Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (35)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950) Chương 4: Từ tháng 02-1950 đến tháng 6-1950 TRÊN ĐƯỜNG RỜI KHỎI MIỀN NAM TRUNG HOA CHẠY TRỐN CS MAO TRẠCH ĐÔNG-TẠM SỐNG Ở HỒNG KÔNG RỒI TRỞ VỀ NƯỚC (35)
Trên đường rời khỏi miền Nam Trung Hoa chạy trốn cộng sản Mao Trạch Đông
– Tạm trú ở Hồng Kông rồi trở về nước (35)
Mời quý độc giả đọc cuốn II: “Cuộc Đời Tôi”
Những ngày phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đến 30-04-1975,
đi tù cải tạo và định cư Hoa Kỳ
Chúng tôi qua cổng, bước vào địa phận một xứ sở tự do vào lúc ba giờ chiều, sau ba tháng hành trình xuyên qua bốn Tỉnh miền Hoa Nam, lúc đi xe, lúc đi bộ, lúc đi tàu dưới sự kiểm xoát của Trung Cộng vừa mới chiếm xong lục địa Trung Hoa vào cuối năm 1949. Việc đầu tiên là chúng tôi tới quầy đổi tiền, nằm ở trong sân ga tàu hỏa, để đổi số tiền quan kim còn lại lấy tiền Hồng Kông. Anh Lê Đình Việt (Lê Văn Nhân) đại diện cho nhóm mua 11 vé đi tới thành phố Cửu Long (Kowloon).
Trong khi chờ đợi, chúng tôi mỗi người thưởng thức, có lẽ là lần đầu tiên trong đời, một chai nước ngọt Coca Cola, mà người địa phương gọi là “Khả khẩu, khả lạc”. Nhà ga nhỏ bé, nhưng rất sạch sẽ và khang trang. Số hành khách lui tới giữa cửa khẩu và thành phố Cửu Long không lấy gì làm đông lắm, nên có tàu thường chỉ có hai, ba toa. Tàu hỏa tại đây nhỏ bé, xinh xắn, chỗ ngồi ngăn nắp sạch sẽ, biểu trưng cho nền văn minh tư bản. Khoảng cách từ nhà ga tới thành phố Cửu Long khoảng trên bốn mươi cây số, nên tàu chỉ chạy trên giờ đồng hồ là tới. Đường tàu chạy khỏi nhà ga, thì cặp theo ven biển, nên ngồi trên tàu nhìn ra xa, phong cảnh quả là thật đẹp. Trên biển, tàu bè đủ kiểu, đủ cỡ, qua lại như mắc cửi. Con tàu tới nhà ga thành phố khoảng 7 giờ tối. Đèn điện đã được bật sáng trưng.
Thành phố Cửu Long nằm trên một giải đất ăn sâu vào đất liền mà Chính phủ dưới thời nhà Thanh đã phải nhượng lại cho nước Anh cai quản sau cuộc chiến tranh Nha phiến cùng với hòn đảo được gọi là Hồng Kông. Hòn đảo này không lớn lắm, có lẽ chỉ lớn hơn hai, ba lần hòn đảo Cù Lao Ré thuộc Tỉnh Quảng Ngãi. Dân chúng cư ngụ là người Trung Hoa từ lục địa tới. Người Anh tương đối ít, chỉ đủ để quản trị về hành chánh và quân sự. Phần lớn dân chúng tập trung ở bên đảo nhìn từ phía Cửu Long qua.
Thành phố Cửu Long nằm trên đất liền nên rộng rãi, khang trang hơn, bao gồm cả Phi trường Kai Tak, nhưng về mặt thương mại thì hầu hết tập trung ở bên đảo. Do đó, nhà cửa được xây dựng rất hiện đại.
Vào năm 1950, mà các cơ sở buôn bán đã được xây cao tới hai, ba chục tầng. Hòn đảo gần như được chia làm hai khu vực, phía Bắc là nơi làm ăn buôn bán phồn thịnh, còn ở phía nam là nơi dành cho những người buôn bán nhỏ, cùng là nơi cư ngụ của những công tư chức nghèo và công nhân, nghĩa là đủ mọi thành phần trong xã hội thấp kém, đều tập trung ở đó. Hòn đảo thì nhỏ bé, đất đai bằng phẳng thì quá ít, còn dân số thì quá đông. Theo sự hiểu biết, thì vào thời kỳ đó, số dân ở đảo đã lên tới gần một triệu người, nhất là sau khi CS chiếm Hoa Lục thì số người chạy nạn sang Hồng Kông càng tăng thêm. Do đó, hòn đảo đã được thiết kế để có thể xây thêm nhà cửa từ chân núi lên tới đỉnh.
Hệ thống đường xá, kể cả tàu điện chạy bằng giây cáp được xây dựng rất là công phu và tốn kém, để người cư ngụ lên xuống bình thường. Còn ven biển hòn đảo là cả một hệ thống xây cất thật tinh vi, dùng cho tàu bè cập bến đổ hàng hoặc lên hàng. Độ sâu của hòn đảo khá sâu, nên các tàu bè lớn có trọng tải cao, kể cả các tàu chiến như Hàng Không Mẫu Hạm vẫn có thể đậu được. Do với vị trí thuận lợi của hòn đảo, mà nó đã trở thành khu vực hết sức thịnh vượng ở Á Châu và Thái Bình Dương. Hồng Kông được mệnh danh là “Ngôi chợ Quốc tế” vì nó là điểm trung gian xuất, nhập hàng hóa từ mọi nơi trên thế giới tới, rồi đưa vào Hoa Lục, cũng như từ miền Hoa Nam đưa ra.
Ra khỏi nhà ga thành phố, lúc đầu chúng tôi dự trù ngủ đêm tại Cửu Long, nhưng khi nhìn qua bên đảo, thì thấy quang cảnh ban đêm của Hồng Kông quá lộng lẫy, hấp dẫn với đèn điện đủ màu từ chân đảo lên tới đỉnh núi, khiến chúng tôi bỏ ngay ý định lúc ban đầu. Chúng tôi đều thuận nhau qua đảo dùng cơm và nghỉ đêm.
Từ Cửu Long qua đảo, lúc bấy giờ chưa có cầu cũng như đường hầm xuyên qua đáy biển, nên phải xử dụng phương tiện tàu thuyền. Để đáp ứng nhu cầu chuyên trở thường xuyên trong suốt hai mươi bốn giờ, đã có hai loại tàu. Một tàu lớn hai tầng, chở được từ một trăm đến hai trăm người thì thuộc chính phủ, và một loại tàu nhỏ, gần như taxi trên bộ thuê bao. Các tàu bè chạy qua, chạy lại như mắc cửi, hành khách không phải mất thì giờ chờ đợi.
Chúng tôi xuống một chiếc tàu thuê bao, và chỉ trong thời gian ngắn tàu đã cập bến bên đảo. Bề rộng giữa đảo và Cửu Long khoảng hai cây số. Tới nơi, chúng tôi không vội tìm tới khách sạn mà vào ngay một cửa hàng ăn khá sang trọng ở một đường phố gần bờ biển. Cũng như ở khách sạn Ôi Quan ở Quảng Châu, các nhân viên phục vụ nhà hàng cũng nhìn chúng tôi với vẻ mặt không được cảm tình cho lắm nhưng cũng chẳng làm chúng tôi quan tâm.
Sở dĩ chúng tôi hành động sang như vậy là vì anh Việt cho biết đã được tòa Lãnh Sự Pháp ở Quảng Châu giúp đỡ một số tiền để dùng vào việc vượt thoát ra khỏi lãnh thổ Trung Cộng. Tiền không mong mà tới, nên chúng tôi đồng ý tiêu dùng cho hết rồi tính sau, hơn nữa số tiền cũng chẳng là bao. Một lần nữa tôi lại thấy Thực dân Pháp quả là khôn ngoan và sâu sắc. Việc có đem lại kết quả cho chúng hay không thì chưa biết, nhưng dù sao với hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó cũng phải ghi nhận là họ đã có thái độ tích cực với các thành phần Quốc Gia đang bị kẹt trong vùng Cộng Sản đang chiếm đóng. Phải nói rằng bữa cơm tối hôm đó, chúng tôi đã thực hiện một bữa cơm khá thịnh soạn, khiến nhân viên phục dịch phải ngạc nhiên và đổi thái độ. Vui mừng vì đã thoát khỏi vùng CS, chúng tôi đã không ngại ngùng hợp ca bản nhạc “Tiếng gọi thanh niên”.
Trước cảnh vui nhộn đó, mọi người trong nhà hàng lúc đó cũng cảm thông vui lây và vỗ tay hoan nghênh khi chấm dứt, có lẽ họ hiểu chúng tôi thuộc thành phần nào rồi. Vừa từ Hoa Lục mới thoát ra, Các cô phục vụ hết sức đon đả mời tiếp vui vẻ, từ cái khăn mặt, ly nước, bật lửa hút thuốc khiến tôi lần đầu được hưởng, rất lấy làm khoái chí. Sau bữa ăn, ngoài số tiền trả nhà hàng, chúng tôi còn tặng các nhân viên phục vụ tiền “Típ” rất hậu hĩnh khiến họ cảm ơn hết lời, quả là đồng tiền đi trước vẫn mang lại nhiều kết quả ngoài mong muốn. Đêm đó, chúng tôi nghỉ ở một khách sạn trung bình và cũng là đêm cuối cùng sống trong một khách sạn Hồng Kông, vì hai tháng sau chúng tôi trở về nước. Ngày hôm sau anh Việt cho biết nguồn tài chính đã hết, ai nấy tự túc mưu sinh như trước. Chúng tôi, năm anh em tìm xuống vùng ngoại ô ở phía Nam, khu Shaukiwan thuê nhà.
Từ trung tâm thành phố xuống đó cũng không xa, chừng mấy cây số. Ngoài xe taxi, còn có xe buýt công cộng, thiết kế hai tầng, chạy từ phía Bắc xuống phía Nam hòn đảo. Chúng tôi thuê được một căn nhà nhỏ làm bằng gỗ, mái lợp cao su, với số tiền tương đối thấp, vừa với túi tiền của một công nhân thợ thuyền. Kể ra, với năm người thì hơi chật chội, nhưng vì quan niệm ở tạm và lại ít tiền, sống cho qua ngày đợi tính sau.
Chúng tôi có ý nghĩ tái xuất giang hồ nghề hớt tóc và làm bánh đậu xanh, nhưng sau thấy tình hình có vẻ khó khăn, không thích hợp nên cũng thôi. Với số tiền dành dụm còn lại cũng tạm đủ cho năm anh em sống một hai tháng trời ở mức thấp nhất. Chỗ ăn ở tạm ổn định, chúng tôi lên phố thăm bạn bè. Ở đó có gia đình anh Trương Bảo Sơn (nhà văn) và anh Nguyễn Gia Trí (hoạ sĩ) là những cán bộ VNQDĐ đã tới sinh sống từ ngày VNQDĐ rút khỏi Lào Kay. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Tường Tam, sống một mình ở một căn hộ trên sườn núi. Chúng tôi cũng còn gặp anh Phạm Thái và ông Đại làm việc tại tòa Lãnh sự Pháp ở Hồng Kông.
Các cuộc gặp gỡ đều thắm tình đồng chí và đồng hương. Chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ một phần nào về vật chất. Những ngày sống chờ đợi tin tức bên nhà, vào những giờ rảnh rỗi, chúng tôi thường đi dạo phố coi sự sinh hoạt của thành phố và chụp hình làm kỷ niệm. Được hơn nửa tháng thì các anh Xuân Tùng, Hoàng Tường và Tạo nhận được tin tức bên nhà và tiếp tế. Cuộc sống cũng vì thế dễ chịu lên đôi chút. Vào ngày thứ Bẩy, Chủ Nhật hàng tuần, anh Tam xuống thăm và hướng dẫn chúng tôi học thêm Anh văn, cũng như chúng tôi lên nhà anh Sơn dùng cơm gia đình, nói chuyện thời sự và tính chuyện tương lai.
Khi đó thì tình hình sôi động hơn, vì cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Cuộc chiến này một phần nào sẽ ảnh hưởng đến Hồng Kông, nếu ngày càng lan rộng, và với địa thế rất hạn chế về nguồn nước ngọt, thường vẫn được dẫn từ lục địa qua sẽ tác hại nghiêm trọng cho đời sống của dân chúng tới đâu. Chính vì lẽ đó, cũng như sinh hoạt khó khăn, mà chúng tôi đã có ý nghĩ muốn rời bỏ Hồng Kông đi một nơi khác, hoặc trở về nước. Được một tháng, các anh Việt, Chân, Văn nhận được vé máy bay từ VN gửi qua rồi lên đường về Hà Nội. Tiếp theo sau là hai anh Xuân Tùng và Hoàng Tường cũng từ giã chúng tôi về nước. Như vậy là chỉ còn ba anh em chúng tôi, anh Tạo, Phiên và tôi.
Trước sự việc các anh bỏ về nước, cũng khiến chúng tôi suy nghĩ là có nên theo gót các anh không. Tôi còn nhớ là khi còn sống đầy đủ ở Shaukiwan, một hôm có hai anh Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) và Nguyễn Tường Bách (bác sĩ, em út ông Tam) đến thăm. Anh Bách lúc đó đang sống ở Quảng Châu và làm việc ở một Bệnh viện trong thành phố. Từ khi rời bỏ Côn Minh, các anh Tam, Long, Bách sang sống ở Quảng Châu và thường có liên lạc với anh Xuân Tùng ở Côn Minh. Tới khi CS chiếm trọn Trung Hoa Lục Địa thì chỉ có mình anh Tam di chuyển ra Hồng Kông, còn hai anh Long, Bách tiếp tục ở lại.
Năm 1949, anh Long trong một lần ra Hồng Kông để gặp gỡ gia đình từ Hà Nội qua, khi trở về vì bị bệnh bất thường và mất ở trên tàu lúc về Quảng Châu. Khi gặp anh Bách, và cũng là lần đầu tiên gặp anh, tôi thấy anh mạnh khỏe và lanh lợi.
Trong câu chuyện thăm hỏi, tôi có nói đùa với anh là anh ăn mặc có vẻ tác phong CS quá. Anh đã cười vui và trả lời là “Đúng thật rồi” đồng thời kêu gọi tụi trẻ chúng tôi trở vào Quảng Châu sinh sống với anh. Khi đó, chúng tôi không trả lời, và nghĩ thầm trong bụng là chạy chốn hàng mấy ngàn cây số để được tới đây, mà lại chui vào trở lại cái rọ CS một cách điên rồ như vậy. Do đó mà tôi cứ thắc mắc một người như anh Bách, một đảng viên cao cấp của VNQDĐ đã từng sống và có nhiều liên hệ với VMCS lại chấp nhận ở lại sống với CS cho dù là CS Mao Trạch Đông. Có lẽ anh nghĩ là CS Trung Hoa khác với CSVN và CS đi đúng đường chăng! Hơn bốn mươi năm qua, khi tôi viết lại những dòng ký ức này trên đất Hoa Kỳ thì hiện anh Bách đang có mặt tại Quận Cam (Orange County) thuộc Tiểu Bang California được vài năm. Chúng tôi đã gặp lại nhau và vẫn duy trì tình thân cũ khi xưa.
Rồi tiếp là anh bạn họ Hồ gặp gỡ tại thành phố Quế Dương (Tỉnh Quí Châu) từ khi chia tay ở đó, những tưởng không còn gặp lại nữa, thì đột nhiên anh đã tìm được chỗ ở đến thăm. Chúng tôi chưa hiểu nhau lắm, nhưng cũng đoán được vị trí của nhau rồi, nên hai bên trong câu chuyện trao đổi đều có ý giữ miệng, không thực sự nói lên ý nghĩ của riêng mình. Cuối câu chuyện, anh bạn Hồ đã nói riêng với ba anh em chúng tôi là anh có thể đưa giúp sang Thái Lan nếu muốn.
Thực tâm thì chúng tôi cũng muốn chu du đây đó chứ chưa muốn trở về VN vì lý do Thực dân Pháp vẫn còn thực sự thống trị, mặc dù bề ngoài đã rêu rao là đã trao trả Độc Lập cho VN qua ông Vĩnh Thụy, tức cựu Hoàng Bảo Đại đã thoái vị sau cuộc cách mạng tháng 8/1945, hai là chúng tôi còn quá trẻ, tương lai còn dài. Chúng tôi ước muốn là muốn đi đây, đi đó, nhất là các nước phương Tây để học hỏi, mở thêm tầm hiểu biết, trước khi thực sự tái tục vào con đường tranh đấu chính trị.
Trước đề nghị đột ngột đó, tôi đã nghĩ thầm là có thể anh chàng định đưa ra cái mồi Thái Lan để nhử, vì biết rõ bọn trẻ là thích phiêu lưu. Nhưng thực sự là trên đường đi, tàu sẽ ghé vào Sài Gòn và Phòng Nhì Pháp sẽ xuống mời chúng tôi vào sở Công an, mật vụ ở đường Catina Tư Do. Tuy đoán vậy, chúng tôi vẫn vui vẻ trả lời anh bạn là chấp thuận, nhưng với điều kiện là trước khi lên đường, anh ta phải cung cấp cho chúng tôi một số tiền để sắm quần áo và hành lý. Anh trả lời đồng ý, sẽ quay lại, nhưng rồi từ buổi đó, chúng tôi không còn gặp lại anh ta nữa. Khi nhóm anh Việt và anh Xuân Tùng trở về nước rồi, thì chúng tôi cảm thấy lẻ loi, tiếc nhớ vẩn vơ, dù rằng ở đó còn có gia đình anh Sơn, khi đó đang làm Thư ký cho một hãng tàu thủy Hòa Lan.
Các anh Tam, Sơn, Trí đối xử với chúng tôi như tình anh em trong nhà. Chúng tôi có nhờ anh Sơn giúp xin việc làm bồi tàu, nhưng kết quả không thành, vì công việc đó rất hiếm và khó khăn hơn là xin làm chân thư ký. Sau cùng chúng tôi cùng quyết định là đành trở về VN vậy, nhưng vấn đề là lấy tiền đâu mua vé máy bay. Để giải quyết sự việc, chúng tôi đánh liều tới tòa Lãnh sự Pháp ở Hồng Kông.
Ngày đầu bị trắc trở do nhân viên văn phòng từ chối lấy lý do ông Lãnh Sự đi vắng và hẹn một ngày khác sẽ tiếp. Vài ngày sau theo hẹn, chúng tôi tới tiếp và được ông Chánh văn phòng tòa Lãnh Sự Pháp tiếp. Chúng tôi trình bày hoàn cảnh và đề nghị tòa Lãnh Sự Pháp cấp vé máy bay về Hà Nội, nhưng ông ta cho biết là chỉ có thể giúp vé tàu thủy về Sài Gòn mà thôi.
Tôi đã trả lời là chúng tôi cư trú tại Hà Nội, không có họ hàng thân thuộc ở trong Nam, nên không thể về đó được. Nói tới, nói lui, ông ta cho biết là không thể làm hơn được. Cuối cùng tôi đề nghị ông ta giúp liên hệ với Chính quyền VN ở Bắc Việt cấp phương tiện. Ông ta ghi nhận và sẽ liên lạc với Hà Nội về việc đó, và khi nào có kết quả sẽ thông báo cho chúng tôi biết sau.
Trong khi chờ đợi tin tức ở bên nhà, thì một hôm, chúng tôi lại tiễn đưa ba mẹ con bà Tướng Tàu trở về Đài Loan sum họp với gia đình. Khi ở VN, bà và chồng bà ta có gửi thư thăm hỏi qua chỗ anh Việt. Chúng tôi cũng có qua Cửu Long thăm ông Lưu đức Trung, qua sự giới thiệu của ông Đại làm việc tại tòa Lãnh Sự Pháp. Ông Lưu đức Trung, theo hiểu biết thì ông ta có làm chức vụ Phát Ngôn Viên của Cựu Hoàng Bảo Đại, khi ông này từ Trùng Khánh (Trung Hoa) bỏ sang Hồng Kông sinh sống từ năm 1946. Ông Trung, khi chúng tôi gặp, ông trạc bốn mươi tuổi, khổ người mập mạp, có dáng đường bệ, ăn nói nhã nhặn, linh hoạt, khôn ngoan. Ông sống trong một tòa nhà khá sang, có hai tầng lầu. Ông tiếp chúng tôi tại nơi làm việc của ông ở trên lầu. Khi đó, chúng tôi không rõ mấy về công việc làm của ông ta, hình như vẫn giữ chức vụ cũ, mặc dầu ông Vĩnh Thụy, đã trở về làm Quốc Trưởng sau khi ký Hiệp định Vịnh Hạ Long với Chính Phủ Pháp. Ở Hồng Kông, tôi mới hay là trước khi trở về nước, ông Vĩnh Thụy đã giữ vai trò lãnh đạo của Mặt trận Toàn lực Quốc Gia đặt trụ sở ở Hồng Kông. Sau khi ông này xé rào trở về hợp tác với Pháp, thì Mặt trận cũng tự động giải tán, trong đó có ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn tường Tam, Nguyễn văn Sâm và các nhà cách mạng lưu vong khác.
Chúng tôi tuy còn trẻ tuổi, nhưng vẫn được ông Lưu Đức Trung tiếp đãi thân mật, có lẽ ông nhận biết là chúng tôi đã có một quá trình tranh đấu cách mạng từ các chiến khu trong nước trở ra. Ngày đầu gặp gỡ trong ít phút, ông xin lỗi vì bận việc riêng và hẹn chúng tôi tới ngày khác.
Vài ngày sau, chúng tôi y hẹn tới gặp lại ông ta để tìm hiểu vai trò phát ngôn viên ra sao. Buổi gặp gỡ lần này diễn ra gần một ngày và đột nhiên tôi trở thành nhân viên thư ký của ông ta. Trước hết, ông ta cho chúng tôi biết là chính tại căn nhà này, ông Bảo Đại đã sinh sống suốt thời gian ông ta ở Hồng Kông và mọi sự tài trợ đều do ông ta đài thọ. Ông cũng cho chúng tôi xem những bức hình chụp về gia đình ông Bảo Đại. Riêng về ông Bảo Đại, theo tôi nghe được thì thời gian ở Hồng Kông, ông đã ăn chơi không thua kém gì dưới thời Pháp thuộc. Các cô vũ nữ ở đây ai cũng tự nhận mình là bồ ruột của Bảo Đại cả! Do đó, ông Lưu ở vai trò Phát Ngôn Viên, mà trước khi gặp , chúng tôi phần nào được biết là ông đứng ra làm gạch nối giữa Phòng Nhì Pháp và Bảo Đại, trong lá bài đưa Bảo Đại về nước làm biểu tượng cho phe Quốc Gia chống CS.
Thành thử, trong mọi chuyện với ông Lưu, chúng tôi không phát biểu nhiều và chỉ lắng nghe ông ta nói, đôi khi còn tán dương, làm ông ta thích thú, thổ lộ nhiều hơn. Chính vì chỗ, ông cho chúng tôi là không thuộc phe nhóm nào, nên ông ta đã đề nghị tôi ghi chép tất cả những ý kiến, đề nghị, rồi nhân chuyến chúng tôi trở về VN thì mang về tận tay ông Hoàng Nam Hùng và một người, tôi quên tên ở phố nhà Thờ. Bản ghi chép này khoảng mười tờ giấy khổ lớn, ghi lại quan niệm, đường lối hoạt động chính trị của một Đảng chính trị. Chúng tôi nghĩ thầm trong bụng, ghi thì cứ ghi cho vui lòng ông ta, chứ mang về nước hay không lại là chuyện khác. Khi dùng cơm chiều xong, trước khi chia tay, ông ta cứ nhắc chúng tôi hoài là phải cố gắng mang theo và hết sức thận trọng. Dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý cho qua chuyện, nhưng khi ngồi trên tàu đò trở qua Hồng Kông, tôi đã cho tập giấy bay theo làn gió rơi xuống biển. Tôi đã cho rằng ông Lưu đã quá ngây thơ đánh giá thấp chúng tôi khi bảo mang xấp tài liệu, có nội dung gần như chống Pháp về nước. Tôi không hiểu mục tiêu của ông ta định đạt tới là gì, mặc dù theo tôi hiểu, ông là một nhân viên mật thám Phòng Nhì Pháp. Tuy nhiên, chúng tôi không có mang về, nhưng sau khi có mặt tại Hà Nội, chúng tôi cũng tìm tới hai người mà ông Lưu đề cập tới. Qua cuộc gặp gỡ lần đó, cho tới ngày lên máy bay, chúng tôi không gặp lại ông ta nữa.
Sau này khi ở miền Nam VN, tôi có đọc một tờ báo có đăng rõ tên ông Lưu Đức Trung giữ cấp bậc Đại Tá trong quân lực Cao Đài, thì không hiểu có đúng không (vừa xác nhận với Đại Tá Tạ thành Long, một chức sắc Cao Đài là đúng)
Một tuần lễ sau, chúng tôi nhận được vé máy bay từ Phủ Thủ Hiến Bắc Việt gửi sang qua tòa Lãnh sự Pháp. Việc này xẩy ra là do anh Việt, sau khi trở về Hà Nội, đã liên hệ với anh em Đại Việt Quốc Dân Đảng làm việc ở Phủ Thủ Hiến lo giúp.
Qua thủ tục giấy tờ nhập nội, vài ngày sau, chúng tôi bước lên máy bay trở về nước, mà trong lòng chẳng thấy hồi hộp gì cả. Rồi hai tiếng đồng hồ sau, máy bay đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội vào một buổi chưa hè nóng nực. Không một ai ra đón chúng tôi cả, mà chỉ có mấy tên công an người Việt hỏi han mà thôi. Một tên nhìn tôi một lúc, rồi đột nhiên nói là hắn trông tôi quen quen như bạn học cũ, và hỏi tôi có còn thích đi nữa không. Khi đó, tôi đã tỉnh bơ trả lời: Nếu không thích hợp thì lại ra đi.
Như vậy là sau năm năm rời Hà Nội và gia đình, trải qua những ngày tháng chiến đấu gian khổ trên hai Chiến khu Đệ Tam và Phòng Thô, đến những ngày sống lưu vong nơi xứ người, chúng tôi lại trở lại nơi xuất phát và tiếp tục cuộc hành trình theo một lộ trình mới.
Viết Xong Cuốn I
tại 16142 Parkside Ln, Apt: 3
Huntington Beach, CA 92647
Mùa Thu năm Nhâm Thân, 1992
Mời qúy độc giả đọc cuốn II
Cuốn II: Những ngày phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đến 30-04-1975, đi tù cải tạo và định cư Hoa Kỳ