Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (41)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1958 Phục Vụ Trong Binh Chủng Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH (41)
Phục vụ Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến VNCH tháng 8/1958 (41)
Khoảng tháng 8/1958, tôi nhận được lệnh thuyên chuyển về Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Bộ Chỉ Huy đóng tại trại Cửu Long của Hải Quân ở Thị Nghè, Sài Gòn. Sở dĩ Bộ Chỉ Huy TQLC ở đó là vì những năm đầu thành lập thì TQLC thuộc quyền chỉ huy quản trị của Bộ Tư Lệnh (BTL) Hải Quân, mọi việc từ thăng cấp đến quản lý hành chánh đều thuộc vào Hải Quân. Về phù hiệu cấp bậc cũng vậy, Hải Quân mang lon màu vàng, thì TQLC màu trắng. Riêng quân phục tác chiến thì mang màu sắc xanh rằn đen, tựa như màu da cá sấu, trông bề ngoài cũng khá hấp dẫn đối với các sĩ quan mới ra trường. Ðiều tréo cẳng ngỗng, một đằng thì hoạt động ở dưới biển, một đằng thì ở trên bộ, có chăng chỉ khi nào có hành quân đổ bộ thì mới phối hợp với Hải Quân để dùng tàu chở quân và đổ quân.
Theo như TQLC và Hải Quân Hoa Kỳ thì họ phối hợp rất chặt chẽ, lúc hành quân cũng như huấn luyện, hai bên đều thông hiểu về tổ chức cũng như phương cách hoạt động của nhau. Còn với TQLC và Hải Quân VNCH đôi bên hầu như không hiểu chút nào về tổ chức và nhiệm vụ của nhau. Do đó ít lâu sau, thì Binh chủng TQLC trực thuộc hẳn Bộ Tổng Tham Mưu và trở thành lực lượng Tổng Trừ Bị cùng với Binh chủng Nhảy Dù, được điều động tới khắp bốn Vùng Chiến Thuật VNCH, và cũng từ một binh chủng còn non trẻ (trên phương diện thành lập) chứ còn đa số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều từ chiến trường Bắc Việt có nhiều thành tích chiến đấu ngày càng trở nên thiện chiến lập nhiều thành tích không thua kém gì các đơn vị binh chủng Nhẩy Dù.
Việc tuyển mộ các sĩ quan, hạ sĩ quan mới ra trường đều nhắm vào các tiêu chuẩn, đậu cao, tinh thần tình nguyện xung phong, to cao, nếu độc thân càng tốt. Còn về hàng binh sĩ thì chỉ thâu nhận các thanh niên tình nguyện. Ðể huấn luyện, binh chủng có một Trung tâm riêng huấn luyện theo nhiệm vụ của ngành. Các sĩ quan đều được gửi đi tu nghiệp một khóa căn bản TQLC ở Trung tâm huấn luyện TQLC Hoa Kỳ trong thời gian 6 tháng. Ngoài ra còn có các khóa Trung cấp và cao cấp dành cho các sĩ quan có cấp bậc cao để được huấn luyện về tham mưu và hành quân đổ bộ.
Ngày trình diện Chỉ huy Trưởng để nhận nhiệm vụ mới, trước khi vào văn phòng, tôi được Ðại
Úy Nguyễn Kim Hương Giang, Tham Mưu Trưởng (TMT) kiểm tra lại quân phục và đầu tóc. Vì là sĩ quan thâm niên, tôi không lấy gì làm bỡ ngỡ, sợ sệt. Khi trình diện, Thiếu Tá Lê Như Hùng Chỉ huy Trưởng bắt tay niềm nở, không tỏ vẻ gì quá nghiêm nghị. Thấy tôi hơi nhỏ con, nên ông ta có hỏi tôi là có đủ sức hoạt động trong TQLC không. Tôi không suy nghĩ trả lời ngay, các sĩ quan khác làm được thì tôi cũng làm được. Thấy vậy, ông ta tỏ ra bằng lòng và cho tôi ít ngày nghỉ phép trước khi nhận đơn vị mới. Kết quả là tôi được đưa về phục vụ tại Tiểu Ðoàn 1 TĐ1/TQLC đóng quân tại trại Hoàng Diệu, Ðập Ðá Nha Trang. Tôi cảm thấy thoải mái được sống ở một nơi có bãi biển thật đẹp, không xa lạ gì với tôi khi còn đóng quân ở quận Ninh Hòa (Tr. Ð 5) khi mới ở miền Bắc chuyển vào sau hiệp định Genève tháng 7/1954. Về vị Chỉ huy Trưởng Lê Như Hùng, theo tìm hiểu, người miền Trung, tốt nghiệp khóa 2 Sĩ Quan Ðập Ðá ở Huế.
Ở cương vị Chỉ huy Trưởng, ông cũng là một đảng viên Cần Lao, nhưng chỉ có tính cách cá nhân mà thôi, vì ở miền Nam các sĩ quan đều không ưa thích tham gia các đảng chính trị, nhất là quy định của Quân Ðội Quốc Gia từ ngày thành lập là không được tham gia hoạt động đảng phái trong Quân Ðội. Do đó đảng Cần Lao không tổ chức được, mà chỉ có nắm được các cấp chỉ huy cao cấp trong đơn vị thôi. Hơn nữa vị Tổng tham Mưu Trưởng Quân Ðội VNCH lại là người miền Nam, Ðại Tướng Lê Văn Tỵ xuất thân từ Quân Ðội Pháp nên vấn đề đó lại càng tối kỵ. Mặc dù anh em Tổng Thống thâu tóm quyền hành trong tay. Riêng chỉ có tại miền Trung, đặc biệt tại hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, dưới quyền sinh sát của ông cố vấn Ngô đình Cẩn, đảng Cần Lao đã tổ chức được khá mạnh trong các đơn vị quân đội và hành chánh. Còn ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, vì có nhiều đảng kỳ cựu như VNQDÐ và ÐVQDÐ hoạt động nên phần nào hạn chế sự bành trướng của đảng Cần Lao. Nói tóm lại, chính quyền Đệ I VNCH của TT Ngô đình Diệm hay thực tế hơn là gia đình ông Ngô đình Diệm đã thâu tóm quyền lực để chống cộng sản, nhưng có khuynh hướng độc tài gia đình trị, và ông không hiểu rằng cũng chính vì chế độ chuyên chính, độc tài cộng sản mới có chính quyền Quốc Gia đối kháng lại, hơn một triệu đồng bào phải bỏ miền Bắc để chạy trốn CS di cư vào Nam.
Về phương thức thâu nhận đảng viên vào đảng Cần Lao cũng có những thứ bậc, y như giai cấp công nhân là tiền phong của cách mạng vô sản. Ông Ngô đình Diệm xuất thân từ một gia đình quan lại, từng phục vụ trong thời Thực Dân Pháp, gốc đạo Thiên Chúa, quê quán ở quận Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Do đó đảng viên cốt cán phải là người Công giáo thuộc tỉnh Quảng Bình, nếu là người ở quận Lệ Thủy thì lại càng tốt hơn, chứ không phải người công giáo ở Bùi Chu, Phát Diệm thuộc quyền của đức cha Lê hữu Từ. Theo tôi hiểu thì chính những người này đã hỗ trợ ông Diệm trở nên địa vị cao sang nhất, nếu không thì năm 1955 đã bị quân đội dưới quyền của Tướng Nguyễn Văn Hinh lật đổ rồi. Nhưng một thời gian sau, ở cương vị Tổng Thống, ông tự coi là người trên cả Hiến Pháp, để đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, khiến đức cha Lê Hữu Từ nói không được cũng phải xa lánh và không ủng hộ nữa. Anh em ông Diệm, đặc biệt ông Ngô đình Thục, người có tham vọng trở nên một Hồng Y đầu tiên ở VN nên cố bành trướng đạo một cách bừa bãi, là ai vào đạo thì mới có chức vị trong chính quyền, trong quân đội, trong xã hội. Ði xa hơn nữa, tôn giáo đã đi sâu vào chính quyền, các tà áo đen Linh Mục ngày càng xuất hiện nhiều trong các cơ quan, cơ sở hành chánh và quân đội. Thế lực gần như bao trùm lên cả chính quyền mà Tổng Thống Ngô đình Diệm không thể ngăn cản và từ chối được. Từ chỗ đó, đã gây ra sự bất mãn các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo đang chiếm đại đa số trong đời sống tâm linh của xã hội Việt Nam từ bao đời nay, trước khi đạo Thiên Chúa nhập vào VN. Vì vậy có cuộc đảo chính tháng 11/1960, nhưng không thức tỉnh được TT Ngô đình Diệm và kết cục là ngày 01/11/1963, cuộc đảo chính thứ hai đã lật đổ chế độ, đưa đến những cái chết đáng tiếc cho gia đình ông Diệm, đáng lẽ không xẩy ra nếu anh em ông nhận định sáng suốt. Kết luận lại là một chế độ độc tài không bao giờ đứng vững được lâu dài, sớm muộn gì cũng phải ra đi vì không hợp với lòng dân.
Khi tôi về phục vụ tại TĐ1/TQLC thì Binh chủng TQLC mới chỉ có hai Tiểu Ðoàn tác chiến. TÐ2/TQLC (sau này có biệt danh TĐ2 Trâu Điên) đóng ở Ðồng Ba Thìn Cam Ranh do Ðại Úy Lê Nguyên Khang, rồi là Ðại Úy Nguyễn Thành Yên chỉ huy. Tiểu Ðoàn 3 đang trong thời kỳ thành lập, chỉ huy bởi Ðại Úy Nguyên Kiên Hùng. Lúc đó Ðại Úy Nguyên văn Tài (người Nam) làm Tiểu đoàn Trưởng TÐ1/ TQLC, Trung Úy Trần văn Nhựt (khóa 10 Ðalạt, sau lên Tướng) Tiểu Ðoàn phó. Theo hồ sơ thì tôi đã làm ĐĐT từ khi còn ở Trung Ðoàn 5/Sư Ðoàn 2 nên tôi được trao chức vụ Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 2 thay thế cho Trung Úy Nguyễn Ðức Thuận giữ chức vụ khác. TĐ1/TQLC gồm có bốn đại đội tác chiến. Tại đây tôi cảm thấy thoải mái trong vấn đề chỉ huy, các quân nhân trong ĐĐ tôi đa số thuộc các đơn vị biệt kích (commando), huy chương đầy ngực, chứng tỏ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Ðược chỉ huy họ là điều hãnh diện, nhưng cũng phải tỏ ra xứng đáng trong vị trí chỉ huy thì mới có thể chỉ huy được, nhất là các binh sĩ thuộc sắc tộc người Nùng, người Mường sống ít kỷ luật, ngang tàn, nhưng khi chiến đấu thì rất dũng cảm. Vấn đề đảng Cần Lao không bao giờ được đề cập tới trong sinh hoạt đơn vị TQLC. Lúc bấy giờ Tiểu Ðoàn đã có cố vấn Mỹ. Chỉ riêng Binh chủng TQLC và Nhẩy Dù, từ cấp Tiểu Ðoàn đã có cố vấn, còn các đơn vị bộ binh thì cấp Trung Ðoàn trở lên mới có.
Nói đến vai trò cố vấn thì cũng hơi quá, vì các sĩ quan cùng binh chủng, đôi khi cấp bậc cố vấn thấp hơn, kinh nghiệm chiến trường không có là bao, nên phần lớn cố vấn chỉ giúp đỡ về phương tiện tiếp vận, yểm trợ và tải thương. Họ đến chỉ có mục đích học hỏi thêm về chiến tranh Việt Nam và đồng thời kiểm soát về những phương tiện đã viện trợ cho Quân Ðội VNCH.