Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (19)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Ngày quân lực 19/06”

Ngày Quân Lực

Khi Hội Đồng Quân Đội nhận trách nhiệm Lãnh đạo quốc gia theo yêu cầu của Thủ Tướng Phan Huy Quát, và thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia với Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, và chọn ngày 19/06/1965 ra mắt quốc dân đồng bào và ngoại giao đoàn. Từ đó,  Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia quyết định chọn ngày 19 tháng 6 hằng năm làm Ngày Quân Lực.  Và Ngày Quân Lực 19 tháng 6 đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 19 tháng 6 năm 1966. Ngày Quân Lực đầu tiên nói ở đây là Ngày Quân Lực 19 tháng 6, nhưng thật ra còn một Ngày Quân Lực đã được chọn và tổ chức trước đó nữa.

Đó là Ngày Quân Lực 30 tháng 1. Chuyện như thế này. Xin nhắc đến cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964 do Trung Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tá Cao Văn Viên, lãnh đạo lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của Trung Tướng Dương Văn Minh, và thành công. Nhưng sau khi Trung Tướng Khánh công bố bản Hiến Chương tại Vũng Tàu, liên tiếp những cuộc mít tinh biểu tình cáo giác Trung Tướng Nguyễn Khánh là độc tài, từ đó Trung Tướng Khánh cho rằng Đại Tướng Khiêm đứng đằng sau những vụ đó. Thế là Trung Tướng Khánh đẩy Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong (07/10/1964). Và rồi Trung Tướng Khánh quyết định chọn ngày 30 tháng 1 làm Ngày Quân Lực.

Ngày Quân Lực 30 tháng 1 được tổ chức vào tối 30 tháng 1 năm 1965, trên sân thượng câu lạc bộ Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Đổng Lý Văn Phòng Tổng Tư Lệnh, chỉ thị tôi Trưởng Phòng Quân Sự Vụ, và Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng Phòng Dân Sự Vụ, trách nhiệm tổ chức.    

Tham dự Ngày Quân Lực 30 tháng 1 năm 1965, gồm: quí vị trong Chánh Phủ, quí vị Tướng Lãnh, quí vị trong Ngoại Giao đoàn, các đơn vị trưởng trong Quân Trấn Sài Gòn, và sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ Tổng Tư Lệnh. Ngày Quân Lực 30 tháng 1 được tổ chức hôm ấy là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất.

Tôi nghĩ rằng, “Ngày Quân Lực tổ chức ngày 30 tháng 1 năm 1965” rất ít người biết đến, vì không có văn kiện ban hành, cũng không phổ biến bất cứ hình thức nào, Trung Tướng Khánh chỉ ra lệnh ngang qua Thiếu Tướng Vỹ, chúng tôi gởi thư mời, và tiến hành tổ chức thôi. Chương trình buổi lễ rất đơn giản như một buổi tiếp tân ngoài trời. Không diễn văn dài dòng, cũng không một ai phát biểu. Chỉ sau một diễn văn ngắn gọn của Trung Tướng Khánh là vào tiệc, với chương trình văn nghệ rất đông nghệ sĩ tân nhạc nổi tiếng của Sài Gòn lúc ấy trình diễn.

Nhân đây cũng xin nói thêm về những ngày khác, nếu như trước ngày 19 tháng 6 năm 1966 mà có cuộc thăm dò ý kiến trong quân đội thì tôi nghĩ, những ngày sau đây có thể được chọn là Ngày Quân Lực, như: ngày 1 tháng 1, ngày 1 tháng 5, hay ngày 1 tháng 7. 

Ngày 1 tháng 1. Trong cuộc chiến giữa thực dân Pháp với Việt Minh cộng sản 1945-1954, chánh phủ Pháp ước tính không thể dẹp tan đối phương trong thời gian 6 tháng như Cao Ủy Pháp tại Đông Dương đã từng tuyên bố, nên sử dụng chính sách dùng người Việt không cộng sản đánh nhau với người Việt cộng sản, bằng quyết định thành lập một số Tiểu Đoàn Việt Nam và những đơn vị nhỏ hơn, dưới quyền chỉ huy của Pháp.

Đầu tiên là Chi Đội Thám Thính của binh chủng Thiết Giáp thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1951. Lần lượt sau đó, một vài đơn vị đầu tiên là:

Ngày 1 tháng 2 năm 1951: một đơn vị Truyền Tin.

Ngày 1 tháng 5 năm 1951: một đơn vị Không Quân.

Cùng ngày 1 tháng 5 năm 1951: một đơn vị Quân Vận.

Ngày 1 tháng 8 năm 1951: một đơn vị Nhẩy Dù.

Ngày 1 tháng 9 năm 1951: một đơn vị Công Binh.

Ngày 1 tháng 11 năm 1951: một đơn vị Pháo Binh.

Ngày 1 tháng 3 năm 1952: một đơn vị Hải Quân.

Trong nét nhìn nào đó, những đơn vị Việt Nam đủ tiêu biểu cho Hải Lục Không Quân nhưng quá đổi khiêm nhường, ngoại trừ Lục Quân có một số đơn vị khả dĩ có khả năng “đánh tay đôi” với quân Việt Minh cộng sản.

Như vậy, ngày 1 tháng 1, là ngày mà đơn vị đầu tiên của Việt Nam được thành lập, dù rằng đơn vị này do Liên Hiệp Pháp chỉ huy và yểm trợ.

Ngày 1 tháng 5. Do Dụ số 43 ngày 23/05/1952 (sau này gọi là sắc lệnh) của Quốc Trưởng Bảo Đại, thành lập Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ ngày 01/05/1952. Vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh. Ông là Trung Tá Không Quân Pháp chuyển sang. Tuy có cơ quan đầu não của quân đội, nhưng thực chất  các đơn vị Việt Nam đã thành lập trước đó vẫn do sĩ quan Pháp chỉ huy và yểm trợ mọi nhu cầu của đơn vị. Bộ Tổng Tham Mưu non trẻ này tập trung nỗ lực vào trách nhiệm tổ chức 60 Tiểu Đoàn tân lập bộ binh do Pháp cung cấp dụng cụ chiến tranh. Bộ Tổng Tham Mưu thực hiện quan niệm tổ chức hai loại Tiểu Đoàn mà cơ quan này cho là thích hợp với chiến trường hiện tại: “Tiểu Đoàn Việt Nam” có trang bị súng cối và đại liên để đánh nhau với cộng sản cấp Đại Đội, vì lúc ấy quân cộng sản trên chiến trường miền Nam cũng chỉ tổ chức đến cấp Đại Đội. Và loại “Tiểu Đoàn Khinh Quân”, quân số ít và trang bị nhẹ so với Tiểu Đoàn Việt Nam, dễ luồn lách hoạt động trong vùng địch.

Ngày 1 tháng 7. Căn cứ quân sự trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ của Pháp bị thất thủ vào ngày 07/05/1954, trước những cuộc “tấn công biển người” của quân Việt Minh cộng sản dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của quân Trung Hoa cộng sản, dẫn đến Hiệp Định Đình Chiến ký ngày 20/07/1954 tại Genève, Thụy Sĩ.  Lãnh thổ Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia:

Vĩ tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo chế độ cộng sản độc tài.

Vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là Quốc Gia Việt Nam, theo chế độ tự do.

Trên địa thế, tiêu biểu cho vĩ tuyến 17 là “sông Bến Hải với cầu Hiền Lương”, phía bắc thị trấn Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Trung tuần tháng 12 năm 1954, Tướng Collins của Hoa Kỳ và Tướng Paul Ely của Pháp thỏa thuận, theo đó, Bộ Tư Lệnh Quân Viễn Chinh Pháp sẽ trao toàn quyền chỉ huy quân sự cho quân đội Việt Nam từ ngày 01/07/1955. Sau thỏa thuận này, một phái bộ hổn hợp Mỹ Pháp được thành lập từ ngày 20/01/1955, dưới tên gọi “Phái Bộ Liên Lạc Và Huấn Luyện Tại Việt Nam” (tiếng Anh là Training Relations Instruction Mission, gọi tắt là TRIM), với số sĩ quan gồm 200 của Pháp và 217 của Hoa Kỳ.

Từ sau thỏa ước trên,  Bộ Tổng Tham Mưu gần như ào ạt tiếp nhận quyền chỉ huy hệ thống tổ chức lãnh thổ, từ Chi Khu (quận), Tiểu Khu (tỉnh), Phân Khu (2 hoặc 3 Tiểu Khu), đến Quân Khu (nhiều Phân Khu), và các đơn vị tác chiến lẫn yểm trợ. Và thật sự là Bộ Tổng Tham Mưu nắm quyền chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1955.    

Vậy, ngày “1 tháng 1 năm 1951” là ngày thành lập đơn vị Việt Nam đầu tiên nhưng do sĩ quan Pháp chỉ huy, ngày “1 tháng 5 năm 1952” là ngày thành lập Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, và ngày “1 tháng 7 năm 1955” là ngày Bộ Tổng Tham Mưu chánh thức thật sự nắm quyền lãnh đạo chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu phải chọn một ngày trong 3 ngày nói trên thì ngày 1 tháng 5 là danh chánh ngôn thuận để kỷ niệm “Ngày Quân Lực” nếu so với ngày 30/01 hay ngày 19/06, vì thông thường Ngày Quân Lực là ngày thành lập quân đội.

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, rất có thể vì quân đội được khai sinh từ quân đội Pháp trong hoàn cảnh chiến tranh giữa thực dân với cộng sản trong khi người Việt không cộng sản chúng ta chưa có vị trí rõ ràng trên bàn cờ chính trị, nên quí vị không chọn một trong  những ngày đó mà chọn ngày quân lực nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia để kỷ niệm. Ngày này có ý nghĩa vai trò quân đội trong chiến tranh ý thức hệ giữa “Tự Do với Độc Tài”, giữa cái Thiện với cái Ác.  Quyết định chọn ngày 19 tháng 6 làm “Ngày Quân Lực”, tiêu biểu nét đặc thù trong chiến tranh giữ nước của chúng ta trước làn sóng đỏ tràn xuống phía nam trong những thập niên 50 đến 70, mà hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh đã đặt Việt Nam Cộng Hòa chúng ta vào vị trí “quốc gia tiền đồn” trên mặt trận toàn cầu đương đầu với cuộc chiến ý thức hệ cộng sản thế giới, mà cộng sản Việt Nam là cánh tay nối dài của cộng sản thế giới.

Và kỷ niệm “Ngày Quân Lực 19 tháng 6” đã được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tổ chức trọng thể hằng năm kể từ năm 1966. Trong chốn riêng tư, ngày 19 tháng 6 năm 1966, còn tiềm ẩn ý nghĩa sự thành công của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, trong nỗ lực giải quyết vụ khủng hoảng chính trị mà báo chí thường gọi là “khủng hoảng miền Trung” nữa. Nói là thành công, nhưng thật sự có phải là thành công hay không, tùy sự đánh giá của quí vị quí bạn.

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, người cựu quân nhân chúng ta trong những hoàn cảnh thích hợp tại mỗi quốc gia hay thành phố định cư, đã cùng nhau tổ chức kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 06. Hành động như vậy, tôi nghĩ là hoàn toàn đúng và nên tiếp tục.

Đúng, vì cho đến nay -đầu năm 2010-, trong Cộng Đồng Việt Nam chúng ta tị nạn cộng sản tại hải ngoại, không một cá nhân hay một tổ chức nào khả dĩ có đủ tư cách để thay đổi. Với lại chúng ta cần có -phải nói là rất cần- một ngày trọng đại để vinh danh quân đội, vinh danh những đồng đội đã hi sinh, vinh danh những đồng đội thương phế binh đã để lại một phần thân thể trên khắp miền quê hương đất nước, và vinh danh những bà quả phụ đã tảo tần tạo dựng thế hệ nối tiếp trách nhiệm của chúng ta. Đồng thời, cũng là ngày nhắc nhở chúng ta -những người cựu quân nhân chưa tròn nhiệm vụ đang sống lưu vong khắp chân trời góc biển- hãy tiếp tục nhiệm vụ còn dang dở trong cuộc chiến hôm nay, góp phần vào công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam, và cùng thế hệ hậu duệ nối tiếp xây dựng một chế độ dân chủ tự do thật sự trên quê hương Việt Nam ngày mai.

[Bấm Vào Đây để đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Bài Kế]

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt