Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (21)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Khủng hoảng miền Trung bắt đầu…”

Khủng hoảng bắt đầu.

Sự kiện Thủ Tướng là Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ với Đại Biểu Chánh Phủ tại miền Trung là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi bất đồng nhau trầm trọng, không giới nào trong xã hội là không biết. Ấy vậy mà nội dung Thông Cáo như thế thì làm sao che được mặt bên kia của vấn đề.

Xin nhớ rằng, Trung Tướng Thi rất được lòng của khối Phật Giáo miền Trung, trong đó có cả sinh viên, quân nhân Phật tử, và giới chính trị nữa. Cho nên có tệ lắm thì người ta cũng nhận thức được sự kiện Trung Tướng Thi bị trung ương cách chức và đưa đi lưu vong. Thêm nữa, nếu thật sự Trung Tướng Thi đi ngoại quốc chữa bệnh thì cần gì phải Thông Cáo cho toàn dân biết, chỉ cần cái sắc lệnh của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, cho phép Trung Tướng Thi xuất ngoại, đồng thời cử vị Tướng khác thay thế trong thời gian ông ấy vắng mặt là đủ. Chính sự có mặt của bản Thông Cáo ở cấp lãnh đạo quốc gia là điều không bình thường chút nào. 

Thế là Phật Giáo có phản ứng. Và phản ứng đầu tiên bằng cuộc mít tinh biểu tình tại Đà Nẵng, đòi chánh phủ phục chức cho Trung Tướng Thi. Đòi hỏi này nhanh chóng lan ra Huế và vào vài tỉnh lân cận phía nam Đà Nẵng. Khí thế của các cuộc mít tinh biểu tình ngày càng mạnh mẽ với số người tham gia ngày càng đông, đông đến độ khó ước lượng được là bao nhiêu. 

Trước tình hình này, tôi cảm thấy các vị lãnh đạo trung ương dường như không tiên liệu đến, hoặc có tiên liệu nhưng tiên liệu không đến mức báo động cao như vậy. Ngay ngày phản ứng đầu tiên của khối người đông đảo tại Đà Nẵng, Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Có, với Trung Tướng Viên, họp trong phòng Trung Tướng Viên. Rồi những ngày sau đó là họp liên miên, không giờ giấc gì cả. Chúng tôi lo ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, và ăn tối luôn. Với thành phần như vậy, có thể gọi là “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp của thu hẹp”, vì không có mặt Trung Tướng Tổng Thư Ký, và hai vị Tướng Tư Lệnh Không Quân với Tư Lệnh Hải Quân. Phải có 3 vị này mới đủ thành phần thu hẹp của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.

Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, được Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia cử vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đồn trú tại Huế và Quảng Trị, rất có thể vì ông là người sinh trưởng tại miền Trung và là một Phật tử, hy vọng ông có thể thuyết phục được những thành phần chống đối. Nhưng ngay khi nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1, ông đã tuyên bố đứng vào “hàng ngũ lực lượng tại Huế chống lại trung ương”. Do đó mà ông được xem là Tư Lệnh của lực lượng chống đối tại đây. Sự kiện này cho thấy quí vị trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã quá đơn giản khi bổ nhiệm một Tướng Lãnh vào một chức vụ rất cần uy tín, bản lãnh, với một phong cách vừa thuyết phục vừa cương quyết, mà theo tôi, Chuẩn Tướng Nhuận không có những yếu tố đó. 

Tôi không rõ là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi có đề nghị hay không, mà các vị lãnh đạo quyết định cho ông trở ra Đà Nẵng gọi là để giải thích sự việc với đồng bào, yêu cầu đồng bào chấm dứt những xáo trộn trong khi chánh phủ cần tập trung nỗ lực vào tình hình quân sự. Ngày 17/3/1966, chiếc C47 của Không Quân đưa Trung Tướng Thi ra Đà Nẵng. Trước khi lên phi cơ tại phi trường Tân Sơn Nhất, ông tuyên bố với báo chí rằng:

“Tôi chẳng có bệnh mũi gì cả, mà cho dù có bệnh đi nữa thì tôi cũng điều trị tại Việt Nam chớ không đi nước nào hết. Sự thật là như vậy”

Lời tuyên bố này chính là sự xác nhận rõ ràng và dứt khoát. Cũng có nghĩa là ông đã vạch trần nội dung bản Thông Cáo ngày 10/3/1966 của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia nói về ông. Tôi nghĩ, các vị trung ương chắc đã phải cảm nhận “cái tát” khi xem câu trả lời ngắn ngủi đó trên các báo tại thủ đô Sài Gòn.

Rồi sau đó. Cứ mỗi lần Trung Tướng Thi xuất hiện ở Đà Nẵng, Huế, hay Quảng Nam, đều được sự ủng hộ nồng nhiệt của đám đông mít tinh biểu tình. Và những lời tuyên bố của ông đều chung một ý là ông cùng với đồng bào nơi đây chống lại các Tướng Lãnh cầm quyền tại trung ương.

Thế là cuộc “khủng hoảng miền Trung” -báo chí thường gọi như vậy- tự dưng được “trung ương” tăng cường thêm hai Tướng Lãnh, do đó mà khí thế càng thêm mạnh! Sai lầm nghiêm trọng của trung ương trong quyết định chọn người vào chức vụ quan trọng, hy vọng sẽ là một trong những bài học lãnh đạo trong tương lai đối với những thế hệ tiếp sau.

Tiếp đến, Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu, Tổng Thư Ký Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia bay ra Huế, cũng với hy vọng trong một chừng mực nào đó, ông có thể thuyết phục được Trung Tướng Thi. Ông đến tòa đại biểu chánh phủ (Huế) cùng với Trung Tướng Thi, trong khi bên ngoài đông nghẹt thanh niên sinh viên. Từ trong đám đông đó có người bước ra hỏi Trung Tướng Chiểu:

“Trung Tướng có công nhận hành động của chúng tôi là đúng không?

“Đúng”. Trung Tướng Chiểu trả lời.

“Trung Tướng công nhận là đúng. Vậy Trung Tướng có ở lại Huế với chúng tôi không?

“Có”.

 Lập tức, một nhóm thanh niên ùa vào hoan hô Trung Tướng Chiểu và công kênh ông ra xe đưa đến khách sạn bên khu chợ Đông Ba. Nhóm thanh niên này nói là luôn luôn túc trực bên cạnh Trung Tướng Chiểu và ông cần gì cứ gọi họ. Chữ “túc trực” ở đây được hiểu là “canh giữ” Trung Tướng Chiểu.

Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan -cánh tay phải của Thủ Tướng Kỳ- Tổng Giám Đốc Cảnh Sát kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, cử nhiều toán Cảnh Sát, An Ninh, Tình Báo dưới quyền ông ra Huế và Đà Nẵng, bám sát tình hình. Mỗi ngày báo cáo hai lần về Phủ Thủ Tướng và thông báo văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng. Còn chính ông, sự đi lại giữa Đà Nẵng với Sài Gòn bất cứ lúc nào mà ông cho là cần thiết.

Ngoài ra, tổng đài điện thoại Cộng Hòa trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, được lệnh thu băng toàn bộ các cuộc nói chuyện bất cứ là ai, bất cứ từ đâu đến, mà ngang qua hệ thống viễn liên này và trình lên văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng vào đầu giờ buổi sáng, và cuối giờ buổi chiều. Đây là nguồn cung cấp thông tin xác thật nhất về những lời đối thoại giữa các tỉnh miền Trung với Sài Gòn, bất luận người nói chuyện là ai cũng đều thu vào và trình lên tất cả. Nhờ đó mà tôi biết được những lời đối thoại giữa các vị Tướng từ trung ương với vị Tư Lệnh Quân Đoàn I cũng như với các vị Tư Lệnh khác.        

Tuy có được những công điện mật mã thường xuyên của nhóm an ninh tình báo, cùng với những tờ trình của tổng đài điện thoại Cộng Hòa, nhưng trong những cuộc đàm thoại giữa Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Có từ Sài Gòn với Thiếu Tướng Chuân tại Đà Nẵng, thì không thể nào hiểu được tình hình thật sự khi nhìn từ Bộ Tổng Tham Mưu. Trung Tướng Thiệu gọi tôi:

“Chú liên lạc với Thiếu Tướng Chuân, hỏi tình hình hôm nay ra sao rồi cho tôi biết”. 

“Vâng. Tôi gọi ngay, thưa Trung Tướng”.

Tôi điện thoại ra Đà Nẵng và Thiếu Tướng Chuân đang có mặt tại văn phòng:

“Tôi Hoa đây thưa Thiếu Tướng. Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia muốn biết sự thật của tình hình bây giờ ra sao. Hoặc là Thiếu Tướng tiếp chuyện trực tiếp với Trung Tướng, hoặc tôi sẽ chuyển trình lại Trung Tướng, thưa Thiếu Tướng”.

“Anh trình với Trung Tướng Chủ Tịch là tình hình không có gì đáng ngại đâu. Như thế là được rồi, tôi khỏi phải trình nữa”.

Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, những tháng cuối năm 1954 là Trung Tá, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, lúc ấy tôi là sinh viên sĩ quan trừ bị của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức trong số hơn 200 sinh viên gởi lên đây học, vì Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức không đủ cơ sở. Từ đó, tôi thường liên lạc với ông trong tình thầy trò.

Tôi trình lại Trung Tướng Thiệu thì Trung Tướng Có bảo tôi gọi cho ông nói chuyện trực tiếp với Thiếu Tướng Chuân. Kết quả cuộc đàm thoại đó cũng là những thông tin mà tôi nhận lúc nảy thôi.     

Một tháng sau ngày cách chức Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, hầu như tất cả sinh hoạt  tại Đà Nẵng, Huế, và vài tỉnh lân cận, nói chung là rất xáo trộn, đôi lúc được xem là hỗn loạn nữa. Vì vậy mà phòng làm việc của Trung Tướng Viên trở thành nơi làm việc hằng ngày của Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, và Trung Tướng Có. Hội họp liên tục và những quyết định về tình hình miền Trung cũng như liên quan đến các đại đơn vị khác, đều xuất phát từ đây.

Trung Tướng Có quyết định, chính ông phải ra Đà Nẵng để biết rõ tình hình, chớ mờ mờ ảo ảo như thế này thì không thể giải quyết được mà có thể ngày càng trầm trọng đến mức nguy hiểm. Trung Tướng Thiệu và Trung Tướng Viên, khuyên Trung Tướng Có không nên mạo hiểm, vì rất có thể là Thiếu Tướng Chuân đã bị phía chống đối quản thúc canh giữ nên Thiếu Tướng Chuân không thể trình bày sự thật được. Nếu sự thể xảy ra như vậy thì Trung Tướng Có sẽ tự mình dấn thân vào thế bị động của Thiếu Tướng Chuân luôn. Nhưng Trung Tướng Có vẫn giữ nguyên quyết định, và ông đi Đà Nẵng.

Đến căn cứ Không Quân Đà Nẵng, Trung Tướng Có gọi về cho biết, con đường từ căn cứ Không Quân đến bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I đầy chướng ngại vật, nhưng phía chống đối mở lối cho xe của Quân Đoàn đến đón ông. Rồi cũng không khác Thiếu Tướng Chuân về cách trình bày tình hình, và Trung Tướng Thiệu tin là Trung Tướng Có đã bị quản thúc cùng với Thiếu Tướng Chuân. Thế là trung ương tiếp tục lún sâu vào thế bị động.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đây Đọc Tiếp]             

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt