Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (53)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1967: Tiếp tục hành quân vùng I và vùng III, về Sài Gòn giữ an ninh bầu cử Tổng Thống (53)
Tiếp tục hành quân Vùng I, Vùng III, và về Sài Gòn giữ an ninh bầu cử Tống Thống năm 1967 (53)
Nghỉ một thời gian, CĐ lại tiếp tục tăng phái cho Sư Ðoàn 1 BB và hoạt động tại phía tây nam đồi Cồn Tiên. Trên đường tiến quân vào khu vực hành quân thì cùng lúc một Chiến Ðoàn Nhẩy Dù do Trung Tá Hùng chỉ huy, tại phía bắc Cồn Tiên (phía nam khu phi quân sự) thì bị pháo của CS Bắc Việt từ bên kia vĩ tuyến. CĐ Dù đã được sự yểm trợ của hải pháo Hải Quân Hoa Kỳ từ ngoài biển, nhưng vì khoảng cách khá xa nên đã có vài quả đạn rơi lạc vào khu vực của Chiến Ðoàn TQLC khiến cho một binh sĩ bị thương. Sau đó tôi phải nhờ đến hệ thống của cố vấn Mỹ can thiệp mới chấm dứt. Một thời gian sau, Ðại Tá Nguyễn văn Toàn Tư Lệnh phó Sư Ðoàn 1 có tới chỗ CĐ và ngỏ ý nếu CĐ Dù có lời yêu cầu thì can thiệp. Sở dĩ không có lệnh dứt khoát như vậy, theo tôi biết thì khi đó ông ta đang xử lý Sư Ðoàn 1 BB vì Ðại Tá Ngô Quang Trưởng công tác vắng mặt.
Ðể rõ hơn về tình hình, tôi có gọi máy cho Trung Tá Hùng thì được ông dùng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp cho biết tình hình không sao, địch chỉ pháo kích chứ không tấn công bằng bộ binh. Tại vùng hành quân của CĐ/TQLC địa thế cũng có phần thuận lợi cho VC hoạt động vì có các đồi thoai thoải với cây cối rậm rạp, thỉnh thoảng xen kẻ một vài thôn làng. Cuộc hành quân lục soát diễn tiến một thời gian rồi chấm dứt, không có một cuộc đụng độ nào xẩy ra. Sau đó CĐ rút về Ðông Hà nghỉ một vài ngày thì được lệnh trở về Sài Gòn.
Tại Sài Gòn, CĐ được một thời gian nghỉ ngơi, trong khi CĐB/TQLC do Trung Tá Soạn chỉ huy đang hành quân tại Vùng 4. Tuy nhiên CĐA cùng với hai TĐ đang nghỉ dưỡng quân, cũng là thành phần trừ bị sẵn sàng được xử dụng khi cần đến. Khi đó Trung Tướng Khang (đã lên Trung Tướng trong năm 1966) đang giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 Vùng 3 Chiến Thuật, Tư Lệnh TQLC, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô kiêm Tổng Trấn Sài Gòn Gia Ðịnh, chứng tỏ Tướng Khang được tín nhiệm hơn mọi Tướng lãnh khác trong Quân Ðội lúc bấy giờ, thời kỳ Thiếu Tướng Kỳ giữ chức vụ Không Quân và Thủ Tướng Chính Phủ. Hai Tướng lãnh này đều xuất thân từ trường sĩ quan Trừ bị Nam Ðịnh (Bắc Việt) năm 1950.
Về Liên danh ứng cử của Quân đội còn có các Liên danh dân sự tham gia như Liên danh của Luật Sư Trương đình Dzu, Liên danh Bác Sỹ Hoàng cơ Bình… Riêng Liên danh Quân đội đã có nhiều trục trặc giữa hai Tướng Thiệu và Kỳ, vì ông nào cũng muốn ra tranh cử chức Tổng Thống.
Sự việc này đã nẩy sinh ra nhiều xáo trộn và chia rẽ trong hàng ngũ Quân Đội VNCH, đi đến chỗ chia làm hai phe (ngoài khối trung lập chỉ có một liên danh duy nhất đại diện cho quân đội) còn thì mỗi bên ủng hộ cho một ông Tướng. Cuối cùng, do áp lực của Hội Ðồng Tướng Lãnh, hai Tướng Thiệu Kỳ phải nhập làm một liên danh, sau khi có một vài thỏa thuận ngầm khi trúng cử. Kết quả Tướng Thiệu ứng cử chức Tổng Thống và Tướng Kỳ làm phó.
Khi đó nếu Quân đội có hai Liên danh thì có thể sẽ thất cử và Liên danh Trương đình Dzu sẽ thắng, vì sau khi có kết quả bầu cử, thì Liên danh này đã về thứ hai. Rơi vào trường hợp đó thì không hiểu tình hình chính trị sẽ đi về đâu, vì ông Dzu có khuynh hướng thiên tả, nếu không muốn nói là chủ trương Trung lập nói chuyện với VC.
Kết quả thì liên danh Thiệu Kỳ đắc cử. Dù sao Liên danh Quân đội cũng thuận lợi hơn vì có quyền hành trong tay để điều động các chính quyền địa phương cổ động cho Liên danh. Ngoài ra tôi nghĩ rằng Chính Phủ Hoa Kỳ yểm trợ Liên danh Quân đội hơn, vì khi đó tình hình chiến sự ở miền nam VN đang trong thời kỳ sôi động, và không quân Hoa Kỳ đang oanh kích miền Bắc. Do đó Chính phủ cũng như Quân đội Hoa Kỳ muốn Quân đội VNCH tiếp tục vai trò lãnh đạo, nó phù hợp với đường lối, chính sách của Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Sau khi Liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử thì Chính quyền có một vài thay đổi theo như đã thỏa thuận trước. Thủ Tướng Chính Phủ do Luật Sư Nguyễn văn Lộc đảm nhiệm thay thế Tướng Kỳ giữ vai trò Phó Tổng Thống và một vài Tướng lãnh thân Tướng Thiệu giữ các trọng trách Quân đoàn, hoặc cấp Tá ở chức vụ Tỉnh, Tiểu khu Trưởng. Theo tôi hiểu thì Tướng Thiệu đang tìm cách loại dần ảnh hưởng của Tướng Kỳ ra khỏi chính quyền và quân đội VNCH. Tướng Kỳ cũng đã thôi chức vụ Tư Lệnh Không Quân và Tướng Trần Văn Minh thay thế, tuy nhiên ông Kỳ vẫn còn ảnh hưởng với binh chủng này, vì trong thời gian còn chỉ huy, ông đã ưu đãi, nâng đớ rất nhiều. Ở vai trò Phó Tổng Thống, theo Hiến Pháp quy định thì chỉ đóng vai trò nghi lễ, thực quyền đều tập trung vào chức vụ Tổng Thống. Tướng Kỳ biết rõ nhưng không làm gì hơn được và chỉ còn tin vào sự thỏa thuận ngầm giữa hai người qua trung gian hòa giải của các Tướng Lãnh trong Hội Ðồng Quân Lực. Nhưng đó chỉ là thỏa thuận khi lập Liên danh, nhưng một khi đã trúng cử rồi thì vấn đề lại khác.
Thuận lợi hơn nữa, sau biến cố Tết Mậu Thân xẩy ra thì Tướng Thiệu đã thay đổi nhiều chức vụ bên Hành Pháp cũng như trong Quân đội. Tướng Trần thiện Khiêm thay Luật Sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ Tướng Chính Phủ, Tướng Nguyễn ngọc Loan mất chức Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia. Trong Quân đội, Vùng III là vùng quan trọng nhất đối với Chính quyền, nên được thay đổi trước nhất. Trung Tướng Lê Nguyên Khang không còn chức Tư Lệnh Quân Ðoàn III, Biệt Khu Thủ Ðô và Tổng Trấn Saigon-Gia Ðịnh mà chỉ cỏn giữ chức Tư Lệnh TQLC. Từ đó cho tới những năm về sau, thì tất cả quyền hành hầu như nằm trong tay TT Thiệu. Ông ta thành một nhà lãnh đạo của một Quân Nhân.
Năm 1970 là năm tái bầu cử, Tướng Thiệu đã dùng mọi mưu mô để gạt hai Liên danh ứng cử của Tướng Dương văn Minh và Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và rồi cuộc bầu cử thành độc diễn. Chính Phủ Hoa Kỳ vẫn có vẻ ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu, vì không muốn thay ngựa giữa dòng. Hơn nữa ông ta là người lãnh đạo phù hợp với đường lối, chính sách của Hoa Kỳ hơn hết, và ông cũng chỉ ra đi khi màn kịch chiến tranh VN sắp hạ màn.
Từ ngày Tướng Thiệu lên làm Tổng Thống, Binh chủng TQLC lại càng được tăng phái hành quân cho các Quân đoàn, đặc biệt là Quân đoàn I và IV. Chuyện này thì ai trong Quân đội cũng rõ vì e ngại Binh chủng này lại tham gia đảo chánh. Nhưng đó là một lầm lẫn lớn của TT Thiệu, vì Binh chủng TQLC cũng như các binh chủng khác trong Quân đội có nhiệm vụ “bảo quốc, an dân”, phục vụ quyền lợi của Tổ Quốc, bảo vệ Tự Do và Dân Chủ cho nhân dân miền Nam VN chứ không phải phục vụ cho một cá nhân, phe nhóm, đảng chính trị hoặc tôn giáo nào, chính như cá nhân tôi là một đảng viên VNQDĐ nhưng tôi chưa bao giờ nói cho một ai về VNQDĐ trong binh chủng TQLC cả, chỉ biết phục vụ cho binh chủng mạnh, cho quân đội “bảo quốc, an dân”. Tôi còn nhớ có một lần Lữ Ðoàn đang hành quân tại Vùng IV, khu vực Cần Thơ, thì có người bạn cho tôi biết là có tin đồn TQLC có âm mưu đảo chính, tôi liền trả lời ngay là chuyện ảo tưởng vì muốn đảo chính thì phải có quân, mà TQLC có hai Lữ Ðoàn thì cả hai đều ở xa làm sao đảo chánh được. Dư luận vẫn cho rằng Binh chủng TQLC do Tướng Khang chỉ huy là ủng hộ Tướng Kỳ, vì hai người cùng khóa Sỹ Quan Nam Ðịnh, cùng quê Tỉnh Sơn Tây. Nhưng thực tế từ khi Tướng Khang là tư lệng TQLC và Tướng Kỳ khi còn làm Thủ Tướng thì đã nâng đỡ được gì cho Binh chủng TQLC, hay là trong thâm tâm họ chỉ muốn xử dụng TQLC như một công cụ riêng tư để củng cố quyền lực mà thôi.