Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (52)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Tháng 8, 1966 nhận nhiệm vụ chỉ huy Chiến Đoàn Trưởng chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến VNCH (52)

Nhận nhiệm vụ Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn A/TQLC hành quân Thừa Thiên, Quảng Trị (52)

Ðầu tháng 8/1966 tôi về tới Saigon, được nghỉ ít ngày thì trình diện BTL/TQLC để nhận nhiệm vụ mới. Tướng Khang giao cho tôi chỉ huy Chiến Ðoàn A Thủy Quân Lục Chiến (CĐA/TQLC) đang kiêm nhiệm bởi Ðại Tá Nguyễn Thành Yên Tư Lệnh Phó binh chủng TQLC.

Bảo quốc an dân của TQLC/VNCH

Chiến Ðoàn theo tổ chức thì chỉ có nhiệm vụ chiến thuật đánh giặc không có trách nhiệm về mặt quản trị hành chánh. Mọi việc đều do Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến (BTL/TQLC) đảm trách. Do đó mỗi khi có nhu cầu hành quân trên hai Tiểu Đoàn (TĐ) thì Chiến Đoàn mới phụ trách chỉ huy. Các TĐ tham dự không nhất thiết cố định, tùy theo đơn vị chưa có công tác. Theo tổ chức như vậy thì không được chặt chẽ như các Trung Ðoàn Bộ Binh, nhưng mục đích là làm cho BCH/CĐ không phải bận tâm về mặt hành chánh, quản trị, để có thời gian lo về mặt hành quân đánh giặc mà thôi. Dĩ nhiên là có những yếu tố khác làm suy giảm ảnh hưởng chỉ huy của CĐ, mà không vị nào khi đảm trách chức vụ Chiến đoàn Trưởng đồng ý cả.

Tôi đã trình bày nhiều lần lên Tham Mưu Trưởng và Tư Lệnh TQLC, nhưng ý kiến không được chấp nhận, có thể là BTL muốn thâu tóm hết quyền hành để dễ bề điều khiển từ mọi cấp không thông qua cấp trung gian. BCH Chiến Ðoàn được tổ chức như sau: CĐ Phó kiêm TMT Thiếu Tá Ái, các Ban 1, 2, 3, 4. Về đơn vị yểm trợ có một Pháo Ðội 75 ly sơn pháo (lúc khởi đầu, sau đổi thành 105 ly), đôi khi được tăng cường pháo của đơn vị được tăng phái, một Trung Ðội Truyền Tin, một Tiểu Ðội Công Binh chiến đấu và một Trung Ðội Tiếp Vận dưới quyền điều khiển của Ban 4. Ngoài ra còn có một Ðại Ðội Viễn Thám.

Cuộc ra quân của CĐ do tôi chỉ huy là được tăng phái cho Sư Ðoàn 1 BB, Bộ Tư Lệnh đóng tại đồn Mang Cá thành phố Huế. CĐ được không vận từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Phú Bài, nằm ở phía nam thành phố Huế mấy chục cây số. Khi đó Tư lệnh Sư Ðoàn 1 BB là Ðại Tá Ngô Quang Trưởng mà tôi không xa lạ. Ông được ủy thác chức vụ này sau ngày Phật giáo miền Trung nổi loạn, cũng như Tư Lệnh Quân Ðoàn I là Tướng Hoàng xuân Lãm từ Sư đoàn 2 BB lên thay thế Tướng Nguyễn Chánh Thi bị mất chức. Tại BTL Sư Ðoàn 1 BB, CĐA/TQLC được trao nhiệm vụ hành quân tại khu vực phía đông bắc tỉnh Quảng Trị, nằm giữa Ðông Hà và cầu Thạch Hãn.

Cảnh đổ quân bằng trực thăng của chiến đoàn A /TQLC/VNCH

Tình hình địch từ ngày miền Trung có biến động về vụ Phật giáo đã lợi dụng tình thế gia tăng hoạt động, lũng đoạn an ninh các xã, ấp khiến các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân của Tiểu Khu vào cái thế co cụm không dám hoạt động ra xa, nên nhiều ấp đã rơi vào sự kiểm soát của VC ngày cũng như đêm. Do đó TQLC lại có mặt, có điều là ở trong một hoàn cảnh không mấy được dân chúng địa phương có cảm tình vì đã can dự vào việc tái lập an ninh trong vụ Phật giáo nổi dạy chống chính quyền. Họ cũng có một luận điệu không khác gì Việt Cộng,  gọi TQLC là “lính Thiệu-Kỳ” và rải truyền đơn đuổi chúng tôi về lại Saigon. Do đó trong cuộc hành quân, tôi đã chỉ thị các đơn vị hết sức cẩn thận, tránh đụng chạm với dân chúng để họ có cớ gây khó khăn cho TQLC. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những xuyên tạc cố ý làm giảm uy danh TQLC. Họ đã đệ đơn lên tòa Tỉnh để phản đối đòi bồi thường thiệt hại. Ðại Tá Nguyễn Ấm, Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị đã cho tôi biết sự thể như thế. Ðại Tá Ấm và tôi là chỗ bạn bè quen biết từ lâu nên thông cảm về sự buồn phiền của tôi. Có lần khi gặp Ðại Tá Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Sư Đoàn 1, tôi đã trình bày về tình hình đó và đề nghị trở về Saigon để các đơn vị của Sư Ðoàn 1 BB đảm trách.

Nói thì nói vậy thôi, CĐ vấn tiếp tục làm nhiệm vụ giao phó. Hành quân qua hết ấp này đến ấp khác, địch tránh né không dám giao tranh, nhất là khu vực “dãy phố buồn hiu” (thời kỳ Pháp có tiếng là hiểm nghèo), CĐ cũng không gặp một kháng cự nào. Nói tóm lại, tình hình yên tĩnh, nhưng một khi chúng tôi ra đi thì đâu lại vào đó. Sau cuộc hành quân tại “dãy phố buồn hiu”, CĐ được lệnh tiếp tục hoạt động tại khu vực phía tây nam quận Phong Ðiền. Tại đây, tình hình địa thế tương đối trống trải, nhưng có nhiều đồi núi chạy dài từ bắc xuống nam tạo thành một thung lũng thoai thoải cách xa Quốc Lộ 1 khoảng 10 cây số. Xa xa có các làng nho nhỏ nằm kế dưới chân núi, bao quanh bởi các cây cối xanh um. Sở dĩ hành quân khu vực này vì thường có lực lượng địa phương, du kích địch quấy rối, ngăn chặn giao thông trên Quốc Lộ 1 vào ban đêm. Hoạt động tại đây tương đối thoải mái hơn cuộc hành quân vừa qua. Khu vực này từ trước ít có sự hiện diện của địch vì địa thế không thuận lợi cho chúng tiến thoái dễ  dàng, dễ bị bao vây tiêu diệt, cùng lắm thì rút chạy lên núi, nhưng có nhiều đồi không cây cối dễ bị phát hiện. Từ ngày xẩy ra biến cố Phật giáo, thì tình hình mới xẩy ra như vậy. Trong khi đó thì Quân Ðội Hoa Kỳ chỉ chú trọng hoạt động về phía tây, trong dãy núi Trường Sơn. Hơn nữa, đó là vấn đề nội bộ của Chính quyền VNCH nên không muốn dính dáng gì tới những khu vực hoạt động của các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 1 BB.

Thực ra thì quân CS  Bắc Việt cũng chỉ lợi dụng được phần nào của sự biến động Phật Giáo vừa qua để tăng cường hoạt động phá rối ở vùng nông thôn mà thôi, chứ không đủ sức để đánh chiếm các quận miền bắc Trung Việt, khi mà còn có sự hiện diện của Quân Ðội Hoa Kỳ và các đơn vị thiện chiến của quân đội VNCH. Hoạt động lục soát mươi, mười lăm ngày thì CĐ được lệnh trở về Saigon sau mấy tháng tăng phái cho Sư Ðoàn 1 BB.

Kết quả thu đạt không mấy khích lệ về mặt quân sự, nhưng tựu trung củng cố được tình hình an ninh lãnh thổ, cổ võ tinh thần chiến đấu của các lực lượng địa phương đang bị sa sút.

Tại Sài Gòn, BCH Chiến Ðoàn được BTL sắp xếp ở tại trại Cửu Long (Hải Quân) kế cận bệnh viện của Binh chủng TQLC (sau này di chuyển lên khu vực kế cận Trung Tâm Huấn Luyện ở Thủ Ðức và cũng là nơi các Tiểu Ðoàn tác chiến và Pháo Binh đặt doanh trại) nơi căn cứ cũ của một đơn vị thuộc Sư Ðoàn 1 BB Hoa Kỳ.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt