Hối thúc TT Obama đặt “nhân quyền” với nhà nước CSVN…
Trước khi TT Barrack Obama lên đường đi thăm Việt Nam, Năm (5) Thượng Nghị Sĩ thuộc Thượng Viện Hoa Kỳ hối thúc TT Obama đòi CSVN thả hết tù nhân lương tâm. Tổ Chức Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) kêu gọi TT Obama ưu tiên nhấn mạnh tự do báo chí khi thăm Việt Nam. Các tổ chức tranh đấu hối thúc ông Obama đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền… Liệu rằng quyền lợi nước Mỹ nặng hơn nhân quyền tại Việt Nam hay không? Nhiều người quan tâm đền quyền con người thì “nhắc nhở” TT Obama đặt nặng nhân quyền trước khi “bỏ cấm vận toàn phần vũ khí sát thương”. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Ashton Carter hoan nghênh việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện từng là tù binh chiến tranh ở Việt Nam tuyên bố: “ông sẽ hoan nghênh việc bãi bỏ cấm vận, nhưng phải kết nối việc này với những cải thiện về nhân quyền”. Một tín hiệu của anh chàng lo về “đồng tình luyến ái (LGBTI)” Randy Berry, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho Nhân quyền của những Người LGBTI cho rằng “Việt Nam đang có những bước tiến mang tính xây dựng cao thông qua sự giao tiếp từ chính phủ cho tới xã hội dân sự và với giới truyền thông, và thông qua những cuộc thảo luận rất minh bạch về quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển đổi giới tính và lưỡng tính (LGBTI)”.….Ngày mai, một nhà nước Cộng Sản Việt Nam độc tài sẽ đang đón tiếp tổng thống dẫn đầu thế giới tự do dân chủ…
Các TNS Mỹ yêu cầu TT Obama đòi Việt Nam thả tù nhân lương tâm (tin VOA)
Các thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu Tổng thống Barack Obama đòi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở Hà Nội.
Yêu cầu của các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, John Boozman, John Cornyn, James Lankford và Bill Cassidy được đưa trong lá thư đề ngày 20 tháng 5, một ngày trước khi nhà lãnh đạo Mỹ lên đường đến Hà Nội.
Lá thư bày tỏ quan tâm về việc nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục vi phạm các quyền con người được quốc tế công nhận, và nói rằng trong lúc Việt Nam muốn tăng cường các mối quan hệ với Mỹ, Tổng thống Obama nên nhân cơ hội này để đặt tiến bộ về nhân quyền như một điều kiện tiên quyết cho việc tăng cường quan hệ song phương.
Các thượng nghị sĩ Mỹ nói Việt Nam đang giam cầm hơn 100 tù nhân lương tâm và Tổng thống Obama nên gây sức ép để đòi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người này. Họ cũng đề nghị ông Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu dân chủ, các nhân vật bất đồng chính kiến và thân nhân của những nhà tranh đấu đang bị giam cầm. Họ cho rằng những cuộc gặp gỡ quan trọng này sẽ đánh đi một thông điệp rõ ràng cho chính phủ Việt Nam và những người bị họ đàn áp là nước Mỹ hậu thuẫn xã hội dân sự và sẵn sàng giao tiếp với người dân Việt Nam.
Ba ngày trước đó, khoảng 20 Dân biểu Mỹ cũng viết thư cho Tổng thống Obama để trình bày một yêu cầu tương tự như vậy.
CPJ kêu gọi TT Obama ưu tiên nhấn mạnh tự do báo chí khi thăm Việt Nam
Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ưu tiên về vấn đề tự do báo chí trong các cuộc gặp với các giới chức lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.
Trong thư, CPJ kêu gọi ông Obama hãy ‘nhấn mạnh rằng quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ phải đi kèm với việc tôn trọng tự do báo chí hơn tại Việt Nam’.
Tổ chức này nói chính quyền độc đảng tại Việt Nam đã cấm ngặt việc tư nhân hóa truyền thông, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia bị kiểm duyệt nhiều nhất trên thế giới. CPJ cũng đề cập đến nhiều trường hợp các blogger và các nhà báo tự do tại Việt Nam sau khi đăng tải những bài viết thể hiện quan điểm đã bị đàn áp bằng nhiều cách thức, cấp độ khác nhau từ hành hung, bắt giữ đến bỏ tù. Chỉ tính từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, đã có tới 6 nhà báo bị tuyên án về tội ‘chống phá nhà nước’ và bị bỏ tù vì các bài viết của mình.
CPJ cũng nhắc đến trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người tuyên bố sẽ bắt đầu tuyệt thực trong nhà tù ở Nghệ An ‘cho đến chết mới thôi’, bắt đầu từ ngày 24/5.
Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều người dân cho biết trang mạng Facebook, nơi phổ biến thông tin ‘lề trái’ nhất hiện nay, đã bị chặn trong những thời điểm được xem là ‘nhạy cảm’, đặc biệt là vào cuối tuần qua, khi nhiều người dân tổ chức biểu tình ở các thành phố lớn để yêu cầu nhà chức trách giải thích nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết hàng loạt tại các vùng biển miền Trung.
Anh Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội cho VOA biết: “Đúng là Facebook bị chặn rất dữ dội. Mọi người không thể truy cập vào được. Chuyện chặn ấy là có thật”.
Đáp lại những chỉ trích về tự do báo chí hay thành tích nhân quyền, phía Việt Nam từ trước tới nay luôn khẳng định Việt Nam có tự do báo chí, tự do ngôn luận và tôn trọng nhân quyền, chỉ có ‘những khác biệt’ trong quan điểm mà thôi.
Tuy nhiên, theo nhận xét về tình Nhà thơ Bùi Chí Vinh, tình hình tự do báo chí trong những năm gần đây ‘không hề cải thiện’.
“Không hề cải thiện. Còn chuyện vận động tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng thì người ta vẫn tiếp tục vận động, còn sự cải thiện thì không hề có. Còn Tổng thống Obama có nhận được thông điệp đó và có hỗ trợ được những người đang đòi hỏi quyền này hay không thì cái đó là bản lĩnh chính trị của tổng thống, nhất là ông cũng sắp hết nhiệm kỳ rồi, thành ra đây là cơ hội cuối cùng để ông Obama có một ý chí thép, một quyết định hoàn toàn cứng rắn, hoàn toàn khác hẳn với lộ trình mình đi trong suốt thời gian dài mà ông làm tổng thống. Tức là ông phải có sự dứt khoát đối với cái ác, cái xấu, và ông phải chứng tỏ ông có quyền lực thực sự để ông can thiệp, giúp đỡ không chỉ người dân Mỹ mà cả người dân trên toàn thế giới, trong đó có người dân Việt Nam”.
Trong mấy ngày vừa qua, nhiều người dân cho biết các từ khóa như ‘cá chết’, ‘Formosa’, và đặc biệt là từ ‘bầu cử’ đã bị chặn trên mạng khiến họ không thể tìm kiếm được thông tin.
Báo Tuổi Trẻ ngày hôm qua trích lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn cho biết sẽ ‘kiểm tra ngay’ các nhà mạng chặn từ ‘bầu cử’ và cho biết ‘đến thời điểm này, chúng tôi chưa có thông tin về việc các nhà mạng chặn tin nhắn’.
Tổ chức Bảo vệ Ký giả cho rằng bất cứ hành động nào mà phía Mỹ định làm cho Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama, bao gồm việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đều là quá sớm vì tình hình nhân quyền của Việt Nam còn tồi tệ.
Các tổ chức tranh đấu hối thúc ông Obama đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền
Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã gửi thư và ra thông cáo báo chí hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh sự tôn trọng những quyền chính trị và quyền tự do báo chí khi ông gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Việt Nam trong chuyến công du vào ngày 22 tháng 5 tới đây.
Trong lá thư gửi tới Tòa Bạch Ốc hôm 19 tháng 5, Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) bày tỏ lo ngại về điều mà họ nói là “tình hình tự do báo chí kém cỏi kinh niên” của Việt Nam, và kêu gọi ông Obama nhân chuyến thăm này nhấn mạnh rằng mối quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi hơn với Mỹ phải đi kèm với sự tôn trọng nhiều hơn dành cho tự do báo chí ở Việt Nam.
CPJ nói họ tin rằng bất kỳ quyết định nào tưởng thưởng cho Việt Nam, bao gồm thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương, sẽ là nóng vội trong tình hình những hành vi vi phạm quyền tự do báo chí vẫn tiếp diễn.
Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) trong thông cáo báo chí ra ngày 20 tháng 5 thúc giục ông Obama gây sức ép với Việt Nam để chấm dứt tình trạng đàn áp những người biểu tình ôn hòa và tiến tới bầu cử tự do và công bằng.
Giám đốc Châu Á của HRW Brad Adams được dẫn lời nói rằng mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam phải dựa trên nền tảng những quyền căn bản, và “ông Obama nên bắt đầu bằng việc kêu gọi cho quyền của tất cả mọi người được được ứng cử, bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền, quyền được lập hội và tự do chọn ứng cử viên.”
HRW cũng bày tỏ lo ngại về những vụ vi phạm nhân quyền liên quan đến những cuộc biểu tình của người dân về môi trường hồi gần đây, cũng như chiến thuật quản chế tại gia mà HRW nói có thể được nhà chức trách sử dụng đối với những blogger và những nhà hoạt động trong chuyến thăm của ông Obama.
Cả CPJ và HRW đều nhắc tới trường hợp tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, người vừa bị chuyển nhà tù và dự định sẽ tuyệt thực vào ngày 24 tháng 5, trùng với thời điểm chuyến thăm của ông Obama. Hai tổ chức này kêu gọi ông Obama lên tiếng đòi trả tự do cho ông Thức.
Tin tổng hợp