Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (36)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1950: Trở về lại Việt Nam sau những năm tháng lưu vong sang Tàu (36).
Trở về lại Việt Nam sau những năm tháng lưu vong sang Tàu ( bài 36)
Sau khi từ Hồng Kông về nước vào năm 1950, tôi thường thì lúc ở Hà Nội, lúc ở Huế và Sàigon. Khi đó tâm trí tôi vẫn chưa được ổn định lắm. Gia đình tôi tất cả đều sống ở ngoài khu vực kháng chiến do Việt Cộng (VC) kiểm soát.
Tôi là con út và chưa lập gia đình nên cuộc sống có phần khó khăn nhưng không đến nôi khốn đốn. Khi mới đặt chân lên đất Hà Nội thân thương, có biết bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của thời còn ngồi ghế nhà trường, nhưng bầu không khí lúc đó tại Hà Nội không bình lặng, êm đềm như xưa mà có tính chất của một thành phố chiến tranh, xe cộ và binh lính của quân đội Pháp nay đầy dẫy trên đường phố.
Tôi cảm thấy một cái gì lạc lõng, cay đắng sau mấy năm lên đường chiến đấu, mà nay chỉ còn là con số không to lớn. Cái đau của nhưng người Quốc Gia chống Cộng, chống Thực Dân Pháp, thì nay phải sống trong khu vực của quân đội Pháp chiếm đóng, “mang tiếng đầu hàng” và làm tay sai cho Thực dân Pháp mà bọn Việt Minh gán ghép !
Vấn đề này, những người Quốc gia lưu vong ở Hải ngoại tại Trung Hoa lúc đó cũng đã bàn bạc,
suy nghĩ nhiều, nhất là sau khi Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản Trung Hoa (CSTH). Do đó nếu tiếp tục sống ở nước ngoài, tổ chức tan rã, không được sự giúp đỡ ở bên ngoài, thì cũng chẳng lợi ích gì, chi bằng trở về nước, tạm sống trong khu vực chiếm đóng.
Dù sao quân đội Pháp cũng để cho yên ổn nếu không có hành động nào chống lại họ. Hơn nữa vào thời gian đó, Bảo Ðại đã trở về nước hợp tác với Pháp qua Hiệp Ðịnh Vịnh Hạ Long thành lập một Chính Phủ Quốc Gia, nhưng trên thực tế thì quyền lực văn nằm trong Thực Dân Pháp. Mục đích không ngoài chiêu dụ nhưng người kháng chiến không sống nổi với Việt Minh Cộng Sản (VMCS) trở về vùng tạm chiếm, vì quân đội Pháp cảm thấy khó mà chiến thắng được trận chiến như họ nghĩ lúc ban đầu, nhất là sau trận đánh Cao Bắc Lạng cuối năm 1949 mà quân đội Pháp đã thất bại nặng nề. Cũng vào cuối năm đó, quân Trung Cộng đã làm chủ lục địa Trung Hoa, quân đội Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra Ðài Loan.
Sống trong nước, dù sao vẫn còn đất đứng, nếu còn tiếp tục chiến đấu theo một hình thức khác thì tương lai còn có thể tốt đẹp hơn vì tình hình thế giới đang ở thời kỳ nửa nóng, nửa lạnh sau khi Thế chiến 2 chấm dứt.
Hai khối Tư Bản và Cộng Sản đang tìm mọi cách để tiêu diệt lẫn nhau mong làm chủ Thế Giới. Trong tình hình đó, chúng tôi cũng theo chân các đồng chí chiến hữu khác trở về nước, và sống trong cảnh người chiến bại, dù chỉ mới bại một keo. Cuộc sống, lúc ở Hà Nội, lúc ở Sàigon, lúc ở Huế đã phần nào làm cho tôi nguôi đi sự chán nản và tưởng nhớ gia đình.
Khi tôi mới về tới Hà Nội, tôi được người anh họ báo tin ngay cho Mẹ tôi ở trong khu kháng chiến hay tin và sau đó tôi được biết Mẹ tôi chuẩn bị về lại Hà Nội, vì tôi là đứa con út chưa lập gia đình, nhưng không may là trước ngày lên đường Mẹ tôi mang bệnh nặng và mất ở trong khu chiến, không còn được trông thấy đứa con yêu quý tưởng đã chết từ lâu !
Khi ở Hà Nội, tôi sống ở nhà anh Hoàng sỹ Súy, và cũng là hiệu may Tự Lập, một căn nhà ba từng lầu anh thuê được trước kia và ở ngay sát cạnh rạp chiếu bóng Philarmonic ở phố bờ hồ Hoàn Kiếm. Anh Súy là một thành viên trong Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (QGTNÐ), một tổ chức mà chúng tôi đã tham gia sau ngày VMCS cướp chính quyền. Anh không cùng đi với chúng tôi lên Ðệ Tam Chiến Khu của VNQDĐ vì nặng gánh gia đình. Sau kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946, anh và gia đình sống ở khu kháng chiến, nhưng ít lâu sau anh đã trở về lại Hà Nội vì không thể sống với VMCS được.
Nơi ở và làm việc của anh đã thành nơi tụ tập những anh em còn ở lại, và sau này ở ngoài nước trở về như chúng tôi. Anh dạy cho anh em nghề may cắt nếu muốn, nhưng phần lớn không đạt được vì đầu óc cứ để ở đâu đâu không thiết tha mấy với nghề nghiệp. Muốn đi học lại, nhưng điều kiện lại không cho phép, thành ra việc học hành dở dang không đi tới đâu cả, ngoài cái bằng thành chung tốt nghiệp vào năm 1944 khi đang theo học trường Louis Pasteur tại phố Hàng Chuối, Raffenel Hà Nội.
Anh Súy là một người tốt, một đảng viên VNQDĐ có lý tưởng, có đạo đức, nên được toàn thể anh em kính mến, vì anh lớn tuổi hơn chúng tôi. Anh và gia đình ở lại Hà Nội sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, đến năm 1960 thì anh bị CS bắt đưa đi tù cải tạo. Khi về vì bệnh tật nên đã mất năm 1978, trong khi chúng tôi đang ở trại cải tạo miền Bắc Việt Nam (VN).