Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (4)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi”  – Tp I (1945-1950)/Chương 1Vit Nam t ngày 19-08-1945 đến tháng 11 năm 1946:  Tình hình chung khi Thế Chiến th Hai chm dt (4) 

A.  Tình hình chung khi Thế Chiến thứ Hai chấm dứt (4)

Riêng chỉ có mình tôi trong gia đình, sau năm 1945 không theo VMCS ra vùng kháng chiến, mà lại tham gia vào Mặt trận các đảng Quốc Gia chống VMCS và Pháp, lưu vong sang Trung Hoa. Trở về nước giữa năm 1950, rồi vào miền Trung hoạt động trong lực lượng Việt Binh Đoàn của Trung Tá Nguyễn ngọc Lễ (sau này là Trung Tướng VNCH) chỉ huy. Năm 1953, theo học khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tại miền nam Việt Nam.

Ngôi làng cổ Đông Ngạc – Hanoi

Được cha mẹ cưng chiều, nên ham vui chơi, nhất là về thể thao đá banh, bơi lội, bóng bàn khá xuất sắc. Tuy ăn học ở Hà Nội, nhưng ngày nghỉ và các tháng hè là tôi lại về sống ở làng. Có thể nói là tình cảm của tôi đối với ngôi làng thật sâu đậm. Biết bao kỷ niệm êm đẹp của thời thơ ấu đối với ngôi nhà thân yêu, với các bạn bè cùng lứa tuổi, ngôi trường, những con đường, con sông, hồ, ao, bãi cỏ, đồng làng đã ghi khắc trong tâm khảm không thể nào quên được. Trong những ngày xa vắng, mỗi lần Tết âm lịch tới và ngay cả trong giấc mơ, ngôi làng yêu quý lại hiện ra như một bức tranh đầy màu sắc, linh động.

Sau 30/4/1975, khi bị đưa ra ngoài Bắc giam cầm trong trại tù cải tạo, tôi đã được phần nào thấy rõ quang cảnh của làng xã dưới chế độ CS nó như thế nào!!! Tôi hình tượng ra ngôi làng của tôi cũng ở trong tinh trạng xác xơ như vậy. Năm 1950, khi ở Hương Cảng trở về Hà Nội, tôi có về thăm lại làng nhưng dạo ấy ngôi làng tương đối vẫn không có gì thay đổi mấy, tuy có vắng vẻ hơn, các gia đình có máu mặt, một phần ở ngoài khu kháng chiến, một phần ra Hà Nội sinh sống cho được an toàn hơn.

Các bạn bè cũ của tôi thì mỗi người mỗi ngả không còn gặp lại nữa. Có kẻ còn sống và cũng có kẻ đã yên giấc ngàn thu rồi.  Năm 1989, một năm sau khi được CS trả về nhà bồi dưỡng lại sức khỏe sau 13 năm ở trong tù, thiếu thốn mọi bề từ vật chất đến tinh thần, tôi đáp máy bay trở về thăm quê hương và người thân trong gia đình trên 40 năm xa cách. Dĩ nhiên, là khi về tới làng và ngôi nhà thân yêu, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xao xuyến. Quang cảnh thì vẫn như xưa, nhưng tôi thấy nó có vẻ hoang tàn, bí ẩn và xa vắng… Những người tôi gặp có người quen, kẻ  lạ, với nét mặt chẳng lấy gì làm vui tươi cho lắm, trông họ thật khắc khổ và đăm chiêu. Nhiều người thân quen trong làng xóm đã ra đi vĩnh viễn vì chiến tranh và bệnh tật. Nhà cửa, vườn tược hoang tàn ít được trông nom săn sóc, vì chủ nhà chính thức đã bỏ đi từ lâu.

Ngay tại đầu làng, thuộc ngõ Đông, cây cầu Thăng Long bắc từ Phúc Yên qua sông Hồng, đã tạo ra một cái gì chướng mắt khi đi từ Hà Nội tới, tôi cảm thấy nỗi buồn sâu lắng, không còn thiết tha muốn ở lại làng lâu hơn nữa. Thăm viếng ngoài Bắc nửa tháng trời, tôi trở lại Saigon. Tuy nơi này không phải là nơi chôn nhau, cắt rốn, nhưng tôi vẫn cảm thấy một cái gì gần gũi hơn, ấm cúng hơn. Nhưng éo le thay, cuộc đời tôi lại một lần nữa đổi thay, lại ra đi, lại lưu vong nơi đất khách quê người chỉ vì muốn sống tự do. Theo chương trình của HO, những sĩ quan VNCH đi tù CS, tôi và gia đình lên máy bay qua Mỹ tị nạn vào ngày 02/09/1991. Lại một cuộc sống mới bắt đầu ở tuổi ngoài sáu mươi. 

Vào tháng 3/1945, nhân có ngày lễ gì đó tôi không nhớ tên, tôi đã đạp xe lên Thị Xã Sơn Tây chơi và thăm gia đình bà Cô ruột tôi, mà chồng bà là em ruột ông Tuần phủ Phan kế Toại. Ở đó đâu được hai, ba ngày thì sáng sớm ngày 9/3/1945, tôi và cả nhà nghe tiếng súng nổ và tiếng chân người chạy rồn rập ở ngoài đường phố. Mở cửa ra, tôi thấy một số tù nhân đầu cạo trọc, mặc áo có số đang ồn ào vừa chạy vừa la hét trên đường phố. Rải rác ở dưới các gốc cây, các binh lính Nhật, người chùm lưới có gài lá, súng trên tay, lưỡi lê sáng loáng, canh gác khắp các ngả đường. Chúng tôi sợ bọn tù cướp phá, vội vàng đóng cửa và ném bánh mì ra cho họ, vì nhà có lò bánh mì. Ít giờ sau thì tôi được biết là Quân đội Nhật đảo chính Pháp, giành lấy trọn quyền thống trị Việt Nam trong tay Pháp. Chỉ một đêm trên toàn cõi Việt Nam, Quân Pháp và Bộ Chỉ Huy tối cao hầu như đã bị bắt trọn và đầu hàng. Chỉ có một số đơn vị đóng tại các Tỉnh biên giới Bắc Việt là chạy thoát qua biên giới Tỉnh Vân Nam thuộc Trung Hoa. Đoàn quân này do Tướng Alessandri cầm đầu và được tập trung đồn trú tại Séo Sa Pả ở phía tây thành phố Côn Minh. 

Hoàng Đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam – bên phải là Tổng Thống Ngô Đình Diệm – Tổng Thống Đệ I  Việt Nam Cộng Hòa (1954-1963)

Ngay sáng sớm ngày hôm sau, tôi trở về Hà Nội dọc theo con đường trải nhựa phía trong con Đê sông Hồng, đi đường này tương đối gần hơn. Ra khỏi Thị Xã, tôi nhập cùng một số học sinh trường Mỹ thuật để được an toàn hơn, vì theo tin đồn thì trên khoảng nửa đường đi có cướp bóc. Quả nhiên khi đạp xe tới gần làng Dương Liễu , nằm ở ngoài chân Đê, một bọn trai tráng khoảng năm, sáu tên trang bị gậy gộc đang tiến tới chặn đường tính chuyện trấn lột, nhưng khi thấy chúng tôi đông hơn, cũng có mang theo gậy gộc, chúng cảm thấy không làm ăn được, nên rút êm vào trong làng. Theo tôi biết thì dân làng Dương Liễu có tiếng là chuyên đi ăn cướp, tuy đã có lần bị chặn đánh gây nhiều thương tích, nhưng chúng vẫn không chùn bước. Về tới Hà Nội, thì tình hình đã tương đối yên tĩnh, dân chúng vẫn đi lại bình thường, cửa hàng, chợ búa, mở cửa buôn bán tấp nập như không có chuyện gì xẩy ra cả. Cũng như mọi thành phố, Thị Xã khác, quân lính Nhật canh gác và tuần tiễu trên các trục đường trọng yếu. Các yết thị, thông cáo của Quân đội Nhật dán trên tường khắp ngả đường kêu gọi dân chúng làm ăn bình thường và nghiêm trị những phần tử bất hảo. Nhưng khi thông cáo, yết thị xong thì đã có một số vẫn còn tiếp tục nên bị lính Nhật dùng gươm xử tử ngay tại chỗ. Do nghiêm luật như vậy nên an ninh thành phố diễn tiến khả quan.

Ngay sau khi Pháp bị Quân đội Nhật lật đổ, thì nhà cầm quyền Nhật tuyên bố trả lại Độc Lập cho Việt Nam do Vua Bảo Đại lãnh đạo. Tin đó được loan ra, mọi người đều hân hoan đón nhận, vì đã thoát được cảnh cai trị độc ác của Thực dân Pháp sau 80 năm đô hộ biến dân VN thành nô lệ. Tất cả đều tin tưởng là Nhật sẽ thực tâm giúp đỡ và trao thực quyền cai trị cho Việt Nam. Nhưng ít ngày sau, thì mới nhận ra rằng quân đội Nhật chỉ làm cái việc thay ngôi đổi chủ mà thôi. Chính phủ VN chỉ có danh mà không có thực. Sở dĩ Nhật phải đảo chính Pháp cũng không ngoài lý do muốn tránh cái cảnh trong đánh ra, ngoài đánh vào mà thôi, vì lúc đó tình hình Quân đội Nhật đã bi đát lắm rồi. Lực lượng Đồng Minh có thể đổ bộ lên Đông Dương bất cứ lúc nào. Tại chính quốc Nhật, hàng ngày cũng đã bị lực lượng không quân Anh, Mỹ tới đánh phá ngày đêm.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt