Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (5)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Đảo Chánh 1/11/1963” – Kết thúc đảo chánh

Đảo chánh 1/11/1963 (kết thúc đảo chánh)

Thưa quí vị, cựu Đại Tướng Khiêm có nói tên đầy đủ của người Mỹ này, nhưng ông không muốn tôi nêu tên ông ta dù ông S. đã chết rồi. Do vậy tôi chỉ có thể viết tên ông ta vào đây với mẫu tự đầu mà thôi. Trong năm 1963, tôi có dịp nói chuyện với ông S. này trong những lúc ngồi chờ vào gặp Thiếu Tướng Khiêm. Ông ta trong ngành tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và nói tiếng Pháp sành sỏi. Xin đóng ngoặc.

Với câu chuyện ngắn trên đây giúp tôi nghĩ, có lẽ từ vị trí quan trọng của cựu Đại Tướng Khiêm lúc ấy nên ông đưa điều kiện với Trung Tướng Dương Văn Minh và Thiếu Tướng Lê văn Kim, theo đó ông tham gia đảo chánh nhưng phải để Tổng Thống Ngô Đình Diệm lưu vong. Tôi nói “vị trí quan trọng” vì lẽ lúc ấy cựu Đại Tướng Khiêm đang giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và là người mà tình báo Hoa Kỳ móc nối đầu tiên vào cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm.

Liệu nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chánh này là do kế hoạch của chánh phủ Hoa Kỳ, hay bắt nguồn từ cuộc đàn áp Phật Giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm? Tôi nghĩ, nếu không có sự kiện đàn áp Phật Giáo thì Hoa Kỳ cũng bằng cách nào đó để thực hiện cuộc lật đổ, vì nếu không thì mục tiêu thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không thực hiện được, và như vậy có nghĩa là một “mắt xích” trong chiến lược Domino của họ không hoàn thành.

Phải chăng sự mâu thuẫn giữa chánh phủ với Phật giáo ngày càng tệ hại, lại là cơ hội thuận lợi cho Hoa Kỳ nhập cuộc theo cách của họ? Và cho dù thế nào đi nữa, rõ ràng là họ đã thành công.

Giả thuyết rằng, nếu cuộc đảo chánh không phải bắt nguồn từ Hoa Kỳ, thì liệu quí vị Tướng Lãnh Việt Nam có tự mình quyết định đảo chánh để đem lại sự bình đẳng giữa hai tôn giáo lớn nói riêng, và ổn định tình hình nội bộ nói chung không? Tôi nghĩ, chắc là không. Vì thực hiện một cuộc đảo chánh, đã khó, nhưng được hay không được Hoa Kỳ ủng hộ là điều khó hơn, vì cho dù  có thành công mà không được Hoa Kỳ ủng hộ thì sớm muộn gì cũng bị đồng đội lật đổ. Còn nữa, nếu lật đổ thành công rồi, mà chưa chuẩn bị một sách lược lãnh đạo vừa chống cộng sản vừa xây dựng quốc gia, thì quí vị cầm quyền sẽ bị bối rối với những kế hoạch vá víu trong khi tình hình đòi hỏi mục tiêu và đường lối thực hiện phải rõ rệt, dứt khoát, và thực hiện ngay.

Vậy, vị Tướng nào đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và ai là người xuống tay giết hai ông? Hoặc giả là so dự lầm lẫn nào đó giữa người ra lệnh với người nhận lệnh? Theo bác sĩ Huỳnh Văn Hưởn, Y Sĩ trưởng bệnh xá Tổng Tham Mưu lúc ấy (về sau có lúc là Tổng Trưởng Y Tế), người phụ trách khám nghiệm và lau vết thương cho hai ông, thì cả hai ông vừa bị bắn vừa bị đâm bằng lưỡi lê. Hai trong số ít người liên quan trực tiếp đến cái chết của ông Diệm và ông Nhu là Trung Tướng Mai Hữu Xuân và Thiếu Tá (đã thăng cấp) Nguyễn Văn Nhung, cả hai đã chết rồi. Chỉ còn lại cựu Đại Tướng Dương Văn Minh và cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, là hai vị có tiếng nói chính xác hơn hết. Chữ “trực tiếp” mà tôi dùng ở đây có nghĩa là người ra lệnh giết, người giết, hoặc người nghe thấy người ra lệnh hay trông thấy người giết. Và liệu cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp có thể là nhân chứng chính xác nữa trong vụ này không?

Xin mở ngoặc. Tôi bổ túc đoạn trên vào tháng 10/2003, thì  cựu Đại Tướng Dương Văn Minh đã từ trần trước đó mấy tháng. Vậy, nhân chứng còn lại là cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa. Nhưng năm 2006, cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa đã xuống tóc vào chùa tu học. Xin đóng ngoặc.  

Nếu như Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh giết thì tại sao khi tôi trình đoàn xe đón Tổng Thống và Cố Vấn về đến, ông lại gọi các vị có mặt cùng xuống gặp hai vị ấy, vì chính ông phải biết việc gì xảy ra rồi chớ? Hoặc cũng có thể là Trung Tướng Minh đã ra lệnh giết nhưng vẫn ra vẻ như không hay biết gì về cái chết của hai ông ấy? Chính trị mà! Trong số các vị có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm, tôi không trông thấy nét mặt, cử chỉ, hay thái độ của vị nào biểu lộ một chút gì khác thường giữa các vị với nhau trước khi lần lượt bước xuống thang lầu để gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Hoặc là không ai ra lệnh giết, hoặc là vị nào đó quá kín đáo chăng?

Khi đoàn xe rời nhà thờ Cha Tam trở về Bộ Tổng Tham Mưu trên chiếc M113 chở ông Diệm và ông Nhu chỉ có Đại Úy Nguyễn Văn Nhung và vài quân nhân trách nhiệm trên chiếc Thiết Vận Xa này. Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa ngồi xe Jeep cùng với Đại Úy Phan Hòa Hiệp (cấp bậc trong lúc đảo chánh). Đại Úy Hiệp cho biết như vậy. Sở dĩ tôi nói đến Thiếu Tá Nghĩa là vì có dư luận cho rằng Thiếu Tá Nghĩa cùng ngồi trên chiếc Thiết Vận Xa M113 với Đại Úy Nhung.

Nếu thật sự Thiếu Tá Nghĩa cùng ngồi trên chiếc Jeep với Đại Úy Hiệp, điều đó cũng chưa đủ yếu tố để loại trừ giả thuyết Thiếu Tá Nghĩa không phải là sát thủ, vì có lúc đoàn xe phải dừng trước cổng xe lửa chắn ngang đường khi xe lửa chạy qua. Đó là khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho một sát thủ ra tay. Nhưng cũng không thể căn cứ vào đây mà cho rằng Thiếu Tá Nghĩa là một trong hai sĩ quan đã giết Tổng Thống  Diệm và ông Cố Vấn Nhu, vì Thiếu Tá Nghĩa là một sĩ quan bộc trực, thẳng tính, rất nhiệt tâm với nhiệm vụ trong binh chủng Thiết Giáp, và chưa hề có tai tiếng gì trước biến cố chính trị này. Đồng ý rằng, Thiếu Tá Nghĩa là một sĩ quan rất can đảm, và khi lâm trận thì vị chỉ huy này không nương tay với kẻ thù, nhưng giết một người không phải là kẻ thù mà người đó lại là một Tổng Thống hay Cố Vấn của Tổng Thống, thì điều đó không phải là điều mà Thiếu Tá Nghĩa hành động như một sát thủ. Nhưng những lý lẽ trên đây cũng chưa đủ để loại trừ giả thuyết “Thiếu Tá Nghĩa là một trong hai sĩ quan thi hành lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu”. Và đối với tôi, Thiếu Tá Nghĩa vẫn là một nghi vấn nhưng mức độ thấp hơn nghi vấn đối với Đại Úy Nhung. Tôi có lý lẽ khi tôi đặt nghi vấn như vậy.   

Với Đại Úy Nhung. Chính xác là Đại Úy Nhung ngồi trên chiếc thiết vận xa M113 chở Tổng Thống và Cố Vấn. Đại Úy Nhung, ít ra là hai lần trước biến cố chính trị này, khi đến văn phòng tôi anh khoe rằng, mỗi lần anh giết một người thì anh khắc lên báng súng của anh một vạch. Anh đưa báng súng cho tôi xem, lúc ấy có năm vạch khắc theo chiều thẳng đứng ở bên trái báng súng. Căn cứ vào lời nói và dấu tích trên báng súng, tôi cho rằng Đại Úy Nhung là một sĩ quan đã từng giết người nếu không nói là thông thạo thì cũng là quen tay. Xin nói thêm, hành động giết người và hành động bắn chết địch quân ở chiến trường là hai hành động khác nhau. Nhưng như vậy cũng chưa thể kết luận Đại Úy Nhung là sát thủ trong trường hợp này, vì không trông thấy tận mắt và cũng không nghe chính Đại Úy Nhung tự nói về sự kiện đó.

Nhưng nhìn vào khía cạnh khác, tôi có nghi vấn cao nhất về Đại Úy Nguyễn Văn Nhung với cái chết của Tổng Thống Diệm và Cố Vấn Nhu. Đại Úy Nhung là sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh, mà tùy viên thì luôn luôn có mặt bên cạnh vị Tướng của mình. Trong trường hợp này, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân cùng đoàn tùy tùng có nhiệm vụ đến nhà thờ Cha Tam (trong Chợ Lớn) đón Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu về Bộ Tổng Tham Mưu, Đại Úy Nhung không có lý do gì để có mặt trong thành phần này cả. Nếu cho rằng, Đại Úy Nhung tự ý tháp tùng để sau này khoe với bạn bè là anh đã góp mặt trên đoàn xe lịch sử đó đi nữa thì tại sao Đại Úy Nhung -và chỉ một mình Đại Úy Nhung- được ngồi trên chiếc Thiết Vận Xa M113 chở Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu? Sự kiện này phải được Thiếu Tướng Xuân chỉ định hay ít ra cũng là đồng ý. Và liệu có phải Thiếu Tướng Xuân tự mình ra lệnh cho Đại Úy Nhung hay là thi hành theo lệnh của Trung Tướng Minh? Tôi nói như vậy vì chỉ có Trung tướng Minh-người đứng đầu nhóm lãnh đạo đảo chánh-mới có thẩm quyền ra lệnh cho Thiếu Tướng Xuân mà thôi. Với lại Đại Úy Nhung là sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Minh thì không vị Tướng nào dám sử dụng Đại Úy Nhung trong nhiệm vụ giết Tổng Thống và Cố Vấn được. Vậy, Đại Úy Nhung có mặt trong đoàn xe “lịch sử” này và một mình ngồi trong xe chở Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, phần chắc là do lệnh của Trung Tướng Dương Văn Minh.

Nếu chính xác là Trung Tướng Minh ra lệnh cho sĩ quan tùy viên của mình là một thành viên trong đoàn xe lịch sử này thì lệnh đó có mục đích gì, chẳng lẽ cho Đại Úy Nhung đi theo chơi? Suy đoán như vậy nghe không ổn chút nào. Nhưng đến đây cũng chưa thể quả quyết rằng Đại Úy Nhung là người hạ sát Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bằng súng và lưỡi lê, vì đây là vấn đề lịch sử nên không thể kết luận thủ phạm khi chưa đủ chứng cớ chính xác, mà đương sự đã chết rồi. Thôi thì để anh yên nghỉ!

Đến đây, tôi có câu chuyện ngắn. Hai mươi tám năm sau, vào giữa tháng 11/1991, tôi và một số bạn có dịp dùng cơm tại nhà cựu Đại Tá Nguyễn Linh Chiêu (Orange County, nam California) mà tôi thường gọi ông là “đại ca”, vì ông lớn tuổi hơn tôi và thâm niên hơn tôi nhiều. Hôm ấy “đại ca” tôi thuật lại câu chuyện  có liên quan đến câu tự hỏi của tôi nêu trên. Chuyện như thế này:

Đầu năm 1991, nhân chuyến ông sang Paris dự lễ cưới của vị Tướng đã một thời là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội quốc gia Việt Nam trong khuôn khổ quân đội Liên Hiệp Pháp, “đại ca” tôi tổ chức bữa ăn thân mật sau khi được cựu Đại Tướng Dương Văn Minh và cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận lời. Mục đích của bữa ăn là anh Chiêu -bạn thân của hai vị cựu Tướng Lãnh thực khách- muốn giúp hai vị làm hòa nhau mà tình bạn giữa hai ông đã rạn nứt từ sau cuộc đảo chánh 01/11/1963. Theo anh Chiêu thì mục đích đã đạt được, và trong không khí vui vẻ đó, anh có nêu câu hỏi với cựu Đại Tướng Minh:

“Anh có thể cho biết câu “mission accomplie” mà anh Xuân (tức Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân) trình với anh hôm 02/11/1963 có nghĩa như thế nào không?” 

“Nhiệm vụ hoàn thành thì báo cáo hoàn thành. Có vậy thôi”

Anh Chiêu chưa chịu thua và hỏi lại, thì cựu Đại Tướng Minh nói: 

“Anh hiểu sao thì hiểu”

Câu trả lời đúng là hiểu sao thì hiểu. Hết câu chuyện. 

Cũng vào cuối năm 1991, người bạn mới quen của tôi ở San Jose, tiến sĩ sử học Hoàng Ngọc Thành, lúc ấy đang viết cuốn “Những Ngày Cuối Cùng Của Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, tôi có cung cấp cho ông một số dữ kiện cần thiết theo yêu cầu của ông. Ông nói rằng, ông được đọc một tài liệu mà cựu Đại Tướng Minh viết theo lệnh của nhà cầm quyền cộng sản (sau tháng 4/1975), theo đó, cựu Đại Tướng Minh nhận là ông đã ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Nghe thì nghe vậy nhưng thật ra tôi cũng không hiểu là bằng cách nào mà ông bạn tôi xem được tài liệu đó nữa. Với tôi, những gì mà người chiến sĩ chống cộng sản cho dù người đó là một Tổng Thống hay một sĩ quan bình thường, phải viết theo lệnh của cộng sản trong trại tập trung hay tại cơ quan của chúng, và viết dưới sự hướng dẫn của những tên gọi là cán bộ Công An cho đến khi chúng chấp nhận mà chúng gọi là “đạt yêu cầu”, thì không thể xem đó là chính xác được. Vì vậy mà theo tôi, không nên căn cứ vào đó để kết luận cựu Đại Tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, cho dù ông có khai thật với cộng sản cũng vậy. Nhưng dù thế nào đi nữa, với tôi, cựu Đại Tướng Minh vẫn là vị duy nhất mà tôi đặt nghi vấn cao nhất về người đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

Cuối năm 1993, nhân đến nhà người bạn cùng khóa với tôi để thăm một vị Tướng trước kia phục vụ tại Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu, và nhân lúc câu chuyện xoay quanh cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, bạn tôi nói rằng: “Tôi có người bạn thân, trước kia thường chơi quần vợt với Đại Tướng Minh, một hôm Đại Tướng Minh có nói là trước khi chết, ông để lại tập hồi ký cho các con ông. Nếu đúng như vậy thì câu trả lời chính xác chỉ có được khi cựu Đại Tướng Minh an giấc ngàn thu chăng?  Năm 2003, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh từ trần, nhưng tôi không rõ là ông có để lại cuốn nhật ký như lời bạn tôi đã nói hay không”.

Đến cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, năm 1998 định cư tại tiểu bang Washington. Theo tôi, anh Nghĩa là một trong những nhân chứng của cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963 nói chung, và có thể là nhân chứng duy nhất trong vụ giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu nói riêng. Tôi với anh là bạn thân từ năm 1961 khi anh đang là Quận Trưởng quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Khi vào tù, chúng tôi bị giam chung “lán trại” giữa rừng già Yên Bái, ăn chung mâm, ngủ sát cạnh nhau trên vạt giường làm bằng cây chổm trong nhiều năm liền. Có những lúc nhắc đến ngày 01/11/1963, tôi cố gắng tìm hiểu những nghi vấn về cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu, nhưng không bao giờ anh hé môi nửa lời về  điều đó.

Tôi biết anh Nghĩa có nói với Trung Úy Đồng, Phòng 3 Tiểu khu Vĩnh Long khi anh là Tỉnh Trưởng tỉnh này, theo đó, “anh biết người giết ông Diệm và ông Nhu, nhưng chưa thể nói được”. Tôi tin lời anh Nghĩa, nhưng không biết là lúc nào anh mới nói được. Bởi vì chưa thể nói được, có nghĩa là sẽ nói chớ không phải không nói.

Dưới đây là bài viết của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, anh gởi tặng tôi một bản do cựu Đại Tá Nhan Minh Trang trao lại. Được sự đồng ý của anh Nghĩa qua đường giây điện thoại vào đầu tháng 11/1998, tôi xin trích phần liên hệ đến cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đưa vào ấn bản lần thứ 3 vào tháng 12 năm 1998. Với hy vọng phần trích đăng này sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm những tin tức về cái chết có tầm vóc lịch sử của hai vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, đã một thời tạo nên tiếng vang quốc nội lẫn quốc tế trong những năm 50 và 60. Tiếng vang tốt hay không tốt, hoặc cả hai, điều đó tùy quí độc giả. 

Phần trích thuật bắt đầu

“Tôi có dịp đến Houston khoảng tháng 07/1995, được người bạn tặng cuốn “Đôi Dòng Ghi Nhớ”của anh Phạm Bá Hoa, cựu Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Không như “Lời Trần Tình” quá khiêm nhường của anh, quyển sách tuy không chánh thức là một sử liệu, nhưng nó đóng góp rất nhiều cho các sử gia, vì anh được ở vào một vị trí rất quan trọng trong guồng máy hành chánh và quân sự trong một giai đoạn lịch sử 1960-1968. Những sự việc mà anh ghi lại thật là trung thực, rất đầy đủ từng chi tiết, cũng như anh đã phân tách sự việc rất vô tư, khách quan. Trong quyển sách, anh nói không ít về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm”.

“Về sự việc lịch sử này, đã có rất nhiều người -kể cà người Mỹ- hỏi tôi từ sau ngày 02/11/1963 cho tới giờ này. Ai cũng muốn biết rõ chi tiết của sự việc đã xảy ra trên chiếc Thiết Vận Xa trong đoàn xe mà cá nhân tôi có trách nhiệm an ninh hộ tống hôm đó. Tác giả quyển “Đôi Dòng Ghi Nhớ” chỉ nêu lên một số dữ kiện, một số suy luận, một số giả thuyết, và nghi vấn chung quanh sự việc nói trên, mà không hề có ý xác quyết ai là người đã ra lệnh và ai là người đã thi hành lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Đây là điểm hoàn toàn khác biệt với một vài quyển hồi ký khác đã được xuất bản mà tôi có dịp đọc”.

“Liên quan đến sự việc này, tôi muốn nói đến vài quyển hồi ký mà tác giả đã có nhận xét thiếu chính xác, có khi còn sai lạc hẳn. Sự việc cũng không được phân tách cho đúng lý đúng tình. Có tác giả đã kể lại sự việc mà chính mắt tác giả không mục kích được, tai cũng chỉ nghe lõm bõm diễn tiến mà người thuật cũng không phải người trong cuộc. Hoặc là viết theo một số dữ kiện do quá nhiều người thuật lại theo cái nghe được hay theo lập luận một chiều. Đặc biệt là cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, tác giả ” Việt Nam, Một Trời Tâm Sự”, ông đã dựa trên lời khai nguyên văn của Đại Úy Nguyễn Văn Nhung (đúng ra là Thiếu Tá vì lúc bị bắt là ngày 30/01/1964, anh Nhung đã thăng cấp Thiếu Tá rồi. PBH) mà ông được đọc sau ngày “Chỉnh Lý 30/01/1964″, nên sự việc đó ông viết rất chính xác. Nói rất rõ là ai thi hành lệnh giết Tổng Thống và giết bằng cách nào…”

“Sáng ngày 02/11/1963, Trung Tướng Dương Văn Minh chỉ định Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân và Đại Tá Dương ngọc Lắm, vào nhà thờ Cha Tam trong Chợ Lớn “đón họ” về đây (Họ, tức Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Về đây, tức về Bộ Tổng Tham Mưu. PBH). Tôi có mặt tại chỗ, vì tôi cùng Trung Đội Thiết Vận Xa vừa từ dinh Gia Long về tới, và trình Trung Tướng Minh là Tổng Thống và ông Cố Vấn không có trong dinh Gia Long. Do đó, tôi nhận lệnh của Trung Tướng Minh tiếp tục cho Trung Đội Thiết Giáp hộ tống Thiếu Tướng Xuân và Đại Tá Lắm vào nhà thờ Cha Tam “đón họ” (nguyên văn của Trung Tướng Minh). Như vậy, tôi được biết Thiếu Tướng Xuân nhận lệnh trực tiếp của Trung Tướng Minh, nhưng tôi không biết là Thiếu Tướng Xuân có nhận lệnh mật gì của Trung Tướng Minh không. Cũng ngay lúc đó, tôi được Đại Tá Nguyễn Văn Quan -bạn thân của Trung Tướng Minh- cho biết, trong khi tôi xuống dinh Gia Long thì ông Diệm và ông Nhu đã bí mật vào trong Chợ Lớn, và hiện ở nhà thờ Cha Tam. Từ nhà thờ, hai ông đã liên lạc điện thoại với các Tướng Lãnh. Ngay sau đó, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng quyết định dứt khoát, ít nhất là số phận của ông Ngô Đình Nhu, bằng mọi cách phải diệt trừ hậu họa. Thiếu Tướng Xuân, Đại Tá Quan, Đại Tá Lắm, Đại Tá Đỗ Mậu, … đều có mặt trong cuộc thảo luận để lấy quyết định có tính cách lịch sử nói trên, cùng với Trung Tướng Dương Văn Minh, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu. ..v..v..”

“Tôi cũng được Đại Tá Quan cho biết thêm rằng, Trung Tướng Minh, người chỉ huy cuộc đảo chánh, đã nhanh chóng đưa ra quyết định rất dứt khoát để Hội Đồng lấy quyết định chung. Các vị hiện diện lúc đó, không ai góp thêm ý kiến gì. Lúc đó im lặng được xem là đương nhiên chấp thuận đề nghị của Trung Tướng Minh. Thật ra, từ 11 giờ đêm 01/11/1963, trong lúc tình hình chưa ngã ngủ hẳn, các Tướng Lãnh đã có bàn bạc riêng với nhau trước về số phận của ông Ngô Đình Nhu rồi. Riêng đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì hầu hết đều tán thành cho Người (viết hoa) đi ra ngoại quốc, không thấy vị nào phát biểu khác hơn. Do đó, khi Thiếu Tướng Xuân nhận lệnh đi đón Tổng Thống là ông biết mình sẽ phải làm gì rồi, ít nhất là đối với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Còn đối với Tổng Thống thì lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không biết là Thiếu Tướng Xuân có nhận được mật lệnh gì thêm từ Trung Tướng Dương Văn Minh hay không.”

“Đoàn xe khởi hành từ Bộ Tổng Tham Mưu khoảng 6 giờ sáng. Hai xe Quân Cảnh dẫn đầu, xe Jeep của tôi và Đại Úy Phan Hòa Hiệp, kế đó là xe Jeep Thiếu Tướng Xuân rồi xe Đại Tá Lắm, và đoàn xe hộ tống gồm Trung Đội Thiết Vận Xa 5 chiếc (4 xe đi đầu có bộ binh tùng thiết, và xe sau cùng là của Trung Đội Trưởng). Tôi xin nói rõ thêm. Tôi thấy không có dự trù xe nào chở Tổng Thống và ông Cố Vấn Nhu, nên tôi có hỏi Thiếu Tướng Xuân trước khi khởi hành, thì ông nói nhanh và cộc lốc “không cần”. Tôi nghĩ, chắc là ông đã có phương cách rồi nên không muốn chúng tôi quấy rầy làm mất luồng suy tính của ông trong lúc ông có mission (nhiệm vụ) quá đặc biệt, có lẽ đặc biệt hơn bao giờ hết trong cuộc đời Cảnh Sát Công An của ông.

“Trước khi khởi hành, tôi và Đại Úy Hiệp nhìn thấy Đại Úy Nhung ngồi trên một trong bốn chiếc thiết vận xa sau xe Jeep chúng tôi. Đại Úy Hiệp hỏi tôi về sự hiện diện của vị sĩ quan bộ binh lạ mặt này. Tôi giải thích sơ qua, đó là Đại Úy Nhung, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh, và có xác nhận với Đại Úy Hiệp rằng: “Đại Úy Nhung có hỏi tôi để được cùng đi với Trung Đội Thiết Vận Xa. Tôi nghĩ, có lẽ Đại Úy Nhung có nhiệm vụ gì đó do Trung Tướng Minh đích thân giao cho, nên tôi không tiện hỏi vì không liên quan gì đến nhiệm vụ an ninh hộ tống của chúng mình”.

“Tôi không muốn nói rõ với Đại Úy Hiệp, nhưng cá nhân tôi đã biết là Đại Úy Nhung được Trung Tướng Minh sai đi theo đoàn xe để thi hành quyết định của Hội Đồng. Quyết định liên quan đến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Quyết định này đã được chuyển thành lệnh và được Trung Tướng Minh trao cho Đại Úy Nhung thi hành. Vì chắc chắn Trung Tướng Minh không còn thấy ai hơn người sĩ quan cận vệ thân tín này để thi hành một công tác đặc biệt, khó khăn và quan trọng nói trên. Tôi dùng danh từ “mật” là vì nếu Trung Tướng Minh có dặn dò điều gì với Đại Úy Nhung thì không một ai trong Hội Đồng nghe thấy được. Và nếu có ra lệnh cho Đại Úy Nhung thi hành quyết định công khai của Hội Đồng, về một mình ông Cố Vấn Nhu hay cho cả hai ông, thì cũng không một ai trong Hội Đồng nghe thấy được. Nhưng tôi khẳng định là Trung Tướng Minh có sai Đại Úy Nhung -tức là đã ra lệnh cho Đại Úy Nhung- và lệnh được đưa ra theo quyết định của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Ít nhất là liên hệ đến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Tôi xin nói rõ lại một lần nữa, là chỉ liên quan đến ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Vì nếu Trung Tướng Minh không ra lệnh thì không còn ai trong Hội Đồng có đủ thẩm quyền để ra lệnh đặc biệt này? Cũng như nếu không sai Đại Úy Nhung, thì tại sao Đại Úy Nhung lại phải nói với tôi cho anh được ngồi trên chiếc thiết vận xa để được cùng đi vào Chợ Lớn?”

“Nhưng tôi cũng xác định là dù có sai Đại Úy Nhung hay ra lệnh cho Đại Úy Nhung, Trung Tướng Minh cũng là sai mật hay dặn dò mật mà thôi. Như vậy là đến đây, chúng ta không còn thắc mắc gì về người nào đã ra lệnh và lệnh xuất phát từ đâu. Đại Tá Dương Ngọc Lắm, chắc chắn phải biết rõ mật lệnh mà Trung Tướng Minh đã giao cho Thiếu Tướng Xuân. Vì nếu không thì tại sao đích thân ông đến gặp tôi để dặn dò tôi trước khi đoàn xe khởi hành:

“Nè, mấy người đừng có nói gì bậy bạ nghe”. 

“Tôi cũng biết chắc chắn ngay từ lúc bàn thảo kế hoạch sơ khởi trước tháng 11 năm 1963, các vị Tướng Tá trong nhóm lãnh đạo đảo chánh đã có dự trù một giải pháp dứt khoát đối với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Sự dự trù đã trở thành quyết định từ sau 1 giờ trưa ngày 01/11/1963. Đó là truy tố ra tòa và xử ngay trong nước, không cho ra ngoại quốc. Tôi xin lặp lại, sơ khởi là như vậy. Nhưng theo lời Đại Tá Nguyễn Văn Quan (không phải Đại Tá Đặng Văn Quang. PBH) nói với tôi, lúc khuya rạng sáng ngày 02/11/1963 khi chưa được tin Tổng Thống và ông Cố Vấn rời khỏi dinh Gia Long, đa số trong Hội Đồng không còn ý đưa ông Cố Vấn Nhu ra tòa nữa, mà nhất quyết phải trừ hậu họa bằng mọi cách. Rõ ràng là như vậy. Lúc bấy giờ tình hình chưa ngã ngũ. Dinh Gia Long chưa chiếm được, lực lượng phòng vệ Phủ Tổng Thống chưa buông súng đầu hàng, vì cũng chính ông Cố Vấn được qui trách cho mọi xáo trộn trong nước, làm mất lòng Dân Quân Cán Chánh, … “

“Riêng đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy chưa có quyết định dứt khoát, nhưng qua trao đổi ngoài hành lang thì đa số các vị trong Hội Đồng có ý tán thành một giải pháp ôn hòa. Đó là, để ổng ra ngoại quốc một mình như một dân thường, không được hưởng lễ nghi quân cách của một Tổng Thống. Biện pháp này coi như là một ân huệ đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, theo lời Đại Tá Quan xác nhận lại với tôi, thì Trung Tướng Minh vẫn còn im lặng, chưa có ý kiến”.

“Khi được biết Tổng Thống và ông Cố Vấn đã bí mật rời khỏi dinh Gia Long, thì tình hình thật sự có thay đổi trong chiều hướng bất lợi cho hai ông. Khi còn chưa rõ hai ông ở đâu thì Hội Đồng có phần lo âu, vì dù đảo chánh có thành công mà hai ông chạy thoát được thì tình hình chính trị ra sao đây? Chẳng những không có sự ổn định trong tương lai, mà sẽ có một sự chia rẽ có thể dẫn tới tranh chấp quyền lực, nếu không muốn nói là nội chiến ngay tại miền nam Việt Nam! Và nỗ lực chống cộng sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất là đến giờ này, Tướng Huỳnh Văn Cao ở Vùng IV Chiến Thuật chưa chịu tuyên bố chánh thức trên đài phát thanh đứng về phía Hội Đồng, mặc dầu được yêu cầu nhiều lần. Vùng IV có 3 Sư Đoàn Bộ Binh được kềm giữ trong thế án binh bất động nhờ công của Thiếu Tá Nhan Minh Trang, Thiếu Tá Huỳnh Văn Tồn, và Đại Tá Nguyễn Hữu Có”.

“Do đó, từ quyết định ôn hòa, đã có một số không ít thành viên trong Hội Đồng bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn và quyết liệt hơn, nhất là Trung Tướng Dương Văn Minh, linh hồn của cuộc đảo chánh. Ông không muốn thấy ngày 11/11/1960 tái diễn (11/11/1960 là ngày Đại  Tá Nguyễn Chánh Thi đảo chánh thất bại phải vượt thoát lưu vong. PBH). Chúng ta phải thấy được trách nhiệm nặng nề của người chỉ huy cuộc hành quân đảo chánh lúc bấy giờ, mới biết được mức độ lo âu nóng ruột của Trung Tướng Dương Văn Minh như thế nào. Từ đó mới thấy thái độ của Trung Tướng Minh qua đề nghị của Trung Tướng để Hội Đồng  lấy quyết định về trường hợp cá nhân của ông Ngô Đình Nhu, dứt khoát, không thể do dự hay yếu mềm được.”

“Có người nói là trước khi đoàn xe khởi hành, Trung Tướng Minh đứng trên lầu tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, hướng về Thiếu Tướng Xuân hay Đại Úy Nhung, đưa ra hai ngón tay (ý nói là cả hai người), nhưng tôi xác nhận là hoàn toàn không trông thấy. Tôi biết rõ tính trầm tĩnh và suy tính chính chắn của Trung Tướng Minh, nên tôi chắc chắn là ông không bao giờ có hành động vào phút chót quá lộ liễu như vậy. Nếu có ra lệnh, chắc chắn ông đã có đắn đo suy tính kỹ càng trước rồi, và ông đã phải dặn dò ngay Đại Úy Nhung chớ không bao giờ ông lại ra lệnh để cho người ta thấy dễ dàng như vậy.”

“Tôi xin mở thêm dấu ngoặc ở đây. Trước khi khởi hành, tôi có ghé ngang bộ chỉ huy Thiết Giáp hành quân đặt trên chiếc bán xích xa đậu cạnh tòa nhà chánh, báo cho Trung Tá Nguyễn Văn Thiện biết về hướng đi và nhiệm vụ của tôi. Tôi tuyệt đối không nói thêm điều nào, vì Trung Tá Thiện không phải là thành viên của nhóm đảo chánh. Trung Tá Thiện là cán bộ nòng cốt của đảng Cần Lao, là người tín cẩn của Tổng Thống và ông Cố Vấn, nên bị giữ ở phòng họp từ trưa hôm qua (01/11/1963). Tôi xin với Trung Tướng Minh cho tôi lãnh ông ra và tôi hoàn toàn trách nhiệm. Được chấp thuận, và Trung Tá Thiện chỉ huy Thiết Giáp trong cuộc hành quân này. Sau đảo chánh, ông được thăng cấp Đại Tá và giữ nguyên chức vụ Chỉ Huy Trưởng binh chủng Thiết Giáp.”

“Đoàn xe đến nhà thờ Cha Tam, Đại Úy Hiệp giúp tôi lo bố trí an ninh. Tôi đến gặp Thiếu Tướng Xuân và Đại Tá Lắm để nhận lệnh. Cả hai ông, không ai chịu vào nhà thờ để gặp Tổng Thống và ông Cố Vấn. Tôi không rõ tại sao, dù đó là nhiệm vụ của hai ông, và bảo tôi đại diện Hội Đồng vào mời Tổng Thống và ông Cố Vấn ra xe là được rồi. Tôi vào nhà thờ qua cổng nhỏ bên mặt cổng chánh. Nhưng khi bước vào khỏi cổng khoảng 10 thước, tôi sực nhớ là mình vào một cơ sở tôn giáo không nên mang theo vũ khí. Tôi vội trở ra cổng, cởi súng lục trao cho tài xế của tôi. Lúc này người dân chung quanh thấy có  việc lạ, tò mò đứng lố nhố đầy cả ngã ba trước rào sắt của nhà thờ. Binh sĩ cũng không gắt gao cho lắm, và chắc chắn bây giờ người dân đã biết được là Tổng Thống và ông Cố Vấn Nhu đang ở trong nhà thờ này.”

“Tôi lại bước vào nhà thờ lần thứ hai, không súng, và vẫn một mình. Tôi không nhìn lại phía sau, nhưng nghĩ bụng là anh em Thiết Giáp ở ngoài rào sắt, chắc cũng đã bố trí theo dõi và an ninh cho tôi, vì biết rằng, tôi vào đây không một tấc sắt trong tay. Tôi mạnh dạn bước tới, rẽ về tay mặt. Đi tới khoảng 20 thước thì thấy từ phía dãy nhà bên hông phải của nhà thờ có 4 người đi về hướng tôi. Đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm tay cầm gậy, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và 2 người mặc thường phục. Tôi nghĩ bụng, một trong hai người mặc thường phục có xách chiếc cặp da phải là Đỗ Thọ, tùy viên của Tổng Thống. Người thứ tư tôi không biết. Mãi sau này tôi mới biết là Đại Úy An, sĩ quan cận vệ của Tổng Thống. Tôi nghĩ, chắc là Tổng Thống đã được Hội Đồng báo trước rồi, nên khi nghe thấy xe tới nhà thờ là Tổng Thống đi ra. Tôi đứng lại. Chờ. Nhưng vẫn không để ý xem hai sĩ quan này có võ trang hay không. Và khi Tổng Thống đến còn cách tôi khoảng 3 thước, tôi đứng nghiêm lại, đưa tay lên mũ, chào đúng lễ nghi quân cách, và giữ nguyên tư thế đứng nghiêm đó, tôi nói: “Thưa Tổng Thống, chúng tôi có lệnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đến đây mời Tổng Thống và ông Cố Vấn về Bộ Tổng Tham Mưu. Có Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đại diện cho Hội Đồng, đang đứng trước cửa chờ Tổng Thống”.

“Tổng Thống đứng lại nghe tôi trình bày và có nói một câu ngắn mà tôi nghe không rõ. Sau đó, Đại Úy Đỗ Thọ bảo tôi đi trước, Tổng Thống sẽ theo sau. Nhưng tôi đứng nép qua một bên, mời Tổng Thống đi trước ra hướng cổng nhỏ bên phải. Cả 4 người qua hết rồi, tôi mới lững thững bước theo sau, cách xa độ 3 thước. Dù sao, trong cương vị sĩ quan, tôi vẫn bắt buộc phải giữ lễ độ đối với Tổng Thống dù đang trong hoàn cảnh này. Và đi sau cũng có thể là một hành động phản ứng đề phòng tự nhiên của tôi, chớ hoàn toàn không có ý gì khác. Tôi đinh ninh rằng, Thiếu Tướng Xuân đã phải có mặt trước cổng để hướng dẫn Tổng Thống lên xe về Tổng Tham Mưu, vì đó là nhiệm vụ của ông. Đến cổng rào, vì là cổng nhỏ bên hông nên 4 người phải tuần tự qua cổng. Tổng Thống đi trước, đến Đại Úy Thọ, rồi mới đến ông Cố Vấn, và Đại Úy An. Tôi là người thứ 5 ra khỏi cổng sau cùng”.

“Ngay lúc bấy giờ, tôi chợt thấy có chiếc Thiết Vận Xa đậu ngay cổng nhỏ này, cánh cửa sau xe mở rộng, gác nằm xuống sát mặt lề đường. Tôi thấy Thiếu Tướng Xuân và Đại Úy Nhung đã có mặt tại chỗ. Không có Đại Tá Lắm. Thiếu Tướng Xuân bảo Đại Úy Đỗ Thọ trao cho ông chiếc cặp da của Tổng Thống mà Đại Úy Thọ đang xách. Ông Xuân xách chiếc cặp đi ngay, không nói lời nào khác ngoài việc khoác tay ra lệnh cho Đại Úy Thọ và Đại Úy An đi theo ông”.

“Đại Úy Nhung hướng về phía Tổng Thống và ông Cố Vấn Nhu, nói như ra lệnh: 

“Mời hai ông lên”. 

“Vừa nói vừa chỉ vào cửa Thiết Vận Xa đã mở. Lúc này Tổng Thống và ông Cố Vấn đứng cách cửa Thiết Vận Xa khoảng 1 thước. Tổng Thống không nói lời nào, chưa có một phản ứng nào về thái độ kém nhã nhặn của người sĩ quan mà ông chưa hề biết mặt. Tổng Thống còn đang tần ngần, sững sờ, thì ông Cố Vấn Nhu đã lên tiếng với vẻ mặt bất bình: 

“Tại sao lên xe này? Không còn xe nào khác hay sao?”                               

“Không có. Vì lý do an ninh, tình hình đang hỗn loạn. Dân chúng đang muốn giết hai ông đó. Hai ông phải lên xe này để được bảo vệ”.

“Đại Úy Nhung có vẻ bực bội vì câu hỏi với giọng kẻ cả, nên vừa trả lời vừa đưa tay ra dấu như có ý đẩy hai người vào Thiết Vận Xa. Nhìn qua nhìn lại không thấy Thiếu Tướng Xuân đâu cả. Đại Úy Thọ và người sĩ quan cận vệ cũng không thấy có mặt. Tổng Thống hỏi:

“Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đâu? Gọi Thiếu Tướng đến gặp tôi”. 

“Thiếu Tướng Xuân đã lên xe đi trước rồi”. Đại Úy Nhung vừa trả lời vừa giục hai ông vào xe. Sau phút ngập ngừng, hai ông phải bước vào xe. 

“Tôi vẫn còn đứng cách đó vài bước bên cạnh cổng nhỏ nhà thờ, nhìn thấy cảnh Thiếu Tướng Xuân đầu trần, không nhìn thẳng Tổng Thống. Thiếu Tướng đã đưa tay nhận lấy chiếc cặp da từ tay Đại Úy Thọ, xong là bước đi luôn về hướng xe của ông, không quên ra lệnh cho Đại Úy Thọ cùng người sĩ quan cận vệ theo ông, để mặc cho Đại Úy Nhung đối đáp với Tổng Thống ra sao tùy ý. Tôi cũng nhìn thấy được gương mặt thẩn thờ, ngạc nhiên của Tổng Thống, vẻ bất bình cau có của ông Cố Vấn Nhu, và thái độ nóng nẩy của Đại Úy Nhung. Tôi theo dõi được những câu trao đổi ngắn ngủi nhưng mất bình tỉnh của ông Cố Vấn với Đại Úy Nhung, cũng như sự im lặng chịu đựng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi còn chứng kiến được cảnh hai người lặng lẽ bước vào xe, còn nghe Đại Úy Nhung bảo họ cúi đầu xuống. Đợi cho hai ông vào xe xong, Đại Úy Nhung mới bước vào sau cùng. Và cửa xe từ từ dựng đứng lên, đóng kín lại. … “

“Ngay lúc bấy giờ, tôi mới kịp nhận ra là trong Thiết Vận Xa không còn một binh sĩ Thiết Giáp nào, ngoại trừ tài xế và phụ tài xế ngồi phía trước. Lúc Đại Úy Nhung bước vào xe, thì rõ ràng tôi chỉ thấy có 3 người trong xe. Đó là Tổng Thống, ông Cố Vấn, và Đại Úy Nhung. Sau này hỏi ra tôi mới biết, trưởng xa và xạ thủ đã được Đại Úy Nhung yêu cầu tạm qua xe khác. Tôi bước xuống lòng đường, đi bộ lại gặp Thiếu Tướng Xuân, tôi báo cáo tình hình sau cùng, và đề nghị với Thiếu Tướng cho đoàn xe khởi hành về Bộ Tổng Tham Mưu”.

“Tôi bước về xe Jeep của tôi, ra lệnh cho đoàn xe nổ máy và chuẩn bị lên đường. Thứ tự các xe như cũ: Xe Jeep của tôi và Đại Úy Hiệp đi sau 2 xe Quân Cảnh dẫn đường, kế đó là xe Thiếu Tướng Xuân, xe Đại Tá Lắm, theo sau là 4 Thiết Vận Xa đi liền nhau, trong đó, chiếc thứ 3 chở Tổng Thống và ông Cố Vấn với Đại Úy Nhung, tiếp theo là xe chở bộ binh tùng thiết (tức là bộ binh tháp tùng ngồi trên xe Thiết Giáp), sau cùng là xe Trung Đội Trưởng. Đoàn xe đang đi trên đường Hồng Thập Tự, qua khỏi nhà bảo sanh Từ Dũ phải dừng lại cổng xe lửa vì sắp có xe lửa chạy qua. Thời gian đoàn xe dừng lại đây khoảng hơn mười phút, chợt tôi nghe có mấy tiếng súng nổ phía sau, vào khoảng giữa đoàn xe. Tôi cho quay đầu xe Jeep lại, chạy dọc theo đoàn xe để xem việc gì đã xảy ra. Đến ngang chiếc Thiết Vận Xa chở Tổng Thống và ông Cố Vấn, tôi thấy Đại Úy Nhung ngồi trên nóc xe và hướng về phía chúng tôi, đưa một ngón tay cái lên làm hiệu (được hiểu là mọi việc tốt đẹp). Tôi vội hỏi: “Tiếng súng nổ ở đâu?” 

“Đại Úy Nhung đưa tay chỉ vào trong xe mà không nói gì. Tôi quay đầu xe lại, tiếp tục trở lên đầu đoàn xe. Lúc đó xe lửa cũng vừa qua xong, cổng chắn ngang đã mở, đoàn xe chúng tôi tiếp tục chạy hướng về Bộ Tổng Tham Mưu. Để được biết rõ ràng hơn, tôi có hỏi Trung Đội Trưởng Thiết Giáp, việc gì đã xảy ra mà có tiếng súng nổ trên chiếc Thiết Vận Xa thứ 3. Tôi được trả lời: 

“Phụ tài xế xe thứ 3 có báo cáo cho tôi biết, tiếng súng đó do ông Đại Úy bộ binh ngồi trong xe bắn chết Tổng Thống và ông Cố Vấn rồi”. 

Cả tôi và Đại Úy Hiệp đều nghe biết sự việc này qua hệ thống truyền tin Thiết Giáp trên xe chỉ huy của chúng tôi, nhưng tôi vẫn chưa có báo cáo gì về Tổng Tham Mưu vào lúc đó, cả với bộ chỉ huy Thiết Giáp cũng vậy. Riêng tôi, tôi không biết tại sao cả hai ông đã bị bắn chết. Vì cho tới giờ này, cũng như các Tướng Tá thành viên khác của Hội Đồng, tôi vẫn biết là Hội Đồng dù chưa có quyết định nào dứt khoát cho trường hợp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng gần như đã có một sự hiểu ngầm qua trao đổi ý kiến ngoài hành lang bán chánh thức giữa các thành viên của Hội Đồng, thì Tổng Thống được cho xuất ngoại như một người dân bình thường”.

“Gặp Trung Tướng Minh và các vị Tướng Lãnh ngay lối vào tòa nhà chánh, Thiếu Tướng Xuân báo cáo ngắn gọn rằng: 

“Mission accomplie (nhiệm vụ hoàn thành)”. 

“Trầm ngâm và đăm chiêu, Trung Tướng Minh chưa nói một lời nào sau báo cáo của Thiếu Tướng Xuân, thì Thiếu Tướng Khiêm (Trần Thiện Khiêm) ngay sau đó hỏi nhỏ: 

“Việc gì đã xảy ra?”

“Hai ổng đã chết rồi”. 

“Trung Tướng Minh trả lời ngắn gọn như vậy. Ngay lúc này, tôi có mặt tại chỗ, và chợt hiểu. Thì ra câu “nhiệm vụ đã hoàn thành” (mission accomplie) cũng có nghĩa là hai ổng đã chết rồi. Rất là rõ ràng. Trung Tướng Minh nói xong, tất cả đều không có một câu hỏi nào khác nữa và cùng nhau trở lên văn phòng, không đi ra chỗ Thiết Vận Xa đậu nữa. Tôi cũng đi theo”.

” Bước vào đây tôi mới thấy Đại Úy Nhung đã có mặt ở văn phòng của Tham Mưu Trưởng rồi, tức là văn phòng mà Trung Tướng Minh và các Tướng Tá trong Hội Đồng đang tạm sử dụng. Lúc bấy giờ, tôi mới biết thêm là Đại Úy Nhung đã lên đây trước và báo cáo với Trung Tướng Minh trước khi có người lên đây trình đoàn xe đón Tổng Thống đã về đến Tổng Tham Mưu. Đại Úy Nhung chỉ báo cáo riêng cho Trung Tướng Minh mà thôi, và chắc chắn là kín là mật, nên các Tướng Tá trong Hội Đồng, kể cả Thiếu Tướng Khiêm cũng chưa hay biết được việc gì đã xảy ra. Do đó, khi Trung Tướng Minh cùng các Tướng Tá trong Hội Đồng cùng đi xuống sân vận động dự trù để gặp Tổng Thống và ông Cố Vấn, thì chưa ai biết được việc gì đã xảy ra cho Tổng Thống cả. Vừa đến tầng dưới thì gặp ngay Thiếu Tướng Xuân từ ngoài sân bước vào, hớn hở báo cáo (công khai) với Trung Tướng Minh là nhiệm vụ đã hoàn thành”.

“Để trả lời câu hỏi: “Việc gì đã xảy ra của Thiếu Tướng Khiêm”, Trung Tướng Minh mới buông gọn một câu: “Hai ổng đã chết rồi”. Tôi đã kín đáo nhận xét thái độ của các thành viên trong Hội Đồng ngay tại hành lang tầng dưới của tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, ngay sau khi Thiếu Tướng Xuân báo cáo, và sau đó Trung Tướng Minh trả lời ngắn gọn cho Thiếu Tướng Khiêm. Thoạt đầu, tất cả đều có vẻ vui (có lẽ khi biết là đã đón hay bắt được Tổng Thống và ông Cố Vấn về đây rồi. PBH), vì ai cũng nghĩ rằng phe đảo chánh ta đã nắm chắc phần thắng 100% mà không còn sợ hậu họa gì nữa, vì hai ông không chạy vuột ra khỏi thủ đô để còn mưu tính chuyện gì khác đâu. Và câu “mission accomplie” cũng được các Tướng Tá trong Hội Đồng hiểu là đã bắt được hai ông về rồi. Đến lúc nghe Trung Tướng Minh trả lời cho Thiếu Tướng Khiêm là cả hai đều đã chết hết rồi thì phần đông đều có vẻ sững sốt, ngạc nhiên, đến độ không nói được một lời nào. Vì cứ y theo quyết định, thì cùng lắm cũng chỉ một mình ông Cố Vấn Nhu mà thôi, tại sao lại là hai người? Ai cũng nghĩ là Tổng Thống sẽ được Hội Đồng cho đi ra ngoại quốc, bây giờ tại sao lại như vậy? Phải giải thích thế nào đây? Riêng Trung Tướng Minh rất là trầm tỉnh, không nói một lời nào với Thiếu Tướng Xuân dù là một lời khen hỏi ủy lạo, chỉ vài lời ngắn gọn cho câu hỏi của Thiếu Tướng Khiêm thôi”.

“Sau đó vài hôm, tôi có dịp gặp lại Thiếu Tá Nhung (đã được thăng cấp. PBH). Để hết thắc mắc, tôi có gặn hỏi lại sự việc đã xảy ra như thế nào trong chiếc Thiết Vận Xa, thì Thiếu Tá Nhung vừa cười vừa trả lời cho tôi một cách gọn gàng như đã không có chuyện gì quan trọng xảy ra: 

“Một người cũng vậy, mà hai người cũng vậy thôi. Hai người cũng khó khăn lắm, nhưng chắc ăn hơn”. 

“Nhưng làm gì có lệnh cho hai người?” Tôi gợi ý hỏi thêm. 

“Vì ông Diệm chống cự lại sau khi ông Nhu bị tôi đâm chết, nên tôi phải thanh toán luôn. Có lệnh cũng được, mà không có lệnh cũng vậy thôi. Cho nó chắc ăn. Lúc đó đâu có đợi lệnh được anh”. 

“Thiếu Tá Nhung cũng cho tôi biết là anh đã sử dụng dao găm cá nhân của anh, và sau đó bồi thêm cho mỗi người một viên đạn ân huệ. Tôi còn nhớ mãi những câu đối đáp này mồn một, không bao giờ quên. Nhưng không bao giờ dám hé môi nửa lời … Bí mật quốc gia chăng? Cũng có thể là như vậy, vì Hội Đồng họp báo có tiết lộ điều gì rõ ràng đâu. Cũng không có giải thích điều gì, và cũng không có trả lời bất cứ câu hỏi nào có liên quan đến sự việc này”.

“Kết luận. Tôi xin tạm mượn một câu trích nguyên văn của cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn trong quyển Việt Nam Nhân Chứng: Tuy lúc đó tôi không nghĩ đến chuyện giết hai ông Diệm Nhu, sau này nhìn lại các sự kiện, tôi cho rằng người nào đó ra lệnh giết này, quả là một người thấy xa. Ông ta không phải ngu dại gì khi làm chuyện đó. Nhưng theo tôi, xét cho cùng, người nào đó cho dù có thấy xa, có ngu dại hay có khôn ngoan gì thì cũng không phải là người thực sự có quyền chủ động, và không thể chủ động gì trong sự việc này. Lý do rất đơn giản và rất dễ hiểu là lúc nào cũng có một bàn tay lông lá của người phù thủy với chiếc đũa thần, luôn luôn có mặt bên cạnh … đứng trong bóng tối”.

Hết phần trích dẫn.  

Trở lại phòng Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm. Sau một lúc bàn thảo và viết viết sửa sửa, một bản Thông Cáo được hoàn chỉnh, liền đưa sang đài phát thanh công bố cho toàn dân biết là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã thành công trong mục tiêu lật đổ chế độ độc tài gia đình trị của họ Ngô. Đồng thời cũng loan tin vắn tắt rằng, Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đã tự sát.

Ngay trong buổi sáng hôm nay (02/11/1963), Bộ Tổng Tham Mưu với hằng trăm phóng viên báo chí truyền thanh truyền hình trong nước ngoài nước, cùng với những vị hoạt động chính trị, ra vào tòa nhà chánh rất nhộn nhịp. Những chiếc xe bóng lộn chạy vào chạy ra như “con thoi” vậy. Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ra lệnh thả tất cả tù chính trị dù có án hay chưa có án. Hải Quân được lệnh ra trại tù Côn Sơn đón các tù nhân chính trị về thủ đô, dĩ nhiên là không có tù chính trị cộng sản. 

Buổi chiều (02/11/1963), trong buổi lễ đơn giản ngay trong phòng Thiếu Tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Trung Tướng Dương Văn Minh, nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, thăng cấp Trung Tướng cho các vị: Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, thăng cấp Thiếu Tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu và Đại Tá Nguyễn Hữu Có, cùng nhiều vị  cấp Tướng cấp Tá khác. 

Trung Tướng Minh ra lệnh mở cửa phòng họp số 1 và các vị bị giữ từ trưa hôm qua được ra về, nhưng đa số các vị này sau đó không còn ngồi lại chiếc ghế tại nhiệm sở của mình mà phải ngồi những chiếc ghế mà báo chí thường gọi là “ngồi chơi xơi nước”, hoặc ngồi ghế ở nhà riêng của quí vị ấy. 

Đến tối, hằng trăm sinh viên học sinh bị bắt giam trong cuộc tranh đấu cho Phật Giáo, sau khi ra khỏi nhà tù đã vào tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, mang theo đủ thứ thức ăn, nào bánh mì thịt, bánh tây, bánh ngọt, thịt quay, giò chã, cháo cá cháo thịt, …. đãi tất cả những ai có mặt tại đây, từ anh tùy phái, thư ký, đến cận vệ, tùy viên hay chánh văn phòng, và các vị Tướng Lãnh, một bữa ăn rất ý nghĩa trong một không khí thật vui. Phần tôi đã một ngày đêm không chợp mắt và cũng chẳng có thì giờ ăn uống mặc dù vợ tôi có gởi thức ăn vào cho tôi. Giờ đây công việc không đến nỗi vất vả nên thật ngon miệng.  

Trong khi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cùng với các nhân vật chính trị và tôn giáo, thảo luận về thành phần chánh phủ thay thế chánh phủ sụp đổ, thì thi hài ông Diệm và ông Nhu được đưa sang bệnh xá Tổng Tham Mưu, tọa lạc bên kia đường gần như đối diện với tòa nhà chánh Tổng Tham Mưu, để làm các thủ tục trước khi tẩn liệm và mai táng. Khai tử của hai ông làm tại quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, ngang cổng số 2 trại Trần Hưng Đạo, tức Bộ Tổng Tham Mưu. Nghề nghiệp trên tờ khai tử của ông Diệm thì tôi không được đọc, nhưng của ông Nhu ghi là “quản thủ thư viện”.

Tướng Trần Văn Đôn – Tướng đảo chánh 1/11/63

Trung Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Trung Tá Nguyễn Văn Luông (vừa thăng cấp) tìm mua hai quan tài tốt nhất, nhưng tìm cả Sài Gòn chỉ có một cái tốt nhất và cái còn lại được xem là tốt nhì. Dĩ nhiên cái tốt nhất dành cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Theo yêu cầu của bà Trần Trung Dung, cháu gái gọi  ông Diệm ông Nhu là cậu ruột, đưa hai quan tài đến quàn tại bệnh viện Saint Paul trên đường Phan Thanh Giản. Biết được tin đó, học sinh sinh viên vì phẫn uất trong tù đày khi tham gia đấu tranh cho sự công bằng tôn giáo, nên dự định đánh cắp quan tài của hai ông. Tin tức này đến tai bà Dung, Bà vội vàng xin Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển trở vào Bộ Tổng Tham Mưu. Sau cùng, hai quan tài được an táng tạm trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc.

Lễ an táng vị nguyên thủ quốc gia và vị cố vấn của ông ngay sau khi bị lật đổ, thật là thê thảm! Phải cử hành lúc nửa đêm để tránh những đụng chạm xô xát với học sinh sinh viên. Trong bóng đêm mù mịt, dưới ánh đèn pha loại nhỏ, ánh sáng chỉ đủ cho công việc hạ huyệt hai quan tài. Có mặt lúc đó, gồm vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung (một thời là Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng dưới quyền Tổng Thống Diệm), Trung Tá Nguyễn Văn Luông (trưởng ban mai táng), tôi, và một số quân nhân của Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu phụ trách an táng. Xong, một biên bản được thiết lập, và toàn bộ hồ sơ được ghép thành một tập dày cùng với hình ảnh từ lúc tẩn liệm đến khi hoàn thành hai ngôi mộ. Hai ngôi mộ thật bình thường. Tôi có giữ một hồ sơ này, nhưng cuối cùng cũng phải thiêu hủy sau ngày chế độ tự do Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sụp đổ 30/04/1975.

Chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ được Trung Tướng Dương Văn Minh, với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, chức năng Quốc Trưởng tấn phong, trong khi nhiều nhân vật từng được ông Diệm và ông Nhu tin cẩn bị bắt giữ. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, trong ngành hành chánh, là Đốc Phủ Sứ thời Pháp cai trị, nguyên là Phó Tổng Thống của Tổng Thống Diệm, nhưng ông được mời thành lập chánh phủ có lẽ nhờ vào thành tích khôi phục nền kinh tế trong những năm trước đó, với lại ông cũng chưa bị tai tiếng gì trong dư luận. Tân chánh phủ có màu sắc dân sự dù là có vài vị Tướng Lãnh nắm giữ Bộ Quốc Phòng và Bộ An Ninh (tức Bộ Nội Vụ cũ), nhưng thực chất lãnh đạo quốc gia vẫn là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng mà Trung Tướng Minh là Chủ Tịch, hành sử chức năng Quốc Trưởng.

Những ngày tiếp theo, các chính khách vẫn ra vào Bộ Tổng Tham Mưu tuy không nhộn nhịp như những ngày đầu, nhưng tòa nhà chánh lúc nào cũng có khách dân sự -nói chung- vào gặp Trung Tướng Minh hoặc Trung Tướng Khiêm.

Chiều ngày 03/11/1963, Đại Tá Đặng Văn Quang, sau khi được điều chỉnh từ Đại Tá tạm thời thành Đại Tá thực thụ, ông nói với Trung Tướng Khiêm: 

“Trung Tướng lo thăng cấp cho nhiều người mà Trung Tướng quên thằng Hoa và nhân viên văn phòng. Tụi nó thức với Trung Tướng hai ngày nay, mà chánh văn phòng của Trung Tướng là cực nhất đó”.

“Đúng là tôi không nhớ. Chú Hoa, chú và mấy chú trong văn phòng mỗi chú được thăng 1 cấp. Chú bảo Phòng Tổng Quản Trị làm xong Nghị Định đưa vào tôi trình Trung Tướng Minh duyệt ký”.

Thế là tôi được thăng cấp Thiếu Tá từ hôm đó. 

Các chức vụ quan trọng tại trung ương ngay sau cuộc đảo chánh thành công, như sau: 

Trung Tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, tức Quốc Trưởng. 

Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng. 

Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, vẫn Tham Mưu Trưởng Liên Quân. 

Trung Tướng Tôn Thất Đính, Tổng Trưởng Bộ An Ninh kiêm Tư Lệnh Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật. 

Các chức vụ quan trọng tại địa phương, như sau: 

Trung Tướng Đỗ Cao Trí, từ Đà Nẵng lên Plei Ku nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật , hoán chuyển với Trung Tướng Nguyễn Khánh.

Trung Tướng Nguyễn Khánh, từ Plei Ku xuống Đà Nẵng nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Vùng I Chiến Thuật, hoán chuyển với Trung Tướng Trí.

Trong khi cuộc đảo chánh chưa phân thắng bại, Thiếu Tướng Khánh chần chừ trong quyết định ủng hộ bên nào, đến gần sáng 02/11/1963 mới lên tiếng ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, và khi thành công ông cũng được thăng cấp Trung Tướng.

Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn, Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật. Đại Tá Nhơn nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ trung tuần tháng 12/1962 do Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm bàn giao lại, và chuyển Sư Đoàn từ Cần Thơ xuống Bạc Liêu. Đảo chánh thành công, Đại Tá Nhơn được thăng cấp Thiếu Tướng và nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV thay Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao bị cách chức.

Các chức vụ Tư Lệnh Hải Quân (Đại Tá Hồ Tấn Quyền), Tư Lệnh Không Quân (Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền), Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh (Đại Tá Bùi Đình Đạm), Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh (Đại Tá Bùi Dzinh), Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù (Đại Tá Cao Văn Viên), Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (Đại Tá Lê Nguyên Khang), Chỉ Huy Trưởng Sở Khai Thác Địa Hình (Đại Tá Lê Quang Tung, bị giết trong ngày đảo chánh), ….. và Trưởng Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu (Đại Tá Nguyễn Văn Phước), đều bị thay thế. Riêng Đại Tá Cao Văn Viên, chỉ vài ngày sau được trở lại chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù.

Tướng lưu vong Nguyễn Chánh Thi – đảo chánh 1960

Ngày 08/11/1963, tôi chuyển lệnh của Trung Tướng Trần Thiện Khiêm sang Bộ Tư Lệnh Không Quân, cấp 1 chiếc trực thăng lên Gò Dầu Hạ (tỉnh Tây Ninh) đón Đại Tá Nguyễn Chánh Thi về Sài Gòn. Trực thăng về đáp ngay trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi dùng xe của Trung Tướng Khiêm ra đón Đại Tá Thi và đưa vào phòng Trung Tướng Khiêm. Hai vị, sau cái bắt tay đã ôm nhau với nụ cười ròn rã. Nhưng liệu đằng sau hai nụ cười đó có phải xuất phát từ tình cảm chân thành hay chỉ là đầu môi? Bởi vì 3 năm trước đây, một vị lãnh đạo cuộc đảo chánh (Đại Tá Thi) và một vị chỉ huy đánh dẹp cuộc đảo chánh đó (Trung Tướng Khiêm), giờ đây lại gặp nhau, bắt tay nhau, cùng nhau cười, nhưng cười vui hay cười gượng! 

Chính trị, theo tôi, là một loại ngôn ngữ và hành động mà mỗi người hiểu theo cách riêng của mình tùy theo bối cảnh chung, sự kiện riêng, thời gian và không gian của nó. Nói như vậy, hành động như vậy, nhưng không nhất thiết là như vậy. Phải chăng, Trung Tướng Khiêm và Đại Tá Thi đang là như vậy?

Cũng theo tôi, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là vị lãnh đạo có bản lãnh chính trị. Ông là người thấy trước sự suy yếu trên chính trường quốc tế của Việt Nam Cộng Hòa nếu như chấp thuận cho Hoa Kỳ thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và như vậy cuộc chiến tranh chống cộng sản sẽ mất thế chính trị, trong khi thế chính trị rất là quan trọng nếu không nói là có tính cách quyết định đối với cuộc chiến mà Việt Nam Cộng Hòa đang lâm trận (và điều này đã thật sự xảy ra). Nhưng rất có thể cũng vì ông có tầm nhìn xa như vậy mà ông đã bị lật đổ và bị giết chết? Vì thế mà cái chết của ông vẫn còn là một nghi vấn về người ra lệnh giết ông. Nhất thiết người đó phải là người Việt Nam có thẩm quyền lúc bấy giờ, nhưng liệu có phải chính người ấy tự mình quyết định hay người ấy cũng chỉ là người thi hành lệnh của ai đó đằng sau nữa? Nghi vấn cao nhất của tôi về người duy nhất ra lệnh giết Tổng Thống Diệm ông Nhu vẫn là cựu Đại Tướng Dương Văn Minh. Giả thuyết rằng, nếu Đại Tướng Minh tự nhận ra lệnh cho Đại Úy Nhung giết ông Diệm, điều đó đúng hay sai tốt hay xấu còn tùy thuộc nhiều yếu tố mà những sử gia sẽ dẫn đến sự phán xét sau này, nhưng nếu Đại Tướng Minh cho là ông thi hành lệnh của Hoa Kỳ chẳng hạn, chúng ta có thể phán xét ngay bây giờ chớ không cần chờ đợi sự phán xét sau này của lịch sử. Nhưng năm 2003, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh đã từ trần, xin để ông yên nghỉ!    

Mặt khác, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong hơn 9 năm cầm quyền, vừa chiến đấu chống du kích cộng sản, vừa xây dựng được nền kinh tế non trẻ bước đầu, và năm 1962 đã cân bằng được ngân sách quốc gia. Tổng Thống cũng là người lãnh đạo trong sạch, nhưng ông phải chịu trách nhiệm về mọi tác hại do anh em ông gây ra cho dân tộc, bởi vì ông là Tổng Thống, ông đã không ngăn chận, hoặc ông không đủ can đảm ngăn chận hành động của anh em ông, hoặc là ông xem thường thái độ chính trị của đồng bào dưới quyền ông nên để mặc anh em của ông thao túng!

Phải chăng ưu điểm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm dù có nhiều, nhưng không bù được khuyết điểm của ông, vì khuyết điểm từ trong trách nhiệm của ông mới thật là cốt lõi của lãnh đạo! 

Khi thăm đơn vị quân đội, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường nhắc nhở người lính “chiến thắng ở mặt trận nhưng không nên tỏ ra kiêu căng ở hậu phương, vì như vậy là kiêu binh, mà kiêu binh thì mất lòng dân, mất lòng dân thì không thắng được cộng sản trong cuộc chiến tranh toàn diện này”.

Vậy, có phải là Tổng Thống đã vấp phải điều mà ông răn dạy quân đội không?

Nhưng dù sao thì cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm -và chỉ riêng Tổng Thống Ngô Đình Diệm thôi- tôi nghĩ, đã để lại nhiều luyến tiếc, thương cảm, thậm chí là ngưỡng mộ, trong các thành phần xã hội, kể cả quân nhân các cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Phim tài liệu tìm thấy trên Internet  “Death of a Regime – Cái chết của mộ Chế Độ” – do báo chí Mỹ tường thuật lúc đó.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt