Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (44)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1960 – Du học Hoa Kỳ về căn bản sỹ quan Thủy Quân Lục Chiến (44)
Du học Hoa Kỳ về căn bản sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến năm 1960 (44)
Ðến cuối năm 1959, khi TÐ di chuyển về Mỹ Tho (tỉnh Ðịnh Tường) thì tôi được lệnh trở về hậu cứ để thiết lập hồ sơ đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ theo học khóa Căn Bản TQLC tại Trung tâm huấn luyện Quantico (Virginia). Trước khi được tuyển chọn, chúng tôi phải trải qua một cuộc thi trắc nghiệm về Anh văn do cố vấn Hoa Kỳ phụ trách. Kết quả khóa học của tôi có tất cả 4 sĩ quan gồm: Trung úy Nguyễn thành Trí, Trung úy Nguyễn đức Ân, Thiếu úy Nguyễn kim Thinh và Tôi -Trung úy Hoàng Thông được chỉ định làm trưởng toán tu nghiệp.
Theo lịch trình thì chúng tôi phải lên đường vào trung tuần tháng 11/1960. Vào ngày 30/10/1960 tôi phải trở lại hậu cứ của TÐ1/TQLC đóng tại Nha Trang để bàn giao Ðại Ðội cho Trung úy Phan văn Thắng. Vào buổi chiều cùng ngày trước khi lên tàu hỏa, tôi đã được người bạn thân cho biết tin về cuộc đảo chính xẩy ra tại Sài Gòn. Về chuyện này tôi cũng được nghe qua một vài tin đồn trong giới bạn bè thân thiết, tuy không tin lắm. Nhưng sự thật đã xẩy ra vào đúng lúc tôi ra khỏi nhà ga Nha Trang vào sáng ngày 11/11/1960.
Tại hậu cứ TÐ1/TQLC, chúng tôi theo dõi tin tức, mới hay chủ lực của cuộc đảo chính là sư đoàn Nhẩy Dù do Ðại Tá Nguyễn chánh Thi, Thiếu Tá Phan Trọng Chinh chỉ huy. Ngoài ra còn có Trung Tá Vương văn Ðông, Trung Tá Hồng, và hai ông này đóng vai trò chủ chốt trong ban lãnh đạo đảo chính. Cuộc mặc cả điều đình giữa hai bên cứ nhì nhằng cho đến tận ngày hôm sau, kết quả ông Diệm đồng ý cải tổ chính phủ và để vợ chồng ông em là cố vấn Ngô Đình Nhu đi ra ngoại quốc. Do đó, lực lượng đảo chính đã không tấn công vào Dinh Ðộc Lập vì quá tin vào lời hứa của ông Diệm, chứ đâu biết là ông Diệm áp dụng kế hoãn binh. Trong khi đó thì các lực lượng thân chính quyền, đặc biệt của Tướng Huỳnh văn Cao, Tư lệnh Quân Ðoàn 4 điều động Sư Ðoàn 7 và sư Ðoàn 9 tiến về Thủ Ðô Sài Gòn áp đảo cuộc đảo chính. Tình hình coi như đã lật ngược thế cờ, đài phát thanh đã bắt đầu loan tin thất lợi cho cuộc đảo chính. Ngày kế tiếp, thấy tình hình không còn hy vọng gì nên một số lãnh đạo đảo chính đã lên phi cơ thoát sang Campuchia mang theo Trung Tướng Thái Quang Hoàng lúc đó là Tư lệnh Quân khu Thủ Ðô, đã bị cầm giữ ngay từ phút đầu đảo chính để làm con tin khi rút khỏi Sài Gòn.
Cuộc đảo chính ngày 11/11/1960 đã thất bại vì nhiều nguyên nhân chẳng hạn như: không thống nhất hành động trong kế hoạch đảo chính, không dứt khoát trong lập trường, không được các Tướng lãnh trong Quân Ðội VNCH ủng hộ, đặc biệt là không huy động được quần chúng xuống đường để hỗ trợ cho cuộc đảo chính đồng thời làm áp lực Tổng Thống Diệm phải thi hành đứng đắn những điều khoản đã chấp thuận. Về việc này các phe đối lập đã không làm được vì thiếu phối hợp giữa đảo chính và đảng chính trị. Rút cuộc là sau đó, các thành viên đảng chính trị và các sĩ quan tham gia đảo chính bị chính quyền bắt bớ, tra tấn và cầm tù cho tới ngày đảo chính tháng 1/11/1963 mới được trả tự do.
Ðó cũng là bài học cho cuộc đảo chính lần thứ hai và đã đi tới thành công. Riêng cá nhân tôi, khi trở về hậu cứ TĐ1/TQLC tại Nha Trang chỉ làm nhiệm vụ bàn giao trước khi đi tu nghiệp Hoa Kỳ thì cũng bị Quân trấn Nha Trang, do một Trung Tá thuộc đảng Cần Lao chỉ huy, đã bắt tôi về giam giữ tại Quân Trấn mấy ngày vì nghi tôi về hậu cứ TÐ1/TQLC tiếp tay làm đảo chính. Thật là mơ hồ và ấu trĩ, vì hậu cứ của TÐ1/TQLC chỉ vỏn vẹn có một số ít quân làm nhiệm vụ điều hành về hành chánh, tiếp vận mà thôi chứ toàn bộ TÐ1/TQLC đã di chuyển xuống cực Nam hành quân. Sau khi tôi bị cầm giữ, thì sĩ quan chỉ huy hậu cứ là Trung Úy Châu đánh điện vào Sài Gòn trình cho Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn.
Tại đây Thiếu Tá Lê Nguyên Khang điện cho Trung Tướng Tôn thất Ðính Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, và tôi đã được trả tư do. Sở dĩ có sự thể xẩy ra như vậy vì trong cuộc đảo chính đã có sư tham dự của hai Ðại Ðội của TÐ3/TQLC do Ðại úy Nguyễn Kiên Hùng Tiểu Ðoàn Trưởng chỉ huy. Sau thất bại, Ðại Úy Hùng đã chạy trốn sang Campuchia cho đến ngày đảo chính 1/11/1963 mới trở lại VN. Cũng trong TĐ3/TQLC có hai Ðại Ðội còn lại mà Ðại Úy Hùng chưa kịp điều động từ Thủ Ðức về đảo chánh Sài Gòn thì được Thiếu Tá Khang điều động tới bảo vệ Dinh Ðộc Lập trong đó có Tướng Khánh Tham mưu Trưởng Quân Ðội VNCH. Do đó mà TĐ3/TQLC vừa có công lại vừa có tội. Sau cuộc đảo chính lần thứ nhất, tháng 11/1960, Thiếu Tá Khang thăng cấp Trung Tá và được sự tín nhiệm của Dinh Ðộc Lập, nhưng rồi TQLC lại tiếp tục tham gia vào cuộc đảo chính thứ hai 1/11/1963 do Thiếu Tá Nguyễn bá Liên chỉ huy chứ không phải Trung Tá Khang vì Ban lãnh đạo đảo chính lần thứ hai 1/11/1963 không tin tưởng vào lập trường của ông.
Giữa tháng 11/1960, chúng tôi lên máy bay dân sự bay qua phi trường Clarfield ở Phi luật Tân. Nghỉ một đêm tại căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, ngày hôm sau tiếp tục bay tới đảo Guam, Wake rồi Honolulu (Hạ Uy Di). Máy bay tới ban đêm nên sân bay có vẻ vắng lặng, yên tĩnh của một xứ sở không có chiến tranh. Khí hậu mát mẻ, những người ra đón, ai cũng mang một vòng hoa sặc sở trên cổ cùng với cây đàn nhỏ (lili) trên tay. Quang cảnh thật êm đềm, thắm thiết làm tôi cảm thấy đau lòng cho cuộc sống của người dân Việt Nam trong chiến tranh triền miên. Quả thật có ra nước ngoài, nghe và nhìn mới thấy thương cho nước VN nghèo khổ, lạc hậu mà còn lại xẩy ra chiến tranh tàn phá, chết chóc thì không hiểu đến bao giờ mới ngóc đầu lên được cho kịp nước người. Ngừng nghỉ khoảng hai tiếng để lấy hành khách và tiếp tế nhiên liệu, máy bay lại tiếp tục lên đường đến sân bay quân sự Travis ở San Francisco.
Chúng tôi tới phi trường San Francisco vào lúc nửa đêm, sau đó được xe bus đưa về thành phố để trình giấy tờ. Tôi còn nhớ căn phòng trực của Hải quân nằm trên lầu ba của một tòa nhà cao tầng ở 12 Naval Street (?). Ở cửa ra vào tòa nhà, chúng tôi gặp một ông già người Trung Ðông râu ria xồm xoàm, ngồi bất động, miệng phì phào thuốc lá. Hỏi ông ta thì chỉ được ra hiệu lối lên cầu thang. Dù sao chúng tôi đã có địa chỉ trước khi rời Sài Gòn nên không sợ lạc. Tại căn lầu ba, chúng tôi được gặp một Trung Úy Hải quân Hoa Kỳ, ông ta xem giấy tờ, ngồi đợi nửa giờ sau thì có xe của căn cứ Hải Quân bên thành phố Oakland đến đón. Tại đây, chúng tôi được cấp hai phòng đủ tiện nghi như một khách sạn hạng sang. Tuy tới ban đêm, nhưng câu lạc bộ vẫn hoạt động để tiếp khách đến khuya.
Về sau tôi mới hiểu đời sống tại Hoa Kỳ không phải chỉ diễn ra 12 tiếng trong ngày như ở VN mà là 24 tiếng liên tục không ngừng nghỉ, ngoài đường phố cũng như trong các cơ sở làm việc và buôn bán. Có lẽ vì đó mà nước Mỹ trở thành giàu mạnh nhất thế giới chăng? Ở trong căn cứ một vài ngày để làm thủ tục di chuyển đến Tiểu Bang Virginia, vùng Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn. Lợi dụng ngày nghỉ, chúng tôi lên xe bus sang dạo thành phố San Francisco. Muốn qua, xe phải di chuyển trên một cây cầu rất dài, có hai tầng cho xe chạy chừng hai cây số. Quang cảnh chiếc cầu, cửa biển và thành phố vĩ đại trước con mắt nhỏ bé của tôi lần đầu xuất ngoại tới một nước đã biết tiếng từ lâu. Tại thành phố, việc đầu tiên là chúng tôi tới thăm khu China Town của người Trung Hoa. Khu vực này cũng sầm uất, buôn bán như ở Chợ Lớn ở Sài Gòn, nhưng vật dụng đẹp và tốt hơn. Dĩ nhiên là đắt tiền theo túi tiền của chúng tôi được cấp phát, nên chỉ đi xem cho biết hơn là để mua sắm. Chúng tôi đến đây để thưởng thức món ăn VN (thực ra là món ăn Tàu), vì cả tuần không có hột cơm trong bụng nên quá thèm.
Cái bụng của người VN đã quen với cơm, rau muống lâu đời rồi, nên khó mà đáp ứng với thức ăn của Mỹ. Cái khó thứ hai nữa là không ngủ được vì ngày ở đây lại là đêm ở nhà, nên đôi mắt mỏi mệt mà không sao nhắm được dù chỉ 15 hoặc 20 phút. Tuy nhiên một thời gian sau thì cũng quen kể cả ăn uống, và chúng tôi ai cũng lên cân mau lẹ vì cuộc sống thoải mái, không lo lắng, không thiếu thốn như khi còn ở VN suốt ngày tháng sống ngoài chiến trường…
Chúng tôi mỗi người được cấp phát một vé tàu hỏa và lên tàu tại nhà ga Sacramento (Thủ phủ hành chánh của tiểu bang California), bốn anh em được cấp cho một căn phòng bốn người, có hai giường lầu hai người nằm trên, hai người nằm dưới. Phòng có bồn rửa mặt và cầu tiêu. Giờ ăn thì xuống toa tàu có bán thức ăn, nước uống. Nếu không muốn chi nhiều tiền vì mỗi phần ăn ít nhất cũng là 5 dollars (năm 1961). Lúc đang tu nghiệp Hoa Kỳ, hàng tháng chúng tôi được Chính phủ Mỹ cấp cho mỗi người 180 dollars để chi tiêu và ăn uống. Tiền phòng 6 dollars mỗi ngày không tính.
Với số tiền trên, thì đóng cho câu lạc bộ 80 dollars cho ăn uống hai bữa. Riêng bữa ăn chiều rất đầy đủ, khóa sinh phải mặc thường phục đeo cà vạt hẳn hoi như đi dự tiệc, đôi khi còn tắt đèn đốt nến cho có vẻ đặc biệt trang trọng. Buổi trưa đôi khi ăn ở ngoài trời khi thực tập. Ngoài số tiền trên, chúng tôi còn được tòa Ðại Sứ VN (phòng tùy viên quân sự) gửi tới Trường một chi phiếu 30 dollars, trừ trong số tiền lương có ở nhà (được tính theo giá 35 đồng VN/1 Dollar) số còn lại được trả cho gia đình. Với số tiền trên đủ dùng nếu chịu khó tiết kiệm. Phần lớn thì du học khi trở về nước, ai cũng cố dành một số tiền để mang về cho gia đình, hoặc mua sắm những vật dụng làm quà cho gia đình.
Ngồi trên tàu, nhìn qua cửa kính, quang cảnh thật là hùng vĩ, từ Tiểu Bang này qua Tiểu Bang khác của miền Trung Tây Hoa Kỳ quả là rộng lớn và giàu tài nguyên được Thượng Ðế ban cho. Ngoài ra nước Mỹ lại phần lớn là người từ mọi nơi trên thế giới đến sinh sống, lập nghiệp, siêng năng và cần cù lại càng làm cho đất nước sớm trở nên giàu cò và hùng mạnh, cộng thêm với một chế độ tự do, tôn trọng quyền sống của con người lại càng làm cho mọi người ưa thích.
Hàng năm số người nhập cư mỗi ngày mỗi đông, trong đó có hàng bao giới trẻ đã trở thành những nhân tài giúp cho xã hội Hoa Kỳ càng vươn lên trên mọi mặt, khó có một nước nào có thể theo kịp.
Ðược ít ngày thì con tàu chuyển mình về hướng đông để tiến về Tiểu Bang Virginia, nơi mà Trường của chúng tôi sẽ đến tu nghiệp. Tính ra cũng đã mất đến 5 ngày mới tới ga xe lửa của Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn. Vì được báo trước, nên nhà Trường đã cho xe tới đón, có một sĩ quan cấp Úy đi theo. Nhà ga thật là rộng lớn, nếu không có người hướng dẫn thì khó mà tìm ra lối đi. Quang cảnh thật là tấp nập, kẻ tới người lui, nhưng không ầm ỹ, ồn ào vô trật tự như ở nhà ga nước mình. Do có sĩ quan đợi sẵn, nên chúng tôi khỏi phải tìm một (red cap) để mang hành lý vì quá nặng (chưa có kinh nghiệm cái gì cũng mang theo sợ không có để dùng). Từ nhà ga xe chạy khoảng một tiếng đồng hồ thì tới Trường.
Vì còn ngày nghỉ chưa khai giảng khóa học nên nhà Trường vắng vẻ, chỉ có các nhân viên quản trị làm việc. Tại đây chúng tôi được tiếp đón niềm nỡ vui vẻ vì Quân Ðội Hoa Kỳ đã có những cố vấn và huấn luyện viên sang giúp đỡ quân đội VN đủ mọi ngành, mọi binh chủng. Chúng tôi được ban Giám Ðốc huấn luyện phân bổ về cùng một Ðại Ðội nhưng khác Trung Ðội. Mỗi người ở chung một phòng với một khóa sinh Hoa Kỳ để dễ bề giúp đỡ trong khi đang theo học vì khả năng Anh văn còn hạn chế chưa thông thạo lắm.
Ngoài chúng tôi là sĩ quan VN còn có các khóa sinh Ðại Hàn, Nam Dương, Ðài Loan và các nước ở Nam Mỹ. Ðại Ðội Trưởng là Ðại Úy Cooper và Trung Ðội Trưởng của tôi là Ðại Úy Thompson, riêng Ðại Úy Qualz Trung Ðội Trưởng của Trung Úy Trí, sau này bị tử thương ở chiến trường VN khi Quân Ðội Hoa Kỳ tham chiến. Về các khóa sinh Hoa Kỳ thì họ tới trường sau một thời gian học tập dự bị với cấp bậc Chuẩn Úy, khi tốt nghiệp họ được mang cấp bậc Thiếu Úy.
Vào khoảng tháng 12/1960 chúng tôi bắt đầu vào khóa học. Anh chàng cùng phòng (roommate) của tôi rất trẻ khoảng 20 tuổi, tính tình cởi mở dễ mến. Chúng tôi mỗi người lãnh một khẩu súng Garant M1, khi không cần tới thì cất tại phòng ngủ, khóa dưới thành dường.
Chương trình học gồm có lý thuyết và thực hành. Ðối với tôi như học lại một khóa sĩ quan, mặc dầu đã mang cấp bậc Trung Úy. Về lý thuyết cũng không có gì mới lạ (có khó khăn khi nghe giảng dạy) còn về phần thực hành thì vì nhỏ bé yếu sức hơn nên phải cố gắng lắm mới theo nổi, nhất là mấy tháng đầu, thuộc về mùa đông, đôi khi phải di chuyển hàng cây số trên tuyết phủ đến cổ chân để tới sân bắn hoặc luyện tập trong rừng thông. Mỗi khi di chuyển là chúng tôi phải chạy mới theo kịp Trung Ðội, vai mang theo khẩu súng trường khá nặng, tay mang ghế xếp dùng để ngồi nghe giảng bài trước khi thực tập.
Thấy chúng tôi phải chạy như vậy, nên về sau huấn luyện viên xếp chúng tôi đi hàng đầu. Tuy có đỡ hơn những cũng phải đi nhanh, không thì hàng dưới thúc giục vì sợ chậm giờ ấn định. Tới nơi chúng tôi chỉ có ngồi thở một hồi mới trở lại sức. Nhiều khi các bữa trưa ăn không nổi vì quá mệt, nếu có thì cũng không dám ăn nhiều vì sợ khi di chuyển tức bụng đi không nổi.
Ðược hai tháng thì mọi chuyện vượt qua được, việc ăn ngủ trở lại bình thường, sức khỏe tăng tiến và lên cân. Học được nửa tháng thì chúng tôi được nghỉ 15 ngày nhân dịp lễ Noel và Tết Tây. Song song với khóa học của chúng tôi, thì tại xã Quantico cách xa trường khoảng 6 cây số có trường Trung cấp AWS (Amphibious Warfare School) học về tham mưu và thiết kế hành quân đổ bộ. Tại đây có Ðại Úy Trần Văn Nhựt đang theo học. Ông ta sang Hoa Kỳ trước chúng tôi mấy tháng.
Lợi dụng 15 ngày nghỉ, chúng tôi cùng Đại Úy Nhựt lên thăm thành phố Nữu Ước. Ðể tới đó, chúng tôi đi bằng tàu hỏa và trú ngụ tại cơ sở của Hải Quân Hoa Kỳ rẻ tiền hơn. Mỗi lần lên phố, chúng tôi xử dụng tàu điện hoặc xe điện ngầm (Subway) vừa rẻ lại ấm cúng, vì khi đó khí hậu, thời tiết tại Nữu Ước rất lạnh thường dưới không độ. Ði bộ trên đường phố, khi quá lạnh chịu không nổi, chúng tôi phải ghé vào các tiệm buôn để được sưởi ấm. Khi hết lạnh, chúng tôi tiếp tục đi dạo phố, đặc biệt là tại Ðại lộ số 5. Có ngày vì mãi mê dạo phố đến tận khuya mới trở về nơi trú ngụ.
Chúng tôi có tới thăm tòa nhà Liên Hiệp Quốc, tượng Nữ Thần Tự Do, nhà chọc trời Empire State Building. Tại lầu thượng, chúng tôi có thể nhìn xa hàng chục cây số. Ở những nơi đó, chúng tôi đều có ký tên để lưu niệm. Ngoài ra cũng đến thăm một vài nơi thắng cảnh và trường đại học Colombia, ở đó tôi có cô cháu gái đang theo học. Chúng tôi được cô cháu và bạn học đưa đi ăn tại một cửa hàng ăn Việt Nam.
Nói tóm lại những ngày vui thật chóng qua. Nếu muốn được xem hết thì phải mất hàng tháng mới đủ. Thành phố Nữu Ước là thành phố lớn nhất Hoa Kỳ, nơi tập trung về buôn bán của những nhà Ðại Tư Bản, trong khi đó thì Washington DC là một Thủ Ðô hành chánh, nhà cửa, cơ sở xây dựng thoảng thoát hơn và ít ồn ào, lộn xộn như ở Nữu Ước. Gần hết ngày thì chúng tôi trở lại trường, hơn nữa cũng không còn đủ tiền tiêu xài. Khóa học kéo dài khoảng hơn 6 tháng. Thời gian coi như ngắn, những đối với chúng tôi thì sao thấy nó quá dài. Trái với lúc ra đi thì háo hức, nay lại mong cho khóa học sớm chấm dứt. Thế mới biết tình quê hương nó sâu đậm đến dường nào, dù là đất nước nghèo nàn, chậm tiến. Nói trắng ra là đời sống ở quân trường, có lẻ cả ở ngoài xã hội, nó có vẻ lạc lõng làm sao đấy.
Theo chương trình học thì thứ Bảy và Chủ Nhật nghỉ. Các khóa sinh địa phương, phần lớn trở về nhà và sáng sớm ngày thứ hai mới trở lại. Do đó ngày thường, anh chàng roommate có bổn phận làm vệ sinh phòng (lau chùi mọi thứ cho thật sáng bóng) kể cả sàn nhà, còn ngày nghỉ thì tôi phụ trách. Nói vậy, chứ chúng tôi đâu có chịu ở lại Trường vì quá buồn; thường thường là sáng thứ Bảy, chúng tôi nhờ xe ra Quantico rồi đáp xe lửa về Washington đi shoping hoặc xem ciné và ăn cơm tại hiệu Ðại Hàn ở gần tòa nhà Bạch Ốc cho đở thèm. Nhà ăn Đại Hàn đa số khách tới là người VN, có nhiều học sinh dân sự theo học ở đó, nên họ nấu các thức ăn theo sở thích của người mình. Khi đó mỗi bữa ăn bình thường tốn khoảng 5, 6 dollars. Món ăn gồm có thịt kho, cá rán, rau cải xào thịt bò, canh đậu phụ cà chua… Về chỗ ngủ thì ở khách sạn YMCA (thuộc Công giáo) rẻ tiền. Do đó cũng làm chúng tôi khuây khỏa trong những ngày sống trên đất Hoa Kỳ.
Trong thời gian học tập, chúng tôi thuộc sĩ quan đồng minh, được trường tổ chức cho đi thăm viếng những cơ sở của chính phủ hoặc tư nhân, như nhà máy luyện thép tại Baltimore (tiểu bang Maryland), địa điểm trận địa trong nội chiến Nam Bắc (Gettursburg), trường sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ Annapolis (Maryland), Nghĩa địa Quốc Gia Arlington và các đài kỷ niệm như Tổng Thống Lincoln nằm bên bờ sông Potomac, đài Kỷ Niệm Tử Sĩ, khu nhà ở của Tổng Thống Washington, Bộ Quốc Phòng… Mục đích là không ngoài giới thiệu những hình ảnh kỷ niệm của đất nước Hoa Kỳ, mà còn reo rắc vào trong đầu các sĩ quan đồng minh nhược tiểu về sự to lớn của nước Mỹ. Ðó là một phương cách chiến tranh tâm lý không cần tuyên truyền mà đạt được mục đích là yêu thích nước Mỹ, đời sống Mỹ, sự hùng mạnh của nước Mỹ mà không một nước nào trên Thế Giới hơn được.
Chính các người du học sang Mỹ sẽ vô tình trở thành những cán bộ tuyên truyền đắc lực nhất khi trở về nước. Một điều nữa là chúng tôi được yêu cầu đóng chung trong một cuốn phim do nhà trường tổ chức, mà những năm về sau, suy nghĩ tôi mới thấy chính sách của chính phủ Hoa Kỳ thiết kế dự trù hàng chục năm về trước khi mang ra thực hành. Chúng tôi được đưa tới một địa điểm gần nhà trường, một bờ rừng cách bờ biển không xa để thực tập đổ bộ, mà họ cho biết là bãi biển gần giống như bãi biển Ðà Nẵng VN. Quả nhiên vào đầu năm 1965, TQLC Hoa Kỳ đã đổ bộ thực sự lên bãi biển Nam Ô nằm giữa Ðà Nẵng và đèo Hải Vân, mở đầu sự tham gia trực tiếp vào chiến tranh VN, và cũng từ đó, chiến tranh giữa hai miền càng thêm rộng lớn và ác liệt, đồng thời sự thiệt hại về nhân mạng và tài sản cũng to lớn hơn, kéo dài cho tới hết năm 1972, khi Hiệp Ðịnh Ba Lê được ký kết để Quân Ðội Mỹ rút ra khỏi Nam VN theo chủ trương chiến lược của Hoa Kỳ đã sắp xếp.
Tháng 7/1961 khóa học chấm dứt, chúng tôi được cấp vé máy bay đi từ phi trường Baltimore tới San Francisco; cũng như lần trước lại được nghỉ vài ngày ở trại Hải quân Oakland để được cấp vé và đợi ngày lên máy bay trở về cố hương. Ðược thư thả, chúng tôi lại hàng ngày sang thành phố San Francisco dạo chơi và sắm đồ. San Francisco (thuở còn là học sinh, chúng tôi thường đọc chệch ra là “100 quan 6 cô”) là một thành phố rất lớn, không kém gì Nữu Ước, nằm ngay trên bờ Vịnh, trên các cao địa, nên đường phố lúc lên lúc xuống, đậu xe không thắng cẩn thận xé bị tuột dốc ngay. Khí hậu vào mùa hè rất mát, buổi tối đi phố phải mặc thêm áo ấm vì khá lạnh. Thành phố quá rộng nên cũng không thể dạo hết được trong một vài ngày. Chủ đích vẫn là tới China Town ngắm hàng và ăn cơm Tàu.
Lượt về vẫn theo đường cũ, nghĩa là từ sân bay Travis, qua Honolulu, Guam, Wake rồi tới sân bay Clarfield (Phi luật Tân) và cuối cùng là sân bay Tân Sơn Nhứt Sài Gòn.
Về đến Sài Gòn chúng tôi được nghỉ ít ngày phép thăm gia đình, sau đó trình diện Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn TQLC nhận nhiệm vụ mới. Trung Tá Lê Nguyên Khang cho tôi tiếp tục trở về TÐ1/TQLC.