Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (9)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1: Việt Nam từ ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946: NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (9)
CHƯƠNG MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946)
B. NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (9)
Song song với sự tố cáo, chỉ trích bằng báo chí, phát thanh, thỉnh thoảng còn có các cuộc biểu tình đả đảo chính phủ VMCS, và kêu gọi ủng hộ Cố vấn Vĩnh Thụy ở các Tỉnh lỵ, và thị xã lớn khác ở Bắc Việt cũng diễn ra những sự việc tương tự, nhưng ít quy mô hơn dưới sự chỉ đạo của các Thành, Tỉnh Đảng bộ của VNQDĐ.
Tại phòng Thông tin ở làng tôi phụ trách, với tính cách vô tư, tôi mua tất cả các báo của chính quyền cũng như của Đối lập như Cứu Quốc,Việt Nam,Thiết Thực v..v.. mang treo lên tường cho mọi người xem. Nghĩ lại cũng thấy tức cười và cảm thấy đau buồn khi mà đất nước là của chung, có phải là của riêng ai đâu mà VMCS cứ khăng khăng giữ lấy một mình. Nhưng vì đảng CS có ý đồ riêng của họ là thực hiện một chính quyền vô sản chuyên chính ở VN trong quỹ đạo của Cộng Sản Quốc tế nên họ cần phải loại bỏ các đảng đối lập quốc gia ra khỏi đời sống chính trị của đất nước, bất kể đến tình hình bất lợi cho Quốc Gia Dân Tộc. Chính vì nhận thấy Chính quyền của Hồ là Cộng Sản nên Anh, Mỹ đã để cho quân đội Pháp đánh lấy Sài Gòn, và chiến tranh bùng nổ ở nam VN trước.
Đó là một bài học đáng giá cho các lãnh tụ đảng phái Quốc gia khi mà không nhanh chân nắm được chính quyền. VMCS tuy bị các đảng phái Quốc gia đả kích mạnh mẽ, lật tẩy nhiều chuyện xấu xa, nhưng rồi họ vẫn đứng vững, vì phần đông dân chúng vẫn ủng hộ, do lẽ chính quyền nằm trong tay họ, dễ ăn, dễ nói hơn. Hơn nữa Mặt trận Quốc gia chỉ được dân chúng có học thức ở thành thị hiểu và ủng hộ, còn ở nông thôn ảnh hưởng rất thiếu. Dù sao dưới áp lực phần nào của Chính phủ Trung Hoa qua quân đội Lư Hán, Hồ chí Minh và đảng CS phải lui một bước, đành phải mở rộng Chính phủ liên hiệp Quốc Cộng lần đầu tiên ở VN. Phải chăng VMCS cũng đang yếu thế.
Tin được loan truyền ra, mọi người đều cảm thấy phấn khởi và tin tưởng. Quốc Hội mà VMCS đã tổ chức bầu cử vào tháng 12/1945 đáng lẽ có sự tham dự của phe Quốc gia, nhưng phe Quốc gia đã từ chối vì ngày bầu cử quá cận không kịp chuẩn bị.
Kết quả là VMCS phải dành 50 ghế cho QDĐ và 20 ghế cho VNCMĐMH. Tuy nhiên, CS còn chiếm đa số của 350 ghế Dân biểu. Về thành phần Chính phủ, Hồ Chí Minh vẫn giữ ghế Chủ Tịch. Các ghế dành cho phe Quốc gia là: cụ Nguyễn hải Thần chức vị Phó Chủ Tịch, ông Nguyễn tường Tam là Bộ Ngoại Giao, ông Trương đình Tri giữ Bộ Y Tế, ông Chu bá Phượng giữ Bộ Kinh Tế. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ được giao cho hai nhân sĩ không đảng nào là cụ Huỳnh thúc Kháng và ông Phan Anh, Cố vấn tối cao là ông Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại thoái vị).
Nói tóm lại, các Bộ quan trọng vẫn nằm trong tay VMCS. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ nói là trao cho người không đảng nào, nhưng thật ra hai ông này có xu hướng thân VMCS. Ngoài Bộ Quốc Phòng còn có thêm một Quân Vụ Bộ do ông Võ nguyên Giáp làm Chủ Tịch và ông Vũ hồng Khanh làm phó. Cơ quan này mới thực sự điều khiển hệ thống quốc phòng. Sau khi Chính phủ Liên hiệp Quốc Cộng ra đời vào tháng 1/1946, cơ quan thông tin tuyên truyền của hai bên đều giảm cường độ đả kích nhau và những đảng viên của hai bên bị bắt giữ, được trao trả cho nhau. Cuộc họp đầu tiên của Chính phủ ra quyết nghị:
– Gìn giữ và bảo vệ tài sản của công dân VN và các người ngoại quốc cư ngụ trên lãnh thổ VN.
– Duy trì, củng cố tình hữu nghị với các nước Đồng Minh, đặc biệt là Trung Hoa.
Chính phủ VN và Công dân VN sẵn sàng hợp tác với nước Pháp trên cương vị tôn trọng chủ quyền Độc lập theo nguyên tắc Dân tộc tự quyết của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đề ra…
Vế các tổ chức quốc gia, trong kế hoạch phát triển, mở rộng Mặt trận Quốc gia, củng cố các chiến khu, ngõ hầu lật đổ chính quyền VMCS, các lớp huấn luyện về quân sự, chính trị dược mở ra liên tiếp để nâng cao sự hiểu biết của các cấp. Về nhân sự, Mặt trận thâu nhận thêm các đảng viên hầu đáp ứng tình hình lúc đó. Về công tác này, các đảng bộ địa phương đã thi hành một cách bừa bãi nên dã có nhiều thành phần chỉ vì bất mãn cá nhân với VMCS, lập trường chao đảo, có thể có cả cán bộ VMCS cài vào để tìm cách phá hoại hoặc thâu lượm tin tức. Do đó, trong những ngày VMCS đem toàn lực ra thanh toán các căn cứ địa của QDĐ thì những đảng viên đó đã bỏ chạy.