Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (37)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Nước mất, nhà tan nhiều tướng Việt Nam Cộng Hòa tuẩn tiết”

Thế  là  hết !!! 

Tôi lặng lẽ rời nơi đây, theo đường Lê Văn Duyệt, rẽ sang đường Trần Quốc Toản, ép bên phải để ghé vào Cục Mãi Dịch, chào các cộng sự viên cũ của tôi. Trung Tá Nguyễn Văn Thình, Cục Phó, hỏi tôi cách bàn giao ra sao? Tôi bảo:

“Không bàn giao gì cả, các bạn nào muốn lấy gì thì lấy rồi thản nhiên ra về, ai muốn vào đây làm gì mặc họ”. 

Dọc đường về nhà, những nơi mà  tôi vừa đi qua, có  biết bao bộ đồ trận -những bộ quân phục từng là biểu tượng quân phong quân kỷ của quân nhân- những mũ những giày, vất vưởng ngổn ngang trên đường phố. Trong dòng người ngược xuôi vội vã, có rất nhiều người quần đùi áo lót mà tôi tin đó là những đồng đội của tôi tạm thời lẩn tránh bọn cộng sản. (Hình ảnh này là một phần trong bản nhạc ”Như Lá Chết Cành Khô” do cựu Đại Tá Phan Văn Minh -đã một thời là Đổng Lý Văn Phòng của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ- sáng tác trong thời gian bị giam ở trại tập trung Hà Tây, tỉnh Hà Sơn Bình).

Quân cộng sản chưa thật sự có mặt trong thành phố, nhưng những tốp thanh niên nam nữ đeo băng tay đỏ với súng M16 trên tay và ngồi xe jeep chạy đó đây trong trên đường phố Sài Gòn. Đó là những bọn mà chúng tôi gọi là “cộng sản 30 tháng 4”. Dù trong một tầm nhìn hạn hẹp đó, tưởng cũng đủ nói lên một cảnh tượng trong biết bao cảnh tượng đau thương ngập tràn trái tim Người Lính Việt Nam Cộng Hòa vì chưa tròn trách nhiệm với dân với nước!

Chốc chốc tôi sờ vào chai độc dược trong túi, dự định của tôi khi xin Y sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh là tôi sẽ sử dụng nếu như tôi bị cộng sản bắt hoặc chưa bắt nhưng chúng sỉ nhục tôi. Nhưng, chiều hôm ấy, tôi đã ném nó vào thùng rác và với khẩu súng lục 9 ly (do ông Johnson, trưởng toán tình báo vùng đồng bằng Cửu Long tặng tôi tại Cần Thơ năm 1968) vào cái giếng ngay sau nhà cô tôi ở đường Thành Thái, sau khi vợ tôi ngồi dưới chân tôi vừa khóc vừa nói như van lơn:

“Anh ơi, trong mọi trường hợp, anh đừng bỏ em và các con nghe anh!”.

Tôi tin  là vợ tôi không biết gì về chai độc dược trong túi tôi, nhưng có lẽ do cảm tính đặc biệt của người vợ thấu hiểu tính chồng trong hoàn cảnh nghiệt ngã mà nói với chồng bằng cả tâm hồn người vợ người mẹ!

Hơn một tiếng đồng hồ sau lời tuyên bố đầu hàng (không nổ súng có nghĩa là đầu hàng rồi!) của Tổng Thống Dương Văn Minh, đơn vị Thiết Giáp đầu tiên của cộng sản mới vào dinh Độc Lập. Và từ giờ đó, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta bị nhà cầm quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cai trị!

Trong lúc trên dưới 200.000 quân của Quân Đoàn IV, chưa một trận đánh quan trọng nào, cũng chưa một vị Tư Lệnh nào bỏ chạy, đã phải buông súng đầu hàng theo lệnh của Tổng Thống Dương văn Minh!

Trước đó, khi cuộc chiến chưa ngừng tiếng súng, có những vị Tướng đầy quyền lực, đã thật sự bỏ chạy ra nước ngoài. Và giờ đây, cuộc chiến thật sự đã tàn, và tàn trong ý nghĩa thua trận, bại trận, hay đầu hàng, hiểu thế nào cũng thế thôi. Nhưng trong cảnh bại trận này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, xuất hiện Những Vị Tướng Thật Sự Là Những Anh Hùng không kém những vị Anh Hùng trong lịch sử đã tuẫn tiết khi thành thất thủ. Đó là hành động tự sát ngay nơi nhiệm sở chớ không chấp nhận đầu hàng, của:

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV. (Cần Thơ)

Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV. Chuẩn Tướng Hưng đã được vinh danh “Anh Hùng An Lộc” trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở chiến trường An Lộc, tỉnh Bình Long. (Cần Thơ)

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. (Mỹ Tho)

Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh (Lai Khê, Bình Dương).

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, tự tử tại nhà vì tên tuổi Quân Đoàn II đã bị chôn theo những nấm mồ vô danh trên đường liên tỉnh số 7 từ giữa tháng 3 năm 1975 rồi.

Ngoài ra, còn biết bao Quân Nhân thuộc các Quân Chủng, Binh Chủng, Binh Sở, Cảnh Sát, Viên Chức Hành Chánh các ngành, đã tuẫn tiết! Đó là “Những Anh Hùng Vô Danh” rất đáng cho chúng ta trân trọng.

Vào những ngày 30 tháng 4, tôi nghĩ, chúng ta nên dành vài chục giây đồng hồ, đứng hay ngồi ở đâu đó cũng được, cúi đầu, im lặng, để tưởng nhớ những vị Anh Hùng của chúng ta, những người đã cùng chúng ta cầm súng chống quân cộng sản xâm lược, nhưng vào giờ phút kết thúc bi thảm cuộc chiến đấu của chúng ta, thì những vị đó đã can đảm thực hiện tròn vẹn lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc trong ngày tốt nghiệp trường võ bị: “… Quyết hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ Quốc Dân Tộc …”

Và theo tôi, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, là người rất xứng đáng được vinh danh “Anh Hùng Xuân Lộc” trong trận đánh sau cùng. Thiếu Tướng Đảo, dù bản doanh kế cận thủ đô Sài Gòn nhưng không bỏ chạy, mà trái lại, ông là vị Tư Lệnh duy nhất trong 3 Quân Đoàn, đã chống trả mãnh liệt và gây tổn thất nặng nề cho 2 Sư Đoàn quân cộng sản tấn công Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh). Và Sư Đoàn 18 Bộ Binh chỉ rút lui khi có lệnh của Quân Đoàn III. 

Người Việt quốc gia lưu vong hải ngoại đúc tượng tưởng nhớ 5 tướng tuẩn tiết

Một giai đoạn lịch sử do Tổng Thống Dương Văn Minh -vị Tổng Thống có nhiệm kỳ chỉ hơn 40 tiếng đồng hồ- vừa sang trang!

Dân Tộc Việt Nam, từ nay dưới sự thống trị của cộng sản độc tài nghiệt ngã! 

Quê hương Việt Nam chúng ta, 

dân tộc Việt Nam chúng ta, 

sao mà bi thảm đến như vậy!  

sao mà bất hạnh đến như vậy!

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt