Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (62)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Nhận định về cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa (62)

Nhận định Hành quân Hạ Lào 719 tháng 3/1971 (62)

Nhận Ðịnh: Sau gần một tháng tham dự cuộc hành quân  Lam Sơn 719, vào đầu tháng 3/1971, từ nhiệm vụ trừ bị của QĐ I  trong giai đoạn 1, đến trực tiếp tham gia trận chiến ở trên đất Lào trong giai đoạn 2, tôi với tư cách Lữ Ðoàn Trưởng TQLC có những nhận xét sau đây:

1) Về Ðịa Thế khu vực hành quân rất khác biệt với địa hình, địa vật trong lãnh thổ VN có chăng thì chỉ có vùng cao nguyên Kontum, Pleiku tương tự một phần nào. Tại Hạ Lào chỉ có một con đường lộ duy nhất là Quốc Lộ 9  chạy xuyên qua khu vực trung tâm hành quân, mà hai bên là đồi núi chập chùng khó điều động thiết giáp, và dễ  làm mồi cho các cuộc phục kích của đối phương. Các đồi núi lại khó di chuyển, vì cây cối rậm rạp, nhất là ở phía nam, khu vực hoạt động của Trung Ðoàn 1/SĐ1 BB cũng như LĐ147/TQLC đầy tre gai. Một địa thế hoàn toàn bất lợi cho các lực lượng tấn công, không điều quân được rộng, phải lệ thuộc ít nhiều vào các đường mòn, khó quan sát, đôi khi mất hướng, có thể đưa tới ngộ nhận bắn lầm nhau. Không xử dụng được hữu hiệu pháo binh và không quân nên không đúng mục tiêu mong muốn, đôi khi còn bị tác xạ hoặc oanh kích lầm vào quân mình. Ðịa thế rất ảnh hưởng đến vấn đề tiếp vận và tải thương, hoàn toàn trông cậy vào trực thăng, ngoại trừ các đơn vị hoạt động gần Quốc Lộ 9. Do khó di chuyển vì địa thế, lại phải trang bị nặng nề để có thể chiến đấu lâu dài, vô hình đã hạn chế sự nhanh nhẹn, đồng thời cũng làm binh sĩ mau mất sức.

Nói chung, tất cả đã ảnh hưởng đến tinh thần chiến của quân sĩ khá nhiều. Trong khi đó thì địa thế lại ít ảnh hưởng đến địch, vì chúng đã sống và hoạt động thường xuyên trong khu vực, biết rõ tường tận đường đi nước bước, nên tiến lui dễ  dàng mau lẹ. Binh sĩ lại trang bị nhẹ nhàng không cồng kềnh phức tạp như ta. Kết luận thì địa thế cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng của sự thắng bại khi thực hiện một cuộc hành quân. Chứng minh là trong cuộc hành quân  vượt biên sang Campuchia năm 1970, địa thế bằng phẳng đã giúp cho các đơn vị chiến đấu rất hữu hiệu và đạt được nhiều thắng lợi.

Về thời Tiết: Trong suốt thời gian hành quân  khí hậu thời tiết khá tốt, rất thuận lợi cho không quân và bộ binh hoạt động.

Tin Tức Tình Báo: Nói về tình báo, có nghĩa là mọi tin tức thâu lượm được về địch trước khi mở một cuộc hành quân.  Từ đó, Phòng 3 sẽ  thảo ra kế hoạch hành quân để Bộ Tham Mưu bàn thảo và vị Chỉ huy quyết định. Tin tức chính xác và hành quân đúng lúc, đúng chỗ thì dễ  mang lại kết quả mà không hao tổn đến sinh mạng và sức khỏe của quân sĩ. Trong quá khứ, không nói đến các đơn vị địa phương, mà chỉ riêng các lực lượng Tổng trừ bị như Nhẩy Dù và TQLC theo đòi hỏi của các Quân Khu, Quân Ðoàn (QĐ), Bộ TTM đã tăng phái đôi khi không được chính xác lắm. Các QÐ khi đề nghị cũng như tiếp nhận, đáng lẽ phải do tin tức, tình hình địch phải nắm vững mới xử dụng, thì lại điều động các đơn vị tăng phái một cách bừa bãi, miễn là có hành quân, rút cuộc chỉ làm binh sĩ mệt mỏi vô ích, hoặc bị thương tích vì mìn bẩy một cách lãng xẹt. Tôi còn nhớ, các đơn vị TQLC khi tăng phái cho QÐ IV/Sư Ðoàn 21 BB hoạt động tại khu Chương Thiện, có khi một hai tháng trời không gặp một bóng địch, nhưng kết quả là hàng ngày vẫn phải tản thương vì dẫm phải mìn của địch rải khắp khu vực hành quân.

Trước Tư Lệnh SÐ 21 BB tôi đã phải nửa đùa nửa thật nói với vị đó là SÐ định xử dụng TQLC như cái xe cán mìn chăng. Sự thật là như vậy, phần lớn các tin tức tình báo đều sai lạc, hoặc không kịp thời, nên hành quân thì nhiều mà kết quả thâu lượm không được bao nhiêu. Trường hợp tin tức chính xác và kịp thời thì đôi khi kế hoạch hành quân lại thiếu sót.

Trở lại cuộc hành quân Lam Sơn 719, trước cũng như khi đang hành quân, tin tức của Phòng Nhì QĐ I  thuyết trình, phổ biến chỉ có tính cách tổng quát, lờ mờ, không nắm vững tình hình nên những quyết định từ cấp QÐ xuống các Lữ Ðoàn, Liên Ðoàn tham chiến không đúng lúc và chính xác, các đơn vị phải tự tìm hiểu và đối phó. Trước khi cuộc hành quân  mở màn, tin tức đánh giá chỉ có sự hiện diện của một vài Sư Ðoàn địch hoạt động trong vùng, mà không đề cập tới khả năng tăng cường của các đơn vị từ biên giới Lào, Bắc Việt tiến vào tiếp ứng. Tới khi trận chiến bùng nổ thì thực tế lực lượng địch có mặt khắp trong vùng đã lên tới 4, 5 Sư Ðoàn tác chiến là ít, không kể hệ thống phòng không dày đặc và sự xuất hiện của chiến xa T54 của VC mà tin tức đánh giá thấp so với độ chính xác khả năng và lực lượng địch. Ðặc biệt là tại Tchepone, tin tức cũng không được ghi nhận một cách đứng đắn, chính xác, mà chỉ dựa vào những tin tức VC loan ra trên đài phát thanh Hà Nội của chúng để phác họa kế hoạch tấn công. Kết quả là ta đã bị uy hiếp, bao vây phản kích suốt thời gian lui quân từ Tchepone về tới biên giới Lào-Việt đối với Trung Ðoàn 1, Lữ Đoàn Nhẩy Dù và Thiết Giáp.

Kế Hoạch Hành Quân: Dựa vào tin tức tình báo, kế hoạch hành quân  được thảo ra. Như trên đã trình bày, tin tức cho đến địa thế không nắm vững, thì dĩ nhiên kế hoạch hành quân  phải sai lệch, không đáp ứng được mục tiêu đòi hỏi. Sự đánh giá từ một đến hai Sư Ðoàn tác chiến của địch trong khu vực hành quân, thì lực lượng tham chiến đích thực của QÐ so với địch không ngang bằng, đó là không kể đến lực lượng tấn công của ta trong giai đoạn đầu gồm có: cánh quân phía bắc Quốc Lộ 9 , 2 Lữ Đoàn Dù, trong đó một TĐ không đổ quân được khi căn cứ hỏa lực 31 bị tấn công, Lữ Đoàn Thiết Giáp gồm hai Chi Ðoàn Thiết Vận Xa và 1 Chi Ðoàn Chiến Xa M 41, 2 TÐ/BÐQ. Cánh quân phía Nam có Trung Ðoàn 1 và Trung  Ðoàn 3 (SĐ1 BB), nhưng thực tế hoạt động xa và rộng chỉ có từ 4 đến 5 TĐ, số còn lại có nhiệm vụ thiết lập căn cứ hỏa lực, bố phòng và hoạt động chung quanh mà thôi.

Từ áp dụng chiến thuật căn cứ hỏa lực hỗ trợ cuộc tấn công đã vô hình chung hạn chế sức tiến quân và biến từ chủ động sang bị động, làm mục tiêu cho đối phương nhắm tới, uy hiếp cô lập rồi tấn chiếm. Ðành rằng sử dụng căn cứ hỏa lực để bố trí pháo binh yểm trợ cho các đơn vị hoạt động bên ngoài, cũng như tạo nên một mạng lưới hỏa lực hỗ tương yểm trợ giữa các căn cứ, nhưng vấn đề đạn dược đã không đáp ứng được, vì địa thế không cho phép xử dụng bằng quân xa, còn bằng không vận thì không đủ và quá tốn kém, hơn nữa còn bị phòng không địch gây trở ngại, nhất là vào giai đoạn 2, sự tiếp tế hầu như không thực hiện nỗi. Một điểm nữa là căn cứ hỏa lực đã thiết lập ở trên đỉnh các cao địa, nên không đủ rộng để bố trí đầy đủ pháo cho hợp với số lượng đơn vị hoạt động, chẳng hạn một LĐ  tham chiến thì được một TĐ Pháo binh yểm trợ.

Trong cuộc hành quân  Lam Sơn 719, Lữ Đòan 147/TQLC chỉ được 4 khẩu 105 và 2 khẩu 155 ly yểm trợ mà còn phải tiết kiệm đạn dược dù rằng đang đụng độ địch. Như vậy đủ thấy sự yếu kém về hỏa lực yểm trợ tiếp cận cũng như tác xạ quấy rối, tiêu hủy ngày và đêm bất kể địa thế, thời tiết, ánh sáng. Do đó các đơn vị chỉ còn trông cậy vào sự yểm trợ của không quân, nhưng không mấy liên tục, chính xác, lệ thuộc vào thời tiết, ngày và đêm tối.

Một điểm nữa là cấp chỉ huy đến hàng binh sĩ, từ ngày được Quân Ðội Hoa Kỳ tham chiến ở VN yểm trợ nên quan niệm hành quân là phải xử dụng tối đa hỏa lực trước khi tấn công mục tiêu đã trở thành thói quen, nếu thiếu yểm trợ là chùn chân ngay. Như vậy các căn cứ hỏa lực đã không làm tròn được nhiệm vụ giao phó.

Vì những lý do trên, từ đó đã trở thành mục tiêu cố định cho đối phương nhắm tới, tìm cách cô lập rồi tấn công tiêu diệt. Cũng vì liên hệ đến căn cứ, nên các BCH đâm ra lung túng không điều động các đơn vị linh hoạt được để địch không thể nắm vững tình hình của ta được. Từ thế chủ động tấn công, ta đã rơi vào thế bị động, chỉ còn có phòng ngự mà thôi. Lực lượng tấn công có tính cơ động nhanh, hỏa lực mạnh là thiết giáp thì lại bị địa thế ngăn trở nên không sao hoạt động hố trợ cho bộ binh hữu hiệu được, từ đó thiết giáp biến thành đơn vị phòng thủ căn cứ như các đơn vị bộ binh. Rút cuộc thiết giáp trở thành mục tiêu cho pháo binh địch tiêu diệt.

Pháo Binh TQLC/VNCH tham gia hành quân Lam Sơn 719

Ở giai đoạn 1, khi địch tung ra cuộc tấn công và đánh chiếm căn cứ 31 của LĐ1/Dù, BCH QĐ I có vẻ lung túng trong kế hoạch phản ứng, rồi cứ để cho tình hình diễn tiến có lợi cho địch. Nói cách khác, BTM/QÐ1 trông đợi quá nhiều về sự yểm trợ của không quân để đối phó với tình hình. Rồi đến giai đoạn 2 thì thời gian ngừng đợi quá lâu, tạo điều kiện cho địch có thì giờ nghỉ ngơi và điều động các đơn vị từ xa tới để tiếp chiến. Trong buổi họp để chuẩn bị cho cuộc hành quân  giai đoạn 2, đã có nhiều ý kiến khác biệt nhau, nếu không nói là thiếu sự thống nhất trong hành động chung. Việc thay đổi kế hoạch cũng đã nói lên chủ chương chiến lược chiến thuật không được ổn lắm của cuộc hành quân  Lam Sơn 719.

Từ những sự việc trên, phải chăng Bộ TTM Quân Lực VNCH nói chung và QĐI nói riêng đã không đạt được mục tiêu trông đợi, và gây cho các đơn vị tham chiến VNCH một sự thiệt hại đáng kể. Những đơn vị thiện chiến nhất của Quân Lực VNCH sau đó đã ảnh hưởng một phần nào tới các cuộc tấn công vào mùa hè 1972 và tháng 4/1975.

Trong giai đoạn 2, BCH/QĐI cũng như Sư Ðoàn 1 đã xử dụng Trung Đoàn 2 để đánh chiếm Mục Tiêu Tchepone trong cái thế “không làm không được”, vì dư luận truyền thông, báo chí quốc tế đã loan tin là ta đã vào Tchepone, nên không thể ngừng ngang xương được. Do đó, đã có lệnh ngầm là khi Trung Đoàn 2 đáp xuống được Mục Tiêu Tchepone thì một thời gian ngắn là phải rút ngay. Kết quả là mọi sự đã diễn ra, nhưng không được như ý muốn.

Cuộc rút quân để chấm dứt hành quân Lam Sơn 719, cũng đã diễn ra một cách vô trật tự, gần như mạnh ai nấy rút, không kiểm soát được. Riêng tại căn cứ hỏa lực Delta của LĐ147/TQLC, việc rút quân đã được diễn ra tương đối trật tự, có kế hoạch và kịp thời, yểm trợ liên tục và hữu hiệu. Nếu chậm một ngày nữa, thì tình hình có thể cũng diễn ra như các cánh quân khác, vì địch sẽ dồn hết lực lượng để tiêu diệt LĐ147/ TQLC.

Ðể kết luận, kế hoạch hành quân  Lam Sơn 719 đã không được thi hành đến nơi đến chốn, nhiệm vụ giao phó coi như không hoàn thành, nghĩa là chấm dứt mọi hoạt động của Việt Cộng trên đường mòn HCM. Sự thể này, nếu coi như thất bại, đã dẫn đến cuộc tấn công “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972”, và sau đó là cuộc tổng tấn công vào toàn miền Nam đầu năm 1975, đã làm sụp đổ chế độ VNCH

Bảo Mật: Vấn đề bảo mật cũng là một yếu tố cần thiết để bất cứ một cuộc hành quân nào đạt được thắng lợi. Trong quá khứ, từ thời Ðệ Nhất đến Ðệ Nhị Cộng Hòa, trên bốn Vùng Chiến Thuật đã có biết bao cuộc hành quân  lớn nhỏ được diễn ra, nhưng kết quả thu lượm không mấy khả quan, đôi khi được thổi phồng lên một cách quá đáng nhằm mục đích tuyên truyền, cổ võ tinh thần quân sĩ. Trong khi đó, thì Mục Tiêu “GPMN” của CSVN ngày càng lớn mạnh, các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh dần dần rơi và vòng kiểm soát của địch, con đường mòn HCM được mở rộng để CSBV đưa quân vào tăng cường yểm trợ cho lực lượng ở miền Nam.

Từ chỗ đó, ta mới thấy rõ cái cốt lõi thất bại của các cuộc hành quân tảo thanh diệt địch của Quân Lực VNCH , mặc dù phương tiện yểm trợ đầy đủ, tinh thần binh sĩ cao, kế hoạch tương đối hoàn hảo, nhưng tính cách bảo mật không được duy trì chặt chẽ, vì vậy khi cuộc hành quân khai diễn thì địch đã rời khỏi mục tiêu một hai ngày trước, dù tin tức tình báo thu lượm khá chính xác. Kết quả là tấn công vào chỗ trống, khiến chỉ thiệt hại về người và của, do địch biết trước nên tổ chức mìn bẩy gây thiệt hại cho ta khá nhiều nhân mạng, về của vì phải xử dụng nhiều phương tiện để yểm trợ. Ðây là chỉ nói đến trường hợp địch rút khỏi khu vực hành quân của ta, còn ngược lại thì địch sẽ chuẩn bị để tấn công phục kích vào các điểm yếu của ta.

Sự tiết lộ bí mật hành quân này là do chính những người tham dự buổi họp vì hai nguyên nhân: miệng bép xép và địch nằm ngay trong hàng ngũ hoặc bị mua chuộc tiền bạc. Sau này rút kinh nghiệm, các buổi họp hành quân đã thu hẹp chỉ bao gồm các chỉ huy đơn vị tham chiến, trong một thời gian rất ngắn trước cuộc hành quân. Với tính cách bảo mật này được duy trì, nhưng thiếu chuẩn bị đầy đủ, kế hoạch không được mọi cấp thông suốt, nên khi vào trận mọi việc đều lung túng, lệch lạc, thiếu phối hợp nhịp nhàng, kết quả cũng không mang lại kết quả bao nhiêu.

Trở lại cuộc hành quân  Lam Sơn 719 thì sao? Phải nói rằng công cuộc tổ chức hành quân  đã được chuẩn bị từ 2, 3 tháng trước. Từ việc hội họp, di chuyển BTL/QĐ I  Tiền Phương từ Ðà Nẵng ra Ðông Hà, các kho tiếp vận được thiết lập ở Ðông Hà cũng như ở Khe Sanh, xây dựng căn cứ Hàm Nghi ở Khe Sanh của BTL/Tiền Phương. Sau cùng là các đơn vị được tăng cường từ Sài Gòn ra. Với một số dữ kiện trên, người thường cũng nhận thấy có sự khác lạ sắp xẩy ra, còn với địch thì khỏi phải nói, với những tổ chức tình báo tinh vi, chúng thừa hiểu là Mục Tiêu của cuộc hành quân sẽ  diễn ra khi nào và ở đâu. BTL/QĐ I cũng thừa hiểu vấn đề đó, nên đã chỉ thị cho LĐ147/TQLC tạo ra các cuộc hành quân  thực tập đổ bộ, ngõ hầu đánh lạc hướng địch, rằng ta sẽ tấn công qua vỹ tuyến 17 bằng một cuộc hành quân  đường bộ và thủy bộ. Dĩ nhiên đó chỉ là trò đánh lừa quá bình thường nếu không muốn nói là ngây thơ, không tưởng. Bởi vậy, không lẽ địch thản nhiên trước sự chuẩn bị rộng lớn của BTL/QĐ I. Biết rõ được Mục Tiêu của cuộc hành quân, nên CSBV cũng đã chuẩn bị chiến trường và sẵn  sàng đưa các đại đơn vị từ miền bắc xuống các khu vực kế cận vùng hành quân của QĐ I  mà chúng suy đoán để tăng cường cho các đơn vị sẵn có tại đó. Dĩ nhiên là tổ chức một cuộc hành quân  quy mô, cấp QÐ. thì không sao bảo mật hết được. Dù muốn hay không địch cũng sẽ biết, vì thời gian chuẩn bị lâu dài, sự tấp nập chuyển quân tới vùng tập trung đã nói lên hướng hành quân  là ở đâu rồi.

Vấn đề chỉ còn lại là kế hoạch tấn công mới mong đánh lạc hướng phản ứng của địch mà thôi. Những buổi họp khai diễn, dù vào thời gian chót trước ngày hành quân  mở màn, ở cấp QÐ thì không thể thu hẹp được. Do đó tin tức không nhiều thì ít sẽ lọt ra ngoài và đến tai địch. Trong kế hoạch tấn công, với chiến thuật áp dụng căn cứ hỏa lực làm bàn đạp cho cuộc tiến quân, cũng là một điểm làm lộ rõ lề lối hoạt động và hướng Mục Tiêu khiến địch tìm hiểu rồi điều quân phản kích. Ðể khắc phục yếu tố “Bảo Mật” đó, thay vì áp dụng chiến thuật xử dụng căn cứ hỏa lực, tiến quân từng bước, làm trì chậm mức độ tiến quân, làm tăng thời gian để địch chuẩn bị kỹ càng hơn, thì QĐ I nên áp dụng một đội hình lưu động, ào ạt tiến quân bằng đường bộ trên Quốc Lộ 9  cũng như trực thăng vận trên các điểm cao để rồi từ đó tiến tới Mục Tiêu ấn định. Kế hoạch phải diễn ra liên tục cho tới khi hoàn toàn làm chủ trên Quốc Lộ 9  từ núi Ko Roc ở ranh giới Lào-Việt đến Thị Trấn Hạ Lào Tchepone.

Sau đó mới là giai đoạn củng cố và lùng địch. Quốc Lộ 9 vẫn  là trung tâm để tiếp vận cho các đơn vị tham chiến. Căn cứ hỏa lực pháo binh chỉ nên thiết lập dọc theo Quốc Lộ 9  và các đơn vị chỉ hoạt động trong tầm yểm trợ của pháo binh và không quân chiến thuật. Yểm trợ xa do không quân chiến lược B 52 đảm trách. Như vậy sự hỗ tương yểm trợ sẽ chặt chẽ, không rời rạc như đã thực hiện, cũng như các đơn vị bố trí xa và hoạt động quá rộng. Một điểm nữa là các đơn vị tham chiến phải có một quân số tương đối áp đảo, hoặc ít ra cũng ngang bằng với quân số địch theo tin tức lúc ban đầu, nghĩa là toàn bộ hai Sư Ðoàn 1 và Dù với lực lượng tăng cường TQLC và BÐQ, một lực lượng pháo binh hùng hậu. Một lực lượng trừ bị sẵn sàng điều động vào trận địa khi tình hình đòi hỏi. Như vậy thì mọi sự tiến lui, phòng ngự sẽ thuận lợi dễ  dàng hơn, địch khó có thể bao vây, chia cắt được, như trong kế hoạch hoạt động đã được thực hiện, khiến địch thu được nhiều thắng lợi.

Tiếp Vận  Tải Thương: Là mạch máu của cuộc hành quân, cuộc hành quân  nào được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ, thì kết quả thu lượm rất khả quan. Các cuộc hành quân  lớn lại càng đòi hỏi hơn nhiều. Trong cuộc hành quân  Lam Sơn 719, sự chuẩn bị tương đối chặt chẽ, nhưng trên thực tế đã không đáp ứng được nhu cầu của chiến trường. Trong kế hoạch hành quân  BTM/QĐ I  có thể nói là rất trông chờ, hay nói cách khác là quá ỷ lại vào không vận, đó là phương tiện trực thăng, đa số do không quân Hoa Kỳ yểm trợ để tiếp vận, tải thương cho các đơn vị tham chiến, ngoại trừ xử dụng Quốc Lộ 9  lúc ban đầu cho LĐ1/Dù và Thiết Giáp.

Một cuộc hành quân  lớn như vậy, việc tiếp tế tải thương bằng trực thăng không thể cung ứng đầy đủ và kịp thời. Trong trường hợp có phòng không địch thì vấn đề trở nên khó khăn hơn nhiều và thực tế đã thấy rõ. Do đó một khi phương tiện tiếp vận bị trở ngại, thì đương nhiên phải ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Không có đạn dược súng ống thì hỏa lực yếu kém đi, không có thức ăn uống thì đói khát lấy sức đâu mả tiếp tục chiến đấu, không có phương tiện di tản thì thương bệnh binh sẽ chết. Bởi vậy khi tổ chức một cuộc hành quân, vấn đề tiếp vận, tải thương vẫn là mỗi ưu tư hàng đầu của các cấp chỉ huy, nếu muốn đạt được kết quả tốt đẹp.                                         

Chỉ Huy và Tham Mưu : Vấn đề chỉ huy là phải thống nhất hành động giữa  các cấp. Một khi đã thông suốt toàn bộ kế hoạch, chứ không thể thi hành mỗi đơn vị một hướng, một cách khác nhau, khiến đường lối, kế hoạch chung bị sai lạc, thất bại. Trong cuộc hành quân  Lam Sơn 719, có sự lủng củng trong vấn đề chỉ huy cấp cao, chẳng hạn như Trung Tướng Hoàng xuân Lãm, Tư Lệnh QĐ I  kém thâm niên hơn Trung Tướng Lê Nguyên Khang Tư Lệnh TQLC. Theo tôi thì vấn đề không quan trọng lắm, dù sao Tướng Lãm cũng là một Tư Lệnh QĐ I đồng thời được Phủ Tổng Thống và Bộ TTM chỉ định làm Tư Lệnh cuộc hành quân  Lam Sơn 719. Nhưng Tướng Khang đã ở lại Sài Gòn giao cho Ðại Tá Bùi thế Lân Tư Lệnh Phó kiêm TMT giữ nhiệm vụ chỉ huy Sư Ðoàn TQLC tăng phái cho QĐ I, thay vì phải ra Khe Sanh và giúp đỡ, cố vấn cho Tướng Lãm, vì là nhiệm vụ chung. Nếu chiến thắng thì cũng là chiến thắng chung, mà thất bại thì chúng ta cùng phải chịu trách nhiệm trước quân dân. Do đó trong suốt thời gian của giai đoạn 2, BTM Sư Ðoàn TQLC và BTM QĐ I đã có nhiều trục trặc xẩy ra. Còn giữa BTM QĐ I  và BTM Sư Ðoàn Dù cũng thế, có vẻ không ăn ý lắm.

Phải nói rằng cuộc hành quân  Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân  quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dù rằng trước đó trong năm 1970 đã có cuộc hành quân  sang Campuchia do QÐ III và IV phụ trách. Cuộc hành quân  này đã ảnh hưởng đến dư luận Quốc tế rất nhiều, vì đối đầu trực diện với Quân Ðội CSBV, nên đòi hỏi một vị chỉ huy có khả năng, nhiều kinh nghiệm chiến trường ở cấp độ cao.

Nhìn lại thì trong hàng Tướng lãnh của Quân Lực VNCH đã có mấy ai đủ điều kiện ở vai trò đó, thật ra ở cấp Sư Ðoàn, chứ đừng nói đến cấp QÐ. Phần lớn đã được giao phó ngang xương, chưa từng chỉ huy một đơn vị tác chiến thấp hơn, hay qua các lớp chỉ huy tham mưu, chỉ vì xu hướng chính trị kéo bè, kết phái, củng cố quyền lực mà thôi.

Trong trường hợp của vị Tư Lệnh hành quân  Lam Sơn 719 cũng gần như vậy. Tướng Lãm xét ra chưa bao giờ có kinh nghiệm chỉ huy các trận đánh lớn nên, dĩ nhiên phải gặp những vấn đề không tránh khỏi khi được giao trọng trách điều khiển một cuộc hành quân  cấp QÐ. Do đó, việc thành bại không cần phải bàn cãi nhiều. Một vị Tư Lệnh như vậy, thì BTM cũng ở trong tình trạng tương tự như vậy. Suốt thời gian hành quân, nhất là khi LĐ147/ TQLC ở vai trò trừ bị, tôi thường có mặt bên cạnh BTM QĐ I  để theo dõi tình hình cũng như chờ lệnh, tôi thấy BTM tỏ ra rất lung túng, nhất là về mặt tin tức địch diễn ra ngoài chiến trường đang hồi sôi động.

Bên cạnh BTM chỉ có Ðại Tá Nguyễn Đình Vinh nguyên Ðổng Lý Bộ Quốc Phòng  thời Trung Tướng Nguyễn hữu Có làm Tổng Trưởng, vì nguyên do chính trị bị đày ra QĐ I  làm Phụ Tá hành quân  cho Tướng Lãm. Thế thì nhìn vào ta đã thấy như thế nào rồi. Nghe nói, có ngày đêm Tướng Lãm không có mặt tại BCH hành quân  để trở về Ðông Hà hoặc Ðà Nẵng. Một ghi nhận là QĐ I khi đó không có Tư Lệnh Phó hành quân  cho tới giai đoạn 2 mới có sự hiện diện của Chuẩn Tướng Soạn, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh. Ðể kết luận lại, một vị Tư Lệnh cùng một BTM như vậy, chưa đủ khả năng điều động ở cấp hành quân QÐ, cuộc hành quân  lẽ dĩ nhiên không thể gặt hái được kết quả tốt đẹp.

Cuộc hành quân  Lam Sơn 719 kết thúc trong vội vã sau gần một tháng trời giao tranh ác liệt, để lại trên chiến trường bao nhiêu tổn hại cả về người lấn vật chất, và sau đó tình hình tại Hạ Lào đâu lại vào đó không có gì thay đổi. Phải chăng vì mục tiêu chính trị, mà quyền lực nước ngoài mong muốn, biến chiến trường thành nơi tử địa cho cả hai phía Quốc Gia và Cộng Sản người Việt Nam, ví như một cục đường và đàn kiến bu lại, để rồi bị đập nát tất cả không thương tiếc. Đến mùa Hè 1972 lại tiếp diễn trận tấn công vượt tuyến vào tỉnh Quảng Trị cũng như tại An Lộc, Tỉnh Bình Long rồi từ đó dẫn tới kết quả Hòa Ðàm Paris nhằm kết thúc vai trò của Quân Ðội Hoa Kỳ ở miền Nam VN.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Bài Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt