Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (47)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập II (1950-1975)/ Năm 1964: Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (47)
Giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC tháng 4/1964 – chỉnh lý của Tướng Khánh (47)
Hội đồng được biến thành Hội Ðồng Quân Lực VNCH và Trung Tướng Dương văn Minh được bầu làm Chủ tịch. Về tân Chính Phủ thì cựu Phó Tổng Thống Nguyễn ngọc Thơ được cử giữ chức vụ Thủ Tướng. Sự việc này đã làm dân chúng và các đoàn thể chính trị rất bất bình và cũng từ đó phong trào quật khởi đã xẹp xuống.
Trong Quân Ðội cũng như bên Hành chánh lại xuất hiện phe phái, tranh dành quyền lực, gây chia rẽ bất mãn, thay vì phải lo ổn định tình hình chính trị và an ninh. Các Tướng lãnh trong Hội Ðồng Quân Lực, thăng cấp cho nhau, và mỗi ông lại thăng cấp cho những sĩ quan thuộc dưới quyền của mình bất kể có công trạng hay không.
Các chức vụ cũng được thay thế từ Trung Ương đến Ðịa phương. Dĩ nhiên là những sĩ quan thuộc đảng Cần Lao bị hạ bệ. Một số nhân vật thân cận nhất với gia đình ông Diệm, hoặc những thành phần mật vụ khét tiếng bắt bớ những người Quốc Gia đối lập đều bị bắt giữ.
Tại Binh chủng TQLC cũng có sự thay đổi. Thiếu Tá Nguyễn bá Liên thăng cấp Trung Tá thay thế Trung Tá Lê nguyên Khang thăng cấp Ðại Tá (dù không có tham gia đảo chánh 1/11/1963 nhưng đã ủng hộ Hội Ðồng Ðảo Chánh). Ðại Úy Trần văn Nhựt thăng cấp Thiếu Tá trở thành Tham Mưu Trưởng TQLC thay thế Trung Tá Nguyễn bá Liên. Về các Tiểu Đoàn cũng có sự thay đổi, Ðại Úy Tôn thất Soạn thay thế Thiếu Tá Trần Văn Nhựt làm TĐT/TĐ1/TQLC. TĐ 2/TQLC Ðại Úy Cổ Tấn Tinh Châu đang học ở trường Ðại Học Quân Sự Ðalạt, thăng cấp thiếu Tá sau ngày đảo chánh, thay thế Thiếu Tá Nguyễn thành Yên làm TĐT/TĐ2/TQLC. Thiếu tá Yên sang giữ tiểu đoàn trưởng TĐ3/TQLC. Ðại Úy Lê Hằng Minh thăng Thiếu Tá vẫn tiểu đoàn trưỏng TĐ4/TQLC.
Về thăng thưởng trong TĐ1/TQLC thì các đại đội trưởng được điều chỉnh từ tạm thời lên thực thụ và huy chương Ðệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm theo Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, trong đó có tôi.
Sau những ngày sôi động của cuộc đảo chánh đã trôi qua, TĐ1/TQLC lại tiếp tục lên đường hành quân. Tại rừng mía quận Ðức Hòa (tỉnh Hậu Nghĩa) trên đường di chuyển, một binh sĩ đã đạp phải mìn và gây cho tôi bị thương ở cổ và chân, được trực thăng chở về bệnh viện Cộng Hòa điều trị. May mắn là vết thương không vào chỗ hiểm nên chỉ một thời gian gần một tháng thì tôi trở về gia đình dưỡng thương. Khi gần khỏi hẳn lại được Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn gọi vào trình diện để tiếp tục làm việc, tôi cũng không phản đối gì. Sau đó Trung Tá Liên giao phó cho tôi chức vụ Trưởng phòng 3 Hành quân của Chiến Ðoàn TQLC di chuyển tới tỉnh Gò Công.
Trong khi đó thì Liên Ðoàn có hai tiểu đòan (TĐ1 và TĐ2) đang hành quân tại Mỹ Tho và ít ngày sau thì TĐ1/TQLC đã đụng nặng với VC, kết quả có những thiệt hại đáng kể. Trong thời gian này thì tại Sài Gòn xẩy ra cuộc chỉnh lý do Trung Tướng Nguyễn Khánh từ Quân Khu 2 xuống cầm đầu, nhưng đằng sau là do một số sĩ quan đảng Ðại Việt thực hiện. Việc thay ngôi vị lãnh đạo đã thành công một cách dễ dàng, và chỉ xẩy ra có một đêm, không có phản ứng của nhóm đang cầm quyền vì quá chủ quan, say mê trong chiến thắng vừa qua.
Riêng Trung Tướng Dương văn Minh thì nhóm chỉnh lý để nguyên không đụng tới, nhưng các Tướng lãnh có thực quyền thì bị cầm giữ như Trung TướngTrần văn Ðôn, Trung Tướng Lê văn Kim, Trung Tướng Tôn thất Ðính, Trung Tướng Mai hữu Xuân và bị gán cho cái tội Trung lập thân Pháp. Sau đó thì Tướng Khánh nắm trọn thực quyền giữ chức vụ Thủ Tướng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội. Vai trò Quốc Trưởng giao cho cụ Phan khắc Sửu, nhưng thực sự thì chẳng có quyền hành gì. Khi thành lập Chính phủ thì mới thấy rõ các nhân vật Ðại Việt lộ diện. Ông Nguyễn Tôn Hoàn được triệu thỉnh từ Pháp về giữ chức Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Bình Ðịnh. Ông Hà Thúc Ký giữ Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ…
Trong Quân Ðội, Trung Tướng Trần thiện Khiêm thay thế Tướng Ðôn giữ chức vụ Tổng tham Mưu Trưởng kiêm Bộ Quốc Phòng. Tính ra thì nhóm đảo chánh chỉ tồn tại được có ba tháng, chưa làm được việc gì tốt đẹp cả. Sự việc trong Quân Ðội tranh dành quyền bính, không ai phục ai đã làm cho quân, dân, cán, chính chán nản mất tin tưởng và còn cho rằng sẽ xẩy ra nhiều chuyện chứ chưa chấm dứt vì Tướng Khánh là người đã cứu giá, phù trợ Tổng Thống Diệm trong ngày đảo chánh tháng 1/11/1960. Trong cuộc chỉnh lý, TQLC có TĐ2 do Thiếu Tá Cổ Tấn Tinh Châu chỉ huy, đóng quân tại Tiểu Khu Gia Ðịnh đã tham gia.
Sau đó tìm hiểu thì mới biết rõ Cổ Tấn Tinh Châu thuộc đảng Ðại Việt. Trong khi đó thì BCH Liên Ðoàn do đích thân Trung Tá Liên chỉ huy đang hành quân tại Mỹ Tho (gồm có hai TĐ1 và TĐ2). Cuộc đụng độ với VC vừa chấm dứt thì Trung Tá Liên có lệnh trở về hậu cứ. Rồi thì BCH Liên Ðoàn lại có sự thay đổi, chỉ huy mới không ai xa lạ là Ðại Tá Lê nguyên Khang, từ Phi Luật Tân mới trở về nước.
Nguyên do là sau khi Tướng Khánh nắm Chính quyền thì đã nghĩ ngay đến củng cố quyền lực trong Quân Ðội, nên đã chú ý ngay đến Ðại Tá Khang, người cùng có mặt trong Dinh Ðộc Lập tháng 11/1960. Trung Tá Liên được giao tiếp nối chức vụ tùy viên quân sự tại Phi Luật Tân của Ðái Tá Khang. Thiếu Tá Trần Văn Nhựt cùng đi theo Trung Tá Liên với chức vụ phụ tá. Sau khi nhận lại chức vụ Chỉ huy Trưởng Binh chủng, Ðại Tá Khang vội vàng xuống Mỹ Tho, nơi gần khu hành quân của TĐ1 và TĐ3/TQLC. Do đó để có người phụ giúp Ðại Tá Khang, không có sĩ quan nào tháp tùng, Thiếu Tá Nhựt đề nghị tôi sang gặp ông.
Tôi cũng không có gì bận tâm, vì tôi chỉ là một ĐĐT trong thời gian đảo chánh xẩy ra. Tính cách không bằng lòng nhau nếu có thì cũng chỉ giữa nhóm đảo chánh TQLC (Trung Tá Liên, Thiếu Tá Nhựt, Bác sĩ Quế) và Ðại Tá Khang mà thôi. Do đó khi gặp lại, ông vẫn niềm nỡ bắt tay tôi, hỏi han sức khỏe. Tôi trình bày về tình hình hành quân và cuộc đụng độ giữa TĐ1/TQLC với Việt Cộng vừa rồi. Ông tỏ ý không mấy vui nhưng không nói gì khác hơn. Ngay ngày hôm sau, ông ra lệnh cho BCH Liên Ðoàn và hai TĐ rời vùng hành quân trở về hậu cứ Sài Gòn.
Từ ngày đảo chánh, qua cuộc chỉnh lý, nội bộ TQLC đã có nhiều xáo trộn làm cho tinh thần đoàn kết có đôi phần sa sút. Nhưng rồi với tinh thần phục vụ cho Quân Ðội, cho một miền Nam tự do đang trong tình trạng bị CS Bắc Việt ra sức đánh chiếm bằng quân sự, để chấn chỉnh lại BCH Liên Ðoàn, Đại tá Khang đánh điện gọi Ðại Úy Bùi thế Lân, đang theo học tại trường Trung cấp Hoa Kỳ trở về nước, để thay thế Thiếu tá Trần Văn Nhựt giữ chức vụ Tham mưu Trưởng. Ngoài ra cũng để củng cố lại TĐ1/TQLC sau trận đụng độ với VC tại Mỹ Tho, ông điều động tôi và Ðại Úy Trí trở về TĐ1/TQLC, sau khi tôi thụ huấn một tháng khóa Tiểu Đoàn Trưởng ở trường Ðại Học Quân Sự Ðà Lạt.
Tình hình Quân Ðội cũng như về mặt chính quyền vẫn chưa được ổn định vì phương cách lãnh đạo bất nhất của tướng Khánh gây ra nhiều sự chống đối trong Quân Ðội, cũng như các Tôn giáo, rồi lại biểu tình xuống đường khiến tình hình chính trị lại thêm rối ren, nào Thủ Tướng Trần văn Hương, Phan huy Quát kình chống với Quốc Trưởng Phan khắc Sửu, Tuyên cáo Vũng Tàu của Tướng Khánh…
Sự thỏa hiệp giữa Tướng Khánh với đảng Ðại Việt đi tới rạn nứt, tan vỡ, vì một khi đã nắm được quyền lực từ Hội Ðồng Quân Lực đến chức vụ Thủ Tướng lúc ban đầu, Tướng Khánh ra sức củng cố quyền lực để muốn trở thành những nhà lãnh đạo độc tài như Sukarno của Nam Dương, Marcos của Phi luật Tân, hoặc Pak Chung Hy của Nam Hàn. Mà muốn được như vậy thì phải nắm Quân Ðội trước nhất, nên ông ta đã phong chức một loạt các sĩ quan thân cận lên cấp Chuẩn Tướng (tướng 1 sao), một cấp bậc mới trong Quân Ðội VNCH. Từ đó mới ra đời một lớp sĩ quan gọi là “tướng trẻ”.
Sau này nhóm “tướng trẻ” thâu tóm hết quyền bính của đất nước. Đại tá Khang của TQLC cũng nằm trong trường hợp này nên đã được phong cấp Chuẩn Tướng. Từ đó binh chủng TQLC trở thành đơn vị được o bế nhất, nhưng trên thực tế thì chỉ có tính cách cá nhân, ngoài ra Binh Chủng TQLC không được một ưu đãi đặc biệt nào cả, mặc dù là một đại đơn vị luôn đảm trách các nhiệm vụ quan trọng trên chiến trường khắp 4 vùng chiến thuật. Các nhân vật cầm quyền, trong thâm tâm họ cứ nghĩ là nắm được cấp chỉ huy đơn vị đó là sẽ bảo vệ cho ngôi vị của họ.
Sau cuộc chỉnh lý tháng 2/1964 thì Liên Ðoàn TQLC cải danh thành Lữ Ðoàn TQLC. Tháng 4/1964, tôi được giao phó nhiệm vụ chỉ huy TĐ2/TQLC khi đó đang hành quân tại quận Cần Ðước tỉnh Long An, không xa Thủ Ðô Sài Gòn mấy. Chuẩn Tướng Khang đích thân đưa tôi tới BCH Tiểu Ðoàn để bàn giao, chứng tỏ sự tín nhiệm của ông với tôi vì ông biết rõ Thiếu Tá Cổ Tân Tinh Châu thuộc Ðại Việt, mà lúc đó ảnh hưởng của Ðảng Đại Việt vẫn còn bao quanh Tướng Khánh. Ðồng thời với tôi, Ðại Úy Nguyễn thế Lương được cử giữ chức vụ TĐ3/TQLC thay thế Thiếu Tá Yên trở về BCH Lữ Ðoàn làm Phó cho Tướng Khang. Ðại Úy Nho Trưởng phòng 1 làm tiểu đoàn trưởng TĐ4/TQLC.
Trong thời kỳ từ tháng 4/1964, Tướng Khánh trong âm mưu củng cố quyền lực đã tìm mọi cách để gạt các Tướng không ăn cánh với ông ta, đặc biệt là loại ảnh hưởng của đảng Ðại Việt ra ngoài chính quyền và Quân đội. Ông Hà thúc Ký ra đi khỏi Bộ Nội Vụ, rồi kế tiếp, ông Nguyễn tôn Hoàn mất chức phải xuất ngoại. Tướng Khiêm đi làm Ðại Sứ tại Ðài Loan, Tướng Ðỗ cao Trí Ðại Sứ tại Nam Hàn, Tướng Dương văn Minh làm Ðại Sứ lưu động tại Thái Lan… Từ đó Tướng Khánh bị bao vây bởi các Tướng trẻ mới lên, và vai trò của nhóm này ngày càng có uy thế trong Quân Ðội.