Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Á Châu Shangri-La năm 2016 có gì lạ?
Shangri-La là một địa điểm hư cấu được miêu tả trong tiểu thuyết Lost Horizon (chân trời đã mất), của nhà văn James Hilton rằng đây là một thung lũng huyền thoại, dẫn đến từ một tu viện Lạt-ma, nằm phía tây cuối dãy núi Côn Lôn. Là chốn thiên đường hạ giới, nơi hạnh phúc tuyệt vời biệt lập với thế giới bên ngoài. Ở đây con người trẻ mãi, an vui, hạnh phúc…Địa danh hư cấu mầu nhiệm đó được đặt tên cho một khách sạn ở Singapore là Shangri-La. Hàng năm, khách sạn này là nơi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (HNTĐANCA) hay còn gọi Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) với sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Tướng lãnh quân đội của những quốc gia châu Á-Thái Bình Dương gồm: Úc, Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Lào, Mã Lai, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Trung Cộng, Philippines, Nga, Nam Hàn, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Anh, Mỹ và và Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2002, năm nay là lần thứ 15 của HNTĐANCA, đề tài nóng bỏng đề cập Trung Cộng xâm lược Biển Đông:
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Carter cho rằng Trung Cộng “tự cô lập”
Mở đầu bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter phát biểu trong ngày 4/6 tại Đối thoại Shangri-La với đề tài “Những thách thức từ tình hình an ninh phức tạp ở châu Á”. Với nội dung như sau:
Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hoà bình của Trung Cộng. Tuy nhiên, các hành động bành trướng
của Trung Cộng khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo lắng, tạo nên một sự lo ngại chung.
“Những nước này đều đưa ra phản ứng trước các hành động của Trung Cộng, dù công khai tại các hội nghị hay ở hậu trường. Qua đó, Trung Cộng đang tự cô lập chính mình”.
Bộ trưởng Carter lặp lại quan điểm Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng sẽ phối hợp cùng các nước để duy trì một trật tự khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay qua những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép, và các nước cũng có quyền tương tự”, ông Carter nói.
Trung Cộng gây bất ổn khu vực:
Chuyên gia Bonnie Glasser (Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, CSIS, Hoa Kỳ) đề nghị Bộ trưởng Carter bình luận về những thông tin Trung Cộng định xây dựng đường băng ở bãi cạn Scarborough. Đây là bãi cạn rất gần Philippines mà Trung Cộng chiếm đóng từ năm 2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ, nếu hành động này thực sự diễn ra, “đó là một sự khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực”.
“Họ sẽ càng tự cô lập chính mình. Dù Trung Cộng hành động như thế nào, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện quyền tự do đi lại. Trong khi đó, các quốc gia vì lo ngại hành động của Trung Cộng sẽ ngày càng muốn hợp tác với Mỹ hơn. Đó là điều có lợi với chúng ta”.
Theo ông Carter, cách để Trung Cộng thoát khỏi sự cô lập chính là tôn trọng và tuân thủ phán quyết trong vụ kiện do Philippines khởi xướng, mà Toà án Trọng tài Thường trực sắp ban hành. Ông nói rằng: “Đây là cơ hội lớn để các nước liên quan hợp tác cùng nhau để đưa ra các giải pháp, qua đó không nước nào bị cô lập bởi bên nào”
Một học giả Trung Cộng tỏ ý bất đồng với Bộ trưởng Carter khi cho rằng, “bất đồng về Biển Đông giữa Mỹ và Trung Cộng đã bị “thổi phồng”, trong khi 2 nước có những hợp tác khác quan trọng hơn”.
Ông này cũng chất vấn Bộ trưởng Carter rằng, vì sao các nước khác cũng bồi lấp và xây dựng ở những đảo trên Biển Đông, mà chỉ mỗi Trung Cộng bị chỉ trích?
Bộ trưởng Mỹ khẳng định quan điểm của Washington là ủng hộ pháp quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông nói: “Chúng tôi không tập trung vào Trung Cộng, chúng tôi tập trung về các nguyên tắc. Mỹ không đứng về phe nào, chúng tôi đứng về phía các nguyên tắc”.
Theo ông Carter, đúng là không chỉ mỗi Trung Cộng xây dựng và bồi lấp, nhưng tốc độ và quy mô các hoạt động này của Trung Cộng vượt xa những nước khác rất nhiều lần.
Những hành động này đi ngược lại với tinh thần trỗi dậy hoà bình nhưng không đe doạ hay gây lo ngại đến nước khác mà Bắc Kinh luôn nhấn mạnh.
Ông Carter trấn an châu Á
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Carter trấn an các nước về cam kết của Mỹ với khu vực.
Ông nói những căng thẳng ở Biển Đông, chương trình hạt nhân Triều Tiên và bạo lực cực đoan đã đe doạ hoà bình khu vực, buộc các lãnh đạo phải phối hợp cùng nhau để bảo đảm một tương lai tích cực và tuân thủ nguyên tắc.
Ông trấn an rằng, Mỹ sẽ không rút dần sự hiện diện ở châu Á vì “khu vực này chiếm gần một nửa dân số và kinh tế thế giới, một trong những nơi quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.
Ông Carter nhắc lại những hợp tác quan trọng giữa Mỹ và ASEAN, như hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và ASEAN ở Sunnyland hồi tháng 2, Thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Mỹ và Philippines, Mỹ đã bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, và Mỹ sẽ cùng Lào tổ chức hội nghị bộ trưởng quốc phòng vào tháng 9 này.
Carter nêu rõ Mỹ và nhiều quốc gia châu Á đang tăng cường hợp tá an ninh để bảo đảm họ toàn quyền chọn lựa “mà không bị đe doạ hay cưỡng ép”.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ, “những hành động bành trướng và chưa từng có tiền lệ của Trung Cộng” khi quyết liệt theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, không gian mạng… khiến nhiều nước lo ngại về các ý đồ chiến lược của Bắc Kinh.
“Phản pháo” từ phía Trung Cộng:
Ngay lập tức, Thiếu tướng Quan Hữu Phi, Chủ nhiệm Văn phòng hợp tác quân sự quốc tế, thuộc Quân ủy trung ương Trung Cộng, đã đáp trả rằng: Lập luận của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ là “một khái niệm tự biên” và khẳng định Bắc Kinh chưa từng tự mình cô lập.
“Tôi cho rằng mục đích ông Carter nói như vậy là chính là nhằm cô lập Trung Cộng, khiến các quốc gia trong khu vực xem Trung Cộng là đối tượng để cô lập. Đó là một quan điểm sai lầm,” Quan Hữu Phi là thành viên trong đoàn đại biểu Trung Cộng tham dự Đối thoại Shangri-La 2016. Dẫn đầu đoàn này là Thượng tướng Hải quân, Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp quân ủy trung ương Trung Cộng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Phát biểu trước đại diện quân sự các nước, ông Ashton Carter cũng cho biết Mỹ cam kết nỗ lực xây dựng hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông so sánh, vấn đề an ninh là “dưỡng khí” cho hòa bình, trong khi Mỹ cùng các đồng minh của họ đang “cấp dưỡng khí” cho khu vực này để “cùng tạo dựng tương lai tươi sáng và nguyên tắc”.
Ông chủ Lầu Năm Góc đánh giá tình hình biển Đông đang duy trì trạng thái căng thẳng càng làm nổi rõ tầm quan trọng của vấn đề an ninh.
Ashton Carter làm rõ lập trường về chính sách “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ, nhấn mạnh sự hiện diện của Washington tại khu vực này “không phải là tạm thời, mà là lâu dài”. ông nói: “Cùng với nhau, chúng ta có thể bảo đảm sự thay đổi lịch sử ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành bước ngoặt lịch sử,” .
Bộ ngoại giao Trung Cộng từng phản ứng với hành động gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trên biển Đông.
Theo phía Trung Cộng: “Mỹ đã gây ra nhiều rắc rối ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi tin rằng các quốc gia và người dân châu Á đều mong muốn gìn giữ cục diện hòa bình, ổn định và phát triển tốt đẹp của khu vực, không muốn có bất kỳ ai, dù với lý do gì, làm rối loạn châu Á.”
Nhật hứa sẽ giúp Đông Nam Á “đối đầu” với Trung Cộng trên Biển Đông
“Tại Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến hành động lấp đất nhanh chóng, trên diện rộng, xây dựng đồn bót và trang bị nhằm mục đích quân sự (ý nói Trung Cộng). Không quốc gia nào có thể đứng ngoài vấn đề này”.
Ông Gen Nakatani cho biết: Để giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Cộng, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực do thám, tiến hành tập trận chung và hợp tác phát triển thiết bị mới.
Tháng trước, Nhật Bản đã cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air để phục vụ cho công tác tuần tra. Đây là chương trình viện trợ quân sự nước ngoài trực tiếp đầu tiên mà Tokyo thực hiện.
Manila còn muốn sử dụng các máy bay tuần tra P3-C của Nhật Bản để theo dõi các tàu ngầm của Trung Cộng gần khu vực biển của mình.
Ngoài ra, Tokyo cũng lên tiếng ủng hộ Washington đưa tàu tới gần các khu vực Bắc Kinh xây dựng trái phép trên biển Đông để thể hiện lập trường phản đối.
Tại Đối thoại Shangri-La 2016, ông Gen Nakatani cũng kêu gọi tất cả các nước có liên quan tới tranh chấp trên biển Đông đệ đơn kiến nghị lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), nơi sắp đưa ra phán quyết liên quan tới vụ việc giữa Philippines và Trung Cộng.
Sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, Nhật Bản đã quyết định tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á, trong tình trạng Trung Cộng có nhiều hành động ngang ngược trên biển Đông.
Tokyo lo sợ Trung Cộng sẽ kiểm soát tuyến đường thủy trọng yếu của thế giới và điều đó sẽ đe dọa an ninh quốc gia Nhật Bản, giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Nguyễn Chí Vịnh, Thượng Tướng CSVN vẫn đi chân hai hàng “nịnh” Mỹ, “vẫy đuôi” Tàu Cộng:
Bình luận về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại diễn đàn, Nguyễn Chí Vịnh vuốt đuôi Mỹ cho rằng là một bài phát biểu tốt và nói lên tương đối đầy đủ về sự hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương: “Tôi chú ý đến một số điểm mà Bộ trưởng Carter nhấn mạnh như kêu gọi hợp tác nhiều hơn để có tiếng nói chung, sự thấu hiểu, từ đó có thể xây dựng cơ chế đối thoại trong khu vực thay vì đối đầu”
Khi báo chí hỏi trong bài phát biểu, Bộ trưởng Carter vài lần nói rằng Trung Cộng đang “tự cô lập”. Một phóng viên đã hỏi Vịnh, liệu sự “tự cô lập” này của Trung Cộng có áp dụng trong mối quan hệ song phương với Việt Nam hay không?
Nguyễn Chí Vịnh, “vẫy đuôi” Tàu Cộng chê ông Cater rằng, đây là nhận xét có phần “hơi vội vàng”.
Khi trả lời báo chí một số vấn đề chính liên quan đến Biển Đông, Nguyễn Chí Vịnh trả lời nước đôi, không dám chỉ trích quân xâm lược Trung Cộng, như sự việc Phillipines kiện Trung Cộng ra toà án Quốc Tế và hải cảng Cam Ranh, Vịnh vẫn lời vừa vuốt đuôi Mỹ vừa ve vãn Tàu Cộng, vẫn thái độ đu giây cố hữu để bám chặt quyền lực cai trị, trong cách trả lời tỏ ra còn rất sợ quan thầy Trung Cộng!
Tin tổng hợp