Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (35)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Bức thư cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu gửi TT Trần Văn Hương 25/04/1975”

Thưa quí vị quí bạn, 

Xin mở ngoặc. Tháng 7 năm 2009, tôi nhận được bản sao hai thư viết tay dưới đây do người bạn trẻ Chấn Võ, từ New York gởi tặng trên e-mail. Nội dung thư viết tay được viết lại dưới đây cho dễ đọc:

Quyết định: (1) Nay đề cử cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đại diện Tổng Thống VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) đến Đài Bắc để phân ưu cùng Chánh Phủ và Nhân Dân THDQ (Trung Hoa Dân Quốc) nhân dịp Tổng Thống Tưởng Giới Thạch tạ thế. (2) Sau đó, hai vị trên được đề cử tiếp tục viếng thăm các quốc gia trên thế giới xét cần thiết trong vòng 6 tháng để làm sáng tỏ thiện chí hòa bình của VNCH, đồng thời vận động các Chánh Phủ và Nhân Dân các Quốc Gia để hỗ trợ lập trường hòa bình của Chánh Phủ và Nhân Dân ta. Chương trình thăm viếng sẽ do hai vị tùy nghi quyết định thể theo sự thuận lợi của tình hình đối với các quốc gia đó. (3) Yêu cầu Bộ Ngoại Giao chỉ thị các Tòa Đại Sứ VNCH yểm trợ cần thiết để nguyên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nguyên Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cùng phái đoàn chu toàn nhiệm vụ giao phó. (4) Chi phí công tác do Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng đài thọ (Quyết định đến chữ thọ là hết bản văn, nhưng lại có nét chữ khác thêm vào ..)trong khuôn khổ được luật lệ ấn định. (Suy đoán 8 chữ thêm vào với nét đậm là của Tổng Thống Hương).Sài Gòn, ngày 25 tháng 4, 1975.

Thư Tổng Thống Trần Văn Hương phê chuẩn cho Nguyễn Văn Thiệu ngày 25/04/1975

Dưới đây là viết lại thư viết tay của nguyên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho dễ đọc:

Sài Gòn, 25/4/75.

Kính trình Tổng Thống Trần Văn Hương.

 Thưa Cụ, Để thực hiện công tác Cụ giao phó, tôi kính xin Cụ chấp thuận cho những sĩ quan sau đây gọi là thành phần tối thiểu cần thiết để giúp tôi, đi theo tôi trong suốt thời gian công du: (1) Đại Tá Võ Văn Cầm. (2) Đại Tá  Nguyễn Văn Đức. (3) Đại Tá Nhan Văn Thiệt. (4) Đại Tá Trần Thanh Điền. (5) Trung Tá Tôn Thất Ái Chiêu. (6) Bác sĩ Thiếu Tá Hồ Vương Minh. (7) Đại Úy Nguyễn Phú Hải. (8) Và phục dịch viên (tên) Nghị.

Ngoài ra, cựu Thủ Tướng Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cũng cần đem theo những sĩ quan và dân sự sau đây: (1) Trung Tá Đặng Văn Châu. (2) Thiếu Tá Đinh Sơn Thông. (3) Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận. (4) Và ông Đặng Vũ. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm nhờ tôi trình Cụ chấp thuận.

Kính chào Tổng Thống. (ký tên Thiệu)

Thư Nguyễn Văn Thiệu gửi TT Trần Văn Hương 25/05/1975

Xin nhấn mạnh. Cả hai văn kiện đều viết tay, trên cùng một mẫu giấy trên bàn viết của Tổng Thống Thiệu, trong cùng ngày 25/04/1975. Theo nội dung trong e-mail cho biết thì văn kiện quyết định của Tổng Thống Hương do Đại Tá Võ Văn Cầm viết và Tổng Thống Hương chỉ ghi thêm dòng chữ “trong khuôn khổ được luật lệ ấn định” ngay sau chữ đài thọ. Đại Tá Võ Văn Cầm là chánh văn phòng của Tổng Thống Thiệu, Anh định cư ở San Francisco (California) và đã từ trần tại đó. Văn kiện đơn xin của nguyên Tổng Thống Thiệu viết trên giấy in sẵn có tiêu đề “Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa” ngay dưới quốc huy có quốc kỳ VNCH. Có thêm chữ “Cựu” viết tay ngay trước chữ “Tổng Thống …” Có lẽ giấy in sẵn tiêu đề loại khổ nhỏ nên dưới tên “Bác sĩ Thiếu Tá Hồ Vương Minh ..” có viết tay “-2-“ tức là sang trang 2.

Với hai văn kiện viết tay trên đây, quí vị có nhận ra hai vị nguyên Tổng Thống và nguyên Thủ Tướng muốn “chứng minh” là hai vị đi công tác ngoại quốc chớ không phải bỏ nước bỏ dân bỏ quân để chạy! Thêm nữa, theo văn kiện của Tổng Thống Hương thì phái đoàn 14 người đều do ngân sách Quốc Phòng và Ngoại Giao đài thọ, nhưng không biết quí vị có kịp lãnh phụ cấp công du hay không vì lúc ấy quân cộng sản áp sát sài Gòn rồi!

Xin đóng ngoặc và tiếp tục đến vị lãnh đạo quân đội.

Khi Đại Tướng Cao Văn Viên rời Việt Nam, trên bàn giấy của Ông tại Bộ Tổng Tham Mưu có văn kiện do Tổng Thống Trần Văn Hương ký cho Ông giải ngũ. Điều này được hiểu là Đại Tướng Viên rời khỏi Việt Nam với tư cách một cựu Tướng Lãnh chớ không phải một Tướng Lãnh đương nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Xin mở ngoặc. Ngày 18 tháng 5 năm 2005, tôi có dịp dùng cơm với cựu Trung Tá (?) Trịnh Bá Lộc, sĩ quan tùy viên của Đại Tướng Dương Văn Minh đến giờ phút đầu hàng, anh Lộc thuật cho tôi và các bạn tại bàn ăn cùng nghe. “Đơn xin giải ngũ của Đại Tướng Cao Văn Viên viết bằng tay, không hiểu vì sao mà đơn đó được chuyển từ văn phòng Tổng Thống Trần Văn Hương sang văn phòng Đại Tướng Dương Văn Minh để hỏi ý kiến. Và bút phê của Đại Tướng Minh: Thuận”.

Vào đầu tháng 3 năm 2006, ông Lâm Lễ Trinh (LLT)-Bộ Trưởng Nội Vụ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm- phổ biến trên NET bài mạn đàm có thu thanh với cựu Đại Tướng Cao Văn Viên từ hạ tuần tháng 12 năm 2004. Trong đó có đoạn liên quan đến trường hợp ông rời khỏi Việt Nam mà ông cho là tôi viết không đúng. Năm 2004, cựu Đại Tướng Viên có tặng tôi quyển sách để tôi theo đó mà sửa lại,  nhưng tôi không làm theo ý của Ông vì tôi không đồng ý cách biện minh của ông. Đây là một đoạn trích nguyên văn và nguyên chữ trong bài viết của ông Lâm Lễ Trinh, liên quan đến cựu Đại Tướng Cao Văn Viên và tôi:

Ông LLT. “Nơi trang 428-429 của hồi ký “Việt Nam Nhân Chứng” (nxb Xuân Thu,1989), tướng Trần Văn Đôn viết: “Có lần ông Thiệu than phiền ông Cao Văn Viên không làm việc nhiều .. .Ông Thiệu nhờ tôi nói với Đại tướng Viên, Tổng Tham Mưu trưởng, về việc ông này cứ ở mãi Tổng Tham mưu làm việc, không chịu đi ra ngoài, ông Viên trả lời: Tôi đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp nhận nên tôi cứ ở văn phòng làm việc mà thôi!”

“Mặt khác, trong quyển hồi ký “Đôi dòng ghi nhớ” nêu trên, cựu đại tá Phạm Bá Hoa cũng có nhận xét rằng trong gần 9 năm rưỡi giữ chức Tổng Tham Mưu trưởng – chức vụ quan trọng bậc nhất trong Quân đội – anh đã nhiệt tình hoạt động 7 năm đầu nhưng hai năm sau cùng, vị “Nguyên soái” của Quân đội Miền Nam không cáng đáng hết trách nhiệm, đến văn phòng cho có lệ, tập luyện Yoga và đi học lấy bằng cử nhân văn khoa ngoài giờ làm việc. Mong anh đại tướng vui lòng, nếu tiện, giải thích thái độ.

Ông CVV. “ Tôi sẵn sàng trả lời. Trước khi cuộc đàm phán tại Paris tiến đến giai đoạn kết thúc năm 1973, tình hình quân sự thêm căng thẳng. Tổng thống Thiệu, với tư cách Tổng tư lệnh Quân đội, tập trung hết quyền bính trong tay, cho đặt một hệ thống máy truyền tin tại Dinh Độc lập để liên lạc thẳng với các quân khu, điều động các đơn vị, bổ nhiệm tư lệnh vùng và ra lệnh trực tiếp hành quân. Bộ Tổng Tham Mưu lần hồi bị dồn vào vai trò tuân hành và thị chứng. Bộ Quốc phòng chỉ còn là hộp thơ giữa Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu. Vì không có điều kiện làm việc được như trước, tôi đã năm, sáu lần vô đơn xin từ chức. Ông Thiệu yêu cầu tôi nán lại, đợi người thay thế nhưng ông không quyết định. Tôi không có quyền bỏ ra đi một cách vô trách nhiệm.

Tuy nhiên khi Tổng thống Trần Văn Hương nhường ghế cho tướng Dương Văn Minh tháng 4.1975, tôi cương quyết xin giải ngũ vì tôi không phục ông Minh từ lâu, tôi từng là nạn nhân của ông Minh. TT Hương chấp nhận đơn của tôi. Ngày 27.4.1975, tôi rời Sài Gòn trong tình trạng cựu Tướng Lãnh.

Ông LLT: Việc Tổng thống Thiệu tóm hết quyền bính trong tay, qua mặt Quốc hội và Tối cao Pháp viện, một mình quyết định bỏ Cao Nguyên và Miền Trung là điều có lợi hay hại? Trong quyển hồi ký “Đôi dòng ghi nhớ “ (1994, trang 191-215), cựu Chánh văn phòng của anh là đại tá Phạm Bá Hoa có kể lại cuộc rút quân bi thảm của tướng Phạm Văn Phú theo đường số 7 và nhắc lại hai khẩu lệnh của anh bằng điện thoại cho đương sự ngày 15 và 18.3.1975 bảo gởi phi cơ vận tải C130 cho Quân đoàn 2 và chở các quân dụng đắt tiền khỏi Pleiku “mà không cho biết lý do”. Ông Hoa than phiền Tổng Cục Tiếp vận, thuộc bộ Tổng Tham mưu, không hề được thông báo về tình hình suy sụp ở Cao Nguyên. Anh nghĩ sao về lời than phiền này?

Ông CVV: Tất nhiên không có lợi. Một cá nhân không thể quyết định đơn phương vận mạng của Đất nước. Ông Phạm Bá Hoa trình bày không đúng về một số sự kiện trong quyển hồi ký mà tôi đã nhận được. Tôi có gởi cho y một bổn The Final Collapse được bổ túc để làm sáng tỏ vấn đề nhưng không thấy y nói gì. Phạm vi cuộc mạn đàm hôm nay không cho phép đi sâu vào chi tiết. Xin để dịp khác.

Hết phần trích dẫn và đóng ngoặc.

Cựu Đại Tướng Viên trả lời không đúng câu hỏi của ông Lâm Lễ Trinh riêng về phần tôi.

Thưa quí vị quí bạn,

Khi đứng trước cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, về tình cảm riêng tư, tôi giữ đúng vị trí một “sĩ quan đàn em” như trong thời gian Đại Tướng cử tôi giữ chức chánh văn phòng, nhưng về trách nhiệm trong quân đội thì tôi nhìn vị Tổng Tham Mưu Trưởng của tôi theo cách khác. Thật sự thì năm 2003, cựu Đại Tướng Viên có nói với người bạn thân của tôi như là cách ông nhắn gởi đến tôi, theo đó Ông muốn tôi viết lại nội dung “Ông rời khỏi Việt Nam với tư cách một cựu Tướng Lãnh” chớ không như tôi đã viết là “Ông bỏ lại đằng sau tất cả để ra đi”. Tôi không đồng ý, vì nhìn sâu vào sự kiện tôi thấy đó không phải là nguyên nhân của sự thật.

Đại Tướng Viên nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng ngày 15 tháng 10 năm 1965, đến ngày 27 tháng 4 năm 1975 Ông rời khỏi Việt Nam. Trong hai năm sau cùng của hơn 9 năm rưỡi trong chức vụ đứng đầu quân đội, Đại Tướng tự lái trực thăng đi làm. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này để thấy quyền lực của vị Tổng Tham Mưu Trưởng. Nhưng khi đất nước thật sự lâm nguy thì Ông xin giải ngũ, với lý do đơn giản là Ông không phục Đại Tướng Dương Văn Minh sắp sửa nhận chức Tổng Thống. Giữa trách nhiệm lãnh đạo quân đội đang chiến đấu chống quân cộng sản ngay trong sân nhà, với lý do không phục vị Tổng Thống tương lai. Một bên là quốc gia đại sự, một bên là chuyện cá nhân,  xin hỏi “bên nào là cốt lõi của lựa chọn?”

Mà nghĩ cho cùng, giả như Đại Tướng Minh có nói bóng gió xa xôi là ông sẽ ám hại Đại Tướng Viên đi nữa, tôi nghĩ, Đại Tướng Viên cũng không thể vì đó mà xin giải ngũ, bởi Ông đang là Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng của một quân đội hơn một triệu quân, mà lúc ấy quân cộng sản đang sát nách thủ đô Sài Gòn. Cái lý do đơn giản mà cựu Đại Tướng Viên trả lời ông Lâm Lễ Trinh trong đơn xin giải ngũ, thật sự không có khả năng thuyết phục được độc giả nói chung, và Người Lính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng.

Tôi lại nhớ đến ngày 30 tháng 4 năm 1999, trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Little Saigon (Nam California) do xướng ngôn viên Việt Dũng phụ trách hôm ấy, khi hỏi cảm nghĩ về ngày 30 tháng 4 thì cựu Đại Tướng Viên trả lời, tôi không nhớ nguyên văn nhưng ý như thế này:

“Khi dự đại hội cựu quân nhân tại Dallas, Đại Tướng Viên có nói  với cử tọa rằng, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Mất nước là trách nhiệm chung của mọi người mà Ông  là một trong số đó, sao lại đổ trách nhiệm cho Ông?”

Nghe xong tôi quá đổi ngạc nhiên. Ngạc nhiên, vì đâu có người dân nào có quyền hạn như Đại Tướng, cũng không có vị Tướng nào đương nhiệm trong quân đội mà có quyền hạn như Đại Tướng cả, ..v..v.. nhưng trách nhiệm sao lại chia đều như vậy! Quí vị quí bạn nghĩ sao?

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt