Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (7)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tp I (1945-1950)/Chương 1Vit Nam t ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946: NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945  (7) 

CHƯƠNG  MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946)

B. NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (7)

Khi nghe công bố thành phần Chính phủ, chẳng ai từng nghe tên bao giờ, đặc biệt Chủ Tịch Hồ chí Minh, cái tên lạ hoắc. Tìm hiểu qua một vài đảng viên cách mạng Quốc gia, tôi mới rõ ông Hồ chí Minh đích thực là Nguyễn ái Quốc, một lãnh tụ Cộng Sản, xuất thân từ Liên Xô. Các nhân vật nắm giữ các bộ đều là người của đảng CS cả. Được rõ sự việc và hiểu qua về CS cũng như cách xử sự của lãnh tụ và cán bộ CS sau ngày cướp chính quyền, tôi đâm ra ác cảm với họ và khởi sự chống lại chính quyền VMCS. Từ đó tôi đứng hẳn về phía những người cách mạng Quốc gia, nhất là VNQDĐ, tôi đã từng được nghe qua về những hoạt động yêu nước, đã hy sinh chống Pháp trước đây.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Hồ chí Minh tập họp dân chúng tại quảng trường Ba Đình và đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập cùng ra mắt Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Trong ngày đó nhân dân VN thấy được Độc lập, vui mừng ủng hộ chính quyền Việt Minh, vì mọi người ai ai cũng đều khao khát mong được độc lập từ lâu, một nền Độc lập chân chính không phải Độc lập bánh vẽ như dưới thời Bảo Đại. Tiếc thay! là người dân không hiểu biết về chính trị nên đã bị Việt Minh Cộng Sản lừa bịp, dần dần đưa họ vào con đường xã hội chủ nghĩa, một chế độ độc tài, tàn ác không tôn trọng nhân phẩm, cũng chẳng có nhân quyền. Đến khi hiểu ra sự việc thì đã quá muộn vì mạng lưới công an, mật vụ của CS dày đặc bao phủ lên đầu họ, người dân không dám hở môi, nghiến răng chịu đựng…

[Dịch] Ngày 26/08/1945, Hồ Chí Minh gửi một phái đoàn đại diện chính thức do Võ Nguyên Giáp cầm đầu đến nghênh đón đoàn OSS (tiền thân CIA) tại Hà Nội. Trong lúc bài Quốc Ca Hoa Kỳ đang trổi lên thì Giáp và phái đoàn (CSVN) cùng đứng chào Quốc Kỳ & Quốc Ca Hoa Kỳ.

Làng tôi (làng Đông Ngạc hay làng Vẽ) cũng như mọi nơi khác trên toàn lãnh thổ Bắc Việt, VM gấp rút tổ chức,thành lập các lực lượng tự vệ. Trước cao trào đó, tôi cũng phải tham gia vào đội tự vệ của xã. Hàng ngày chúng tôi được một hai cán bộ VM có biết qua về quân sự huấn luyện. Chương trình tập cũng chỉ loanh quanh ở mấy động tác đi, đứng và một vài kỹ thuật về cách xử dung súng. Khi đó làm gì có nhiều súng ống, nên chúng tôi dùng súng gỗ thay thế. May lắm thì có một hai khẩu súng trường Mousqueton của Pháp từ thời đệ nhất thế chiến (1914 -1918) dùng để huấn luyện. Loại súng này mỗi lần bắn một phát, lại phải kéo cơ bẩm lên đạn, khi bắn súng dật quá mạnh, nên rất khó trúng mục tiêu. Tuy nhiên là buổi giao thời,được công khai tập luyện về quân sự, nên chúng tôi ai cũng thích thú và hăng hái học tập.

Làng tôi, sau ngày 19/8/1945 cũng có sự thay đổi về các chức vị lãnh đạo. Trước kia, công việc đều nằm trong tay các quan lại đã về hưu, nay thuộc các thành phần cựu công chức và thương gia cầm chịch.

Ông Anh họ tôi được bầu làm Chủ tịch Xã. Ông ta là một nhà thầu khoán, giao thiệp nhiều và rất bình dân, trong làng ai cũng ưa thích. Tôi được ông anh một người bạn là công chức cũ, kêu gọi giữ chức phụ tá về thông tin cho ông ta. Công việc chính là chăm lo cho căn phòng thông tin, báo chí của xã. Ở vai trò đó, tôi được gọi đi học một lớp huấn luyện cấp tốc về thông tin, tuyên truyền tại một làng kế cận. Thời gian học kéo dài 15 ngày, ăn ở tại chỗ trong một ngôi đình làng. Đề tài tập trung vào mỗi một chủ đề là “VN Dân Chủ Cộng Hòa” và đó là lần đầu tiên trong đời tôi tham dự lớp học về chính trị của VM. Dĩ nhiên, là mới lạ và thu hút được sự theo dõi của khóa sinh. Giảng viên là một cán bộ VM còn trẻ, ăn nói khá lưu loát. Mục tiêu của khóa học là để các nhân viên đặc trách về thông tin, tuyên truyền của các làng xã thông suốt về chủ chương, đường lối của chính quyền VMCS. 

Sau khi mãn khóa trở về, tôi liền tổ chức một buổi nói chuyện với dân làng, phần lớn là thanh niên, nói về những gì mà tôi đã học được, tôi đem ra nói lại chứ thực tình chưa đủ căn bản chính trị để làm công việc đó. Hơn một tiếng trả bài êm thấm không có trở ngại thắc mắc của thính giả. Ngoài buổi nói chuyện ấy, những giờ rảnh rỗi, tôi thường ra chơi căn nhà gạch để trống ở đồng làng, có cây đa to bóng rợp, có giếng sâu nước mát lạnh, nơi tập trung nghỉ ngơi của nông dân sau khi làm lụng mệt nhọc. Tôi đã ngồi nói chuyện với họ về những gì tôi đã hiểu qua bài học chính trị vỡ lòng trước đó. Họ nghe và tỏ ra rất hợp ý về chuyện cường hào, ác bá, bóc lột áp bức, bất công xã hội v.v.. Nhưng họ đâu có ngờ trong chế độ VM, mà họ sống sau đó, qua những lời tuyên truyền tốt đẹp chỉ là cái bánh vẽ, lôi kéo họ đi theo mà thôi. Những gì mà họ phải gánh chịu trong chế độ cai trị của thực dân, phong kiến lại diễn ra như cũ và còn ác độc hơn nhiều. Ngày tôi trở lại thăm quê nhà năm 1989, thấy họ còn nghèo khổ hơn xưa. Thật là đau lòng chỉ vì hai chữ Độc lập của Việt Minh Cộng Sản! 

Một khi CS nắm được chính quyền, công việc trước mắt của chúng là phải thanh toán những chướng ngại có thể nguy hại cho vận mạng của chính quyền mà chúng vừa chiếm được. Những chướng ngại đó là các đảng chính trị cách mạng quốc gia không cùng đường lối chủ chương với chúng. Những sự chống đối như vậy đã ngấm ngầm xẩy ra dưới thời Thực dân Pháp cai trị, từ ngoài xã hội cho tới trong nhà tù. CS với đường lối quốc tế phi dân tộc nên đã tìm đủ mọi cách làm giảm mọi ảnh hưởng, uy tín của các đảng Quốc gia dân tộc, như tuyên truyền xuyên tạc, đưa tin cho phòng nhì Pháp để bắt bớ, triệt hạ, để chúng một mình một chợ không còn sợ ai tranh chấp nữa. Do đó, các đảng viên VNQDĐ và các đảng khác đã bị CS khủng bố, bắt mang đi thủ tiêu rồi chúng rêu rao là phần tử phản động, tay sai bán nước.

Tôi được biết qua một cán bộ VM, thì hai đảng viên kỳ cựu của VNQDĐ là ông Nguyễn Thế Nghiệp và Nguyễn Ngọc Sơn đã bị chúng bắt và thủ tiêu bằng cách bỏ vào bao bố rồi liệng xuống sông Hồng trước cửa đình làng Chèm tức Thụy Phương, một làng ở sát cạnh làng tôi, thời đó nổi tiếng là sát hại những ai mà chúng gán cho là phản động. Cũng trên khúc sông này, khi đoàn quân Tàu phù của Tướng Lư Hán (tên Tướng Chỉ huy quân đội Trung Hoa sang VN giải giới quân đội Nhật) đã bị VM phục kích giết hại.

Lư Hán là Tướng phục vụ dưới quyền của tướng Long Vân, Tỉnh trưởng Tỉnh Vân Nam, một địa phương gần như độc lập với Trung ương của Tưởng giới Thạch ở Thủ đô Nam Kinh. Vận dụng chiến thuật “điệu hổ ly sơn” bằng cách giao phó trọng trách cho quân của Long Vân sang VN tước khí giới quân đội Nhật, rồi thừa dịp đưa quân Trung ương vào Vân Nam trấn áp Long Vân. Kế hoạch này vô tình làm cho tình hình chính trị ở Bắc Việt không còn đi theo chiều hướng thuận lợi cho các đảng Quốc gia nữa. 

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt