Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (45)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi”  – Tập II (1950-1975)/ Năm 1960: Du học Hoa Kỳ trở về đơn vị Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (45)

Du học Hoa Kỳ trở về phục vụ TĐ1/TQLC hành quân 4 vùng chiến thuật -Thủ Đô chính biến (45)

Lúc này (khi du học Mỹ trở về) đơn vị không còn ở trại Hoàng Diệu Nha Trang nữa mà đổi về ở trại Yết Kiêu, Thủ Ðức sát cạnh lao xá Thủ Ðức. Ðại Úy Trần Văn Nhựt vẫn giữ chức Tiểu Ðoàn Trưởng (ở Hoa Kỳ ông trở về trước) thay thế Ðại Úy Nguyễn Bá Liên giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Ðoàn TQLC. Về lại TÐ1/TQLC đang trong thời kỳ dưỡng quân, tôi được giao trông coi ĐĐ1 vì ĐĐ2 Trung Úy Thắng đang nắm, ĐĐ3 Trung Úy Châu, ĐĐ4 Trung Úy Phương, ÐÐ Chỉ Huy Trung Úy Vinh. Kể từ đó đến tháng 11/1963, TĐ1/TQLC đã liên tục tham gia hết cuộc hành quân này đến cuộc hành quân khác, lúc thì ở Cao nguyên Ban Mê Thuột, lúc thì Quảng Ngãi (Ba Tơ, thung lung Công Hòa), khi ở Mỹ Tho (Ấp Bắc), Cà Mâu, Long Xuyên, vào Chiến khu C, chiến khu Ð, Hố Bò (Tam Giác Sắt) Tây Ninh, có nơi đã hành quân hai ba lần. Kết quả thâu lượm tương đối khả quan, tuy nhiên chưa có lần nào đánh lớn cấp Trung Ðoàn.

Qua các cuộc hành quân khắp bốn Vùng Chiến Thuật tôi thấy tình hình địch mỗi ngày càng lớn mạnh hơn. VC đã thành lập được những đơn vị cấp Trung Ðoàn độc lập và một vài Sư Ðoàn trang bị khá mạnh nhờ có tiếp tế từ ngoài Bắc vào cũng như từ Campuchia qua nhờ vào Hải cảng Sihanoukville. Về dân tình ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh ủng hộ VC nhiều hơn vì chính sách tuyên truyền lừa bịp cũng như dùng bạo lực để kiểm soát. Hơn nữa, họ cũng nhận thấy Quân Ðội Quốc Gia nhất là Ðịa phương Quân và Nghĩa Quân không bảo vệ được họ, có chăng thì lâu lâu lại hành quân qua rồi rút về. Trong khi đó thì VC ngày đêm ở sát ngay bên họ.

Ấp Chiến Lược Việt Nam Cộng Hòa

Kế hoạch bình định của Chính phủ VNCH coi gần như thất bại. Các Ấp Chiến Lược tổn phí quá nhiều tiền trên lý thuyết thì có vẻ hấp dẫn, những trên thực tế ngoài chiến trường thì vẫn không ngăn chặn được các hoạt động lấn đất, dành dân của VC.

Quân lực VNCH ngày đêm hành quân không ngừng nghỉ mà vẫn không đủ quân để lấp hết được với một lãnh thổ quá rộng, lại thêm địa thế rừng núi suốt từ vĩ tuyến 17 xuống tới tận Quân Khu 3, một hành lang lý tưởng cho sự xâm nhập của CSVN từ Bắc vào Nam, cũng như nơi trú ẩn khi cần dưỡng quân hoặc tránh né những cuộc hành quân quy mô của quân đội ta. Với một tình hình như vậy, chính quyền Tổng Thống Ngô đình Diệm không tìm mọi cách để tranh thủ, nhất là về phương diện nhân tâm, mà còn gây ra nhiều chuyện bất mãn trong dân chúng, với các tôn giáo khác, đảng chính trị đối lập. Ra sức củng cố chính sách độc tài, gia đình trị nên càng lấn sâu vào con đường sụp đổ.

Do đó năm 1962 đã có vụ ném bom dinh Ðộc Lập, may mà ông Diệm và gia đình ông em Ngô đình Nhu thoát chết. Việc đánh phá này là do hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử hành động. Sau đó Ðại úy Cử bay thoát qua Campuchia, còn Ðại úy Quốc thì máy bay bị phòng không của Hải Quân ở bến Bạch Ðằng bắn hạ, nhưng ông ta đã nhẩy dù xuống sông Sài Gòn và được cứu vớt. Dĩ nhiên là sau đó ông ta sẽ bị cơ quan an ninh, mật vụ của chính quyền đối xử như thế nào rồi.

Công cuộc đảo chính bằng Không Quân này không phải là đơn thuần của hai phi công Quốc và Cử, mà đằng sau đã có sự xếp đặt của một lực lượng nào đó, vì sau cuộc đảo chính hụt tháng 11/1960 thì chính quyền TT Ngô Đình Diệm ra sức kiểm soát về mặt an ninh nội bộ. Bên Hành Chánh cũng như bên Quân Ðội các Tướng lãnh, Sĩ quan cao cấp bị xếp vào loại nghi ngờ đều bị gạt ra ngoài chức vụ quan trọng, đặc biệt là tại Sài Gòn và Quân Khu 3. Do từ ngày Tướng Thái Quang Hoàng bị thất sủng vì để phe đảo chính của Nguyễn Chánh Thi bắt giữ vào tháng 11/1960, sau được Chính phủ Campuchia trả về thì được Tướng Tôn thất Ðính, một cấp tướng được gia đình họ Ngô tin tưởng nhất, từ Quân khu 2 trở về nắm giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 kiêm Tư Lệnh Tổng Trấn Sài Gòn Gia Ðịnh hầu ngăn chặn cuộc đảo chính khác. Nhưng cũng vì sự quá tin tưởng đó mà nhà Ngô đã bị sụp đổ, vì Tướng Ðính đã trở mặt, tham gia cuộc đảo chính 1/11/1963 đi tới thành công.

Con người, ai cũng có một con tim và một lý trí nên một phút nào đó sẽ nhận ra lẽ phải, hơn nữa lại có áp lực lòng dân diễn ra hàng ngày thì không thể nào phục vụ cho một cá nhân hoặc một gia đình được mà phải phục vụ cho cả một tập thể rộng lớn của dân tộc và quyền lợi tối thượng của quốc gia. Công cuộc đánh bom dinh Ðộc Lập hầu sát hại hai anh em ông Diệm không thành, mà chỉ làm sụp đổ một phần tòa nhà to lớn, đã xây dựng từ hồi Pháp thuộc gọi là Dinh Toàn Quyền Ðông Dương lấy tên là Norodom (dòng họ nhà Vua Campuchia) được trao trả cho Chính quyền Quốc gia VNCH sau khi ký Hiệp Ðịnh Genève 1954.

Ðược thoát nạn, hai anh em ông Diệm vẫn không suy nghĩ gì hơn, mà còn tiếp tục thù hằn, gây ra nhiều cuộc đàn áp, khủng bố đối với những người không cùng chính kiến, hơn nữa còn gây hấn với Phật giáo bằng ngăn cấm, hạn chế việc treo cờ Phật Giáo vào những ngày lễ lớn của Phật Giáo, tạo ra sự bất bình, phản kháng của phật tử toàn quốc, mà từ lâu họ đã phải nằm yên chịu đựng bởi kỳ thị tôn giáo của chính quyền.

Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (trái) và Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Phải)

Bát nước nay đã tràn, nên tại Huế, trước cửa đài phát thanh đã xẩy ra cuộc biểu tình phản đối của phật tử vì đài đã không chịu phát đi những lời tuyên cáo của Phật Giáo. Kết quả là một thứ chất nổ gây ra chết chóc. Sự việc này hai bên Phật giáo và Chính quyền đều đổ lỗi cho nhau. Thiếu Tá Ðặng Sĩ, Tiểu khu Trưởng Thừa Thiên bị lên án là kẻ chủ mưu vụ sát hại đó. Thế là từ đó Phật giáo và Chính quyền chính thức chống đối nhau. Các cuộc biểu tình phản đối diễn ra hàng ngày tại Thủ Ðô Sài Gòn. Ðại diện của hai bên đã gặp nhau nhiều lần những không giải quyết được gì. Không những thế Chính quyền lại cho lực lượng công an, cảnh sát xâm nhập vào Chùa bắt bớ các người lãnh đạo Phật giáo và gán cho là tay sai của Cộng Sản.

Kết quả là hàng loạt các vụ tự thiêu diễn ra tại khắp nơi. Ðặc biệt vụ Thượng Tọa Thích quảng Ðức tự thiêu tại ngã tư Lê văn Duyệt và Phan Đình Phùng trước cửa tòa Ðại Sứ Campuchia. Các thông tín viên ngoại quốc đã chụp được hình đăng lên báo và chiếu trên vô tuyến truyền hình mà cả quốc tế biết. Việc này đã làm chấn động dư luận thế giới, nhất là dư luận Hoa Kỳ. Từ đó Quốc Hội Hoa Kỳ đòi xét lại vấn đề viện trợ cho VN.

Còn Tổng Thống Kennedy không làm khác hơn là áp lực TT Ngô đình Diệm phải thay đổi đường lối, chính sách. Chính nước Mỹ qua sự giới thiệu của Ðức Hồng Y Spellman, nên Chính phủ Hoa Kỳ, thời Tổng Thống Eisenhower, đã áp lực Chính phủ Pháp để ông Ngô đình Diệm về làm Thủ Tướng Chính phủ Quốc Gia VN. Những cuộc gặp gỡ giữa tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn và Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng không làm thay đổi được chủ trương của ông. Do đó mà Chính phủ Hoa Kỳ đã đi đến quyết định ủng hộ một cuộc đảo chính của Quân Ðội, hầu lấy lại sự ổn định về chính trị để còn lo về mặt an ninh lãnh thổ mà VC đã lợi dụng tình hình bất ổn của Chính quyền VNCH để đánh chiếm các vùng nông thôn, xâm nhập vào Tỉnh, Thành phố để phá hoại. Do đó mà cuộc đảo chính lần thứ hai xẩy ra vào ngày 1/11/1963 đã làm sụp đổ nền Ðệ Nhất Cộng Hòa và hai anh em ông Diệm đã bị giết khi ngồi trên thiết vận xa từ nhà Thờ Cha Tam (Chợ Lớn) trở về Bộ Tổng Tham Mưu Quân Ðội VNCH.

Những ngày trước cuộc đảo chính Chính quyền TT Ngô đình Diệm, tình hình chính trị tại Sài Gòn rất căng thẳng, những cuộc biểu tình phản đối của Phật giáo diễn ra hàng ngày. Các hoạt động âm thầm của các đảng chính trị đối lập cũng đang chuẩn bị để đợi thời cơ. Trong Quân đội cũng vậy, những thành phần không chấp nhận chính sách đường lối lãnh đạo của Chính phủ Ngô đình Diệm đang tìm cách liên hệ với nhau để thực hiện một cuộc đảo chính bằng quân sự. Trước những sự kiện trên, Chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn không thay đổi chủ trương của mình, mà còn tiếp tục lấn sâu vào con đường cũ, không sao có thể cứu vãn được nữa. Các tin tức đảo chính hàng ngày tung ra mà không ai biết chính xác là ngày nào và do ai chủ động. Theo ghi nhận của tôi thì dân chúng tại Thủ Ðô Sài Gòn hầu như tán thành, ủng hộ một cuộc đảo chính vì niềm tin vào sự lãnh đạo của ông Diệm đã không còn nữa.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt