Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (23)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Khủng hoảng miền Trung – 1966, lại biện phàp quân sự”

Lại biện pháp quân sự 

Trở lại văn phòng của Trung Tướng Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng. Từ sau ngày Thiếu Tướng Cao bỏ Quân Đoàn I, các vị Tướng lãnh đạo quốc gia và quân đội, gần như làm việc bất kể ngày đêm tại phòng làm việc của Trung Tướng Viên, có hôm đến nửa đêm mới rời nơi đây. Trong một buổi tối, vẫn là Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Có, và Trung Tướng Viên, và đây là lần đầu tiên Trung Tướng Viên trình bày quan điểm của ông một cách mạnh mẽ, ông nhân danh Tổng Tham Mưu Trưởng, ông không chấp nhận một quân đội trong một quân đội như tình trạng hiện nay. Và ông đề nghị với các vị có mặt là phải dùng biện pháp quân sự để giải quyết dứt khoát tình hình.

Buổi họp đi đến quyết định là chấp thuận kế hoạch của Trung Tướng Viên, và ngày 15/5/1966 là ngày chuyển quân ra Đà Nẵng. Lần chuyển quân này được phía Hoa Kỳ trực tiếp cung cấp vận tải cơ hạng nặng C130 và vận tải hạm chở chiến xa từ Sài Gòn ra phi cảng và hải cảng Đà Nẵng. Vẫn Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy Dù như lần trước, cộng thêm lực lượng Thiết Giáp. Và rồi diễn tiến cuộc “hành quân” giải tỏa tình hình hỗn loạn tại Đà Nẵng được thực hiện rất thuận lợi, không một cuộc nổ súng nào xảy ra giữa lực lượng chánh phủ với lực lượng chống đối, ngoại trừ tại một ngôi chùa nhỏ có vài phát súng bắn ra nhưng không gây thiệt hại nào. Tại Huế cũng trong một tình hình tương tự như vậy. Đại Tá Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Phó Nhẩy Dù, được cử ra phía bắc Huế tiếp xúc với một Trung Đoàn của Sư Đoàn 1 Bộ Binh ủng hộ trung ương, tiến vào thành phố Huế với nhiệm vụ giải tỏa lực lượng chống đối. Nhiệm vụ hoàn thành trong yên tịnh.

Tướng Nguyễn Chánh Thi – Lưu vong tại Hoa Kỳ tiểu bang Pennsylvania

Sự kiện gần như trái ngược với dự đoán của giới truyền thông cũng như của nhiều thành phần khác trong xã hội khi được biết trung ương lại đưa quân ra Đà Nẵng. Bởi vì trước đó một tháng, trung ương đã chuyển quân ra Đà Nẵng, và đã thất bại nên rút quân về. Rõ ràng là có một điều gì khó hiểu, vì lực lượng chống đối đang bừng bừng khí thế, bỗng dưng tịt mất hoàn toàn như ngọn đèn đang sáng thì tắt phụt khi có người ngắt dòng điện vậy. Phải chăng khi không khí mít tinh biểu tình lên đến cường độ nào đó thì có thêm ngọn đèn xanh, và đến lúc này thì đèn xanh tắt và đèn đỏ được “ai đó” bật lên hay không? Xin quí vị nhớ lại cuộc chuyển quân ngày 15/4/1966, Hoa Kỳ khước từ yểm trợ phương tiện vận tải hàng không với lý do không bàn cãi vào đâu được, thế nhưng cuộc chuyển quân lần này cũng cùng mục tiêu như lần trước, lại được yểm trợ đầy đủ theo nhu cầu. Liệu quyết định như vậy có liên quan đến “ai đó” nói trên hay không?   

Xin lược lại vài sự kiện gần như có mối liên hệ với nhau để dẫn đến tình hình vừa nêu.

Thứ nhất, là sau ngày lực lượng chống đối nêu yêu sách đòi tiến đến sinh hoạt dân chủ mà bước đầu là bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để soạn thảo Hiến Pháp, thì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tuyên bố chấp nhận tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 9/1966. Tôi nghĩ, chắc là Hoa Kỳ có ảnh hưởng nếu không nghĩ là họ áp lực đến quyết định này.

Thứ hai, là Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trước đó ông không có ý kiến gì về những quyết định của những vị lãnh đạo quốc gia, nhưng bất ngờ ông đưa đề nghị biện pháp quân sự và cuộc hành quân đã diễn ra thật tốt đẹp. Đúng ra khi nói đến hành quân phải nói đến chiến thắng, nhưng tôi thấy không ổn nếu dùng chiến thắng để chỉ cuộc hành quân này, vì “phe ta đánh phe mình” với lại “bất chiến tự nhiên thành”. Về đề nghị của Trung Tướng Viên, liệu ông có biết là đèn xanh cho phía chống đối đã tắt và đèn đỏ đã bật lên chăng? Cho dù các câu hỏi có đặt ra hay không thì những sự kiện cùng những quyết định nói trên đã diễn tiến rất nhịp nhàng, và những ai quan tâm đến đất nước, có thể đã tự hỏi như vậy, hay hơn thế nữa.

Và thứ ba, cũng có thể là vị nào đó, khi thấy Trung Tướng Thi bị cách chức liền nhập cuộc với những thành phần ủng hộ Trung Tướng Thi, và dần dần nắm quyền lãnh đạo cuộc chống đối trung ương, từng bước đòi hỏi tiến đến xây dựng cơ cấu dân chủ trong sinh hoạt quốc gia, khi được trung ương chấp nhận bầu cử Quốc Hội Lập Hiến thì xem như mục tiêu đấu tranh đạt được nên ra lệnh chấm dứt chăng? Nhưng trong trường hợp này, có phải là Trung Tướng Viên đã mạo hiểm trở lại quyết định của Thủ Tướng Kỳ đã không thành công cách đó một tháng không? Nếu đúng như vậy, quả là Trung Tướng Viên rất dũng cảm cho cuộc mạo hiểm của ông nhưng tình cờ lại đúng thời cơ.

Nhìn lại chuỗi biến cố 

Và tôi cũng tự hỏi: “Liệu từ cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 của Trung Tướng Dương Văn Minh, cuộc Chỉnh Lý ngày 30/1/1964 của Trung Tướng Nguyễn Khánh với Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, rồi cuộc Biểu Dương Lực Lượng ngày 13/9/1964 của Trung Tướng Dương Văn Đức, đến Thiếu Tướng Lâm Văn Phát đảo chánh Trung Tướng Nguyễn Khánh ngày 19/2/1965, rồi quân đội nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia ngày 19/6/1965, và cuộc khủng hoảng này từ ngày 9/3/1966, có liên quan với nhau trong một chuỗi biến cố chính trị, hay chỉ là những sự kiện riêng lẽ ?   

Nếu riêng lẽ, thì tại sao trong cuộc “Đảo Chánh” Tổng Thống Ngô Đình Diệm có một người Mỹ (Trung Tá Conein) trong phòng Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, bản doanh của Hội Đồng Quân Nhân lãnh đạo đảo chánh từ lúc bắt đầu đến khi Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị giết chết? Tại sao trong cuộc “Chỉnh Lý” của Trung Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tá Cao Văn Viên, cũng có một người Mỹ tại bản doanh ngay trong tư dinh của Trung Tướng Nguyễn Khánh từ đầu đến cuối? Tại sao viên chức tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ra lệnh cho Trung Tướng Dương Văn Đức (ngang qua Trung Tá Tạ thành Long), người đứng đầu cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” phải rút quân về vị trí? Tại sao Trung Tướng Nguyễn Khánh yêu cầu ông Đại Sứ Taylor giúp đỡ khi bị Thiếu Tướng Lâm Văn Phát “Đảo Chánh” thì ông trả lời là không can thiệp vào nội bộ chính trị của Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời khuyên Trung Tướng Nguyễn Khánh nên ra ngoại quốc? Rồi tại sao Hoa Kỳ chuẩn y không văn bản cho Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ sau khi Tướng Tư Lệnh Không Lực Hoa Kỳ có lời ủng hộ? Và tại sao Hoa Kỳ không giúp không vận và hải vận chuyển quân và chiến cụ ra Đà Nẵng lần thứ nhất trong khi lực lượng chống đối trung ương với khí thế rất mạnh, đến cuộc chuyển quân và chiến cụ lần thứ nhì chỉ cách đó một tháng thì Hoa Kỳ yểm trợ hoàn toàn, cùng lúc với sự tê liệt (hoặc hiểu theo cách nào đó cũng tương đương như vậy) của lực lượng chống đối tại Đà Nẵng cũng như tại Huế?  

Hoặc tất cả những sự kiện đó là một chuỗi biến cố chính trị liên quan với nhau? Vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm không đồng ý để Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam theo chiến lược Domino của họ, nên ông bị các Tướng Lãnh của ông lật đổ với ngọn đèn xanh của ông Đại Sứ Hoa Kỳ, nhân chính sách không bình đẳng tôn giáo lên cao điểm. Rồi họ không muốn vương vấn chút ảnh hưởng nào của Pháp trong giới Tướng Lãnh Việt Nam nên nhóm Tướng thân Pháp (Trung Tướng Minh, Trung Tướng Đôn, …) bị hạ bệ, đồng thời gầy dựng nhóm Tướng cầm quyền thân Mỹ (Trung Tướng Khánh, Trung Tướng Khiêm). Khi Trung Tướng Khánh “lên ngôi”, chỉ thỏa mãn nhu cầu chiến lược Domino mà không thực hiện chế độ dân cử, để rồi cuộc biểu dương lực lượng của Trung Tướng Đức là một cảnh cáo của Hoa Kỳ đối với Trung Tướng Khánh phảng phất tính độc tài.

Tiếp đến là Thiếu Tướng Phát với Sư Đoàn 25 Bộ Binh trong tay nhưng không đủ bản lãnh lật đổ, lại là cơ hội tốt giúp cho Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, đẩy luôn Trung Tướng Nguyễn Khánh lưu vong. Vài tháng sau đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, nhân danh quân đội nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia theo yêu cầu của chánh phủ dân sự Phan Huy Quát. Đây là lời yêu cầu trên văn bản, nhưng văn bản còn có mặt trái hay không thì tôi không rõ. Nhưng vẫn chưa thực hiện chế độ dân cử (theo tôi, là do yếu tố an ninh hơn là yếu tố độc tài quân phiệt) cho đến khi cuộc “Khủng Hoảng Miền Trung” đòi hỏi mới chấp nhận. Liệu sự chấp nhận bầu cử Quốc Hội Lập Hiến có phải là sự thúc giục của Hoa Kỳ từ phía sau, hay thật sự là do phía chống đối đòi hỏi? Nhưng rõ ràng là đến lúc này thì Hoa Kỳ hài lòng và kết thúc chuỗi biến cố chính trị mà họ điều hướng trong 3 năm qua. 

Nếu đúng như vậy thì tại sao Hoa Kỳ phải kiên nhẫn trong một thời gian khá dài với một thái độ âm thầm nhưng rất hiệu quả để hướng đến một chế độ dân cử? Ta biết rằng, cơ chế thượng tầng kiến trúc của Hoa Kỳ gồm Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp, được tổ chức và điều hành theo quan niệm “Kiểm Soát và Cân Bằng”, nhưng Quốc Hội có tiếng nói mạnh hơn về chính sách viện trợ ngoại quốc. Trong chính sách này, tiêu chuẩn có tính cách quyết định viện trợ hay không viện trợ là chế độ “dân chủ hay không dân chủ” tại quốc gia mà họ cứu xét viện trợ. Vì vậy mà Hành Pháp Hoa Kỳ khi thực hiện chiến lược quân sự tại Việt Nam Cộng Hòa, vẫn phải trong khuôn khổ chính sách viện trợ của Lập Pháp. Điều đó có nghĩa là, khi Hành Pháp sử dụng các Tướng Lãnh lật đổ chế độ dân cử Việt Nam Cộng Hòa, thì họ phải bằng mọi cách xây dựng lại chế độ dân cử để tránh áp lực của Lập Pháp, ảnh hưởng đến chiến lược quân sự tại Á Châu của họ. Và họ đã thành công, tuy cũng gần 3 năm sau kể từ ngày lật đổ Tổng Thống Ngô đình Diệm.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đây Đọc Chương Kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt