Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (6)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi”  – Tp I (1945-1950)/Chương 1Vit Nam t ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946:  NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (6) CHƯƠNG  MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946)

NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (6)

Hiểu rõ tham vọng bành trướng chủ nghĩa CS của Liên Xô trong tương lai qua phương thức chính trị và quân sự nên Anh Mỹ phải tìm cách chấm dứt mau chóng chiến sự ở Á Châu, ngõ hầu chặn đứng sự lấn chiếm của Liên Xô. Do đó Mỹ đã phải xử dụng bom nguyên tử mà Mỹ đã hoàn thành trước đó một năm. Thế chiến thứ hai đã chấm dứt tại Âu Châu cũng như tại Á Châu,  đồng thời cảnh cáo,  nhắc nhở Liên Xô đừng có “luồng gió bẻ măng”.

Tin Nhật đầu hàng làm cho nhân dân VN vui mừng vì đã thoát cảnh chết chóc vì chiến tranh. Quân Nhật đầu hàng nhưng vẫn phải đóng quân tại chỗ và chịu trách nhiệm về an ninh tại VN cho tới khi Quân đội Đồng Minh tới giải giới và thay thế. Theo kế hoạch ấn định, tại VN từ vĩ tuyến 16 có thành phố Đà Nẵng trở ra phía Bắc sẽ do Quân đội Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) đảm trách, và từ phía nam Đà Nẵng trở vào Nam do lực lượng Anh và Ấn Độ chịu trách nhiệm. Trong thời gian chờ đợi Quân đội Đồng Minh tới giải giới,  tình hình chính trị VN trở nên biến động khác thường. Các đảng cách mạng lớn trước đây âm thầm hoạt động, nay bắt đầu tích cực tham gia vận động quần chúng để chờ ngày cướp chính quyền.

Khi đó đảng CS núp dưới danh nghĩa Mặt trận Việt Minh có vẻ hoạt động mạnh mẽ hơn cả. Họ đã thành lập được chiến khu ở vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn từ khi quân Nhật tiến vào Đông Dương, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của tiền thân cơ quan tình báo Mỹ (OSS – Office of Strategic Services), trụ sở đặt tại Trùng Khánh, Thủ Đô tạm thời của kháng chiến Trung Hoa sau khi quân Nhật đánh chiếm Bắc Kinh và Nam Kinh. Tuy có chiến khu mang danh chống Pháp và Nhật, nhưng thực tế lực lượng võ trang chẳng có là bao, may lắm có chừng khoảng một Đại Đội (gần một trăm người) trang bị vũ khí lạc hậu có từ thời Đệ I Thế chiến, bao gồm đủ loại súng của Mỹ,  Anh,  Pháp,  Nhật do  Võ nguyên Giáp (nguyên giáo sư sử địa trường Trung học Thăng Long Hà Nội) chỉ huy. Sau đó suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông Giáp đã trở thành người lãnh đạo quân sự cao cấp nhất của CSVN, mang tới quân hàm Đại Tướng. Trong thời kỳ chống Pháp, một số nước thân CS đã đề cao ông ta như một thiên tài về quân sự, nhưng thực tế không phải ông ta là người duy nhất quyết định chiến trường mà là cơ quan lãnh đạo đảng CS,  tức Bộ Chính Trị và ngoài ra bên cạnh Bộ Chỉ Huy còn có một số cố vấn quân sự cao cấp của Trung Cộng đưa sang tiếp tay cho CSVN. Vì vậy người ta không lạ gì về các chiến lược, chiến thuật “Du kích chiến” của Mao trạch Đông và Lâm Bưu (hai tên trùm CS Trung Hoa) được mang ra áp dụng trong thời chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954).

Tại các vùng nông thôn, trước kia vắng bóng CS,  nay đã thấy truyền đơn, cờ, rải ra khắp nơi. Xem ra dân chúng có vẻ ủng hộ, nhất là những thành phần nghèo khổ, vì CS tuyên truyền là tranh đấu chống bất công xã hội, chống cường hào ác bá, áp bức và bóc lột. Khi đó, tôi cũng có chú ý tới Việt Minh, nhưng không rõ ai là cấp lãnh đạo của phong trào này. VNQDĐ hoạt động có vẻ kín đáo hơn, ít thấy truyền đơn và cờ của VNQDĐ xuất hiện.

Chính phủ Trần trọng Kim trước tình hình đó cũng không có đường hướng hoạt động nào đặc biệt cả, họ tỏ ra thụ động và trông chờ quân đội Đồng Minh tới giải giới quân Nhật. Có thể Chính phủ có mặc cảm là thân Nhật chăng? Vua Bảo Đại thì nhu nhược, gần như không làm gì cả. Ông làm Vua khi còn quá trẻ, sau khi được Thực dân Pháp đưa qua Pháp du học, nên đã hấp thụ nền văn hóa, giáo dục hoàn toàn Pháp. Đóng vai trò ông Vua một nước bị đô hộ, ông ta trị vì cho chiếu lệ, mọi quyền hành cai trị nằm trong tay người Pháp. Do đó vua Bảo Đại chẳng biểu lộ tí gì về khả năng cũng như kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo. Người ta bảo làm gì thì làm cái đó.

Nếu Bảo Đại là một vị Vua giỏi, có lẽ tình hình đất nước không đến nỗi lầm than, khổ cực và chết chóc vì chiến tranh kéo dài mấy chục năm do CS chiếm chính quyền gây ra. Hậu quả đến nay dù hai miền Nam Bắc đã thống nhất,  hòa bình đã trở lại, nhưng nhân dân VN vẫn đói khổ,  sống mất tự do dưới sự cai trị bằng độc tài và bạo lực tàn ác của chế độ CS. Người ta nói rằng dưới chế độ Thực dân Pháp,  người dân sống còn khá hơn. Điều nhận xét đó cũng đúng phần nào. 

Tình hình an ninh chính trị VN sau ngày Nhật đầu hàng thật mông lung,  không biết đi về đâu. Theo tin của những vị lãnh đạo VNQDĐ thì một vài ngày trước 19/8/1945,  Ban Lãnh đạo Trung ương  Quốc dân Đảng (gồm VNQDĐ,  Đại Việt QDĐ,  Đại Việt Dân Chính) đã hội họp và quyết định cướp chính quyền. Lệnh ban xuống được các cấp đảng bộ ở mọi nơi, đặc biệt là ở Hà Nội chuẩn bị ráo riết. Lực lượng vũ trang chủ lực là đơn vị lính khố xanh, một thứ lính có tính cách bảo vệ an ninh hành chánh ủng hộ tiếp tay. Nhưng sau,  lệnh cướp chính quyền đã tạm hoãn, với lý do để CS làm trước, khi Đồng Minh tới cũng sẽ bị dẹp bỏ. Ông Trương tử Anh lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ), lúc đó cũng là người đứng đầu Mặt Trận Quốc Dân Đảng trong nước tỏ ra  e dè trước việc cướp chính quyền bị thất bại, nên đã bỏ lỡ một thời cơ hiếm có trong hoạt động cách mạng.

Sự lỡ lầm này đã đưa VN đi tới một khúc quanh lịch sử đầy bi đát. Các đảng chính trị Quốc gia đã bị CS sát hại khi họ cướp được chính quyền trong tay, làm tổn thương đến vai trò lịch sử của VNQDĐ,  một Đảng có thành tích to lớn với quá trình tranh đấu danh Độc lập chống Thực dân Pháp. Từ thất bại này đến các thất bại khác, sau đó cũng thất bại và với sự tuyên truyền lừa bịp của Việt Minh Cộng Sản nên đã không còn được nhân dân VN dành cho nhiều cảm tình tốt đẹp như xưa. 

Danh sách của chính phủ lân thời Việt Minh 1945, toàn là những tên cộng sản của Hồ Chí Minh – Từ đây đất nước trao cho cộng sản Đệ Tam Quốc Tế của Lenin.

Sáng ngày 19/8/1945 là ngày biểu tình của công chức tại nhà hát lớn Hà Nội do chính phủ tổ chức. Trong khi các diễn giả thay nhau lên diễn đàn, đột nhiên cán bộ Việt Minh nhẩy lên chiếm micro hô hào mọi người tham dự, ủng hộ VM cướp chính quyền. Mọi người còn đang hoang mang chưa có phản ứng gì, cán bộ VM xen lẫn trong đoàn hô vang “Ủng hộ VM cướp chính quyền.” Sau đó cờ đỏ sao vàng được tung ra phân phát cho mọi người.  Đồng thời, một lá cờ vải to lớn được treo phủ kín mặt tiền nhà hát lớn từ trên lầu cao xuống tới đất.

Như vậy chứng tỏ VM đã có chuẩn bị sẵn sàng để hoạt động, đoàn người dự biểu tình ùa theo,  được lãnh đạo bởi các cán bộ VM biến thành đoàn biểu tình tuần hành trên đường phố và tiến tới các cơ sở chính quyền. Khởi sự cướp chính quyền của VMCS là sự chiếm lãnh các trụ sở, đài phát thanh,  sở bưu điện, đặc biệt là tòa nhà của phủ Thống sứ đã dùng làm công sở của Khâm sai Bắc Việt Phan kế Toại,  đã không gặp một kháng cự nào của các lính bảo vệ. Riêng ông Phan kế Toại đã có thái độ gần như ủng hộ VM và sẵn sàng giao lại quyền hành cho VM. Có người cho ràng các con của ông là cán bộ VM nên ông bị ảnh hưởng rất nhiều. Chẳng thế, khi CSVM lên nắm chính quyền, dù ông xuất thân là một quan lại (tuần phủ) thời Pháp thuộc, ông ta vẫn được VM xử dụng.

Trong ngày cướp chính quyền, quân đội Nhật hoàn toàn giữ thái độ bàng quang không phản ứng gì cả, miễn là VM không có đả động đến các nơi Nhật đóng quân. Sau đó được biết, Tư lệnh quân đội Nhật có cho Bảo Đại hay; nếu ông ta muốn, thì chỉ trong vài giờ VM sẽ bị họ dẹp tan ngay. Nhưng Bảo Đại đã từ chối vì không muốn có sự đổ máu diễn ra giữa người VN với nhau và ông ta chuẩn bị sẵn sàng giao lại quyền cai trị đất nước cho VMCS. Có lẻ vì thế, ông Bảo Đại được VM đối xử tử tế và mời ông ra giữ chức cố vấn tối cao cho chính phủ VMCS. Trước tình hình đó,  nội các Trần trọng Kim tự động giải tán không kèn, không trống.

Một phái đoàn VMCS do Trần huy Liệu và Cù huy Cận đại diện lên đường vào Huế tiếp thu ấn tín của nhà Vua khi làm lễ thoái vị, Vua Bảo Đại đã tuyên bố được một câu khả dĩ coi được trong suốt thời gian ông làm Vua, đó là “Thà làm dân một nước Độc Lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ”. Có lẽ khi tuyên bố như vậy,  ông nghĩ rằng nước VN sẽ được Độc lập,  hoàn toàn tự do, toàn dân hạnh phúc và phú cường. Bảo Đại là vị Vua cuối cùng giòng họ Nguyễn đã trị vì trên ba trăm năm, đồng thời cũng chấm dứt chế độ phong kiến tại VN. Ít ngày sau khi cướp chính quyền, VMCS tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời bao gồm:

Thủ tướng kiêm Ngoại giao: Hồ chí Minh
Bộ Nội Vụ: Võ nguyên Giáp
Bộ Quốc phòng: Chu văn Tấn
Bộ Tài chính: Phạm văn Đồng
Bộ Thông tin Tuyên truyền: Trần huy Liệu

v.v và v.v.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc bài kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt