Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (10)
Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” (tiếp theo)
Chỉnh Lý (Đảo Chánh) tiếp theo
Sáng 31/01/1964, bàn giao xong, tôi và các quân nhân văn phòng dọn về lại văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng. Vẫn trên tầng lầu, nhưng khác phòng. Trung Tướng Khiêm nhận hai chức vụ của Trung Tướng Trần Văn Đôn nhưng không có bàn giao, vì Trung Tướng Đôn đã bị bắt từ hôm qua. Cùng lúc, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu nhận chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, cũng không có bàn giao vì Trung Tướng Lê Văn Kim cũng bị bắt rồi. Tôi nhận bàn giao của Thiếu Tá Đặng Văn Hoa, gồm văn phòng Tổng Trưởng Quốc Phòng và văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng gần như hoàn toàn về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ, dĩ nhiên là về mặt chính trị cũng vậy. Nói rõ hơn trong các biến cố chính trị, nhóm nào được Mỹ ủng hộ thì phần thắng có thể trong tầm tay. Ủng hộ thì có thể có nhiều cách, nhưng sự có mặt của một người Mỹ trong cuộc đảo chánh 01/11/1963 và cuộc đảo chánh lần này, là biểu hiện rõ nhất. Với cuộc đảo chánh 30/01/1964, giữa bộ ba lãnh đạo đảo chánh (chỉnh lý, chỉ là một loại ngôn ngữ chính trị) với Hoa Kỳ, liệu bên nào là bên khởi xướng? Điều đó tôi không rõ, nhưng chắc chắn là ba vị này đã tiếp xúc ít nhất là 2 lần với Hoa Kỳ, kể từ lúc tôi đón Trung Tướng Khánh về đến Sài Gòn.
Nhìn từ góc độ cá nhân. Liệu có phải cuộc đảo chánh bắt nguồn từ “cái hận của Trung Tướng Trần Thiện Khiêm” khi cử ông vào phái đoàn công du Đại Hàn mà ông tưởng như phần thưởng, để rồi cử ông vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III trong khi ông công du ngoại quốc chưa về? Xin nhớ rằng, Trung Tướng Khiêm là một trong những vị nòng cốt lãnh đạo cuộc đảo chánh 01/11/1963, vì trong chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân nếu ông không tham gia thì cuộc đảo chánh cũng không dễ gì thực hiện được. Và cũng liệu có phải là từ “cái hận” của Đại Tá Viên khi bị tách khỏi Lữ Đoàn Nhẩy Dù trong cuộc đảo chánh 01/11/1963 không? Nếu không phải là “những cái hận” đó, thì tại sao trong buổi họp chọn người lãnh đạo ngay sau khi đảo chánh thành công, Trung Tướng Khiêm nói “phần tôi đến đây là đủ rồi”, và tại sao Đại Tá Viên cũng nói “phần tôi đến đây là xong rồi”. Cả hai vị có cùng câu nói tương tự nhau là bao hàm ý nghĩa rằng “tôi không thích chính trị” hoặc “tôi không thích lao vào chính trị”, để rồi Trung Tướng Khánh “đành” nhận cả hai chức vụ cao nhất nước? Hãy để câu trả lời chính xác cho cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và cựu Đại Tướng Cao Văn Viên.
Nếu chấp nhận giả thuyết “hai cái hận” nói trên là nguyên nhân, thì theo tôi, hành động phục hận của Trung Tướng Khiêm và Đại Tá Viên mới là “động lực”, mà động lực không cũng chưa đủ, vì phải có “ngòi nổ” để phát nổ nữa chớ. Trung Tướng Khánh là mẫu người nhiều tham vọng, và đây đúng là “ngòi nổ” để đẩy động lực kia nổ máy. Tôi muốn nói là Trung Tướng Khánh đã khai thác cái hận của Trung Tướng Khiêm với Đại Tá Viên bằng cách khích hai vị ấy phục hận. Cũng chưa đủ, phải có “lửa” châm ngòi nổ nữa chớ. Tôi cho rằng Hoa Kỳ là ánh lửa châm ngòi. Như vậy, nếu đúng là phục hận thì Hoa Kỳ cũng có nguyên nhân nào đó chớ chẳng lẽ Hoa Kỳ giúp đảo chánh chỉ để hai vị phục hận riêng tư sao? Chắc chắn là không.
Nhìn vào một góc độ khác, góc độ chính trị ngoại giao. Liệu có phải Hoa Kỳ muốn loại trừ những Tướng lãnh cầm quyền mà trước đó có tiếng là thân Pháp ra khỏi chính trường Việt Nam không? Chắc trong chúng ta, lứa tuổi chào đời thập 20, 30, không ai quên là Pháp rất không bằng lòng hành động của Hoa Kỳ góp phần đẩy nước Pháp đến việc ký kết Hiệp Định Đình Chiến Genève 20/07/1954 với Việt Minh cộng sản, dẫn đến sự kiện nước Pháp thua trận và đoàn quân viễn chinh của Pháp hoàn toàn rút khỏi Việt Nam tháng 03/1956. Tổng Thống Pháp quốc, Tướng Charles De Gaulle, vào đầu thập niên 1960, trong chuyến viếng thăm Cambodge, ông cổ võ chính sách trung lập cả ba nước Việt Nam, Cam Bốt, và Lào. Quan niệm trung lập của ông De Gaulle, chẳng khác nào xúi ba nước trên bán đảo Đông Dương vào ảnh hưởng cộng sản, điều đó có nghĩa là vực Việt Nam Cộng Hòa (cùng với Cam Bốt và Lào) ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Phải chăng đây cũng là cách phục hận của Pháp đối với Mỹ? Lúc ấy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm phản ứng mạnh mẽ về lời tuyên bố đó của Tổng Thống Pháp.
Liên quan đến đoạn trên đây, cựu Đại Tướng Khiêm nói với tôi trong cuộc điện đàm tối 21/10/2003, như sau:
“Tôi không biết tại sao mà Mỹ lại bỏ rơi ông Minh nữa”.
Tôi nói với ông về nét nhìn của tôi như đoạn viết ở trên. Ông nói:
“Điều chú nói có lý lắm, nhưng có thể còn điều gì đằng sau đó nữa”.
Nhưng mà thưa các bạn, với câu nói ngắn ngủi của cựu Đại Tướng Khiêm trên đây, cộng với nguyên nhân mà Trung Tướng Khánh (cấp bậc lúc đảo chánh) đã tuyên bố trong buổi họp báo cách nay 39 năm sau khi đảo chánh thành công (30/01/1964), theo đó thì Trung Tướng Dương Văn Minh và các vị trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng thành lập ngày 01/11/1963, có kế hoạch đưa Việt Nam đến trung lập, có thể làm quí vị suy nghĩ nếu quí vị muốn đào sâu thêm về con người dẫn đến sự kiện ngày 30/01/1964.
Nhìn sang góc độ khác nữa, góc độ chính trị nội bộ. Liệu có phải năm vị Tướng vừa bị bắt kia, thật sự có kế hoạch trung lập Việt Nam hay không vì Trung Tướng Khánh với quyền uy cao nhất nước, đã nói với báo chí là sẽ đưa các vị đó ra tòa (?). Tôi chấm hỏi trong ngoặc đơn như vậy vì tôi nghi ngờ lời ông. Tôi nghi ngờ vì chen lẫn trong lúc ba vị thảo luận thành lập chánh phủ, Trung Tướng Khánh có nói sẽ ra lệnh cho Trung Tá Cao (Albert Nguyễn Cao) và Thiếu Tá Nhiêu (Lê Văn Nhiêu) -sĩ quan tình báo- truy tìm tài liệu về “kế hoạch trung lập”. Câu nói đó cho tôi hiểu đôi chút là khi bắt các vị Tướng bị cáo buộc “trung lập”, thì trong tay các vị đảo chánh chưa có bằng chứng gì trung lập hết, hoặc nếu có cũng chưa đủ để đưa các vị ấy ra tòa.
Năm 1994, khi tôi viết lại đoạn này thì cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm sống ở Washington D.C. một cách lặng lẽ, không tiếp xúc với ai liên quan đến chính trị. Trong khi cựu Đại Tướng Cao Văn Viên thì đi sâu vào thiền, cũng ở Washington D.C. và cuộc sống càng ẩn dật hơn cựu Đại Tướng Khiêm nữa. Điều đó đúng trong thời gian ấy.
Ngày 06/09/2003, vợ chồng tôi lên Virginia thăm ông bà cựu Đại Tướng Khiêm, nhận thấy ông và gia đình ông vẫn trong cuộc sống ẩn dật tuy là trong căn nhà khá rộng. Buổi tối cùng ngày, tôi và hai người bạn nữa đến đón cựu Đại Tướng Viên từ một gian phòng nhỏ trong building khang trang, về nhà anh chị Lý Thanh Tâm dùng cơm tối. Anh Lý Thanh Tâm, một cựu sĩ quan ngành Tổng Quản Trị. Anh Chị Lý Thanh Tâm, là người giúp cựu Đại Tướng Viên rất nhiều việc trong những năm gần đây. Trong bữa ăn này, tôi thấy sức khoẻ của ông rất kém nhưng sự minh mẫn không sa sút bao nhiêu, tôi không hỏi ông về thiền vì sức khoẻ của ông như vậy ông không thể ngồi thiền được nữa. Có một điều thật dứt khoát là ông không thể tham gia vào những vấn đề chính trị, đơn giản là sức khỏe của ông trong tình trạng sút kém đến mức khó mà hình dung được nếu không trông thấy ông.
Xin giải thích thêm về cựu Đại Tướng Cao văn Viên. Trong cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 01 và 02/11/1963, lúc ấy ông là Đại Tá, bị Hội Đồng Quân Cách Mạng cách ly khỏi chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù và bị cách chức sau khi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đảo chánh thành công. Nhưng bà Cao Văn Viên nhờ Trung Tướng Trần Thiện Khiêm (cấp bậc lúc bấy giờ) vì hai vị là bạn thân, vận động với Trung Tướng Dương Văn Minh và Đại Tá Viên được trở lại chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù, dĩ nhiên vị sĩ quan thay thế ông mấy ngày phải chuyển sang đơn vị khác. Tháng sau đó, trong một cuộc hành quân trực thăng vận (chuyển quân bằng phi cơ trực thăng đổ ngay tại chiến trường) dọc biên giới Việt Nam-Cam Bốt thuộc quận Hồng ngự, tỉnh Kiến Phong. Cuộc hành quân này đã đánh nhau dữ dội với quân cộng sản từ bên trong lãnh thổ Cam Bốt xâm nhập vào, với sự yểm trợ của Pháo Binh, Thiết Giáp, và Không Quân, Nhẩy Dù đã chiến thắng nhưng chấp nhận số thương vong đáng kể. Trong số bị thương có Đại Tá Viên, ông và những thương binh khác được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa điều trị. Chiều hôm đó, Trung Tướng Nguyễn Khánh với chức năng Quốc Trưởng, cùng với Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, vào tận giường bệnh trao gắn cấp bậc Thiếu Tướng cho Đại Tá Cao Văn Viên. Đây là thăng cấp mặt trận. Đến đây là hết phần giải thích.
Một hôm, Trung Tướng Khiêm gọi tôi vào văn phòng, tôi thấy ông có vẻ như có điều gì quan trọng, ông nói:
“Chú phải biết là ngoài Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu, tôi còn là cố vấn cho Trung Tướng Khánh nữa, nên tôi không có thì giờ nhiều như trước đây. Vì vậy mà chú phải thận trọng khi thu xếp chương trình tiếp khách hằng ngày của tôi để tôi có thì giờ nghiên cứu nhiều vấn đề. Chú hiểu ý tôi chớ?”
“Vâng. Tôi hiểu”.
“Dù muốn hay không muốn, tôi cũng phải dính dáng đến chính trị. Đó là điều không thích hợp với tôi”.
“Vâng. Tôi hiểu”.
Ngưng một chút, ông tiếp:
“Chú liên lạc Phòng Tổng Quản Trị (Tổng Tham Mưu) làm lệnh thuyên chuyển Đại Úy Đặng Văn Châu về văn phòng (Tổng Tham Mưu Trưởng), làm thông dịch viên khi cần”.
Đại Úy Đặng Văn Châu là chánh văn phòng Tỉnh Trưởng Vĩnh Long, lúc ấy Trung Tá Lê Văn Phước là Tỉnh Trưởng. Sau ngày 01/11/1963, Trung Tá Phước bị cách chức và giải ngũ. Thế là Đại Úy Châu về văn phòng tôi. Trong văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng có các sĩ quan sau đây: (1) Tôi. (2) Đại Úy Nguyễn Hữu Có sĩ quan tùy viên luôn luôn đi theo Trung Tướng Khiêm. (3) Đại Úy Nguyễn Tinh Tú sĩ quan tùy viên tại tư dinh. (4) Đại úy Đặng Văn Châu thông dịch viên. (5) Trước ngày đảo chánh còn có Đại Uý Trần Thiện Ngươn, anh của Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, nhưng sau ngày đảo chánh anh thuyên chuyển đơn vị khác vì văn phòng dư sĩ quan theo ấn định trong bảng cấp số. Thật ra Trung Tướng Khiêm chỉ sử dụng Đại Úy Châu thông dịch trong trường hợp tiếp các phóng viên báo chí ngoại quốc, không phải ông không nói được Anh ngữ, nhưng vì nhà báo ngoại quốc thường hỏi những câu hóc búa, thành ra ông cần cái khoảng thời gian thông dịch để chuẩn bị câu trả lời.
Vài tuần sau ngày trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tướng Khiêm bảo tôi viết chi phiếu xuất 100.000,00 đồng cho nhà thờ Martino tu sửa những hư hỏng, vì ảnh hưởng trong cuộc chạm súng giữa lực lượng tấn công với lực lượng phòng vệ Phủ Tổng Thống trong ngày 01/11/1963. Tập chi phiếu này tôi nhận bàn giao ngày 31/01/1964 từ Thiếu Tá Đặng Văn Hoa, chánh văn phòng Tổng Trưởng Quốc Phòng. Lúc ấy, số tiền trong quỹ mật còn 36.000.000,00 đồng.
Lần thứ nhì, tôi cũng được lệnh viết chi phiếu 100.000,00 đồng cấp cho Trung Tá Nguyễn Văn Luông, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu, trong dịp Trung Tá Luông cưới vợ cho con. Tôi nghĩ, ngoài công tác bắt những vị Tướng khởi đầu cũng là kết thúc cho cuộc đảo chánh ngày 30/01/1964 ra, không có nguyên nhân nào khác để Trung Tá Luông được phần thưởng này cả. Cho Trung Tá Luông để cưới vợ cho con, tôi nghĩ, đó chỉ là cái cớ hơn là nguyên nhân.
Trong số những sĩ quan bị bắt sau cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963 đang giữ tại Nha An Ninh Quân Đội, có Trung Tá Nguyễn Văn Minh, và Trung Tá Nguyễn Khắc Bình, là hai trong số những vị tôi quen biết khá nhiều. Trung Tá Minh, Tỉnh Trưởng An Giang trong khi Đại Tá Trần Thiện Khiêm (cấp bậc lúc bấy giờ) Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu 33 Chiến Thuật (còn gọi là Khu Chiến Thuật Hậu Giang). Trung Tá Bình, khi còn tổ chức Quân Khu, ông là Tham Mưu Trưởng đệ ngũ Quân Khu đồn trú tại Cần Thơ. Tháng 04/1961, khi giải thể tổ chức Quân Khu để thành lập Khu Chiến Thuật với Vùng Chiến Thuật, Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ Sa Đéc di chuyển sang Cần Thơ đồn trú ngay trong doanh trại Quân Khu vừa giải thể, và Thiếu Tá Bình (cấp bậc lúc bấy giờ) giữ chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Do mối liên hệ công tác đó đã dẫn đến thân tình giữa Đại Tá Khiêm với hai vị.
Cũng xin nói thêm đôi nét về Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình. Từ Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Thiếu Tá Bình được Tổng Thống Ngô Đình Diệm bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng Định Tường. Theo lời Đại Uý Nguyễn Hữu Tài hồi năm 1964 -anh của Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có- thì sáng ngày 01/11/1963, Thiếu Tá Bình mang một phúc trình mật từ Mỹ Tho lên Sài Gòn để trình Tổng Thống Ngô Đình Diệm về những dấu hiệu của một cuộc đảo chánh, nhưng Thiếu Tá Bình bị Đại Tá Có (cấp bậc lúc bấy giờ) chận bắt.
Bà Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Khắc Bình, sau nhiều lần đến nhà tôi nhờ tôi trình với Trung Tướng Khiêm xin cứu xét giúp cho hai ông được tự do. Trung Tướng Khiêm có vẻ phân vân, chưa quyết định. Lần trình bày thứ nhì của tôi cùng với đơn của hai bà, Trung Tướng Khiêm phê dòng chữ trên hai đơn đó:
“Nha An Ninh (Quân Đội) cứu xét rộng rãi”.
Sau đó, Trung Tá Minh và Thiếu Tá Bình được tự do. Chưa có quyết định gì về Trung Tá Minh, nhưng Thiếu Tá Bình được thuyên chuyển về văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng, và Trung Tướng Khiêm giao trách nhiệm cho Thiếu Tá Bình khai thác đống hồ sơ của đảng Cần Lao, mà Trung Tướng Trần Văn Đôn đã cho chở đầy một xe vận tải quân sự GMC từ Phủ Tổng Thống về tòa nhà chánh Tổng Tham Mưu từ ngày 02/11/1963, và tôi cho mang lên để ở tầng lầu trên cùng.
Vài tháng sau đó, Thiếu Tá Nguyễn Khắc Bình được thăng cấp Trung Tá. Trong khi Trung Tá Nguyễn Văn Minh vẫn cấp bậc cũ, nhưng ông có cái may khác. Trung Tá Minh lần đầu tiên đến văn phòng tôi kể từ sau ngày được tự do, ông vẫn giữ thông lệ chơi ngọt với tôi nên phần “uống cà phê chơi” của tôi lần này là con búp bê sản xuất “bên Tây” rất đẹp.
Xin nhắc lại là khi ông làm Tỉnh Trưởng An Giang, tôi là chánh văn phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh đồn trú tại Cần Thơ, cứ mỗi lần ông đến Cần Thơ họp là y như rằng, Trung Tá Minh tặng tôi cái phong bì mà bên trong là 200,00 đồng (Việt Nam) kèm theo lời nói của ông:
“Em cầm lấy uống cà phê chơi” dù ông biết rằng tôi không quen uống cà phê.
Sau đó thỉnh thoảng ông tạt vào văn phòng tôi chơi. Một hôm Trung Tá Minh nhờ tôi trình Trung Tướng Khiêm, cho ông thuyên chuyển đến Sư Đoàn 21 Bộ Binh và ông bằng lòng nhận bất cứ nhiệm vụ gì ở đó. Ông giải thích thêm:
“Em biết hông, theo thầy tướng số, nếu Anh được về hướng đó sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Em ráng giúp Anh nghe Hoa”.
Trong khi chờ quyết định của Trung Tướng Khiêm, Trung Tá Minh cho tôi thêm thông tin liên quan đến ông, rằng Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh đồng ý cử ông vào chức vụ Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn Cà Mau. Và rồi Trung Tá Minh thành công bước đầu, tức là ông được Trung Tướng Khiêm chấp thuận thuyên chuyển đến Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Và bước thứ hai:
“Hoa à! Em ráng giúp Anh lần nữa nghe. Lần này là em thu xếp cho Anh chiếc phi cơ L19, và điều cần là anh phi công với phi cơ có mặt tại sân VIP đúng 7 giờ sáng -không sớm cũng không muộn- và đừng tắt máy. Anh sẽ lên phi cơ ngay. Anh nói nhỏ em nghe: ông thầy tướng số nói nếu như Anh đi đúng như vậy và đúng về hướng Sư Đoàn 21 thì tương lai Anh sẽ lên tột đỉnh trong quân đội đó em. Ráng nghe Hoa”.
Trước khi ra về, ông đưa tôi cái phong bì tặng anh phi công, và phần “uống cà phê chơi” của tôi cũng là một phong bì.
Xin giải thích. Trung tuần tháng 12 năm 1962, ngay sau khi Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm (thăng cấp Tướng ngày 06/12/1962) bàn giao Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Đại Tá Bùi Hữu Nhơn, thì Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn cùng các đơn vị yểm trợ trực thuộc, di chuyển đến nơi đồn trú mới là Bạc Liêu, vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV sẽ thành lập từ ngày 01/01/1963 đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt trong tỉnh lỵ Cần Thơ. Còn phi cơ L19 là loại phi cơ sử dụng quan sát từ trên không, và hướng dẫn Pháo Binh hoặc phi cơ khu trục tác xạ. Trường hợp cần thiết, sử dụng chở một sĩ quan hay Tướng Lãnh công tác. Còn Lữ Đoàn Cà Mau là tên gọi một đơn vị chiến thuật do Sư Đoàn 21 Bộ Binh thành lập cho nhu cầu ổn định tình hình tỉnh An Xuyên (Cà Mau là tỉnh lỵ), gồm Trung Đoàn 32 Bộ Binh (trực thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh) và Pháo Binh với Thiết Kỵ (Thiết Giáp Kỵ Binh).
Vài tuần sau ngày Trung Tá Nguyễn Văn Minh nhận nhiệm vụ tại Lữ Đoàn Cà Mau, ông điện thoại về tôi:
“Hoa à! Anh đang có một việc liên quan đến tòa án và họ có giấy gọi Anh về Sài Gòn để trả lời một số câu hỏi. Em ráng nói với chánh văn phòng Bộ Tư Pháp là đơn vị Anh đang hành quân, khi xong thì Anh về trình diện. Em ráng giải quyết càng sớm càng tốt nghe em”.
“Mà chuyện gì vậy Trung Tá? Liệu có ghê gớm lắm hông?”
“Không quan trọng đâu em. Chẳng qua là sự việc chưa rõ ràng thôi mà”.
“Được. Tôi sẽ cố gắng nhưng không hứa chắc chắn nghe Trung Tá, vì tôi chưa hiểu đầu đuôi ra sao”.
Sau khi liên lạc với chánh văn phòng ông Tổng Trưởng Tư Pháp, tôi mới biết Trung Tá Nguyễn Văn Minh đang là một trong những nghi can về cái chết của mấy nhân vật chính trị đã bị thủ tiêu ở tỉnh An Giang mà lúc ấy Trung Tá Minh là Tỉnh Trưởng. Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp cho biết là ông Tổng Trưởng thuận dời lại đến khi Trung Tá Minh chấm dứt hành quân. Tôi cũng không hiểu là bằng cách nào mà chỉ trong thời gian ngắn sau đó, Trung Tá Nguyễn Văn Minh đã vận động ra sao mà từ đó tôi không nghe thấy gì về vụ này nữa. Khi viết lại những dòng này, tôi tự hỏi: có phải là tôi đã chen chân vào vụ án đó hay không nữa? Thật lòng là tôi chỉ nói đúng theo yêu cầu của Trung Tá Minh chỉ xin dời ngày trình diện của ông thôi.
Về ông thầy tướng số tử vi đã giải lá số tử vi của Trung Tá Nguyễn Văn Minh hay dở ra sao thì tôi không rõ, nhưng có điều là sau cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa tháng 04/1972, có dư luận ngay trong Bộ Tổng Tham Mưu là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh (ông đã thăng cấp khá nhanh) có hi vọng thay thế Đại Tướng Cao Văn Viên trong chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng.
Xin trở lại Bộ Tổng Tham Mưu.
Đầu tháng 04 năm 1964, một Sắc Lệnh do Trung Tướng Nguyễn Khánh ký, nâng danh xưng Bộ Tổng Tham Mưu thành Bộ Tổng Tư Lệnh. Và một Sắc Lệnh khác, nâng danh xưng Quân Đội thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bao gồm: Lục Quân, Không Quân, Hải Quân, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân. Vậy là, Bộ Tổng Tham Mưu, từ bấy giờ có danh xưng là Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vị đứng đầu tức Trung Tướng Trần Thiện Khiêm là Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng bên trên còn có vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao trong chức năng Quốc Trưởng, chính vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao này mới có thẩm quyền tuyên chiến.
Trung tuần tháng 04/1964, Hội Đồng Tướng Lãnh mà nòng cốt là Trung Tướng Nguyễn Khánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng với chức năng Quốc Trưởng, kiêm Thủ Tướng, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù, lên Đà Lạt họp để giải quyết năm vị Tướng bị bắt giữ từ ngày 30/01/1964, vì các vị này bị cáo buộc là “chủ trương trung lập hoá Việt Nam và sẽ truy tố ra tòa” mà Trung Tướng Khánh đã tuyên bố trong buổi họp báo chiều ngày 30/01/1964 tại tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu, sau khi đảo chánh thành công. Kết quả trong tinh thần hòa giải (?), xem như các vị Tướng bị cáo đều không có tội nhưng không được giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội. Thật ra không hòa giải cũng không được, vì đâu có bằng chứng gì để truy tố ra tòa. Hòa giải xong, các vị có mặt gồm “nguyên cáo lẫn bị cáo” ôm nhau vui vẻ và “ăn nhậu linh đình”, có cả sự “giúp vui” của những cô gái ngay tại biệt thự chọn làm nơi hội họp. Các cô này được phi cơ C47 đưa từ Sài Gòn lên.
Sở dĩ Hội Đồng Tướng lãnh họp tại Đà Lạt là vì sau khi năm vị Tướng bị bắt ngày 30/01/1964 đưa ra giữ ở Đà Nẵng, nhưng do thiếu tiện nghi sinh hoạt nên Trung Tướng Nguyễn Khánh chấp nhận lời yêu cầu của năm vị mà chuyển lên Đà Lạt giam trong một biệt thự với những tiện nghi sinh hoạt tốt hơn. Trong thời gian giam giữ các vị tại Đà Nẵng, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm chỉ thị tôi trách nhiệm thanh toán chi phí, nhưng khi chuyển lên Đà Lạt thì văn phòng Phủ Thủ Tướng trách nhiệm.
Về hòa giải giữa các vị Tướng Lãnh. Xin quí vị quí bạn lùi lại tháng 03 đến đầu tháng 04/1964. Đại Tá Nguyễn Cao (có tên Pháp là Albert Cao), Trung Tá Lê Văn Nhiêu, hai vị này thuộc Phủ Thủ Tướng, và Trung Tá Nguyễn Khắc Bình văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng, ba sĩ quan này đã phục vụ nhiều năm trong ngành tình báo quân sự, tạo thành một toán công tác tình báo đặc biệt. Theo lệnh của Trung Tướng Nguyễn Khánh, ba vị sĩ quan này truy tìm chứng cớ để kết tội năm vị Tướng bị cáo buộc “chủ trương trung lập”. Đến ngày kết thúc, Trung Tá Bình sau khi từ phòng Trung Tướng Trần Thiện Khiêm bước ra, anh nói với tôi:
“Anh biết hông, tụi tôi truy lục các hồ sơ ở An Ninh Quân Đội, Tổng Nha Cảnh Sát, rồi bên Phủ Đặc Ủy Tình Báo, và hầu hết các tòa soạn báo chí, nhưng không tìm ra bất cứ một chứng cớ nào liên quan đến chủ trương trung lập của mấy ông Tướng bị bắt cả”.
“Vậy các vị Tướng bị cáo chủ trương trung lập chẳng qua là cái cớ cho cuộc “Chỉnh Lý” (Trung Tướng Nguyễn Khánh gọi như vậy, thật ra cũng là đảo chánh thôi), còn nguyên nhân nằm ở đâu?”
“Tôi cũng tự hỏi như anh vậy”.
“Khi anh trình kết quả này, Trung Tướng (Trần Thiện Khiêm) có nói gì hông Anh?”
“Không”.
Vậy, nguyên nhân nằm ở đâu? Tôi nghĩ, nguyên nhân ở người Mỹ có mặt trong buổi sáng ngày 30/01/1964 tại nhà Trung Tướng Nguyễn Khánh, đây cũng là bản doanh của các vị lãnh đạo đảo chánh. Phải chăng Hoa Kỳ muốn loại trừ hẳn những Tướng lãnh cầm quyền mà trước đó bị cáo buộc là thân Pháp ra khỏi chính trường Việt Nam không?
Nếu đúng như vậy thì rõ ràng là Hoa Kỳ thực hiện mục tiêu theo từng bước: Bước một, lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì Tổng Thống Diệm không đồng ý để Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong chiến lược Domino của Hoa Kỳ, nhằm tạo một hàng rào ngăn chận mặt Nam của Trung Hoa cộng sản. Tổng Thống Diệm đã nhìn thấy thế chính trị Việt Nam Cộng Hòa bị tổn thương trong bối cảnh chính trị quốc tế nếu có mặt quân bộ chiến Hoa Kỳ trong cuộc chiến này.
Sau khi lật đổ Tổng Thống Diệm, trao cờ vào tay Trung Tướng Dương Văn Minh và các vị Tướng thâm niên phất tạm. Bước hai, Hoa Kỳ “bật đèn xanh” cho Trung Tướng Trần thiện Khiêm, Trung Tướng Nguyễn Khánh, và Đại Tá Cao Văn Viên, giành lấy cờ từ tay các vị Tướng bị cáo buộc thân Pháp để phất tiếp. Chính sách của Hoa Kỳ, năm 1954 đẩy Pháp đến chỗ chia đôi đất nước Việt Nam, năm 1956 đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy quân đội Liên Hiệp Pháp rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa, và năm 1964 đẩy luôn các vị Tướng bị cho là thân Pháp ra khỏi chánh quyền lẫn quân đội. Thuận lý chớ?
Trở lại vấn đề nội tình Việt Nam. Trong hướng cố gắng tạo chiến công để có tiếng vang về khả năng lãnh đạo, Trung Tướng Nguyễn Khánh lệnh cho Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn II/Vùng II Chiến Thuật, tổ chức cuộc hành quân qui mô vào mật khu Đỗ Xá, nằm sâu trong vùng rừng già giáp ranh 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Lực lượng hành quân vào tận sào huyệt Đỗ Xá, phá hủy nhiều vũ khí đạn dược và toàn bộ cơ sở tiếp vận (mà cộng sản gọi là hậu cần), nhưng không diệt được lực lượng của chúng. Tuy vậy, một phần lực lượng tham dự hành quân qui mô đó cùng với bộ chỉ huy hành quân của Trung Tướng Trí, được đưa về thủ đô Sài Gòn tham dự cuộc duyệt binh diễn binh tại công trường Lam Sơn, ngã tư đại lộ Nguyễn Huệ với đại lộ Lê Lợi. Nhiều quân nhân được thăng cấp mặt trận và ân thưởng huy chương, mà theo tôi là vượt trên mức thành tích đạt được. Sở dĩ có sự kiện như vậy vì Trung Tướng Nguyễn Khánh muốn tỏ ra chánh phủ do ông lãnh đạo có khả năng tạo được thành tích.