thấy bị thua thiệt, trong lúc – tôi nhắc lại – chính quyền có thể tranh thủ thời gian.

Và điều này gợi lại cho chúng ta những kỷ niệm không hay, vì khi sinh viên ở trên quãng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng 5/1989, Thủ tướng Trung Quốc thời ấy, ông Lý Bằng, đã đồng ý tiến hành đối thoại với một vài đại diện sinh viên. Nhưng điều đó không ngăn cản được cuộc đàn áp hai tuần sau đó với bạo lực và chiến xa.

Tôi nghĩ là mô hình này sẽ không lập lại ở Hồng Kông, nhưng ý nghĩ mở đối thoại, theo tôi, là một cách thông minh để tranh thủ thời gian.

RFI : Thế ngoài nguy cơ phong trào bị hụt hơi như bà vừa nêu, thì còn có nguy cơ chia rẽ trong hàng ngũ phong trào hay không ?

Marie Holzman : Trong mọi phong trào, đều có nguy cơ chia rẽ, nhưng đây không phải là một phong trào mang tính chất chính trị thuần túy, mà liên quan đến một cái gì rất cụ thể, có nghĩa là để vào năm 2017, người ta có thể tổ chức một cuộc bầu cử mà trong đó không những thể thức phổ thông đầu phiếu được tôn trọng, mà ứng cử viên lại còn thật sự đến từ quần chúng.

Hiện giờ thì Bắc Kinh đang đề nghị là có 3, 4, hay 5 ứng cử viên, nhưng tất cả đều do Bắc Kinh chỉ định.

Chính trên điểm này mà người Hồng Kông đang huy động lực lượng để phản đối. Theo tôi trên điểm này, họ hoàn toàn đồng ý với nhau.

RFI : Nhất là với việc Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ các mạng xã hội ?

Marie Holzman : Đúng như thế. Nếu mà người dân Trung Quốc biết được là sinh viên đã được khả năng đối thoại và họ đòi được bầu cử tự do, đó sẽ là một quả bom thật sự ở Trung Quốc.

Dĩ nhiên cũng có một số người có được một số thông tin, nhưng nhìn chung, báo chí bị kiểm duyệt và khi người ta nói đến Hồng Kông, thì chỉ nói là có tình hình lộn xộn trên đường phố, nhưng sẽ lắng dịu ngay và chính quyền nắm vững tình hình. Người ta không nói chi tiết về những gì đang diễn ra.

RFI : Người ta chưa biết rõ về tính chất đề nghị của chính quyền, cũng như không có thời điểm cụ thể, cũng không có nội dung của những gì được bàn thảo lúc sinh viên có thể gặp đại diện chính quyền…

Marie Holzman : Điều đó đúng, nhưng chúng ta cứ hãy làm người phản biện triệt để. Hãy giả sử là chính quyền Bắc Kinh đặt ra những đòi hỏi cao đối với người dân Hồng Kông- đây là điều chưa từng có – và điều đó theo tôi sẽ là bước đầu một sự tháo gỡ chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc.

Cho nên tôi nghĩ là nhân vật số 1 ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đang lâm vào một tình huống khá khó khăn. Ông phải đưa ra những chỉ thị cho lãnh đạo Hồng Kông, tranh thủ thời gian càng nhiều càng tốt, với hy vọng là phong trào đấu tranh hụt hơi và tan biến.

RFI : Đó là để tránh một cuộc đối đầu mà các nhà quan sát hiện nay lo ngại ?

Marie Holzman : Có lẽ như vậy, tôi không thể khẳng định. Tôi nghĩ là sinh viên và người lao động ở Hồng Kông rất tôn trọng luật pháp, và có nhiều khả năng họ sẽ trở lại làm việc, nhưng điều này theo tôi không hoàn toàn khiến cho phong trào hụt hơi. Nó sẽ diễn ra dưới hình thức khác.

RFI : Phải chăng một chính quyền tập trung như chính quyền Trung Quốc lại gặp khó khăn trước một phong trào mà ban lãnh đạo không thống nhất ?

Marie Holzman : Thú thật là tôi không rõ. Vì phong trào diễn ra ở Hồng Kông. Và chế độ ở Hồng Kông hiện giờ rất khác biệt với chế độ ỏ Trung Quốc. Cho nên biểu tình ở Hồng Kông không diễn ra giống như ở Trung Quốc. Và như người ta biết rõ, ở Hồng Kông, tổ chức biểu tình cũng dễ như đi ăn mì ở nhà hàng.

RFI : Nhưng không phải kéo dài 10 ngày như thế ?

Marie Holzman : Điều khiến chính quyền bất an là việc đòi quyền bỏ phiếu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Điều đó thật rắc rối. Họ đã đòi nhiều thứ rồi và họ đã thắng trong một số trường hợp.

Ví dụ như chính quyền Trung Quốc đã thử tung ra cái gọi là giáo dục yêu nước để buộc trẻ em Hồng Kông tỏ lòng yêu nước và dĩ nhiên yêu đảng Cộng Sản Trung Quốc. Người Hồng Kông đã không đồng ý, họ cho răng không muốn con em họ bị tẩy não, họ muốn con em giữ được đầu óc phán xét, có đánh giá riêng, và họ đã thắng.

Tóm lại thì người Hồng Kông quen với việc xuống đường biểu tình và đòi hỏi Bắc Kinh phải nhượng bộ, và đôi khi họ thắng. Cho nên tôi nghĩ là nên lạc quan

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt