Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (18)
Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Xáo Trộn Sau Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” – Quân đội nhận lãnh trách nhiệm: Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có, Cao Văn Viên… và quân đội đồng minh đổ vào Việt Nam.
Trung Tướng Cao Văn Viên có vóc dáng cao lớn, thường luyện tập Yoga, với bộ quân phục nhẩy dù, trông ông rất khỏe mạnh. Ông có đủ dáng vẻ của vị Tướng chiến trường. Trung Tướng Viên rất xông xáo, thường đến thăm các đơn vị nhất là các đơn vị đồn trú và hoạt động Vùng I Chiến Thuật và Vùng II Chiến Thuật.
Từ giữa năm 1965 là thời gian bắt đầu và dồn dập có nhiều đơn vị Đồng Minh -nhất là Hoa Kỳ- lần lượt đổ quân vào Việt Nam. Trung Tướng Viên thường được cử thay mặt Chánh Phủ và nhân danh Tổng Tham Mưu Trưởng, có mặt tại các địa điểm đổ bộ để chào đón quân bạn. Đơn vị đầu tiên mà Trung Tướng Viên chào đón kể từ sau ngày nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng, là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Chu Lai, còn gọi là vịnh Dung Quất.
Vậy là Hoa Kỳ đã thực hiện được mục tiêu chiến lược của họ, “chiến lược Domino” mà trong thực tế là những căn cứ quân bộ chiến của Hoa Kỳ trải dài như những mắt xích nối liền nhau từ Đại Hàn xuống Nhật Bản, sang Đài Loan, Phi Luật Tân, đến Việt Nam Cộng Hòa, và Thái Lan. Những căn cứ này là những nơi xuất phát lực lượng Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, có khả năng ngăn chận chiến tranh xâm lược của cộng sản tấn công các quốc gia trong vùng Đông Nam và Đông Bắc Á Châu. Quân Lực Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân mới được sử dụng lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã nỗ lực thuyết phục Tổng Thống Diệm, nhưng đã bị Tổng Thống Diệm khước từ một cách cứng rắn.
Xin mở ngoặc để nói đến cuộc phỏng vấn ngày 18/10/2003, giữa ông Hồng Phúc của đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại từ Washington DC, với ông Bùi Tín cựu Đại Tá quân đội cộng sản từ Paris. Khi ông Hồng Phúc yêu cầu ông Bùi Tín cho một quan điểm như là so sánh giữa Tổng Thống Ngô Đình Diệm với ông Hồ Chí Minh. Ông Bùi Tín nói rằng, theo quan điểm của ông thì ông Ngô Đình Diệm (ông Bùi Tín không dùng chữ chức vụ Tổng Thống) yêu nước thật sự vì sau khi nhận chức Thượng Thư Bộ Lại khoảng 4 tháng thì từ chức vì Toàn Quyền Pháp tự ý sửa đổi Hòa Ước 1884 đặt Trung Kỳ dưới quyền bảo hộ của Pháp như Bắc Kỳ. Ông Diệm thông minh hơn ông Hồ, đạo đức hơn ông Hồ, trong sạch hơn ông Hồ, chỉ riêng cái quyết định không bằng lòng cho Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh, ông Diệm đã nói rằng “nếu để một mảnh đất vào tay Hoa Kỳ, sau này khi có hiệp thương giữa hai miền Nam Bắc thì ông phải giải thích như thế nào với đồng bào.” Câu này do Vũ Ngọc Nhạ thuật lại cho ông Bùi Tín nghe sau ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, và ông ta gặp lại Bùi Tín ngay trong dinh Độc Lập. Vũ Ngọc Nhạ, là một cán bộ tình báo cao cấp được lãnh đạo cộng sản Việt Nam cài vào Phủ Tổng Thống (Việt Nam Cộng Hòa) với chức vụ cố vấn của Tổng Thống. Xin đóng ngoặc.
Nhân lễ Giáng Sinh 1965, Trung Tướng Viên chỉ thị tôi tổ chức buổi tiếp tân trọng thể ngay tại võ đình trường trước tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu. Khách mời:
Ngoại quốc, gồm: Các vị trong Ngoại Giao đoàn, kể cả các vị Tùy Viên quân sự. Các vị Tư Lệnh lực lượng Đồng Minh đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, các đơn vị trưởng cùng các sĩ quan tham mưu trực thuộc lực lượng này.
Nội bộ, gồm: Các vị trong Chánh Phủ, trong Quốc Hội. Tất cả các vị Tướng Lãnh đang phục vụ tại thủ đô và lân cận, các vị Chỉ Huy Trưởng binh chủng, Tổng Cục Trưởng, Cục Trưởng, và các sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tổng số gần 500 vị.
Đây là lần đầu tiên các cấp chỉ huy lực lượng Đồng Minh, gồm: Đại Hàn, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Thái Lan, và Hoa Kỳ, với các cấp chỉ huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có cơ hội tiếp xúc tìm hiểu nhau về cá nhân cũng như về kiến thức quân sự. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đều có mặt. Chương trình tổng quát với lời chúc Giáng Sinh ngắn gọn của Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, và của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Tiếp đó là chương trình văn nghệ với những bài hát Giáng Sinh bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Buổi tiếp tân diễn ra trong bầu không khí thân hữu và trang trọng.
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, là hai vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Trải qua thời gian cầm quyền, tôi nghĩ là những ai quan tâm đến thời sự quốc gia quốc tế, dễ dàng nhận thấy rằng: về chức vụ thì Trung Tướng Thiệu cao hơn nhưng Thiếu Tướng Kỳ lại được đồng bào trong nước cũng như nhiều nhân vật quốc tế biết đến nhiều hơn. Trung Tướng Thiệu thì trầm ngâm, sâu sắc, chỉ xuất hiện khi cần thiết. Thiếu Tướng Kỳ thường tuyên bố điều này điều khác, đôi khi ông tuyên bố tùy hứng mà không cần biết điều đó có thực hiện được hay không. Nói cách khác, Thiếu Tướng Kỳ không có cái sâu sắc trong địa vị chính trị của ông, nhưng trong một chừng mực nào đó, ông lại là nhân vật có vẻ thích ứng với vai trò của ông, vai trò một Thủ Tướng có cá tính “bốc đồng” trong giai đoạn chiến tranh lúc ấy. Phải chăng đó là chính sách của Hoa Kỳ? Nhìn chung thì Trung Tướng Thiệu với Thiếu Tướng Kỳ, không hợp nhau từ bản chất cá nhân, nhưng lại là một cặp lãnh đạo đất nước! Thật ra trong thuật lãnh đạo, trong hàng lãnh đạo rất cần những quan điểm trái ngược, nhưng là trái ngược trong tinh thần thúc đẩy phát triển quốc gia chớ không phải trái ngược trong mục đích đả phá nhau do tinh thần cá nhân hay phe nhóm. Vậy, quí vị quí bạn nhìn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ như thế nào? Xin hiểu là nhìn lại để rút ra bài học kinh nghiệm cho mai sau, chớ không phải nhìn lại để chỉ trích cá nhân, thậm chí là kết án.
Dư luận trong giới chính trị cũng như trên báo chí quốc nội quốc tế, khi nói đến những vị lãnh đạo quốc gia của chúng ta thường nhắc đến “bộ ba” gồm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, tức Quốc Trưởng + Thủ Tướng + Tổng Trưởng Quốc Phòng. Theo tôi, con người của Trung Tướng Có không có nét nào hợp với Thiếu Tướng Kỳ, cũng không trầm ngâm như Trung Tướng Thiệu. Ông không có tính xốc nổi nhưng cũng không sâu sắc, ông rất hăng say trong trách nhiệm lãnh đạo Quốc Phòng, nhưng dường như kiến thức tổng quát cũng như kiến thức quân sự có những giới hạn, nên không có gì đặc biệt ở cương vị của ông trong nội các chiến tranh. Tôi nghĩ, những công việc có tính cách điều hành của Bộ Quốc Phòng cũng như Bộ Tổng Tham Mưu, thích hợp với ông hơn là những vấn đề chiến lược chiến thuật.
Về cấp hiệu sĩ quan mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm qui định từ đầu năm 1956 (hay 1957?), thay thế cấp hiệu của Pháp (mà quân đội quốc Gia Việt Nam áp dụng khi mới thành lập) là cấp Uý biểu tượng bằng bông mai vàng và cấp Tá là bông mai trắng trên cổ áo hoặc trên mũ lưỡi trai. Nhưng vì kỹ thuật của các nhà sản xuất chưa hoàn hảo nên màu sắc không chính xác giữa trắng với vàng, nhất là thời gian sử dụng càng lâu thì màu sắc càng dễ gây lầm lẫn. Chẳng hạn như một Đại Úy với cấp hiệu 3 bông mai vàng với một Thiếu Tá cấp hiệu một bông mai trắng đi ngược chiều nhau, nhưng vì màu sắc trên bông mai vàng phai mờ nên ông Thiếu Tá tưởng lầm ông Đại Úy đi ngược chiều là Đại Tá, bèn đưa tay chào cho dẫu có thắc mắc không biết có phải Đại Tá hay không vì trông trẻ quá. Vì vậy mà Trung Tướng Nguyễn Hữu Có quyết định cấp hiệu của sĩ quan cấp Tá được gắn thêm một vạch ngang phía dưới bông mai trắng để dễ phân biệt giữa cấp Uý với cấp Tá. Thế nhưng, lúc bấy giờ có dư luận cho rằng, Trung Tướng Có được các nhà sản xuất các loại huy hiệu cấp hiệu quân đội, lo lót một khoản tiền để ông đưa ra quyết định như vậy, vì tất cả sĩ quan cấp Tá đều phải mua cấp hiệu mới theo mẫu đó, và dĩ nhiên là các nhà sản xuất thu được khoản tiền lời lớn. Đúng hay sai thì tôi không rõ, nhưng có điều chắc chắn là qui định này đã giúp cho sự dễ nhận giữa cấp Úy với cấp Tá. Tôi nghĩ, đây là một quyết định đúng.
Nhân vụ cấp hiệu này xin nói thêm về nhiều loại huy chương được thiết lập trong thời gian Trung Tướng Nguyễn Khánh cầm quyền, trong mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các sĩ quan tham mưu và sĩ quan chuyên môn, được tưởng thưởng thích hợp và nhiều huy chương hơn để đeo trên ngực áo trong những lễ hội, những lần đón tiếp các phái đoàn quân sự ngoại quốc, hoặc du học du hành ngoại quốc. Trung Tướng Khánh có sáng kiến này là vì có một vị Tướng (dường như là Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng) khi xuất ngoại, trên ngực áo chỉ có 3 huy chương cuống trông thật là “đơn côi” và làm cho vị Tướng có vẻ “yếu đi” mặc dù ông có vóc dáng cao lớn và khỏe mạnh.
Về cách giải quyết công văn tại văn phòng, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm với Đại Tướng Cao Văn Viên có cùng thận trọng như nhau, nhưng Đại Tướng Viên có phần nhanh hơn. Đại Tướng Nguyễn Khánh cũng nhanh nhưng mức độ thận trọng không bằng hai vị Tướng nói trên. Trung Tướng Trần Văn Minh thì chỉ làm việc cho hết giờ. Trung Tướng Nguyễn Hữu Có thì thận trọng quá đáng nên có phần chậm chạp. Xông xáo đi thăm các đơn vị tại mặt trận hoặc các đơn vị đang công tác đặc biệt, Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khánh như nhau, Trung Tướng Có cũng gần như vậy, Đại Tướng Khiêm thì thỉnh thoảng, còn Trung Tướng Minh thì không có gì để so sánh. Đại Tướng Khánh, trong hơn một năm cầm đủ thứ quyền trong tay, là thời gian nhiều xáo trộn chính trị, thế nhưng ông đã dành thì giờ để đến với nhiều đơn vị, đó là điều ghi nhận tốt. Ông là vị Tổng Tư Lệnh duy nhất cho mang theo công văn để ông làm việc trên phi cơ trong khi đi thăm đơn vị, nhưng ông cũng là vị Tổng Tư Lệnh kỳ cục nhất khi bất đồng quan điểm với ông Đại Sứ Hoa Kỳ thì tự dời văn phòng làm việc cách xa Bộ Tổng Tư Lệnh hằng trăm cây số (từ tháng 6 năm 1965, Bộ Tổng Tư lệnh mới trở lại danh xưng Bộ Tổng Tham Mưu).
Về mối liên hệ tình cảm trong công tác, Trung Tướng Viên nghiêng về Thiếu Tướng Kỳ hơn là Trung Tướng Thiệu, dù rằng Trung Tướng Thiệu chức vụ cao hơn Thiếu Tướng Kỳ. Phải nhận rằng, Thiếu Tướng Kỳ tuy cá tính xốc nổi nhưng dám nói dám làm, dù là làm được lẫn làm không được, nhưng được sự ủng hộ của số đông chiến hữu và đồng bào, nhưng những nhà hoạt động chính trị thì không ủng hộ ông. Lực lượng có khả năng trực tiếp tham gia đảo chánh là Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến thì đứng về phía Thiếu Tướng Khang và Trung Tướng Viên, nên Thiếu Tướng Kỳ có thế đứng vững hơn những Thủ Tướng trước ông. Trong những lúc nói chuyện với tôi và sĩ quan tùy viên, Trung Tướng Viên thường tỏ ra ca ngợi Thiếu Tướng Kỳ và không hề nhắc đến Trung Tướng Thiệu dù Trung Tướng Thiệu đang là Quốc Trưởng. Trung Tướng Viên cho rằng, trong số những khuôn mặt hiện nay (năm 1965-1966) thì Thiếu Tướng Kỳ là người thích hợp hơn hết.
Trong năm 1965 và đầu năm 1966, sinh hoạt ở trung ương tương đối yên ắng, tuy phần lớn trong giới chính trị lão thành cũng như giới thân hào nhân sĩ tỏ ra không ủng hộ Thiếu Tướng Kỳ. Tôi căn cứ vào những báo cáo mật của Tổng Nha Cảnh Sát thông báo cho Tổng Tham Mưu Trưởng mà ghi nhận như vậy.
Trong hệ thống điều hành thông thường, chẳng có qui định nào buộc Cảnh Sát phải thông báo những tin tức về các hoạt động chính trị cho Bộ Tổng Tham Mưu cả, nhưng có thể là do mối liên hệ mật thiết giữa Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ -Thủ Tướng- với Trung Tướng Cao Văn Viên -Tổng Tham Mưu Trưởng- mà hậu thuẫn của Trung Tướng Viên là lực lượng Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến để chống đảo chánh, nên Tổng Giám Đốc Cảnh Sát -rất được Thiếu Tướng Kỳ tin cậy- mới có những thông báo như vậy. Ngay sau ngày Thiếu Tướng Viên (hai tuần sau đó ông mới thăng cấp Trung Tướng) nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng, Đại Tá Ngô Quang Trưởng -dường như lúc bấy giờ ông là Tư lệnh Phó Nhẩy Dù- đến văn phòng tôi, ông nói:
“Anh Hoa, để kịp thời đối phó với những biến động quân sự về phía nội bộ, bất cứ là giờ nào trong ngày nếu như anh thấy có điều gì nghi ngờ về một cuộc đảo chánh hay tương tự như vậy, thì anh báo tin cho tôi ngay, vì lúc nào tôi cũng có một đơn vị túc trực tại căn cứ Hoàng Hoa Thám (tên doanh trại của Lữ Đoàn Nhẩy Dù, khỏi ngã tư Bảy Hiền, trên đường Sài Gòn-Tây Ninh)”
Khi tôi bổ túc đoạn ngắn này thì cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã từ trần. Xin cắm nén hương tưởng nhớ đến Ông, một Tướng Lãnh khi xuôi tay yên nghỉ, nhận được lòng ngưỡng mộ và thương cảm của hầu hết các thành phần trong Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn cộng sản tại hải ngoại!
Điều làm cho các vị Tướng lãnh đạo ở trung ương nói chung và Thiếu Tướng Kỳ nói riêng, lo ngại là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chánh Phủ tại Trung Phần, về những lời tuyên bố cùng một số hành động của ông có tính cách trái ngược với trung ương nếu không nói là chống lại trung ương.
Xin nhắc lại. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, sau hơn 2 năm lưu vong trên vương quốc Cam-Bốt, được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng sau cuộc lật đổ và giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm đón về, lần lượt thăng cấp Thiếu Tướng, rồi Trung Tướng, và hai lần thăng cấp này hoàn toàn không do công trạng trong chiến trận.
Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi là người có tính bộc trực, thẳng tính, và nóng tính. Buổi sáng ngày 30 tháng 1 năm 1964, ngay trong sân nhà Trung Tướng Khánh, trong lúc có nhiều sĩ quan quanh quẩn ở đó để theo dõi tin tức về cuộc “Chỉnh Lý”, Trung Tướng Thi lúc đó là Đại Tá, đã bạt tai Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi với tất cả sự nóng giận của ông. Hỏi ra tôi mới biết là trong thời gian lưu vong, Thiếu Tá Lợi cũng như các bạn cùng lưu vong, đã khinh thường ông vì ông không làm ra tiền mà trông chờ vào sự “chạy gạo” của các sĩ quan cấp nhỏ hơn ông trong nhóm lưu vong. Chắc vì vậy mà ông bạt tai cho hả giận, và chắc cũng để tỏ ra là ông đã qua thời xuống chó và đang thời lên voi chăng?
Trong thời gian Trung Tướng Khánh bắt đầu có khoảng cách với Đại Tướng Khiêm, rồi khoảng cách đó ngày càng rộng và sâu thêm, cho đến một ngày khoảng cách đó rộng bằng cả Đại Tây Dương thì Đại Tướng Khiêm bị đẩy sang bên kia bờ phía tây gọi là thăm vài nước Châu Âu, thì những vị Tướng thân thiết nhau như: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, và Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang (1964), có vẻ như không can dự gì vào chuyện giữa Trung Tướng Nguyễn Khánh với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cả. Nhưng tôi không rõ là bắt nguồn từ nguyên nhân nào mà Trung Tướng Thi (1966) lại tách ra khỏi nhóm đó, và tách ra từ lúc nào nữa. Chỉ biết là khi Trung Tướng Thi chống đối trung ương trở nên công khai đến mức báo chí đăng tải, thì lúc đó Trung Tướng Thi đang là Tư Lệnh Quân Đoàn I tại Đà Nẵng. Xin giải thích: tôi chỉ nói đến những vị Tư lệnh có quân có quyền trong tay và có khả năng đảo chánh lẫn chống đảo chánh thôi.