Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (51)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1966 Tu nghiệp khoá Sỹ Quan Trung Cấp TQLC Hoa Kỳ.
Du học khóa Sĩ Quan Trung Cấp Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ năm 1966 (Bài 51)
Bàn giao xong đơn vị, tôi lên máy bay trở về Sài Gòn. Một thời gian tương đối dài chỉ huy TĐ2/TQLC (TĐ2 Trâu Điên), một đơn vị suốt ngày tháng ngoài chiến trường, đảm trách những nhiệm vụ quan trọng và thu được những kết quả đáng khích lệ, tôi rời khỏi đơn vị trong buồn vui lẫn lộn với sự ngậm ngùi.
Trong thời gian hành quân xa, thì tại Sài Gòn cũng đã có nhiều thay đổi. Tướng Khánh dưới áp lực của Hội Ðồng Quân Lực, phải từ chức và xuất ngoại để ổn định tình thế, vì dưới sự lãnh đạo của ông, tình hình chính trị mỗi ngày một xáo trộn. Việc hạ bệ Tướng Khánh đều do nhóm Tướng Trẻ trong Hội Ðồng Quân Lực thực hiện. Sau đó thì nhóm tướng lãnh gọi là trẻ, đã nhân danh Quân Ðội đứng ra lãnh trách nhiệm lèo lái con thuyền Quốc Gia thay cho chính quyền dưới thời Tướng Khánh.
Chính quyền được Quân Ðội cầm trịch và được tổ chức lại như sau: Ủy Ban Lãnh đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu giữ chức vụ Chủ Tịch thay thế cho Quốc Trưởng Phan khắc Sửu. Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng) do Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân đảm trách thay thế cho Thủ Tướng Phan huy Quát. Sau đó thì tình hình cũng tạm ổn về phương diện chính trị, không còn có sự chống đối của hai Tôn giáo lớn Phật Giáo và Công Giáo, ít ra là trên bề mặt. Viêc tranh dành quyền lực trong Chính Phủ cũng tạm chấm dứt, nhưng trong Quân Ðội vẫn còn âm ỷ kình chống nhau vì tham vọng của một vài Tướng lãnh và sĩ quan cao cấp nên đã xẩy ra một vài vụ xử dụng quân đội dưới quyền để gọi là biểu dương lực lượng hay âm mưu lật đổ, nhưng đã thất bại vì quân đội không ủng hộ.
Qua Tết âm lịch năm 1966, tôi lên đường du học ở Hoa Kỳ, cũng tại tiểu bang Virginia lần đi học trước kia. Lần này ra đi, tôi không cảm thấy phấn khởi lắm vì nước Mỹ không còn xa lạ. Tham dự khóa học chỉ có một mình tôi, nên lại càng không vui. Dù sao thì đây cũng là cơ hội để trao đổi kiến thức, nghề nghiệp, đồng thời nghỉ ngơi một thời gian rồi lại tiếp tục nhiệm vụ đời lính ngoài chiến trường. Lộ trình máy bay lần này khác với lần đi trước vào tháng 11/1960. Thay vì qua Phi luật Tân, Hawaii rồi San Francisco, thì lần này với máy bay phản lực, từ sân bay Tân sơn Nhất tới phi trường Haneda (Nhật Bản), nghỉ hai giờ rồi bay thẳng tới San Francisco (Cựu kim Sơn). Với máy bay phản lực và lộ trình ngắn hơn, nên thời gian ngồi máy bay cũng ngắn bớt đi. Cũng như lần trước, tôi nghỉ chân tại căn cứ Hải Quân ở Oakland. Vì là lần thứ hai, nên không còn bỡ ngỡ như lần trước, vả lại tiếng Anh cũng khá hơn nên mọi chuyện diễn tiến suông sẻ. Nghỉ một thời gian ngắn, tôi lên máy bay thẳng tới sân bay ở Baltimore (Maryland).
Tại đây tôi cũng được một sĩ quan của nhà Trường đón sẵn, và chúng tôi lên xe về Quantico (Virginia) và ở trong khu nhà độc thân (BOQ) vì Trường Amphibious Warfare School (AWS) cũng ở ngay trong Thị Trấn. Tôi được viên sĩ quan phụ trách cao ốc sắp xếp cho một căn phòng có đầy đủ tiện nghi tại lầu hai. Thời gian học về mùa hè nên thời tiết rất ấm áp và hơi nóng vào các tháng 5, 6, 7. Về ăn uống thì dùng hai bữa tại Câu lạc bộ. Bữa ăn trưa dùng đại khái tại Câu lạc bộ nhà Trường, vì chỉ có một tiếng nghỉ ngơi. Do đó tôi chỉ trả tiền cho hai bữa ăn, còn buổi trưa ăn bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Về tiền phụ cấp của Chính Phủ Hoa Kỳ cũng như lần trước, cộng thêm với số tiền ở trong nước gởi ra.
Cùng theo học với tôi có một sĩ quan Ðại Hàn và Venezuela (Nam Mỹ). Các sĩ quan này tới học là do nhà nước của họ đài thọ. Tôi thấy họ khá giàu, đem theo cả vợ con, có xe riêng và thuê nhà ở ngoài phố. Chúng tôi cùng là sĩ quan đồng minh nên rất thân thiện. Những giờ nghỉ giải lao vì có một hai môn học không dành cho chúng tôi nên cùng nhau ra phố vào PX sắm đồ hoặc dạo phố cho hết giờ.
Chương trình học của khóa Trung cấp (Junior) nặng về lý thuyết và thực tập về tham mưu nên cũng đỡ mệt mỏi thể xác, nhưng trái lại mệt về trí óc. Ðôi khi cũng ra khỏi nhà trường để quan sát những cuộc thao diễn của các đơn vị tác chiến hoặc hành quân đổ bộ, chứ không như ở thời kỳ học căn bản về TQLC phải đích thân tham dự như một chiến binh. Ngoài những giờ học từ thứ Hai đến thứ Sáu, tôi có hai ngày nghỉ là thứ Bảy và Chủ Nhật.
Lần này có một mình, nên cũng ít khi đi ra ngoài Thủ Ðô Washington chơi. Do đó tôi chỉ mong cho thời gian đi nhanh để chóng trở về nước. Cũng như ở trường Basic School, chúng tôi, những sĩ quan đồng minh (Allied Officers) được nhà trường tổ chức cho đi tham quan các nơi, phần lớn là ở các Tiểu Bang miền đông bắc Hoa Kỳ, đặc biệt là thành phố Nữu Ước. Trưởng toán của chúng tôi khi đó là một Ðại Tá quân đội Thái Lan, ông ta theo học Chỉ Huy cao cấp (Senior hay Staff and Command) nhưng cùng trú ngụ một cao ốc. Thỉnh thoảng ông ta cũng mời tôi sang tán gẫu và tìm hiểu về chiến tranh VN. Tôi còn nhớ trước khi ông ta về nước, ông có tặng tôi một cặp lon để kỷ niệm.
Tham quan đầu tiên của chúng tôi là tới thăm một khu nhà gần như một Thị trấn nhỏ mà sở hữu chủ là một người đàn bà gốc Do Thái. Bà tên là Kissinger vào khoảng 60 tuổi. Khi đó Bà được tôn vinh là người đàn bà thứ hai của nước Mỹ. Mỗi năm bà thường dành cho nhà trường một tuần lễ để cho các khóa sinh đồng minh tới thăm viếng và vui chơi. Năm tôi tới, thì không may bà đi nghỉ mát ở miền Nam, chỉ có cô con gái thay mặt đón tiếp, nhưng không kém nồng hậu. Chúng tôi cứ hai người được ở trong một căn phòng có đầy đủ tiện nghi như một khách sạn hạng trung. Ngày đầu chúng tôi được mời tới dự một bữa ăn, có nhiều quan khách do bà Chủ nhỏ đích thân tham dự. Dĩ nhiên là được tổ chức trong một căn phòng rộng lớn, trang hoàng thật lộng lẫy. Ðể mở đầu bữa cơm, Cô chủ mời tất cả chúng tôi lên khán đài và giới thiệu từng sĩ quan của mỗi nước. Ðến lượt tôi, thì có vẻ chú ý hơn vì tiếng vỗ tay chào mừng lâu hơn. Sở dĩ được ưu ái như vậy, là vì Quân Ðội Hoa Kỳ đang tham chiến tại VN. Cũng do đó mà nước VN nhỏ bé được dân chúng Hoa Kỳ và Quốc Tế biết đến. Trường hợp đi dạo trong thành phố, nếu mặc quân phục thì lại càng được mọi người chú ý thăm hỏi, nhất là những thanh niên vào lứa tuổi quân dịch, vì tôi thường đội mũ xanh của binh chủng TQLC. Trong Quân đội Hoa Kỳ, Lực Lượng Mũ Xanh (Special Forces) được mọi người ngưỡng mộ, nên họ cũng tưởng là tôi thuộc loại đó. Sau phần giới thiệu, thì Ðại Tá Thái Lan, trưởng toán đại diện ngỏ lời với cử tọa. Những ngày sau, thì chúng tôi được thoải mái vui chơi, giải trí. Tại đó có đủ cả, rạp chiếu bóng, hồ bơi trong nhà kính, sân golf, sân volley, bóng bàn và các giải trí khác cho cả người lớn lẫn trẻ em. Tôi để ý thì phần lớn những khách tới thăm viếng đều là người gốc Do Thái. Tại Hoa Kỳ, người Do Thái có một ảnh hưởng rất lớn trong thương trường cũng như về chính trị. Trước khi ra đi, chúng tôi cùng với Cô Chủ chụp chung một tấm hình kỷ niệm.
Những buổi tham quan tiếp theo là đi dự một buổi trình diễn ca kịch tại Hý Viện Radio City ở trung tâm thành phố Nữu Ước. Chúng tôi được coi như khách danh dự, nên được sắp xếp vào một vị trí rất sang trọng. Ði thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc, tại đây chúng tôi được một đại diện tiếp đón và hướng dẫn đi coi các phòng làm việc và họp hành, ông ta cũng chỉ cho hay cái bục thuyết trình mà ông Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô Kroutchew đã rút giày ra đập trong một buổi họp của LHQ. Để kết thúc, ông đại diện có đưa về văn phòng riêng để tiếp tân, trao đổi vật kỷ niệm và ký tên vào quyển sổ khách thăm viếng.
Ði thăm tượng đài Nữ Thần Tự Do, một bức tượng khá lớn, dựng trên một hòn đảo nhỏ mặt hướng vào thành phố Nữu Ước. Chúng ta có thể leo tới đầu bức tượng, vì ở trong trống rỗng. Trước khi ra về, cũng làm thủ tục ký tên vào một cuốn sổ lớn để ngay cửa ra vào để lưu niệm. Do đó mà người ta có thể biết số lượng người tới thăm hàng năm là bao nhiêu.
Cuối cùng phái đoàn tới thăm một thành phố thuộc Tiểu Bang New Jersey, tại đây chúng tôi được tiếp đón khá nồng hậu, chứng tỏ sự ưu ái với khách nước ngoài của người Mỹ. Ông Thị Trưởng đích thân ra đón chúng tôi tận xe, đồng thời có đoàn học sinh ăn mặc đồng phục rất đẹp, có kèn trống xếp thành hàng danh dự trình diễn trước cửa vào tòa Thị Sảnh. Trong phòng tiếp tân, hai bên trao đổi ít lời chào mừng như thường lệ, rồi ông Thị Trưởng đại diện trao chìa khóa vàng cho vị Trưởng toán. Buổi tối ngày hôm đó, chúng tôi được mời tới dự một buổi dạ tiệc có khiêu vũ do Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tổ chức. Là Hội Cựu Chiến Binh nên phần lớn thành viên đều có tuổi. Họ tới dự cùng với các Bà. Qua các phát biểu chào mừng thường lệ, chúng tôi dự một bứa tiệc theo lối tự phục vụ (self serve) nhưng không kém phần thịnh soạn. Tôi chắc là các Bà đã phụ giúp để làm các món ăn đãi khách. Tiếp đãi cách này, tôi thấy thân mật hơn, vì có thể luân chuyển tiếp chuyện với nhau chứ không bị hạn chế trong một bàn vỏn vẹn có 7, 8 người. Hơn nữa cũng khó sắp xếp, nếu quan khách là những người có chức vị trong xã hội. Sau bữa tiệc thì tới phần dạ vũ, chúng tôi được các Bà tiếp dạ vũ rất thân mật. Tôi còn nhớ khi đó tôi thì nhỏ con mà Bà ta to, mập, chắc ngoài trông vào không khỏi buồn cười, nhưng rồi mọi chuyện cũng diễn ra thân ái, ra về không thể nào quên được. Như vậy là chương trình tham quan của chúng tôi diễn ra gần nửa tháng trời. Sau này khi sống trên đất Mỹ với tư cách một người dân tị nạn, tôi thấy khó mà có thể đi thăm như thế được. Ngay cả người dân sinh đẻ trên đất Mỹ, có khi chưa biết Tiểu Bang khác là gì vì đất Mỹ quá rộng lớn. Hơn nữa, họ bị trói buộc bởi sinh kế nên cũng khó mà thực hiện được giấc mơ đi đây, đi đó trước khi không thể đi được vì tuổi già sức yếu.
Trở lại Trường, chúng tôi lại tiếp tục những ngày còn lại trong bầu không khí buồn tẻ. Ngoài giờ học thì chỉ còn ngồi xem TV hoặc xuống phòng giải trí đánh billard, thêm nữa thì ra phố đi long vòng shopping cho đỡ cô đơn. Trong thời gian này, có mấy sự kiện xẩy ra tại VN. Trong Binh Chủng TQLC có hai sĩ quan bị tử trận trong khi chiến đấu (do tin mang lại của sĩ quan TQLC Hoa Kỳ). Tại khóa học đã có vài sĩ quan đã từng làm cố vấn cho các đơn vị của TQLC VN trong đó có cả viên sĩ quan đã từng làm cố vấn TĐ2/TQLC của tôi trong trận đánh tại Ấp Phụng Dư ở quận Tam Quan. Hai sĩ quan tử nạn là Thiếu Tá Nguyễn hạnh Phước Tiểu Ðoàn Trưởng TĐ5/TQLC khi đang hành quân tại Tiểu Khu Quảng Ngãi và Trung Tá Lê hằng Minh Tiểu Ðoàn Trưởng TĐ2/TQLC người đã thay thế tôi đi học. Trung Tá Lê Hằng Minh bị tử thương trong lúc TĐ2/TQLC di chuyển bằng quân xa từ Huế ra Quảng Trị và bị VC phục kích khi qua khỏi quận Phong Ðiền. Sau hết là tình hình Phật Giáo nổi dậy ở miền Trung, đặc biệt tại Thị Xã Ðà Nẵng, có Tướng Nguyễn Chánh Thi (Tư Lệnh Quân Ðoàn I) ủng hộ chống lại Trung Ương.
Qua hình ảnh trên truyền hình Hoa Kỳ tôi được thấy cảnh tượng các sư sãi ngồi thiền ở giưa đường để ngăn cản chiến xa TQLC tấn công lực lượng Biệt Ðộng Quân đứng về phe Phật Giáo trên các đường phố Ðà Nẵng và cố thủ trong các chùa chiền. Sau cùng thì mọi việc tại Ðà Nẵng cũng trở lại bình thường. Ðơn vị Biệt Động Quân và một số đơn vị khác đã quy hàng. Tiếp đó thì Phật Giáo tại Huế đưa bàn thờ Phật xuống đường cũng bị dẹp bỏ. Tình hình miền Trung trở lại bình thường, Tướng Thi bị gọi về Trung Ương và sau đó “bị” đi sang Hoa Kỳ chứa bệnh “thối mũi”. Sở dĩ có cuộc nổi dậy chống đối của Phật Giáo là vì muốn đòi hỏi Dân Chủ, có bầu cử chứ không muốn chế độ Ðộc diễn. Do đó dưới áp lực của các tôn giáo và các đoàn thể, đảng chính trị nên hai Tướng Thiệu-Kỳ phải chấp nhận bầu cử cử vào năm 1967.
Vào cuối tháng 7/1966 khóa học chấm dứt. Tôi trở về nước theo lộ trình cũ, Baltimore-San Francisco-VN.