Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (6)
Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Đảo Chánh 30/01/1964” (phần 1)
Đảo Chánh ngày 30 tháng 1 năm 1964 (phần 1)
Công du Nam Hàn (South Korea)
Đầu tháng 12/1963, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm gọi tôi vào văn phòng:
“Chú thích đi du lịch không?”
“Rất thích, nhưng chưa có cơ hội thưa Trung Tướng”.
“Bây giờ có rồi. Chú liên lạc sang văn phòng Trung Tướng Đôn (Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng) làm thủ tục đi Đại Hàn (South Korea) với tôi”.
Không ngờ là cơ hội tốt đến với tôi trong hoàn cảnh đang vui, nên tôi xúc tiến ngay. Sau đó, tôi mới biết đây là phái đoàn thay mặt chánh phủ sang Đại Hàn (Nam Triều Tiên) dự lễ nhậm chức của Tổng Thống Pak Chung Hi vào ngày 17 tháng 12 năm 1963 tại thủ đô Seoul. Phái đoàn chánh thức gồm: (1) Ông Phạm Đăng Lâm, Tổng Trưởng Ngoại Giao, Trưởng phái đoàn. (2) Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thành viên. (3) Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, thành viên. (4) Đại Tá Linh Quang Viên, Bộ Quốc Phòng, thành viên. (5) Và tôi, Thiếu Tá Phạm Bá Hoa, Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, thành viên.
Ngoài ra còn có gia đình của Trung Tướng Khiêm và gia đình của Thiếu Tướng Thiệu, thêm Đại Úy Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Khiêm, và Đại Úy Nhan Văn Thiệt, sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Thiệu.
Trong nhóm đi đầu là Đại Tá Linh Quang Viên, và tôi. Chúng tôi rời Sài Gòn ngày 08/12/1963, dừng lại Tokyo 5 ngày chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho hai gia đình của Trung Tướng Khiêm và Thiếu Tướng Thiệu, sẽ ngoạn cảnh và mua sắm trong khi chờ các vị dự lễ bên Seoul trở lại. Chúng tôi đến Seoul trưa ngày 13/12/1963 khi nhiệt độ nơi đây xuống đến 5 độ dưới không độ C. Tạm thời chúng tôi ở khách sạn Bando tại trung tâm thủ đô Seoul. Với sự giúp đỡ của tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại đây, chúng tôi hoàn thành công tác chuẩn bị: Đại Tá Viên đã xong bản tường trình về tình hình chính trị trước và sau ngày bầu cử Tổng Thống Đại Hàn. Và tôi đã có đầy đủ tin tức cũng như chương trình chi tiết trong ngày lễ, cùng những ngày sau đó dành cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa.
Cũng qua những buổi thuyết trình ngắn của tòa đại sứ, chúng tôi hiểu thêm đôi nét về cựu Tổng Thống Lý Thừa Vãng trong thời gian lãnh đạo quốc gia này. Theo đó, nếu so với bà Ngô Đình Nhu nặng về chính trị, thì hoạt động của bà Lý Thừa Vãng nghiêng về kinh tế, và khách sạn Bando là một trong rất nhiều cơ sở kinh doanh của đệ nhất phu nhân họ Lý. Khi ông Lý Thừa Vãng lưu vong, Đại Tướng Pak Chung Hi nhân danh quân đội lên cầm quyền. Ông có vị Cố Vấn phảng phất ông Ngô Đình Nhu lúc đương thời, đó là ông Kim Jong Pil. Vì vậy mà khi Đại Tướng Pak Chung Hi chánh thức tuyên bố ứng cử Tổng Thống, ông Cố Vấn của Đại Tướng Pak Chung Hi đã theo khuyến cáo của Hoa Kỳ, xuất ngoại để trấn an dư luận như là ông không dính dáng đến chính trị, nhưng thật ra ông đã chuẩn bị xong công tác tổ chức bầu cử trước khi xuất ngoại. Sau đó, cuộc bầu cử đã diễn tiến như dự định và Đại Tướng Pak Chung Hi đắc cử. Ông Kim Jong Pil lại trở về Seoul, vẫn trong chức vụ Cố Vấn.
Phần chánh của phái đoàn đến phi trường Kimpo, thủ đô Seoul, trưa ngày 17/12/1963, tức là ngày Đại Hàn cử hành lễ nhậm chức Tổng Thống của Đại Tướng Pak Chung Hi. Cả phái đoàn đầy đủ được hướng dẫn lên khu Walker Hill cách Seoul khoảng 8 cây số về phía bắc, một khu thắng cảnh rất đẹp của Đại Hàn, chỉ dành cho khách ngoại quốc để thu ngoại tệ. Cả một vùng rừng núi được biến thành khu du lịch với những khách sạn, nhà hàng, các khu giải trí với nhiều môn khác nhau, xây dựng bên các sườn núi mà hầu hết là nhìn xuống sông Hàn (Han river) uốn khúc dưới chân. Vào mùa này, nước sông Hàn đóng băng trắng xóa, trông rất đẹp.
Đến nơi, vừa mang hành lý vào phòng là Trung Tướng Khiêm gọi tôi:
“Mấy giờ bắt đầu lễ vậy chú?”
“Dạ 3 giờ chiều, thưa Trung Tướng”.
Ông nhìn đồng hồ:
“Ngay bây giờ, chú chạy đi tìm mua cho tôi “cặp lon 3 sao”, vì trong cặp tôi chỉ có “3 sao” cho một bên áo thôi”.
“Vâng”.
Chẳng hiểu Đại Úy Nguyễn Hữu Có ở Tokyo, khi chuẩn bị hành lý cho “sếp” lại gấp gáp thế nào mà chiếc áo đại lễ của Trung Tướng Khiêm chỉ có một bên 3 ngôi sao, nghĩa là thiếu 3 ngôi sao cho cầu vai bên kia (cấp hiệu Trung Tướng biểu hiện bằng 3 ngôi sao mỗi bên cầu vai).
Nhận lệnh của Trung Tướng Khiêm là như vậy, nhưng tôi chưa biết phải làm sao mua cho kịp. Chợt nhớ anh sĩ quan Công Binh tại Bộ Quốc Phòng Đại Hàn, Thiếu Tá Choi, sĩ quan tùy viên cho phái đoàn chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa và anh ta trình diện Đại Tá Linh Quang Viên tại sân bay trước khi phái đoàn chánh thức đến. Ra phòng khách, tôi nói với anh về nhu cầu gấp rút đó và hy vọng anh ta giúp tôi được.
Anh ta hỏi: “Anh sẵn sàng chưa?”
“Sẵn sàng”.
Thế là chúng tôi lên xe của phái đoàn có cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Đại Hàn, do xe Cảnh Sát của Đại Hàn dẫn đường chạy xuống Seoul. Quanh co một lúc, cả hai xe đậu ngoài đường cái, tôi theo Thiếu Tá Choi trên con đường hẽm vào gian hàng nhỏ ơi là nhỏ nằm sâu trong con đường thưa vắng người qua lại. Mua ngay “cặp lon 3 sao” mà không cần trả giá. Chúng tôi về đến Walker Hill vừa vặn cùng phái đoàn lên xe xuống Seoul dự lễ.
Seoul chiều ngày 17 tháng 12 năm 1963, đang trong thời tiết 5 độ dưới không độ C. Bầu trời u ám bao trùm thủ đô, một thành phố toàn cây trụi lá giữa mùa đông xám xịt. Quan khách của 25 quốc gia và viên chức của quốc gia sở tại, ngồi chật cả khán đài không mái che ngay trước tòa nhà Quốc Hội. Lễ nhậm chức của Tổng Thống Pak Chung Hi cử hành đúng 3 giờ chiều trong một không khí không được trang nghiêm khả dĩ tương xứng cho buổi lễ quan trọng này. Một phần vì thời tiết quá lạnh, một phần do dân chúng tham dự không nhiều, và phần khác là có một số người tập trung bên kia đường hô hào chống đối một cách lạc lỏng, họ cáo buộc cuộc bầu cử vừa rồi là gian lận. Cảnh Sát chỉ đứng sát lòng đường để giữ trật tự mà không có hành động nào với nhóm người biểu tình.
Ngay sau lễ, các phái đoàn được hướng dẫn đến nhà hát xem trình diễn văn nghệ cổ truyền của Đại Hàn. Rồi buổi dạ tiệc trọng thể, tổ chức trong khuôn viên dinh Tổng Thống mừng ngày trọng đại của Đại Hàn Dân Quốc, khoản đãi các phái đoàn đại diện 25 quốc gia. Đại Hàn Dân Quốc là tên gọi của quốc gia phía nam của Triều Tiên theo chế độ dân chủ tự do, trong khi quốc gia phía bắc theo chế độ cộng sản độc tài, ranh giới giữa hai quốc gia này là vĩ tuyến 38. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt (năm 1945), cũng là lúc ba quốc gia trên thế giới bị chia đôi: Đó là Đức Quốc chia làm hai quốc gia theo chiều Đông Tây, Triều Tiên và Việt Nam chúng ta chia làm bốn quốc gia theo chiều Nam Bắc.
Riêng hoàn cảnh chính trị của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) có khác so với Việt Nam Cộng Hòa và Đại Hàn Dân Quốc về địa lý, nhưng hoàn cảnh chính trị là cùng chống chiến tranh ý thức hệ cộng sản, có lẽ vì vậy mà những ngày sau đó, phải thừa nhận là chánh phủ Đại Hàn đã dành cho phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa chúng ta và phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, sự đón tiếp rất nồng hậu gần như riêng biệt trong số 25 phái đoàn quốc tế tham dự. Tổng Thống Đại Hàn -theo lời của Bộ Ngoại Giao Đại Hàn- chỉ tiếp phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa và phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc. Khi tiếp phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa, Tổng Thống Pak Chung Hi nói tiếng Đại Hàn và ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa nói tiếng Pháp. Tôi rất ngạc nhiên về điều này, vì theo thông thường ông phải nói tiếng Việt Nam. Thông dịch buổi tiếp kiến là hai thanh niên Đại Hàn, một nam một nữ.
Quốc gia thứ 3 có hoàn cảnh chính trị giống nhau là Cộng Hòa Liên Bang Đức, nhưng có thể do địa lý và văn hoá mà phái đoàn Cộng Hòa Liên Bang Đức không nằm trong chương trình riêng biệt nói trên chăng, mặc dù phái đoàn này cũng có mặt trong lễ nhậm chức ?
Trước khi rời Seoul, mỗi thành viên trong phái đoàn chúng ta được chánh phủ Đại Hàn tặng 2 thùng trái cây tươi (bôm và nho) do Đại Hàn sản xuất bước đầu về kỹ nghệ trong nông nghiệp. Đây là chính sách quan trọng trong sách lược quốc gia của Đại Hàn Dân Quốc -theo lời ông Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đại Hàn- từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953.
Trở lại Tokyo ngày 20/12/1963. Đêm 24/12/1963, phái đoàn được ông Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa và phu nhân tại Nhật Bản, khoản đãi phái đoàn tại nhà riêng. Trong khi trò chuyện, bỗng mọi thứ trong nhà đều rung chuyển nhè nhẹ, ly tách chén dĩa lắc lư kêu leng keng trong vài chục giây đồng hồ. Ông Đại Sứ Nghĩa (xin lỗi là tôi không nhớ họ) nhìn thấy nét ngạc nhiên của phái đoàn nên ông lên tiếng trấn an:
“Khu vực chúng ta đang ngồi vừa bị động đất nhẹ nên không hư hại gì. Mời quí vị xem tivi sẽ rõ”.
Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được đôi chút về động đất.
Ngày 25/12/1963, tôi với Đại Úy Nhan Văn Thiệt -tùy viên của Thiếu Tướng Thiệu- rời Tokyo trở về Sài Gòn vì hết tiền. Ông Phạm Đăng Lâm, Tổng Trưởng Ngoại Giao, cũng rời Tokyo ngày ấy, nhưng ông chưa về Việt Nam mà còn đi thăm quốc gia nào đó.