Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (39)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập II (1950-1975)/ Năm 1955: Phục vụ Sư đoàn II Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa 1955-1957 (39)

Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH từ năm 1955-1957 (39)

Huy Hiệu Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH

Qua Tết Âm lịch, Đại Đội (ĐĐ) tôi được lệnh di chuyển về quận Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa và đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Ðoàn 155 Bộ Binh của Thiếu Tá Vương văn Chừ. Lúc này Sư Ðoàn 2 BB mới được thành lập, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Tôn Thất Ðính. Ðại Ðội được cải danh là ĐĐ Trọng Pháo 155, sau lại đổi thành Trọng Pháo 5, trực thuộc Trung Ðoàn 5.

Từ ngày đó tính cách biệt lập của ĐĐ không còn nữa, các phương tiện xe cộ cũng như quản trị hành chánh đều do Trung Ðoàn đảm trách. Tại quận Ninh Hòa, đơn vị vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện cho đến ngày Sư Ðoàn 2, trong đó có Trung Ðoàn 5 được trao nhiệm vụ chuyển quân ra phía Bắc để tiếp thu tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh đang do các lực lượng Việt Minh Cộng Sản (VMCS) chiếm đóng, để chúng tập trung về tỉnh lỵ Quy Nhơn xuống tàu di chuyển ra miền Bắc trong khuôn khổ 300 ngày của Hiệp Ðịnh Genève 1954.

Lúc đó vào tháng 5/1955, Trung Ðoàn 5 được đổ quân xuống bãi biển Sa Huỳnh thuộc quận Ðức Phổ tỉnh Quảng Ngãi giáp ranh với tỉnh Bình Ðịnh. Sau đó Trung Ðoàn 5 di chuyển bằng xe và đi bộ tới quận lỵ Bồng Sơn (nơi Bộ Chỉ Huy đóng bản doanh). Quân của Trung Ðoàn 5 đi tới đâu thì VMCS rút lui tới đó cho đến điểm tập trung cuối cùng là tỉnh lỵ Quy Nhơn. Trên đường tiếp thu, cảnh tượng hai bên đường thật tiêu điều, đường sá, nhà cửa hư hỏng ẩn hiện dưới các hàng dừa cao vút. Dân chúng đứng hai bên đường dơ tay vẫy chào niềm nở. Trông họ ngơ ngác trước đoàn quân xa di chuyển trên đường, nhất là những xe thiết giáp khi ngừng lại, bọn trẻ xúm lại sờ mó có vẻ ngạc nhiên và thích thú, vì chúng được VMCS tuyên truyền là xe bọc bằng giấy. Qua chính sách ngu dân thật tai hại, còn tệ hơn cả dưới thời Pháp thuộc.

Ðơn vị chúng tôi đóng tại một ngôi chùa Cao Ðài bỏ trống trên đường đi vào xã An Lão, trong khi hai tiểu Ðoàn 4 và 17 (sau đổi là 1 và 2) tiếp tục làm nhiệm vụ tiếp thu đến tận Quy Nhơn. Ðóng quân tại Bồng Sơn vào khoảng 4, 5 tháng. Quận lỵ mỗi ngày mỗi đông hơn và việc làm ăn buôn bán cũng tiến triển nhiều hơn cùng hàng quán, cửa hiệu buôn bán tấp nập, trong không khí yên vui, dân chúng không còn bỡ ngỡ lo âu như lúc ban đầu, ngày càng bộc lộ lòng tin yêu với quân đội Quốc Gia chứ không giống như tuyên truyền xuyên tạc nói xấu của VMCS trước đây.

Vào khoảng tháng 9/1955 thì Trung Ðoàn 5 được lệnh di chuyển ra đóng quân tại quận Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ở đây không được bao lâu thì lại di chuyển về trại Phi Lao, xã Thanh Bình, ở ngoại ô thành phố Ðà Nẵng. Ở trại Phi Lao, ĐĐ lại tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện và tham dự vào các cuộc thao dượt của Trung Ðoàn và Sư Ðoàn.

Tới tháng 6/1956 thì tôi được thăng cấp Trung Úy, nghĩa là sau hai năm ra trường và ít tháng sau thì giữ chức vụ Đại Đội Trưởng ĐĐ Trọng Pháo 5 thay Trung Úy Xuân thuyên chuyển sang Trung Ðoàn 4 đóng ở đảo Sơn Trà. Ðến năm 1957 thì tôi thuyên chuyển sang Trung Ðoàn 4 giữ chức vụ Trưởng Ban 3, Tiểu Ðoàn 2. Công tác của Ban 3 là huấn luyện trong thời bình. Cũng trong thời gian này, Trung Ðoàn có nhiệm vụ thiết lập các đồn ở biên giới Lào Việt, trên dãy núi Trường Sơn. Tiểu Ðoàn 2 được trao phó làm đồn ở Bản Daprau và Pak Le Pak trên đỉnh núi Trường Sơn. Trên đường từ Bến Hiên qua Poste 6 lên A-Rõ, rồi di chuyển theo đường mòn mất hai ngày mới tới nơi.

Rừng Trường Sơn miền Trung Việt Nam

Tôi có nhiệm vụ hướng dẫn hai Ðại Ðội đi làm công tác này. Không cần phải nói, thì ai cũng hiểu là đoạn đường leo núi này là khó khăn mất nhiều sức lực. Ngoài ra còn phải mang theo lương thực dùng cho nửa tháng vì vấn đề tiếp tế rất khó khăn, phức tạp.

Dù muốn, dù không chúng tôi cũng tới đích, sau khi băng qua các đường rừng núi, cây cối rậm rạp, không một bóng người. Trên đường di chuyển, cái khổ nhất là bị con vắt cắn. Ngừng lại nghỉ, nếu không gạt sạch các lá khô sang một bên là những con vắt đói máu xúm lại ngay. Do đó trước khi đi, chúng tôi đã may nhưng chiếc vớ bằng vải đến trên đầu gối để dễ bề trông thấy mà gạt mấy con vắt đi. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi bị chúng hút máu, khi biết thì chúng đã hút máu no lớn bằng hòn bi. Tới địa điểm ấn định, lại phải quan sát chọn lựa sao cho thích hợp với một đồn trại. Chọn được thì lại bị người dân trong Buôn (vì gần đó có một buôn Thượng) ra ngăn cản chống đối. Vì là quyết định của cấp trên nên chúng tôi bắt buộc phải làm và họ cũng đành phải chịu vì chúng tôi có súng ống trong tay… Gần đến ngày tái tiếp tế, chúng tôi được máy bay L-19 thả gạo xuống.

Tôi không hiểu tại sao ngày ấy lại không xử dụng phi cơ trực thăng H-34 để tiếp tế dễ dàng hơn. Nhưng vì thả ở trên cao xuống, lại đựng gạo quá đầy trong bao nên khi tới đất thì  bị vỡ tung tóe, sau đó chúng tôi phải đề nghị thả nửa bao thì mới lấy được một chút dùng tạm ăn cháo, đợi đồn ở dưới A-Rõ tiếp tế lên.

Việc thiết lập các đồn biên giới đó xem ra chẳng công hiệu gì cả, chỉ tốn của và sức lao động của binh sĩ mà thôi. Chứng minh là khi VC ở miền Nam nổi dậy thì các đồn này chẳng đánh cũng phải rút bỏ. Công tác đang tiến hành thì đột nhiên tôi được lệnh trở về hậu cứ để nhận nhiệm vụ mới. Tôi cũng có đôi chút thắt mắc, nhưng được rời khỏi cái nơi khỉ ho cò gáy này cũng mừng thôi.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt