Hội nghị Trung ương 8 đảng CSVN có thể quyết định về “nhất thể hóa”
Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 khai mạc hôm 2 tháng 10 ở Hà Nội. Theo báo chí trong nước, trước khi hội nghị diễn ra, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã dành một phút mặc niệm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, qua đời vào khuya hôm 1 tháng 10, và Chủ tịch Nhà nước [CSVN] Trần Đại Quang, từ trần trước đó 10 ngày.
Theo báo chí trong nước, một trong các chủ đề quan trọng mà 223 đại biểu sẽ bàn thảo là “xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ”. Ngoài ra, họ cũng bàn việc “thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội lần thứ 13 của đảng”.
Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, cho biết tại hội nghị này, Bộ Chính trị, tức nhóm 19 quan chức quyền thế nhất trong đảng, sẽ trình Trung ương xem xét, quyết định việc “giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước”, bên cạnh một số vấn đề nhân sự quan trọng khác của đảng.
Vấn đề nhân sự cấp cao vốn thường được dư luận quan tâm lại càng đặc biệt được chú ý tới sau khi Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần.
Trong những ngày gần đây, giới quan sát, phân tích đã đưa ra những nhận định khác nhau về các ứng cử viên tiềm năng có thể được Đảng Cộng sản lựa chọn để kế nhiệm Trần Đại Quang. Sau khi được đảng chọn, quốc hội sẽ bỏ phiếu chuẩn thuận cho đủ thủ tục.
Giới nghiên cứu người Việt nhắc đến những ứng cử viên được xem là sáng giá nhất, gồm ba ủy viên Bộ Chính trị là ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, giáo sư Carl Thayer ở Australia cho rằng không loại trừ việc Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có thể trở thành chủ tịch tiếp theo của Việt Nam.
Một khả năng cao khác mà nhiều nhà phân tích tin rằng có thể trở thành hiện thực là Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm cả chức Chủ tịch nước, hay nói cách khác, đảng đang nắm độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam sẽ tiến hành nhất thể hóa hai chức vụ lãnh đạo hàng đầu.
Hai ngày trước khi Hội nghị Trung ương 8 khai mạc, một loạt các cựu nhà báo vốn được xem là thạo tin và am hiểu chính trị Việt Nam như bà Lê Nguyễn Hương Trà, ông Trương Huy San, ông Tâm Chánh, đã đồng loạt đăng bài trên mạng xã hội, gợi ý rằng việc nhất thể hóa dường như sẽ sớm được quyết định.
Bài viết đăng lên Facebook tối hôm 30/9 của bà Trà, Facebooker có tới gần nửa triệu người theo dõi, cho rằng việc hợp nhất Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước “gần như chắc chắn 99%” sau cuộc họp của Bộ Chính trị vào chiều cùng ngày để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương.
Không nêu ra bà lấy thông tin từ nguồn nào, người cũng được biết đến là nữ blogger nổi tiếng Cô Gái Đồ Long viết rằng “tất cả các UVBCT [ủy viên Bộ Chính trị] ủng hộ việc ông Tổng [Bí thư] Trọng hợp danh vị trí CTN [Chủ tịch nước]”.
Cựu nhà báo nữ bình luận thêm rằng “Nhất thể hóa là cơ hội ngàn năm của TBT Trọng, bỏ qua sẽ khó có nữa!”
VOA cố gắng liên lạc với Văn phòng Trung ương Đảng để hỏi về vấn đề này nhưng không có hồi đáp.
Một đại diện giới nghiên cứu ở Việt Nam, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nói với VOA về kỳ vọng từ người dân về việc nhất thể hóa:
“Xã hội, các nhà nghiên cứu mong muốn là như vậy. Còn các vị Trung ương họp với nhau có quyết được hay không, thì phải chờ đợi sau Hội nghị Trung ương có cái quyết định đó hay không”.
Ngay trước hội nghị, ông Trương Huy San viết trên Facebook rằng “nếu quyết định để Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất “biên chế” sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ”.
Cây viết có gần 250.000 người theo dõi, trước đây được biết đến là blogger Oshin Huy Đức, đưa ra ý kiến rằng “nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Giao cũng đồng tình với quan điểm của ông San. Vị tiến sĩ phân tích rằng về lý thuyết, đảng lãnh đạo chính quyền về mặt đường lối, song trên thực tế ở các cấp, Bí thư Đảng thường can thiệp trực tiếp vào việc quản lý nhà nước, gây “khó khăn, mất hiệu quả” trong điều hành, quản lý, cũng như làm yếu đi “tính giải trình, chịu trách nhiệm”.
Ông nói thêm với VOA:
“Bây giờ cần phải tăng tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu đó. Không phải là người đứng đầu bên đảng riêng và người đứng đầu điều hành quản lý nhà nước riêng, mà phải nhập vào một vai, để anh trực tiếp điều hành quản lý, và anh cũng trực tiếp chịu trách nhiệm. Câu chuyện nhất thể hóa sẽ tốt về mặt thể chế của Việt Nam”.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cũng đề cập đến một khía cạnh tốt khác khi nhất thể hóa là “về mặt logic”, nó sẽ giúp cắt giảm nhân sự, chi phí cho bộ máy chính trị. Tiến sĩ Giao nêu ra viễn cảnh rằng các “văn phòng, ban bệ của đảng” sẽ thu hẹp. Dù vậy, ông không loại trừ khả năng bên đảng và bên chính quyền vẫn duy trì những bộ máy song song vì “thật khó dự đoán trong bối cảnh và đặc thù của Việt Nam”.
Tuy vấn đề nhất thể hóa đang nổi lên trong những ngày này, song trên thực tế, đề tài này là một trọng tâm cân nhắc của đảng cầm quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua và chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri cách đây 5 năm đã cảnh báo về nguy cơ của việc nhất thể hóa.
Báo chí dẫn lời ông phát biểu hôm 29/9/2013 rằng cần “đề phòng trường hợp quyền lực quá tập trung vào một người”, vì nếu người đó làm tốt, điều đó là “phúc cho dân tộc”, nhưng “chẳng may nếu tính toán không kỹ thì để lại hậu quả”.
Ở thời điểm đó, vị Tổng Bí thư nhắc nhở cử tri rằng cơ chế của Việt Nam là “lãnh đạo tập thể, phân công trách nhiệm cá nhân”, và theo ông, “phát huy được dân chủ thì tốt hơn”.
Trong hoàn cảnh Việt Nam vẫn là nước chỉ có duy nhất một đảng cầm quyền, để việc nhất thể hóa không dẫn đến lạm quyền, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao đề xuất nên có thêm những quy định trong và ngoài đảng về nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, ông nói với VOA rằng việc bầu lãnh đạo đảng, người cũng kiêm chức Chủ tịch nước, tại Đại hội Đảng cần phải có từ hai ứng cử viên trở lên, có cương lĩnh tranh cử, và không loại trừ việc tự ứng cử.
Theo đài VOA