Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (14)
Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đăng nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Xáo Trộn Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964”
Sự “mâu thuẫn một chiều” từ phía Trung Tướng Nguyễn Khánh đối với Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, như cái hố ngày càng rộng và sâu thêm, cơ hồ khó mà hàn gắn lại nếu không nói là không thể hàn gắn được. Hai vị không có những cuộc tiếp xúc trực tiếp nhau nữa, trong khi những hình thức chống đối Trung Tướng Khánh từ các tổ chức chính trị không ngưng nghỉ, càng làm cho Trung Tướng Khánh tức tối thêm và mục tiêu chính mà ông cần triệt hạ vẫn là Đại Tướng Khiêm. Rất có thể những sự kiện chính trị nội tình Việt Nam Cộng Hòa xảy ra trong tháng 07 và 08/1964, chưa đủ để ông thẳng tay với Đại Tướng Khiêm, vì dù sao Đại Tướng Khiêm cũng là người chính yếu đưa ông đến tột đỉnh vinh quang hiện nay.
Và rồi Trung Tướng Nguyễn Khánh có cái cớ mà tôi nghĩ là nguyên nhân của Trung Tướng Khánh, để ông xuống tay với người bạn đồng khóa và rất thân của ông. Và nếu nhìn theo góc cạnh tình cảm, Đại Tướng Khiêm cũng là ân nhân của Trung Tướng Khánh nữa.
Ngày 13/09/1964, 07 giờ sáng, tôi đưa Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và gia đình gồm vợ và hai con của ông, cùng với Đại Úy Nguyễn Trọng Hồng -sĩ quan tùy viên- lên phi cơ đi Đà Lạt, và dự trù trở về Sài Gòn vào buổi chiều cùng ngày. Đại Úy Hồng thay thế Đại Úy Nguyễn Hữu Có đã thuyên chuyển sang Lữ Đoàn Nhẩy Dù, làm sĩ quan tùy viên cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên. Phi cơ rời phi trường Tân Sơn Nhất, và khi mất hút trong những đám mây lang thang trên không phận Gia Định, tôi lên xe quay về nhà với dự định đưa gia đình dạo phố vì lâu lắm mới có một ngày chủ nhật rảnh rang như hôm nay.
Nhưng không. Vì khi về đến nhà là nghe tiếng súng ròn rã ở hướng Bộ Tổng Tư Lệnh, và hướng Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Tôi chạy sang Bộ Tổng Tư Lệnh. Đang mở cửa văn phòng thì gặp ngay Đại Tá Huỳnh Văn Tồn, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh (đồn trú ở Mỹ Tho) cũng vừa đến. Với nụ cười cố hữu trước khi vào chuyện, ông hỏi:
“Đại Tướng đâu rồi anh Hoa?
“Đại Tướng và gia đình đi Đà Lạt, nhưng khoảng 8 giờ mới đến trên đó. Có chuyện gì vậy Đại Tá?
“Chúng tôi “Biểu Dương Lực Lượng” để cảnh cáo ông Khánh. Có cách nào anh liên lạc được với Đại Tướng sớm hơn không?
“Chỉ có cách là nhờ hệ thống Bộ Chỉ Huy Không Chiến của Không Quân thì may ra, nhưng tôi nghĩ là mình không nên để bên đó biết cuộc nói chuyện như vậy, thưa Đại Tá. Với lại khoảng 20 phút nữa thì mình liên lạc được thôi mà”.
Ngay lúc đó điện thoại reo:
“Thiếu Tá Hoa tôi nghe”.
“Trung Tướng Khánh đây. Đại Tướng Khiêm đâu rồi?
“Thưa Trung Tướng, Đại Tướng Khiêm đang trên không trình Sài Gòn-Đà Lạt. Trung Tướng có cần liên lạc ngay bây giờ không, thưa Trung Tướng?
“Khi đến nơi, anh nói Đại Tướng Khiêm điện thoại ngay cho tôi”.
“Vâng. Nhưng điện thoại Trung Tướng ở tư dinh hay ở Phủ Thủ Tướng, thưa Trung Tướng?
“Phủ Thủ Tướng”.
Tôi liền gọi lên Đà Lạt, dặn trên đó trình với Đại Tướng Khiêm liên lạc ngay với Trung Tướng Khánh khi đến nơi. Vừa gác ống nói vừa xoay qua Đại Tá Tồn:
“Trung Tướng Khánh cần nói chuyện với Đại Tướng đó Đại Tá”.
“Ổng ở đâu vậy?
“Dạ ở Phủ Thủ Tướng. Vị lãnh đạo hôm nay là ai vậy Đại Tá?
“Trung Tướng Đức với tôi”.
Trung Tướng Dương Văn Đức là Tư Lệnh Quân Đoàn IV/Vùng IV Chiến Thuật. Bộ Tư Lệnh đồn trú tại Cần Thơ.
Đại Tướng Trần Thiện Khiêm bị quản thúc.
Vài phút sau, điện thoại reo:
“Thiếu Tá Hoa tôi nghe”.
“Hồng đây anh. Anh gọi Đại Tướng có việc gì vậy?
“Sài Gòn đang có biến động do Trung Tướng Đức với Đại Tá Tồn lãnh đạo. Trung Tướng Khánh dặn Đại Tướng khi đến Đà Lạt là gọi về ổng ở Phủ Thủ Tướng đó. Anh trình Đại Tướng ngay đi. Có tin gì thì cho tôi biết với nghe”.
Mấy phút sau đó, Đại Úy Hồng gọi tôi:
“Trung Tướng Khánh bảo Đại Tướng ở lại Đà Lạt cho đến khi nào ổng cho về mới được về. Đại Tướng bảo anh đến nhà lấy một ít áo quần và đồ dùng cần thiết, cho phi cơ mang lên Đà Lạt ngay hôm nay. Nhờ anh ghé nhà tôi lấy túi áo quần gởi lên giùm tôi luôn. Vợ tôi đang chuẩn bị đó. (Trong những năm 1970-1975, Đại Tướng Khiêm giữ chức Thủ Tướng, Đại Tá Hồng là chánh văn phòng. Hiện anh định cư tại Houston).
“Chiếc (phi cơ) C47 còn trên đó không?
“Sau khi nói chuyện với Trung Tướng Khánh, Đại Tướng cho phi hành đoàn lái về Sài Gòn rồi”.
“Vậy tôi sẽ yêu cầu chiếc đó trở lên Đà Lạt ngay chiều hoặc tối nay. Nhớ, có tin gì thêm thì gọi tôi ngay nhé. Ngược lại, tôi cũng gọi anh khi có tin tức mới nhất”.
Cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” của Trung Tướng Dương Văn Đức đến buổi trưa là xẹp xuống sau mấy tiếng đồng hồ ồn ào, tự lui quân về Mỹ Tho và Cần Thơ. Tình hình thủ đô cũng như những vùng lân cận trở lại yên tỉnh. Nhưng đó chỉ là bề mặt thôi.
Và đây là lời của Đại Tá Tạ Thành Long, thuật tóm tắt cho chúng tôi nghe khi cùng bị giam tại trại tập trung tù chính trị ở Nam Hà (miền bắc) năm 1981, về cuộc “Biểu Dương Lực Lượng” nói trên. Lúc bấy giờ anh Long là Trung Tá Tham Mưu Phó hành quân Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV tại Cần Thơ:
“Giữa đêm 12 rạng 13/09/1964, Trung Tướng Đức ra lệnh tổ chức bộ chỉ huy hành quân và cấp tốc di chuyển sang Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho, và chuyển quân lên Sài Gòn vào sáng sớm. Làm việc suốt đêm và di chuyển trên chặng đường Cần Thơ-Mỹ Tho trong đêm tối mà không được bảo vệ an ninh lộ trình, một cuộc vận chuyển rất nguy hiểm trong tình hình lúc bấy giờ, nhưng cũng may là đến nơi bình yên. Sau khi phối hợp với Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tất cả cùng chuyển quân lên Sài Gòn”.
“Theo kế hoạch, các đơn vị phải dừng lại ở Bình Chánh (một quận của tỉnh Gia Định ven ngoại ô thủ đô), chỉ có Trung Tướng Đức và các sĩ quan cần thiết mới được vào Sài Gòn. Nhưng Trung Tướng Đức cho lực lượng tiến đến Phú Lâm, ngưỡng cửa phía tây của thủ đô. Trung Tướng Đức giao cho tôi (tức Trung Tá Long) đến tòa đại sứ Hoa Kỳ liên lạc với bộ phận tình báo ở đó xem tình hình sắp tới ra sao. Đến nơi, chờ một lúc mới tiếp xúc được với nhân viên tình báo. Ông ta lên tiếng:
“Các ông đã không thực hiện đúng lời hứa. Tại sao các ông đưa lực lượng vào Sài Gòn? Hành động của các ông gây khó khăn cho chúng tôi và cho cả các ông nữa. Ông chờ tôi liên lạc về Hoa Kỳ nhận lệnh”.
“Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau đó: Hoa Thịnh Đốn quyết định các ông phải rút quân về vị trí ngay, nếu không, các ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc biến động hôm nay.
“Tôi quay về Bộ Tổng Tư Lệnh trình cho Trung Tướng Đức về kết quả cuộc tiếp xúc đó thì ông cho lệnh rút quân. Và chuyện kể chỉ có thế”.
Cuộc Biểu Dương Lực Lượng” ngày 13/09/1964, chỉ diễn ra trong khoảng mười tiếng đồng hồ thì lặng lẽ rút lui. Ngay sau đó, Trung Tướng Đức bị bắt tại Cần Thơ đưa lên phi cơ về Sài Gòn, ông đã nóng giận to tiếng khoa tay múa chân tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Quân Cảnh và An Ninh Quân Đội “dìu” lên xe đưa về cơ quan an ninh.
Chắc là Hoa Kỳ khó chịu về cái hơi hám “độc tài” của Trung Tướng Khánh nhưng chưa đến mức đảo chánh lật đổ, nên “nhờ” Trung Tướng Đức ra oai cảnh cáo dưới tên gọi “Biểu Dương Lực Lượng”, và lực lượng cảnh cáo hăng quá nên đưa quân áp sát thủ đô suýt nữa là chiếm luôn các cơ sở trọng yếu như các cuộc đảo chánh trước đây đã làm. Thế là bộ phận tình báo tại tòa đại sứ Hoa Kỳ giáng cho một lệnh xuất phát từ Hoa Thịnh Đốn, và lực lượng biểu dương vội vàng rút lui có phần mất trật tự một chút. Rõ ràng là Mỹ chưa bật đèn xanh hoặc đèn xanh giới hạn thì cái ghế Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực không phải dễ.