Hồn thiên thu thác cũng như còn

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Khi Nguyễn Thái Học bị bắt, trong nhân dân vẫn chưa tin là anh bị sa lưới một cách dễ dàng như thế, họ cho rằng: “Đấy là Nguyễn Thái Học giả” hoặc cho rằng: “ông Nguyễn Thái Học có phép tàng hình, khi đưa đến Hỏa Lò thì ông đã bay lên trời rồi”. Thậm chí tờ báo có uy tín lúc bấy giờ là Volonté Indochinoise xuất bản tại Hà Nội cũng tin như thế.

Quả thật, Nguyễn Thái Học đang bị cùm trong xà lim Hỏa Lò.

Giới phụ nữ Pháp đã yêu cầu giám đốc Sở mật thám cho họ được vào xem tận mắt lãnh tụ VNQD Đảng. Đó là một người như thế nào mà đã gây kinh động cả Đông Dương này? Vào một sáng đẹp trời, phái đoàn phụ nữ này cùng với Hoàng Trọng Phu – Tổng đốc Hà Đông được  phép vào Hỏa Lò. Một ả đầm hỏi Arnoux – giám đốc Sở mật thám:

– Où? Où est le general Nguyễn Thái Học? (Đâu? Ông tướng Nguyễn Thái Học?)

Arnoux nghiêm mặt:

– Nó chỉ là một tên hướng cướp!

Nguyễn Thái Học nghe vậy liền đáp:

– Ông Arnoux! Ông nên ăn nói lễ độ một chút!

Hắn điên tiết vì bị trả đũa hỗn xược trước mặt phụ nữ nên vung ba-toong định quất vào mặt anh, anh cười khinh bỉ:

– Một người đang bị cùm trong xà lim lại được ông đối xử như thế à? Có phải đó là văn minh của nước Pháp?

Lời nói rành rọt bằng tiếng Pháp đã khiến hắn chùn tay lại. Giữa lúc ấy, ả đầm sửng sốt về câu trả lời của anh đã buông tay làm con chó xù nhảy vọt xuống đất. Con chó chạy tung tăng dọc theo hành lang. Tên Arnoux vội vàng đuổi theo bắt lại con chó và kính cẩn trao cho bà chủ của nó. Ả đầm hững hờ bồng con chó trên tay và hướng về Nguyễn Thái Học:

– Ông Nguyễn Thái Học, ông có gương mặt đẹp như một thiên thần, ông rất khí phách. Phái đoàn phụ nữ chúng tôi sẽ làm đơn xin ân xá cho ông!

– Vâng cám ơn lòng tốt của bà, một phụ nữ Pháp hết sức lãng mạn và xinh đẹp.

Ả đầm buồn rầu đáp:

– Tôi là một người lãng mạn à?

Nguyễn Thái Học nhìn vào mắt người phụ nữ này:

– Vâng, tất cả những người tốt, những kẻ có lòng đều là những người lãng mạn.

Sau đó, anh khẽ ngâm:

Tôi đứng về phía những người bại
Tôi là bạn của những đau thương
Đồng hành cùng tâm hồn đau khổ
Đi qua trần gian lắm nỗi tai ương

– Ông vừa đọc thơ của Victo Huygo đó à?

– Đúng thế, thi sĩ Victo Huygo của nước Pháp là nhà thơ lớn mà tôi kính phục. Đó là nhà thơ của Tự Do, Công Lý và Tương Lai. Bài thơ này ông đã viết để tưởng niệm những chiến sĩ của công xã Paris hy sinh năm 1871. Họ là những người bất tử đã làm vẻ vang cho nước Pháp và chúng ta…

Không để cho Nguyễn Thái Học nói hết câu, tên Arnoux vội vàng nói với người phụ nữ:

– Thưa bà, hết giờ rồi, mời bà ra ngoài.

Hắn đẩy ả đầm ra ngoài. Cửa xà lim nặng nề sụp xuống. Hắn sợ giây phút gặp gỡ như thế này, Nguyễn Thái Học sẽ tuyên truyền không có lợi cho nhà cầm quyền. Phái đoàn phụ nữ không được tiếp xúc với anh nữa. Mãi nửa tiếng đồng hồ sau, theo lời yêu cầu khẩn thiết của Hoàng Trọng Phu, Arnoux mới cho phép tên Tổng đốc này được diện kiến anh.

Chạm mặt Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Thái Học nhổ bãi nước bọt xuống nền nhà tù. Anh có lạ gì dòng họ nhà này. Bố của Phu là Hoàng Cao Khải, đã từng viết thư chiêu dụ nhà ái quốc Phan Đình Phùng và bị cụ Phan sỉ vả thậm tệ. Nhờ những lần đem quân đi đàn áp nghĩa quân khởi nghĩa nên Khải được phong làm Tổng đốc Hải Dương. Khi con trai của mình là Hoàng Trọng Phu đi học ở Pháp về, Khải có mời một số nhà nho đến dự tiệc ăn mừng. Trong bữa tiệc này, y ra đầu đề là “Thiên hà ngôn tai” để mọi người cùng thù tạc ngâm vịnh. Với đầu đề này có nghĩa là “Trời có nói gì đâu”, ngầm kiêu căng muốn nói với mọi người rằng: Trời không nói, nhưng mọi việc cứ tuần hoàn xuôi chảy vì trời đã định rồi. Trời định cho họ Hoàng tước lộc khoa danh đầy đủ cả, vinh dự trong ngoài nước. Đầu đề vừa đắc ý tự cao lại vừa thâm sâu rất khó. Chưa kịp để cho Phu mở miệng, Nguyễn Thái Học hỏi ngay:

– Không ngờ lại gặp ông. Ông còn nhớ lúc ông ở Pháp về, cụ Tam Nguyên Yên Đổ có làm bài thơ theo đề “Thiên hà ngôn tai” của bố ông không?

Không đợi cho hắn trả lời, anh đọc luôn:

Chót vót trên này có một tao
Mày xem tao có nói đâu nào
Da tao xanh ngắt pha đen trắng
Bởi tại dì Oa vá váy vào

Hoàng Trọng Phu tím mặt. Hắn gào lên:

– C’est un fou! (Đây là một thằng điên!)

Anh cãi lại bằng tiếng Pháp pha lẫn tiếng Việt ngụ ý trêu chọc và chơi chữ đích đáng:

– Moa pas fou, Phu lui phe Tổng đốc (tôi không phu (điên), Phu nó làm Tổng đốc kia chứ!)

Phu cứng họng không trả lời được. Hắn không ngờ ngay trước mặt quan Arnoux, Nguyễn Thái Học dám bốp chát như thế. Một lúc sau, hắn mới mở miệng:

– Mày chơi chữ khá lắm. Nhưng tiếc quá, vừa thông minh vừa có tướng lưng hổ, mình gấu thì sẽ làm lớn đấy! Thế mà cũng làm giặc à?

Anh đáp:

-Xin lỗi ông Phu ạ! Tôi rất lịch sự đối với ông. Mời ông đứng lui ra. Không kiềm chế được thì tôi sẽ phun nước bọt vào mặt ông đấy.

Phu sững người. Vốn là người tráo trở, biết lúc nào phải cứng, lúc nào phải mềm mỏng thì mới được việc. Hắn không đứng xê ra mà ngồi bệt xuống đất, bên cạnh Nguyễn Thái Học và vỗ về:

– Đừng giận. Tao sẽ xin quan lớn ân xá cho mày. Mày khai thật đi! Tại sao mày ra lệnh giết chết Hoàng Gia Mô – cháu ruột của tao?

– Tôi không đợi ông vào đây để xin ân xá. Không riêng gì Hoàng Gia Mô mà bất cứ tên quan lại nào tham ô, xách nhiễu nông dân thì chúng tôi cũng đều đối xử như thế.

Lại hỏi:

– Tại sao lúc mày bị bắt, trong người mày có súng, lựu đạn mày không giết bọn tuần phu để thoát thân?

Anh cười gằn:

– Họ là những người thừa lệnh quan Tây mà thôi. Họ vô tội. Nếu họ được Đảng chúng tôi giác ngộ thì họ cũng đứng lên mà cầm súng đuổi giặc Pháp. Hừ! May cho ông lắm. Không phải những tuần phu bắt tôi, chứ lúc đó gặp ông thì khẩu súng sáu không nằm yên trong người tôi đâu!

Nghe trả lời như thế, Phu rùng mình. Hắn há mồm nhổ toẹt bãi trầu đỏ lòm như máu xuống nền tù, rồi đứng lên te te bước ra ngoài. Cánh cửa xà lim đóng sập lại. Hai con mắt Nguyễn Thái Học vẫn sáng quắc trong bóng tối.

Ngày tháng trong Hỏa Lò chầm chậm trôi qua. Đầu tháng 6-1930, công điện từ Paris đánh sang Hà Nội, Tổng thống Pháp là Gaston Doumergue đổi 27 án tử hình ra khổ sai chung thân, còn lại 13 người vẫn y án. Đó là những yếu nhân của VNQD Đảng: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Đào Văn Nhật, Nguyễn Văn Tiềm, Hà Văn Lạo, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn An, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên (tức Ngọc Tỉnh), Ngô Văn Du và Đỗ Văn Sứ. Chính quyền thực dân giữ bí mật nội dung bức công điện này.

Đột ngột đến ngày 16-6-1930, một đội lính lê dương dưới sự chỉ huy của Arnoux lặng lẽ tiến vào dãy xà lim án tử hình. Chúng gọi tên 13 người bị án tử ra ngoài và xích hai người vào một rồi đưa đi. Vừa bước ra khỏi xà lim, Nguyễn Thái Học hô to:

– Chúng tôi đi trả nợ nước đây, các đồng chí ơi!

Tên lính lê dương dùng báng súng dộng được vào bụng anh, anh oằn người lại nhưng cũng nói sang sảng:

– Các anh em đồng chí còn sống cứ tiếp tục công việc nhé. Cờ Độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa Tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa. Nhưng rồi thế nào cách mạng cũng đến ngày thành công. Thôi chào các đồng chí anh em còn ở lại…

Những lời cuối cùng của anh đã gây phản ứng dữ dội trong nhà tù, họ la ó, gào thét náo động cả khu Hỏa Lò. Đứng trong song sắt nhà lao, Ký Con đã bắt giọng hát bài Đảng ca. Bài này do Nguyễn Khắc Nhu đã soạn lời Việt, phỏng theo điệu bài quốc ca Marseillaise của Pháp. Đồng loạt các tù nhân đã cất lên tiếng hát để tiễn đưa những đồng chí của mình.

Đầy đường hùm beo, đồng tâm cùng bước. Dưới ách cường quyền, mấy ai ngồi yên? Phất cờ Tự Do đuổi quân đế quốc, quyết sống mái… Gan cho vững… Chí cho bền. Trên đường vinh quang, kìa trông người đua chen. Anh em ơi mau cùng đứng lên! Chị em đâu mau cùng tiến lên! Thề cùng đem xương máu đắp xây nhân quyền… Lắp súng anh em tiến quân. Tuốt gươm chị em xung phong. Tuốt gươm lắp súng. Tiến lên! Đồng tiến… Ta phấn đấu tới cùng!

Tiếng hát người tù vang lên như tiếng kèm xung trận. Bọn cai ngục đã ùa vào đàn áp, quất gậy gộc đánh đập tù nhân tàn nhẫn. Nhưng chúng vẫn không khóa được tiếng hát. Tiếng hát vẫn lọt qua song cửa nhà tù. Bay lên trời xanh. Như thiên sứ của Tự Do.

Một đoàn xe hơi đen bọc lưới sắt từ trong của ngục Hỏa Lò tiến ra. Trên xe là 13 chiến sĩ VNQD Đảng. Lính ngồi trên xe canh chừng rất nghiêm ngặt. Họ được trang bị đầy đủ súng ống. Xe chạy về phía ga Hàng Cỏ. Hai bên đường đều có lính đứng canh gác cẩn thận.

Lúc thời bấy giờ, xe lửa Hà Nội lên Yên Bái một ngày có hai chuyến. Chuyến sáng khởi hành lúc 6 giờ rưỡi, chuyến trưa khởi hành lúc 13 giờ 40. Chuyến lên Lào Cao (qua Yên Bái) chạy lúc 9 giờ sáng. Vậy sau chuyến trưa, không có chuyến nào khác lên Yên Bái. Vì lẽ đó, khi đưa ra khỏi nhà lao Hỏa Lò vào lúc sụp tối như thế này, Nguyễn Thái Học vẫn chưa biết mình và các đồng chí bị đưa đi đâu.

Khi xe đang chạy thì những người tù đang bị còng trên xe bỗng hô to “Việt Nam muôn năm” và “VNQD Đảng muôn năm”. Tiếng hô náo động cả đường phố. Bọn lính đã dùng vũ lực đánh đập người tù để trấn áp tiếng la hét kia. Nhưng dù sao, nhờ vậy chị Nguyễn Thị Giang và các đồng chí đang hoạt động tại Hà Nội mới biết được âm mưu đê tiện này của bọn thực dân. Chị Nguyễn Thị Giang bí mật đuổi theo đoàn xe. Đến ga Hàng Cỏ, chị biết thực dân đã đưa các đồng chí của mình lên Yên Bái. không còn nghi ngờ gì nữa. Pháp trường Yên Bái đang chờ các đồng chí của mình đây. Và chị quyết định táo bạo là ngay đêm đó cũng lên Yên Bái.

Chuyến xe lửa đặc biệt này đã lao trong bóng đêm. Ngoài những tên mật thám, binh lính và 13 tù nhân thì còn có hai viên cố đạo Méchet và Dornet. trên tàu những người tù vẫn nói chuyện phiếm với nhau vui vẻ. Chính cố đạo Méchet đã tiết lộ là họ bị đưa lên Yên Bái. Nghe vậy, anh Phó Đức Chính nói đùa với Nguyễn Thái Học:

– Đến Yên Bái, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm đây. Thế nào bốn anh Thịnh, Hoằng, Thuần, Thuyết cũng đợi chúng ta ở sân ga.

Đó là bốn người bị Pháp đưa lên máy chém ở Yên Bái. Ngồi hóng chuyện, cố đạo Dornet nói:

– Đến lúc này mà các ông còn đùa được à?

Phó Đức Chính đáp:

– Được chết cho Tổ quốc là chết vinh dự. Vậy tại sao lại buồn?

– Vẫn biết thế nhưng trước khi lìa bỏ trần gian này, các ông có cần chúng tôi rửa tội không?

Nguyễn Thái Học trả lời:

– Chúng tôi là những người chiến bại, chứ đâu phải là những người có tội?

Phó Đức Chính nói thêm:

– Chúng tôi có phạm tội gì đâu mà phải ăn năn thú tội?

Viên cố đạo đuối lý ngồi câm như hến. Chuyến tàu vẫn vun vút xé màn đêm lao về phía trước.

Họ đã đến nhà ga Yên Bái vào lúc nửa đêm. Những ngọn đèn điện thưa thớt, không rọi đủ ánh sáng. Thành phố chìm trong sương mờ với những vũng sáng loe lét hoang vu. Vắng ngắt. Không một bóng người qua lại. Chỉ thấp thoáng bóng người lính bồng súng. Mờ nhạt. Như những xác chết đang di động. Những người tù bị tống vào nhà giam.

Trong lúc này, chị Nguyễn Thị Giang cũng lên Yên Bái. Chị đem theo một khẩu súng, một quả bom với ý định phá pháp trường Yên Bái. Đêm đó, bọn lính canh gác quá cẩn mật nên chị không thực hiện được mục đích của mình. Bốn giờ sáng hôm sau, ngày 17-6-1930, khi cả thành phố Yên Bái còn ngái ngủ trong sương mù, rét lạnh tê người, chị đã có mặt gần chỗ pháp trường.

Đúng vào lúc 5 giờ kém 5 phút, 13 chiến sĩ được đưa ra khỏi nhà giam. Bọn lính đã áp tải họ đến pháp trường. Đây là một khu đất trống, giống như bãi đá banh. Xung quanh có mấy dãy nhà gạch làm trại lính khố xanh và nhà tiếp đón khách vãng lai của chính quyền. Có trên bốn trăm binh lính được phái đến vây kín pháp trường. Công chúng hiếu kỳ kéo đến xem độ một trăm người. Họ bị đuổi ra xa. Trong số này có chị Nguyễn Thị Giang, chị cải trang thành người đàn ông, trùm chiếc pardessus màu đen, chị đứng nép bên gốc cây. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt xinh đẹp của chị. Môi chị tái mét vì lạnh. Chị nhắm mắt đứng yên như pho tượng.

Đúng 6 giờ sáng, những nhà cách mạng bắt đầu bị hành quyết. Người giật lưỡi dao của máy chém lần này là Cai Công, cũng là một giám thị trong nhà tù Hỏa Lò. Cứ chém xong một phạm nhân thì y xách thủ cấp giơ lên cao như để trình bày là đã xong việc. Người đầu tiên bước lên đoạn đầu đài là Đào Văn Nhật. Anh vừa hô “Việt Nam…” thì bịt miệng. Cai Công liền giật lưỡi dao xuống. Máu phun lên thành vòng. Bầu trời trở nên đen ngòm như rũ tang cho những người con trung kiên đã chết vì Tổ quốc. Lần lượt những chiếc thủ cấp của người cách mạng rụng dần dưới lưỡi dao đầy tội ác. Người thứ mười hai là anh Phó Đức Chính. Anh gan dạ đòi nằm ngửa để nhìn tận mắt lưỡi dao chém và anh đã hô to được: “Việt Nam vạn tuế”.

Nguyễn Thái Học là người bị xử cuối cùng. Anh gầy yếu hơn trước. Hai con mắt anh sâu thẳm. Má hóp lại. Đầu anh bị cạo trọc. Hai tay bị trói quặc ra phía sau lưng. Anh thản nhiên bước đi đến máy chém. Anh nhìn thẳng. Không ngó ai cả. Tất cả đám đông như nín thở. Im lặng đến rùng mình. Vừa đi, anh vừa đọc những câu thơ bằng tiếng Pháp:

Mourir pour sa patrie
C’est le sort le plus beau
Le plus digne d’envie…

Anh đứng trên bục sắt đen ngòm. Anh nghiêng người xuống chào đồng bào lần cuối cùng rồi hô to “Việt Nam Vạn tuế”. Lưỡi dao lạnh ngắt, sắc bén đột ngột rơi mạnh xuống cổ anh kêu một tiếng “phập”. Dòng máu nóng tỏa lên bầu trời đang xám xịt. Đầu anh rơi xuống một chiếc thùng đựng mạt cưa kê dưới bàn máy chém. Ngay sau khi anh đọc xong những câu thơ thì chị Nguyễn Thị Giang đã rời khỏi chỗ đang đứng. Trong tâm trưởng chị vọng lên hào hùng những lời nhắn nhủ cuối cùng của anh:

Chết vì Tổ quốc
Cái chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng…

Chị trở về nhà trọ nằm vật vã và khóc. Hài nhi nhỏ bé đang cựa quậy trong bụng chị. Chị nhớ đến những lời thệ hải minh sơn với anh, lòng chị quặn thắt lại. Ngay sau khi hành quyết xong, xác chết của 13 người anh hùng này được thực dân chôn chung dưới chân đồi Cao, bên cạnh đền thờ Tuần Quán – Cách ga xe lửa Yên Bái độ một cây số. Chị lại khóc nức nở. Than ôi! Tìm lại người xưa nơi đâu? Sau khi suy nghĩ chín chắn, chị ngồi dậy viết hai lá thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ hẹp bằng nét bút chì xanh. Nước mắt ướt đẫm trang giấy.

Ngày 17 tháng 6 năm 1930

Thưa thầy mẹ,

Con chết vì hoàn cảnh bó buộc: không báo thù được cho nhà, không rửa nhục được cho nước. Sau khi đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng, giờ con tìm về chốn quê cha đất Tổ mượn phát súng này kết liễu đời con.

Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.

Bức thư thứ hai cô Giang viết cho người chồng của mình để gửi về nơi chín suối:

Anh đã là người yêu nước

Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh, rèn kiếm dưới suối vàng.

Phải chịu đựng nhục nhã, mới mong có ngày vẻ vang. Các đồng chí phải sống lại sau Anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.

Sống nhục sao bằng sự thoát vinh

Nước non cho vẹn kiếp chung tình

Lưỡi dao xử tử chàng không ngại

Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng đành

Một tấm can tràng trời đất thảm

Ngàn thu vẹn tiết quỷ thần kinh

Cuộc đời xá kể chi thành bại

Trai trung thì gái phải trinh.

Nguyễn Thái Học phu nhân

Viết xong hai lá thư, cô Giang giấu kín trong người, rồi chị ra chợ mua mấy vuông vải trắng để làm khăn tang chồng. Ngay chiều hôm đó, chị đón xe lửa sang Vĩnh Yên.

Tờ mờ sáng hôm sau, chị trở về làng Thổ Tang, vào tận nhà Nguyễn Thái Học để báo tin chồng mình đã bị hành hình. Chị cúi xuống lạy tạ thân sinh của chồng và nói lại mấy lời trối trăng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh – mẹ của anh Nguyễn Thái Học ngậm ngùi nói với con dâu:

– Học đã đền nợ nước. Thằng Nho thì đang ngồi tù Hỏa Lò. Âu đó cũng là dũng khí của con dân trong nước nô lệ. Đừng buồn nữa con à! Con ở đây với u, dưa muối đắp đổi qua ngày mà mưu việc lớn con ạ!

Chị Giang òa lên khóc nức nở. Bà cụ cứ khuyên nhủ. Một lát sau, chị đứng dậy, lau nước mắt rút trong người hai lá thư đưa cho bà cụ. Quay về phía Nguyễn Văn Lâm – em ruột của Nguyễn Thái Học – đang ngồi cạnh đó, chị tháo chiếc đồng hồ đang đeo tay, mặt sau có khắc chữ “G” trao cho Lâm:

– Chú giữ lấy di vật cuối cùng của chị. Những lúc tâm hồn dao động, mất niềm tin vào phong trào cách mạng thì hãy nhìn vào chiếc đồng hồ này mà tự nhủ hãy sống sao cho xứng đáng với cái chết oanh liệt của anh Học.

Nguyễn Văn Lâm run run nhận từ tay chị Giang chiếc đồng hồ đó. Anh rưng rưng nước mắt. Chị Giang lại cúi lạy mẹ chồng của mình, rồi đứng dậy tất tả bước ra ngoài. Chị đi đến cái quán giữa đồng cạnh làng Thổ Tang, nơi đó đã có lần chị cùng Nguyễn Thái Học cùng ngồi trò chuyện. Lòng chị đau thắt. Cầm bát nước chè xanh trên tay, chị nghĩ đến Đảng, đến nước, đến sự sống và cái chết đang giao tranh mãnh liệt. Chị nhớ đến lời đã thề nuyền với chồng: “Nếu anh có vì Tổ quốc mà hy sinh thì em cũng quyết dùng khẩu súng này để chết theo”. Chị đưa tay chạm vào khẩu súng. Chị trào lên nỗi xúc động mãnh liệt. Khẩu súng này chính Nguyễn Thái Học đã trao cho chị. Biết bao giờ mới gặp lại cố nhân? Chị đứng lên từ biệt bà chủ quán. Bước ra khỏi quán, chị đến ngã ba Bồ Đề – chỗ rẽ vào làng Phù Tang – chị rút súng ra bắn vào thái dương rồi ngã vật xuống đất, súng văng ra một bên. Đó là lúc chiều ngày 18-6-1930.

Cái chết của chị đã gây chấn động trong dư luận. Viên hương lý xã vội vàng báo lên cho tri phủ Vĩnh Tường. Phủ báo lên tỉnh, công sứ tỉnh Vĩnh Yên liền đánh điện về Sở mật thám Hà Nội.

Thân thể của chị Giang nằm phơi sương nắng cho mãi đến 4 giờ chiều ngày hôm sau bọn thực dân mới kéo đến. Tên Arnoux còn bắt dẫn thêm hai đản viên VNQD Đảng lên nhận mặt. Họ xác nhận đúng là Nguyễn Thị Giang. Viện cớ khám nghiệm, chúng lột hết quần áo của chị, biết lúc này chị đang có thai được mấy tháng, thế nhưng khi khám nghiệm xong, chúng không cho mặc lại. Rồi hạ lệnh cho tri phủ Vĩnh Tường mai táng, chứ không cho phép gia đình Nguyễn Thái Học làm phận sự ấy. Công sứ Vĩnh Yên ra lệnh đào huyệt sâu ba mét, trên đáp thành nấm tròn, không cho dựng bia ghi tên người đã khuất. Mặc cho gần mộ có điếm canh của bọn tuần phu, nhưng trên mồ chị bao giờ cũng được phủ đầy những bó hoa đỏ thắm mà nhang khói nghi ngút…

Cái chết oanh liệt của chị gây xúc động cho bậc ái quốc Phan Bội Châu. Thời gian này cụ đang bị giam lỏng ở Huế, cụ có làm bài văn tế cô Giang. Trong bài văn tế này, cụ viết hết sức cảm động và tự xưng mình là “Em Châu” với lòng ngưỡng mộ “Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi”:

Em Châu nay: tình nghĩa cảm sâu, duyên xưa tất thiệt
Tầng mấy lúc hồng đi cá lại, ước ao chung gánh ruổi trường đồ
Giận bao phen én Bắc nhạn Nam, đau đớn chia tay thành vĩnh biệt!
Nợ hồ thỉ em chưa trắng sổ, mài nanh giũa vuốt,
ước ba sinh chắc có ngày đền
Thù nước nhà chị hãy tím gan, nuốt muối ngậm gừng,
hồn chín suối chờ xem trời xét
Than ôi! Khóc chẳng gì hay. Nói không kể xiết.
Một nén tâm hương. Mấy lời thống thiết!

Sau khi xử chém Nguyễn Thái Học thì thời gian sau, thực dân Pháp tiếp tục đưa những đảng viên VNQD Đảng lên đoạn đầu đài, trong số đó có Nguyễn Văn Nho – em ruột của Nguyễn Thái Học và Ký Con…

Có thể nói, nếu tính từ ngày thành lập VNQD Đảng mà Nguyễn Thái Học phụ trách với cương vị chủ tịch Đảng (15/12/1927) đến lúc anh bước lên  máy chém thì câu khẩu hiệu anh đề ra “Đuổi giặc Pháp về nước Pháp, đem nước Nam trả người Nam” đã không thành công – nhưng mục đích “thành nhân” thì đã đạt. Cuộc cách mạng “máu và sắt” của VNQD Đảng khởi đầu bằng khởi nghĩa Yên Bái đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Giữa lúc cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị giặc Pháp dìm trong biển máu, những người lãnh đạo chủ chốt của VNQD Đảng đều bị bắt hoặc bị giết 

(…..)

Lê Minh Quốc

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt