Hơn 40 năm sau cuộc chiến Việt Nam, hãy vươn lên khỏi trò “chụp mũ”
Lời dẫn: Bài viết của một người con gái Mỹ gốc Việt về cuộc đời tị nạn, lý tưởng, những thao thức bằng tiếng Anh được đăng trên tờ báo The Seatlle Times đã lâu, nhưng giá trị nó vẫn còn nguyên vẹn.
Vài nét về tác giả: Cô Thanh Trần là một nhà báo của Mỹ. Trước khi cô làm việc cho tờ The Seattle Time cô hoạt động chính trị và làm truyền thông cho đài Truyền Hình ở thành phố Boise tiểu bang Idaho và Porland tiểu bang Oregon. Cô nhận giải thưởng cao quý Emmy về truyền thông trên lãnh vực săn tin/làm tin/và hướng dẫn chương trình TV Idaho và Texas Tribune tại Austin, TX. Cô còn làm việc cho chương trình “Cuộc Sống Mỹ” và tờ The New York Time.
Cô Thanh tốt nghiệp danh dự tại trường Đại Học Southern University. Sở thích của cô là nhạc, chính trị, film, yoga, ăn uống, dã ngoại và báo chí. (Thanh Tan is a multimedia editorial writer. Prior to joining the editorial board of The Seattle Times, she was a political and general assignment reporter with local TV stations in Boise and Portland, an Emmy-winning reporter / producer / host with Idaho Public Television, and a multimedia reporter / producer with The Texas Tribune in Austin. She has also contributed to “This American Life” and The New York Times. Born and raised in Olympia, Thanh graduated with honors from the University of Southern California. She loves food, music, politics, films, yoga, the outdoors and journalism. She lives in South Seattle.)
Sáu năm trước, tôi ngồi ở ghế nhân chứng tại toà án Quận Thurston và không giữ được sự bình tĩnh. Tôi không còn nhớ câu hỏi của luật sư khiến nước mắt tôi đã trào ra, nhưng tôi nhìn chằm chặp vào người đàn ông đã công khai làm nhục bố tôi, ông Đức Tân, bằng lời cáo buộc sai quấy cho ông là Việt Cộng nằm vùng. Tôi đã thốt lên, “Làm sao ông có thể làm điều đó hả?”
Trong lúc tôi làm nhân chứng trong vụ kiện mạ lỵ phỉ báng mà cha tôi là nạn nhân, tim tôi nhức nhối giùm cha tôi sau nhiều thập niên làm việc cộng đồng lại bị bôi vấy và tư cách của ông bị xúc phạm bởi một số người di dân cùng dòng giống. Tim tôi vỡ nát khi thấy Cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa chấm dứt, ít ra đối với những người đã phải chịu đựng cơn chấn thương trước khi đi định cư tại Mỹ.
Ra đời tại Olympia nhiều năm sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi đã trải qua phần lớn đời mình trốn tránh bóng ma của cuộc chiến này. Là con gái của những người tị nạn, việc trốn tránh này khó mà làm được, đặc biệt khi cha tôi và Cộng đồng Việt tại Quận Thurston nạp đơn kiện những người đã chụp mũ họ và vụ kiện đã kéo dài tới 10 năm.
Tôi đã nghiệm ra rằng làm một người Mỹ gốc Việt tức là chấp nhận cái di sản của sự sinh tồn vượt ngoài tưởng tượng và niềm đau không thể giải bầy. Chúng ta có mặt tại đây phần lớn vì quốc gia của chúng ta, Nam Việt Nam, thua trận. Chúng ta phải lìa quê hương vì sợ bị bắt bớ tù đầy. Cha tôi là một giáo sư và sĩ quan trong quân đội Miền Nam được Hoa Kỳ hỗ trợ.
Đợt người Việt tị nạn đầu tiên đến Mỹ năm 1975 đã phải bắt đầu xây dựng lại cuộc đời họ từ đống tro tàn. Hơn 15 năm kế đó, các thuyền nhân (trong đó có gia đình tôi) đã thường xuyên trực diện với chết chóc, đói khát, hãm hiếp và cướp bóc bởi hải tặc nơi biển khơi. Bắt đầu từ cuối thập niên 1980, các con cái của quân nhân Mỹ được hồi hương và định cư tại Mỹ. Cũng vậy là các cựu tù nhân chính trị, những người bị cộng sản cầm tù từ ít ra ba năm trở lên trong các cái gọi là trại “học tập cải tạo”.
Nhìn lại quãng đời thơ ấu của mình, tôi nhớ tới những đợt di dân khác nhau đã thay đổi bộ mặt cộng đồng mỗi ngày một đông của chúng ta. Cha tôi thường dẫn ba chị em tôi tới những buổi mít tinh chống cộng và tổ chức những buổi họp tại nhà. Mùi cà phê thơm lừng trong không gian khi các bà vợ chuyện trò trong nhà bếp trong khi các ông túm tụm ngoài phòng khách – lá cờ Việt Nam Cộng Hoà lúc nào cũng được trưng bầy.
Họ không những chỉ gặp nhau xã giao, mà còn chia sẻ các thông tin: Nơi nào họ có thể mua các loại thực phẩm Á đông? Làm thế nào để có thể trợ giúp người thân còn ở Việt Nam? Cuộc thi tuyển nào có thể giúp họ kiếm một việc làm với chính quyền tiểu bang hay làm thế nào để thăng tiến khỏi nghề lau chùi dọn dẹp? Ai đứng ra tổ chức kỳ mít tinh tới để tranh đấu cho nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam?
Đối với chị em chúng tôi, lớn lên trong một gia đình tị nạn có nghĩa là quân bình hoá giữa hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ, hay mọi thứ khác ở mọi lúc. Nếu chúng tôi không đang cùng đi dự mít tinh với cha mẹ, thì là giúp hiệu đính thư từ gửi đi các nhà dân cử hay thu nhặt các đóng góp thiện chí tại các buổi văn nghệ gây quỹ.
Ý tưởng về một chuyến phiêu lưu của gia đình tôi là dẫn các bạn tị nạn đi thăm Đài Cựu Chiến binh Tham Chiến tại Việt Nam ở khuôn viên toà nhà Quốc hội tiểu bang, một đài tưởng niệm nhiều người Việt đã đóng góp để dựng nên.
Mỗi tối thứ Sáu chúng tôi theo học chữ Việt tại trường Việt ngữ, nơi mỗi trước khi bắt đầu lớp học chúng tôi đứng chào lá cờ mầu vàng với ba sọc đỏ. Những lời mở đầu của bài quốc ca của Nam Việt Nam đã khắc sâu trong trí nhớ tôi:
“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”
Cha tôi quá bận rộn với công việc cộng đồng tới độ có lần ông suýt bỏ qua cơ hội thăng chức tại Văn phòng Xã hội và Y tế của tiểu bang. Ông mang mặc cảm của người sống sót, một cảm giác nhiều người Việt lưu vong cùng chia sẻ và họ thấy phải làm cái gì đó cho bạn bè và gia đình còn đang lầm than và bị tù đầy ở quê nhà.
Khi những người tị nạn khác mới tới, những người đi trước thường giúp họ tập lái xe, kiếm việc làm và giúp điền các giấy tờ này khác.
Là một người đã khôn lớn, tôi bàng hoàng khi thấy, cũng chính vài trong những người này đã trở mặt chống lại cha tôi và tổ chức cộng đồng người Việt địa phương. Trong một thông cáo công khai vào năm 2003, một nhóm tự gọi là Ủy ban Chống Cờ Việt Cộng vu cáo cho cha tôi và tổ chức cộng đồng là “tôn sùng cộng sản, làm nhiễm độc đầu óc trẻ em và thường xuyên và một cách có kế hoạch phản bội cộng đồng Việt Nam bằng cách làm lợi cho Việt cộng.”
Mà có gì đâu, chỉ là vì một cái khăn đeo làm bếp mầu sắc rực rỡ tìm thấy sau gian hàng bán thực phẩm mà cha tôi đảm trách cho một buổi gây quỹ cho cộng đồng tại Hội chợ Capital Lakefair. Những người bài bác ông đã họp báo tuyên bố là cái khăn làm bếp ấy có hình Santa Claus mang một đôi găng tay có biểu tượng Hồ Chí Minh và cờ cộng sản.
Toà Quận Thurston đã tuyên án thắng cho cha tôi và nhóm của ông. Vào ngày 9 tháng 5, 2009, toà Tối cao Tiểu bang Washington đồng ý với bồi thẩm đoàn là Ủy ban Chống Cờ Việt cộng đã mạ lị phỉ báng nhóm của cha tôi với ác ý. Vụ án, đã được tờ The New York Times tường thuật, mới chính thức kết thúc năm ngoái sau khi Tòa Tối cao Liên bang từ chối thụ lý hồ sơ kháng án. Dù vậy, tôi vẫn không hiểu tại sao một vụ vu cáo vô lý đến thế mà đã đi xa được đến như vậy.
Có lẽ ta có thể giải thích là cơn chấn thương vẫn còn đeo đẳng nơi nhiều người tị nạn trung thành với chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Những người tị nạn lớn tuổi vẫn còn đau xót trước sự mất mát quê hương và căn cước của họ vào ngày 30 tháng 4, 1975. Trước khi Sài Gòn thất thủ, họ đã sống trong nỗi ngờ vực có căn nguyên hẳn hoi về việc các lực lượng cộng sản, được biết tới là Việt cộng, đang thâm nhập Miền Nam để gây rối. Ngày nay, họ lo âu về Nghị quyết 36 của Cộng Sản Việt Nam, một nghị quyết ra đời vào năm 2004 nhằm tạo ảnh hưởng tới hàng ngũ cộng đồng hải ngoại.
Cuộc chiến đã không kết thúc đối với nhiều người. Thay vì là súng đạn, vũ khí bây giờ là ngôn từ.
Hành động chụp mũ người vô tội là thân cộng vẫn còn đang diễn ra tại các cộng đồng người Việt khắp nơi trên đất Mỹ. Những vụ kiện tụng đã diễn ra tại các tiểu bang Minnesota, Texas và California. Hậu quả là nhiều người chán nản không muốn tham gia việc cộng đồng. Hiện tượng McCarthyism (McCarthy là người thường đưa ra lời tố cáo về lật đổ hoặc phản bội mà không cần phải có bằng chứng đúng đắn) tân thời này cần phải chấm dứt.
Nhưng chấm dứt bằng cách nào? Bằng việc nói lên kinh nghiệm và vinh danh những phấn đấu của mỗi một người tị nạn vậy.
Một trong số những người bạn từ ấu thơ của cha tôi gần đây bảo tôi trong một bữa ăn với giọng nửa cay đắng, “Cháu may mắn là vì cha cháu chỉ phải bị ở trại cải tạo có sáu tháng. Ông ấy đã dời Việt Nam sau đó. Còn bác bị tới sáu năm. Chính mắt bác chứng kiến ba người tự sát ngay trước mặt bác. Bác vẫn còn nằm mơ thấy cảnh đó.”
Điều mà người bạn của cha tôi không biết là những nỗ lực toàn diện mà cha tôi và nhiều người khác đã làm để gây chú ý tới cảnh ngộ của các tù nhân chính trị như ông.
Nhận định của ông bác làm tôi nhớ tới là mỗi người ti nạn trải qua những đau khổ một cách riêng. Tôi không thể hoàn lại cho ông bác những năm trải qua trong ngục tù, nhưng tôi nhìn nhận kinh nghiệm của ông. Câu chuyện của ông mới là điều quan trọng.
“Bố cháu đã không quên bác,” tôi cam đoan với ông. “Xin bác kể nữa cho cháu nghe đi.”
Là người Mỹ gốc Việt có nghĩa là bằng lòng với di sản phức tạp của cơn chấn thương, sự mất mát, cay đắng, mất niềm tin và khả năng sống còn mà nhiều người đang bắt đầu giải bầy.
Đấy không phải là điều chúng ta phải trốn tránh. Đó là điều cần khai phá và đối mặt trước khi ký ức nhạt nhoà và lịch sử tái diễn.
Read the column originally published in English
Thanh Tan’s column appears regularly on editorial pages of The Times,
This column was voluntarily translated by Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, a retired news librarian and freelance writer.