Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (Hết)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Thay lời kết và hết”

THAY LỜI KẾT

Thưa quí vị, quí bạn,

Những ngày cuối Tháng Tư, thường gợi lại trong mỗi người Việt Nam Cộng Hòa cũ, nhất là những cựu quân nhân chúng ta, dấu ấn sâu đậm nhất trong đời quân ngũ. Những ngày đó thật là ngắn ngủi đối với lịch sử, nhưng là những ngày mà thế hệ chúng ta đã để lại một vệt đen trong dòng lịch sử đương đại. “Vệt đen đó” có thật sự là do lỗi lầm của chúng ta hay không, còn phải chờ lịch sử phán xét, nhưng có điều chắc chắn là chúng ta phải chia phần gánh vác trách nhiệm chưa tròn của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa!      

Cuộc chiến tranh chống cộng sản để bảo vệ tổ quốc Việt Nam, thật sự là tôi không rõ bắt đầu từ lúc nào. Tính từ ngày ngưng bắn theo Hiệp Định Đình Chiến ký tại Genève, Thụy Sĩ,  ngày 20 tháng 7 năm 1954, hay tính từ năm thứ 3 sau đó?

Sở dĩ tôi nêu câu tự hỏi “tính từ năm thứ ba”, là vì Hiệp Định dự liệu 2 năm sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc. Với lại 2 năm dự liệu trong Hiệp Định, cộng sản chưa có hoạt động công khai nào nên xem như thanh bình. Do sự phản đối của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc bầu cử đã nói trong Hiệp Định, vì chánh phủ không ký vào đó nên không chấp nhận sự ràng buộc phải thi hành. Thế là cộng sản công khai gây chiến ngay từ năm thứ ba, tức năm 1957.     

Năm 1964, Bộ Tổng Tham Mưu có ban hành một văn kiện, theo đó thì cuộc chiến tính từ ngày 1 tháng 1 năm 1960. Thật ra nội dung này không có tính cách xác định chiến tranh bắt đầu từ ngày đó, mà nhằm có một định điểm tương đối về thời gian để ấn định niên hiệu trên cuống huy chương “Chiến Dịch Bội Tinh”. Chiến Dịch Bội Tinh trên ngực áo của hầu hết quân nhân có một hoặc hai niên hiệu: Niên hiệu 1945-1954 đối với những quân nhân phục vụ từ trước đến khi kết thúc cuộc chiến đó. Và niên hiệu thứ hai mới có số “1960-…….” đối với những quân nhân mới vào quân đội sau ngày đình chiến tháng 7 năm 1954. Và niên hiệu thứ hai này mới có 4 số đầu. Tôi nghĩ, một triệu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có mặt trên quê hương Việt Nam đến lúc 10 giờ 15 ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta tự động ghi lên niên hiệu 4 số kế tiếp là “1975”. Không cần ghi lên cuống huy chương có nền xanh trắng, mà chúng ta chỉ cần ghi vào ký ức chúng ta là đủ. 

Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta nên thực hiện thêm niên hiệu thứ ba với 4 số đầu là “1976-……”, vì tuy chúng ta thua trận với ít chất là 222,809 người vào tù, hằng trăm ngàn đồng đội khác lẩn trốn hay đang sống khổ đau dưới chế độ độc tài của cộng sản ngay trên quê hương Việt Nam, và hằng triệu người gồm đồng bào đồng đội vượt thoát tìm tự do khắp năm châu bốn biển, ước lượng khoảng 3.000.000 người. Nhưng những hành động của tất cả chúng ta bằng cách này hay cách khác, đều thể hiện ý nghĩa của một cuộc chiến tranh khác trong mục đích tiếp tục chống nhóm lãnh đạo cộng sản độc tài cũng như chồng bất cứ chế độ độc tài nào khác trên đất nước Việt Nam. Tôi muốn nói đến năm 1975 một cuộc chiến kết thúc, năm 1976 một cuộc chiến khác bắt đầu. Và cuộc chiến đó đến nay là năm (2014), vẫn đang tiếp diễn và ngày càng quyết liệt. Chỉ khác cuộc chiến 1954-1975, thay vì vũ khí là súng đạn, thì cuộc chiến cho tự do dân chủ trên quê hương Việt Nam này với vũ khí chính trị, nhân quyền, kinh tế, giáo dục, nói chung vũ khí trong cuộc chiến hiện nay là một tổng hợp mọi sinh hoạt quốc gia.         

Vậy, chiến tranh bắt đầu từ ngày nào? Theo tôi, tôi tính từ ngày 20 tháng 7 năm 1954, là ngày ký Hiệp Định Đình Chiến tại Genève, vì cộng sản đã từ đó bắt đầu thực hiện kế hoạch để lại hằng chục ngàn cán bộ các loại của chúng ở lại nam vĩ tuyến 17 khi chúng “tập kết” (danh từ dùng trong Hiệp Định) ra bắc vĩ tuyến 17. Như vậy, về phía cộng sản thì họ bắt đầu ngay từ ngày ấy cho một cuộc chiến kế tiếp sau cuộc chiến 1945-1954. Và nếu tính từ đó, thì chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc của chúng ta đến ngày “thua trận cuối cùng trong một giai đoạn chiến đấu” từ ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, là 20 năm 9 tháng 10 ngày, hay là 7.583 ngày!  

Chức vụ Tổng Thống. Với thời gian hơn 20 năm không phải là dài đối với lịch sử, nhưng trong thời gian đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta lần lượt do 7 vị Tổng Thống hay Quốc Trưởng lãnh đạo, là: Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là Thủ Tướng hơn 9 năm. Quốc Trưởng Dương Văn Minh 3 tháng. Quốc Trưởng Nguyễn Khánh 9 tháng. Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu 8 tháng. Quốc Trưởng rồi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gần 10 năm. Tổng Thống Trần Văn Hương 7 ngày. Sau cùng là Tổng Thống Dương Văn Minh không do dân bầu, chưa được 2 ngày.

Tổng Thống Thiệu -tính cả thời gian giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia- gần 10 năm, là người trị vì lâu nhất, và vị có nhiệm kỳ ngắn nhất là Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ vừa hơn 40 tiếng đồng hồ. Ông là vị Tướng can đảm nhất khi tình nguyện nhận chức Tổng Thống, nhưng ông cũng là vị Tướng nhục nhã nhất khi tuyên bố đầu hàng cộng sản. Nhưng không biết người dân Việt Nam Cộng Hòa chúng ta nói chung và thị dân Sài Gòn nói riêng, có nên cám ơn ông hay không, vì “nhờ” ông đầu hàng mà Sài Gòn không bị tàn phá bởi hỏa tiễn và đạn đại bác của cộng sản? Nhưng chẳng lẽ ông “tình nguyện” giành chức Tổng Thống để đầu hàng sao? Nếu mục đích chỉ có như vậy thì đâu cần đến vị Tướng mà lại là Tướng 4 sao nữa chớ! Chắc không phải vậy. Nhưng điều nhục nhã đó đã xảy ra như vậy, biết giải thích sao đây!   

Chức vụ Thủ Tướng. Đây là cấp lãnh đạo quốc gia hàng thứ hai, đã lần lượt qua tay 11 vị, là: Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ. Thủ Tướng Nguyễn Khánh (kiêm nhiệm). Thủ Tướng Trần Văn Hương (lần 1). Thủ Tướng Phan Huy Quát. Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc. Thủ Tướng Trần Văn Hương (lần 2). Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn. Sau cùng là Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu chưa kịp trình diện chánh phủ thì Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng! Người “trị vì” lâu nhất là Thủ Tướng Ngô Đình Diệm hơn 9 năm, và vị có nhiệm kỳ ngắn nhất là Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu.

Chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng. Với chức vụ này, lần lượt do 10 vị sau đây, là: Tổng Thống Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm. Trung Tướng Trần Văn Đôn (lần 1). Trung Tướng rồi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (lần 1). Trung Tướng Nguyễn Khánh. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng Nguyễn Hữu Có. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm (lần 2) kiêm nhiệm. Trung Tướng Trần Văn Đôn (lần 2). Sau cùng là giáo sư Bùi Tường Huân trong nội các của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu chưa kịp trình diện.  

Chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng. Có 9 vị lần lượt giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng hay tương đương, là: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng rồi Đại Tướng Lê Văn Tỵ. Khi lâm trọng bệnh, Trung Tướng Khánh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Cách Mạng hành sử chức năng Quốc Trưởng, đã gắn cấp bậc Thống Tướng 5 sao tại giường bệnh trước khi ông từ trần. Trung Tướng Trần Văn Đôn kiêm nhiệm. Trung Tướng rồi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm kiêm nhiệm. Trung Tướng rồi Đại Tướng Nguyễn Khánh kiêm nhiệm. Trung Tướng Trần Văn Minh. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng Nguyễn Hữu Có kiêm nhiệm. Thiếu Tướng rồi Trung Tướng rồi Đại Tướng (4 sao) Cao Văn Viên. Sau cùng là Trung Tướng Vĩnh Lộc.

Chức “nguyên soái” này trong tay Đại Tướng Cao Văn Viên là lâu nhất, đến 9 năm rưỡi, và Trung Tướng Vĩnh Lộc là vị Tổng Tham Mưu Trưởng có thời gian ngắn nhất, chỉ 18 tiếng đồng hồ!

Hoạt động của quân cộng sản. Trong thời gian từ giữa năm 1954 đến cuối năm 1959 (4 năm rưởi), hoạt động của cộng sản chỉ trong phạm vi chính trị với những cuộc biểu tình quanh quẩn các thị trấn nhỏ, và hoạt động kinh tài vùng nông thôn (cưỡng bách dân đóng thuế), cứ xem như là thời gian hòa bình tương đối. Từ đầu năm 1960 đến cuối năm 1964 (5 năm), cộng sản mở rộng sang hoạt động quân sự từ cấp Tiểu Đội, dần lên cấp Trung Đội, Đại Đội, và lác đác có vài trận đánh đến cấp Tiểu Đoàn. Tất cả chỉ trong hình thái chiến tranh du kích. Từ đầu năm 1965, vừa áp dụng du kích chiến và vừa chuyển sang hình thái vận động chiến với cấp Trung Đoàn. Từ năm 1966, quân lực Việt Nam Cộng Hòa và quân lực Đồng Minh, bắt đầu đánh nhau với quân chính qui cộng sản cấp Sư Đoàn từ  lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của họ xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa chúng ta theo hành lang dãy Trường Sơn. Và 2 tháng sau cùng của cuộc chiến hơn 20 năm, cộng sản đã điều động cấp Quân Đoàn tấn công vào thủ đô Sài Gòn, nơi tập trung toàn bộ cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta.

Có điều không rõ là tổ chức của quân cộng sản có đúng theo tổ chức cấp Quân Đoàn hay không, hay chỉ vài Trung Đoàn với một Sư Đoàn cũng thuộc loại gán ghép là họ gọi Quân Đoàn để “hù dọa” chúng ta chăng?     

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ 150.000 người vào năm 1956, với trang bị các loại vũ khí do Pháp và Mỹ sản xuất từ trước và trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2, với tổ chức đơn vị chỉ đến cấp Tiểu Đoàn. Mười năm sau đó -tức năm 1966- quân số tăng lên đến 733.252 người, không còn sử dụng các loại vũ khí do Pháp sản xuất nữa, nhưng nhìn chung thì trang bị cũng chưa được cải tiến bao nhiêu, vì mọi quân dụng đều do Hoa Kỳ sản xuất từ trong đệ nhị thế chiến. Theo đà bành trướng chiến tranh của quân cộng sản, quân đội phải phát triển lên đến 1.100.000 quân vào giữa năm 1974, và được trang bị các loại vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất, trong đó có một số loại vũ khí thuộc thế hệ mới, thậm chí còn trong thời kỳ trắc nghiệm nữa. 

Về tổ chức. Các đơn vị từ cấp Tiểu Đoàn được phát triển lên cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn, Quân Đoàn, với đầy đủ các quân chủng tác chiến, các binh chủng tác chiến lẫn yểm trợ tác chiến, và các binh sở chuyên môn yểm trợ hành chánh tài chánh, hành chánh nhân viên, hành chánh tiếp vận.

Về quản trị con người. Từ làm bằng tay xem từng hồ sơ phiếu, từng bước tiến lên quản trị bằng máy điện toán IBM 360/20 rồi 360/40, do Trung Tâm Điện Toán Nhân Viên trực thuộc Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tham Mưu trách nhiệm .

Về quản trị quân dụng. Cũng từ công tác làm bằng tay đã tiến lên sử dụng máy điện toán IBM 360/40 và sau cùng là máy IBM 360/50, do Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận trực thuộc Tổng Cục Tiếp Vận trách nhiệm. Đây là loại máy được xem là tối tấn nhất đối với quân đội các quốc gia vùng Đông Nam Á, mà hội nghị Tiếp Vận các quốc gia vùng tây Thái Bình Dương tại Okinawa vào tháng 10 năm 1971 đã đánh giá như vậy.        

Về huấn luyện. Một hệ thống quân trường gồm các Trung Tâm Huấn Luyện, các Trường Chuyên Môn, các Trường Võ Bị, Trường Chỉ Huy Tham Mưu, Trường Hải Quân, Trường Không Quân, và cao hơn hết là Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, có nhiệm vụ huấn luyện căn bản, và từng bước nâng cao trình độ huấn luyện từ người quân nhân có cấp bậc thấp nhất đến sĩ quan các cấp và Tướng Lãnh. Nhiều vị Tướng và cấp Đại Tá đã theo học các lớp Quản Trị Quốc Phòng tại Mỹ. Nhiều sĩ quan tham mưu và sĩ quan các binh chủng binh sở, được đào tạo các trường tại Pháp và các quốc gia thuộc địa của Pháp từ trước năm 1954, về sau du học Hoa Kỳ. Đặc biệt là Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt với chương trình 4 năm, đào tạo đội ngũ sĩ quan có khả năng lãnh đạo các ngành sinh hoạt quốc gia trong tương lai, sau thời gian gạn lọc qua kinh nghiệm chiến trường, kinh nghiệm tham mưu, và nhất là kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy quân đội ở các cấp đơn vị.

Tuy chưa phải là hoàn hảo, nhưng tất cả những khả năng đó gộp lại, đã tạo cho quân đội một sức mạnh dũng mảnh về vật chất lẫn tinh thần, mà chính quân cộng sản – qua các tài liệu tịch thu được – phải thừa nhận là họ dễ dàng chấp nhận đánh nhau với quân đội Hoa Kỳ hơn là đương đầu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dù rằng hỏa lực của Hoa Kỳ là cực kỳ mạnh.

Về phí tổn chiến tranh. Ngân sách quốc phòng tiêu tốn xấp xỉ con số 3.000 tỉ bạc Việt Nam, và phần Hoa Kỳ viện trợ quân sự tính thành tiền cũng khoảng 8 tỉ mỹ kim. Cũng nên nói thêm rằng, trong ngân sách quốc phòng Việt Nam, phần viện trợ của Hoa Kỳ chiếm 25% và được gọi là “viện trợ chung đậu”. Phần viện trợ này phân phối rải rác trong các chương của ngân sách, nghĩa là nó hòa trong các chi tiêu chớ không phải viện trợ chỉ để trả lương (vì không ít người lầm tưởng như vậy). Riêng phần quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), con số chi tiêu lên đến 104 tỉ mỹ kim (theo tài liệu của Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa đầu năm 1973, nhưng họ nói là chưa chính xác).            

Một quân đội phát triển theo nhu cầu chiến trường. Với một hệ thống tổ chức chặt chẻ từ hạ tầng đến thượng tầng, và luôn có những biến cải thích nghi với tình thế, dù chưa phải là hoàn thiện. Với tài liệu và phương pháp huấn luyện dựa theo Hoa Kỳ nặng về kỹ thuật, theo kinh nghiệm chiến tranh du kích do Viện Nghiên Cứu Quân Sự Đông Dương của quân đội Pháp đúc kết, và tài liệu do Tổng Cục Quân Huấn/Bộ Tổng Tham Mưu cùng các quân trường sáng tạo qua kinh nghiệm thực tế chiến trường. Với nổ lực áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng phương tiện tân tiến vào công tác quản trị con người, quản trị quân dụng một cách nhanh chóng và chính xác. Với một phí tổn gồm của Việt Nam Cộng Hòa lẫn của Hoa Kỳ là hết sức lớn lao, và nhất là với một tinh thần phục vụ quân đội, một tinh thần chiến đấu dũng cảm của “Người Lính Việt Nam Cộng Hòa”, cùng với tinh thần chống cộng quyết liệt của các viên chức hành chánh, cán bộ, và nhân dân. Ấy vậy mà Việt Nam Cộng Hòa chúng ta thua trận sau hơn 20 năm chống giữ! 

Trách nhiệm mất nước do đâu? Do tập thể quân đội, do cấp lãnh đạo quốc gia, cấp lãnh đạo quân đội, hay là do tất cả gộp lại? Và liệu Hoa Kỳ có phần trách nhiệm trong này không?

Tôi nghĩ, rất có thể là quí vị quí bạn đồng ý với tôi rằng, chúng ta chiến đấu chống cộng sản là chiến đấu cho dân tộc Việt Nam chúng ta, chiến đấu để bảo vệ tổ quốc Việt Nam chúng ta, chớ không phải chúng ta chiến đấu cho Hoa Kỳ hay cho bất cứ quốc gia nào khác. Vì vậy mà tôi không nghĩ đến trách nhiệm của Hoa Kỳ trong sự thua trận của chúng ta. Khi khẳng định điều đó tôi vẫn hiểu rằng, quân đội Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên đất nước chúng ta và tham chiến bên cạnh chúng ta, là để chứng tỏ rằng họ chiến đấu ngăn chận sự bành trướng ý thức hệ cộng sản, đó là thế giới đối nghịch với thế giới tự do mà Hoa Kỳ là nước lãnh đạo, chớ không thuần nhất là họ chiến đấu cho riêng quốc gia chúng ta đâu. Xin nhớ rằng, trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm, mà tất cả vì quyền lợi của quốc gia, ngoại trừ các quốc gia cộng sản chỉ phục vụ cho  quyền lợi của đảng họ.    

Tôi vẫn hiểu rằng, thực trạng của Việt Nam chúng ta từ năm 1954, nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ thì cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc của chúng ta chắc chắn là vô vàn khó khăn. Nhưng đã nói đi thì cũng nên nghĩ lại, đó là ở vào bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, một bối cảnh chia ra 2 khối trong một thế giới: một bên là dân chủ tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo, và một bên là cộng sản độc tài do Nga Sô lãnh đạo. Cả hai cường quốc này đều sử dụng các quốc gia nhỏ chịu ảnh hưởng của họ vào mục tiêu chiến lược trải rộng tầm ảnh hưởng của họ bao trùm thế giới, hay ít ra cũng là phần lớn thế giới. Với bối cảnh như vậy, sự kiện quân lực Hoa Kỳ chiến đấu chống cộng sản trên đất nước Đại Hàn, trên eo biển Đài Loan, trên đất nước Việt Nam chúng ta, cũng là sự kiện mà Hoa Kỳ phải làm, vì tất cả đều nằm trong mục tiêu chiến lược của họ. Vì thế mà tôi vừa cảm ơn chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ, vừa rút lại lời cảm ơn đó chỉ riêng với các vị lãnh đạo Hoa Kỳ, vì các vị lãnh đạo hiệp chủng quốc đã khống chế quá mức các vị lãnh đạo của chúng ta.   

Vậy mà, quí vị lãnh đạo của chúng ta dắt díu nhau lên phi cơ bay ra ngoại quốc bỏ lại sau lưng một quê hương, một dân tộc, một quân đội mà quí vị đã bao nhiêu lần ra lệnh cho chúng tôi qua những cách khác nhau, tựu trung bảo Người Lính phải bảo vệ tổ quốc bảo vệ dân tộc cho dẫu phải hi sinh! Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu bỏ chạy ra ngoại quốc với tư cách hai vị đương  quyền đi công du trong 6 tháng tại bất cứ quốc gia nào, và mọi chi phí do ngân sách quốc gia đài thọ! Vậy là, cuối cùng của cuộc chiến 20 năm, quí vị vẫn hưởng bỗng lộc của quốc gia mặc cho 18 triệu dân chìm sâu trong sự cai trị nghiệt ngã của cộng sản, mà trong đó có 1.000.000 Quân Nhân đã góp phần đưa quí vị lên đỉnh cao của quyền lực một thời!             

Thật là đau lòng, đến nay đã bao năm lưu vong, chưa một vị lãnh đạo đầy quyền lực nào của chúng ta thuở ấy, dám nhận trách nhiệm với lịch sử cả. Trái lại, vẫn cho rằng “mất nước là tại Mỹ bỏ rơi!” Tất nhiên là trong hoàn cảnh sống trên đất người, không ai có thẩm quyền gắn trách nhiệm sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho vị này hay vị khác, vì trên vị quyền lực này có vị quyền lực khác, và cứ như thế. Nhưng chia đều trách nhiệm một cách bình quân như cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, tôi e không hợp lẽ công bằng, bởi vì trách nhiệm phải cân bằng với quyền lực trong mọi chức vụ. Chữ “trách nhiệm” mà tôi dùng ở đây, là cột chặt trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Dân Tộc trong lãnh vực quân sự mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa tròn.

Trong lịch sử, cũng có những tiền nhân bị mất nước, nhưng cái nhục của thế hệ chúng ta là mất nước không phải vì đánh nhau thua trận, mà vì lý do nào đó, hay vì trách nhiệm của giới chức nào, tập thể nào, hay là tất cả gộp lại, chúng ta phải chờ lịch sử soi sáng qua từng góc cạnh của những vị lãnh đạo, từng góc cạnh của bối cảnh quốc gia quốc tế liên quan. Nhưng nếu quí vị lãnh đạo nói rằng, “chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sụp đổ là do Hoa Kỳ”, liệu chúng ta có còn nhân cách khi đứng trước quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió hay khi đứng trước bàn thờ tổ quốc dù chưa phải là trên quê hương Việt Nam không? Bởi vì, đất nước là đất nước Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, các vị lãnh đạo quốc gia và lãnh đạo quân đội đều là Việt Nam, tất cả quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều là Việt Nam, lúc hi sinh vì Tổ Quốc Việt Nam, vì Dân Tộc Việt Nam, được nằm trong quan tài Việt Nam, được nghe lời nguyện bằng tiếng Việt Nam, và ngàn đời được yên nghỉ trong lòng đất Việt Nam, thì đối với lịch sử, chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm đã để đất nước vào tay cộng sản độc tài! Chữ “trách nhiệm” mà tôi dùng ở đây, là trách nhiệm của tất cả những vị thuộc hàng lãnh đạo bất kỳ lãnh vực nào trong hệ thống tổ chức và quản trị xã hội, đặc biệt là lãnh vực chính trị và quân sự.

Trong bang giao quốc tế, không có vấn đề tình cảm mà chỉ có quyền lợi quốc gia. Hoa Kỳ giúp chúng ta là do quyền lợi của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam cũng do quyền lợi của họ, vấn đề là “khả năng và bản lãnh” của những vị lãnh đạo trong mọi hoàn cảnh đất nước, sẽ tạo thế đứng cho những vị đó trong lịch sử: Hoặc được người đời vinh danh hay bị người đời nguyền rủa, lưu mãi trong sử sách, truyền mãi trong dân gian! Bởi, khi quí vị lãnh đạo hiệu triệu đồng bào cũng như lúc quí vị ra lệnh cho cấp dưới, quí vị đều nhân danh chức vụ của quí vị chớ quí vị đâu có nói thay mặt cho Hoa Kỳ, đến khi thua trận thì quí vị lại nói là do Hoa Kỳ!  

Thế hệ chúng ta, đã thừa hưởng một giang sơn gấm vóc, một truyền thống hào hùng của những bậc tiền nhân lừng danh thế giới trong hành trình mở nước và giữ nước, một nền văn hoá dân tộc trải dài nhiều ngàn năm trong lịch sử, trong đó con người được trân trọng. Đến lượt chúng ta, chúng ta chiến đấu giữ nước và phát triển đất nước, nhưng đã để đất nước vào tay chế độ cộng sản độc tài, một chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại! Tuy nhóm lãnh đạo cộng sản cũng là người cùng chủng tộc, nhưng họ rập khuôn theo cộng sản quốc tế mà cai trị dân tộc với những chính sách độc tài nghiệt ngã! Và thật sự là họ đã tàn bạo hơn quân xâm lược Trung Hoa phong kiến, và nghiệt ngã hơn thời bị thực dân Pháp cai trị! 

Theo quí vị, thế hệ chúng ta vừa để lại những gì cho thế hệ tiếp nối chúng ta, và những thế hệ sau nữa? Phải chăng là “kinh nghiệm từ một chế độ tự do sụp đổ”, một kinh nghiệm luôn giằng xé chúng ta trong quảng đời còn lại!       

Từ góc độ đạo lý mà soi rọi vào thảm cảnh chúng ta, phải chăng là chúng ta bị trừng phạt “từ đâu đó”, vì chúng ta không thực hiện tròn vẹn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc trong những buổi lễ tốt nghiệp tại các trường quân sự! Bởi thế mà hằng trăm ngàn đồng đội khi đặt chân lên đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã bị cái “sốc” khi bước vào một xã hội rất thực tế, thực tế đến độ tàn nhẫn của cuộc sống với biết bao gian truân của người lưu vong! Trong khi ít nhất cũng hơn hai trăm ngàn đồng đội chúng tôi, gồm: quân nhân, viên chức, cán bộ, các vị dân cử, các nhà kinh doanh sản xuất, các vị hoạt động chính trị, bị cộng sản lưu đày trong các nhà tù, vợ con bị đày đọa trong các khu kinh tế mới mà thực chất là những nơi lưu đày, tài sản thì bị chúng tịch thu.

Với quí vị lãnh đạo cũng như quí vị có quân có quyền đã bỏ chạy trước ngày sụp đổ, quí vị có biết là  “Những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi”, hằng mấy ngàn thương phế binh đã bị quân cộng sản quăng ra khỏi các Tổng Y Viện và quân y viện, hằng trăm ngàn nhà cửa bị cộng sản cướp, xe cộ bị cộng sản đoạt, nhiều chục ngàn gia đình trong số chúng tôi bị cộng sản lùa vợ con vào những nơi mà chúng gọi là “khu kinh tế mới”, hoặc đi lấy chồng vì không nơi nương tựa! Bản thân chúng tôi ít nhất cũng hơn 200.000 người bị lùa vào giam giữ nghiệt ngã trong hơn 200 trại tập trung của cộng sản, đã có nhiều ngàn đồng đội đồng tù của chúng tôi đã bỏ xác trong các vùng sình lầy sông rạch miền Nam, trong các vùng rừng núi hoang vu  miền Trung, miền Bắc, đến tận trại tập trung Cổng Trời sát biên giới Việt Nam-Trung Hoa cộng sản! Nghĩa là chúng tôi mất tất cả, đúng như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiên liệu một cách chính xác “Đất nước mất là mất tất cả!”.

Xin thưa, đoạn trên đây tôi không có ý phiền trách bất cứ vị nào, mà tôi chỉ muốn nói đến một góc nhỏ của sự thật hòa trong nhận thức của một sĩ quan tham dự suốt chiều dài cuộc chiến tranh bảo vệ tự do dân chủ 1954-1975! Tôi quan niệm, nói sự thật không phải là nói xấu, cho dẫu sự thật đó có đắng cay đến mấy cũng vậy. Xin quí vị vui lòng chấp nhận, vì lịch sử phải trung thực, và lịch sử không thể thiếu trong hành trang vào đời của những thế hệ sau chúng ta trên đường phục vụ quê hương dân tộc.  

   *****

Thưa quí vị quí bạn,

Ký ức tôi còn lưu lại ngần ấy sự kiện cùng với nét nhìn của tôi trong những biến cố chính trị đã xảy ra từ đêm “thiết quân luật” 20 tháng 8 năm 1963, được gói gém trong quyển sách này mà quí vị quí bạn vừa đọc qua. Tôi không có kết luận về trách nhiệm do đâu hay do ai mà chế độ tự do của Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, vì thiết nghĩ, phải trông chờ vào các sử gia mới có điều kiện thu thập tài liệu tạo thành dòng lịch sử đương đại, và dòng lịch sử đó có khả năng nói với thế hệ mai sau về những gì mà chúng ta đã nghĩ, đã làm, và kết quả.

Nhưng, trong khi chờ đợi sự phán xét của lịch sử, tôi nghĩ, tất cả chúng ta “Những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa”, cho dù diễn giải như thế nào đi nữa, cũng phải thừa nhận là chúng ta có chung trách nhiệm về ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà tổ quốc Việt Nam chúng ta bị cộng sản đánh chiếm và dân tộc Việt Nam bị cai trị bởi chế độ độc tài tàn bạo, do chúng ta chưa tròn trách nhiệm! Chúng ta hãy can đảm mà nhận trách nhiệm đó, vì có như vậy, chúng ta mới vơi bớt nỗi giày vò trong trái tim “Người Lính thua trận cuối cùng!”

Nhận trách nhiệm không chỉ là lời nói suông, mà tùy mỗi hoàn cảnh của chúng ta và bằng cách này hay cách khác, góp phần xây dựng Cộng Đồng Việt Nam tị nạn chúng ta có một sức mạnh tập thể, và góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam. Phần quan trọng khác, là hỗ trợ và khuyến khích con cháu chúng ta trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật, và rèn luyện nghị lực với một tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Từ sức mạnh đó, tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có khả năng góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị trên quê hương Việt Nam bền vững trong mục tiêu phục vụ nguyện vọng toàn dân.

Và tôi xin hết lời. 

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

Hết

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt